Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng…
Có lẽ 4 câu thơ này rất quen thuộc với những người yêu nhạc vàng. Trong ca khúc Đoạn Cuối Tình Yêu, nhạc sĩ Tú Nhi (Chế Linh) đã để 4 câu thơ này vào đầu bài hát. Chế Linh từng nói rằng ông đã dựa vào 4 câu thơ này của thi sĩ Nhất Tuấn để viết thành bài nhạc vàng lâm ly bi đát, là tâm sự của một đôi tình nhân vào đêm cuối trước lúc cô gái sang ngang, mọi sự níu kéo đều là vô nghĩa.
Click để nghe Chế Linh hát Đoạn Cuối Tình Yêu trước 1975
Xin nói thêm về 4 câu thơ đã nhắc ở trên. Có lẽ đây cũng là đoạn thơ bị chế nhiều nhất trong dân gian nhiều năm qua. Ai cũng đã từng thoáng nghe những câu thơ chế như:
Nếu biết ngày mai em lấy chồng
Anh về lấy vợ thế là xong
Vợ anh không đẹp bằng em lắm
Nhưng cũng làm anh đỡ chạnh lòng.
hay là:
Nếu biết ngày mai em lấy chồng
Anh về sẽ luyện lại võ công
Luyện xong cú đá liên hoàn cước
Ðể đá chồng em lúc động phòng.
Ai cũng biết những đoạn thơ chế này, nhưng có lẽ có ít người biết được trọn vẹn bài thơ có 4 câu này của Nhất Tuấn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ VÀO THU:
Hôm ấy mùa Thu vào ánh mắt
Nên em buồn chẳng nói câu gì
Dáng sầu như một nàng tu kín
Hai đứa dìu nhau lặng lẽ đi
Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng
Trời buồn nên trời mưa bay bay
Cầm tập thư yêu khẽ thở dài
Em bảo hôm nay lần gặp cuối
Rồi ôm anh khóc lệ đầm vai
Em khóc mà chi… anh tự hỏi
Ngày mai em sẽ lấy chồng giầu
Còn anh kiếp học trò tay trắng
Có dám bao giờ mơ ước đâu.
Hôm nay lại một mùa Thu đến
Anh vẫn buồn như kẻ thất tình
Em vẫn vui như ngày mới cưới…
ai làm dang dở mộng thư sinh?
Nhất Tuấn là thi sĩ ở trong quân đội, nhưng thơ của ông lại được giới học sinh rất yêu thích, và đa phần những bài thơ nổi tiếng của ông là viết cho tuổi học sinh, trong đó bài nổi tiếng nhất là Hoa Học Trò đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc.
Có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ như Vào Thu ở trên, hoặc các bài khác như Hoa Học Trò, Buồn Trong Kỷ Niệm, Trẫm Nhớ Ái Khanh Không của thi sĩ Nhất Tuấn đều rất phù hợp với tâm trạng của những cô cậu thư sinh nhiều thế hệ, nên những bài thơ này thường được viết trong các tập sổ tay học trò ướt đầm nước mắt chia phôi. Mỗi khi đọc lại những vần thơ này, hẳn là ai cũng sẽ rưng rưng nhớ về một thời có nhiều kỷ niệm nhất của đời người.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn