Nhạc sĩ Văn Phụng là một trong những nhạc sĩ thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, cũng là nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất của Sài Gòn trước năm 1975. Thời kỳ dĩa nhựa thịnh hành trong thập niên 1960, nhạc sĩ Văn Phụng cũng là người hòa âm nhiều nhất thời đó, cùng với các nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng khác như Nghiêm Phú Phi, Lê Văn Thiện, Y Vân.
Ông cũng là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Trăng Sơn Cước, Bức Họa Đồng Quê, Yêu, Tình, Ô Mê Ly, Suối Tóc, và đặc biệt là Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn. Hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này gắn liền với chuyện tình trắc trở và nhiều sóng gió của nhạc sĩ Văn Phụng và nữ danh ca Châu Hà. Họ yêu nhau từ thuở thanh xuân, đến khi tóc gần điểm bạc mới chính thức trở thành vợ chồng.
Nhạc sĩ Văn Phụng sinh năm 1930 ở Hà Nội, và ông gắn bó với vùng đất này 24 năm trước khi di cư vào Nam. Thời gian này ông có gặp gỡ và yêu người con gái đất cảng, sau này là ca sĩ nổi tiếng Châu Hà.
Ca sĩ Châu Hà kể lại lần đầu gặp Văn Phụng như trên đài RFA như sau:
“Ngày xưa, ở Hải Phòng, ba của anh Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm, anh Phụng đến thăm ông cụ. Lúc đó, tôi ngồi ở trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Anh ấy nghe thấy tiếng đàn Piano ở trên lầu, mới tò mò bước lên cầu thang, và đứng ở ngưỡng cửa.
Tôi đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa, tôi quay ra thì ra là một chàng trai, không quen biết. Anh ấy cúi đầu chào và tự giới thiệu “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thày tôi ở dưới nhà mà tôi nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn.
Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói: “Suối Tóc”!
Rồi anh ấy quay lại hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh nhìn bản nhạc và đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi. Năm đó là năm 1952”.
Những lời mà danh ca Châu Hà đã kể này đã được nhạc sĩ Văn Phụng ghi lại vào trong âm nhạc, với ca khúc Tiếng Dương Cầm bất hủ:
Đi mãi tìm ai yêu đàn
Bước chân lạc nơi đây chốn nao
Trên lầu ai kia cất cao
Vang tiếng dương cầm thiết tha…
Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Dương Cầm trước 1975
Cũng trong phút giây gặp gỡ đó, khi nhạc sĩ Văn Phụng bị mất hồn bởi suối tóc tơ dài như nhung của người con gái lần đầu tiên gặp mặt, ông đã sáng tác ngay ca khúc mang tên Suối Tóc, để kỷ niệm cho lần gặp gỡ:
Tôi muốn đưa em qua miền rừng núi xanh
Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm
Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền
Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em
Click để nghe danh ca Châu Hà hát Suối Tóc trước 1975
Ngay từ phút đầu gặp gỡ, hai người đã bị tiếng sét ái tình, nhưng bố của Văn Phụng không chấp thuận, đồng thời gia đình Châu Hà cũng không cho phép bà lấy một nghệ sĩ. Phẫn uất và cả 2 bên đều phản đối, Châu Hà đi lấy chồng rồi vào Nam, xa hẳn kỷ niệm, và nhạc sĩ Văn Phụng cũng cưới vợ theo ý muốn của gia đình.
Năm 1954, nhạc sĩ Văn Phụng vào Nam, trở thành nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội và phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Thuở ấy chưa có truyền hình, dĩa hát thì không phải ai cũng có thể sở hữu được, nên công chúng yêu nhạc thường chỉ được tiếp cận các bài hát và ca sĩ thông qua đài phát thanh trong các chương trình mà nhạc sĩ Văn Phụng phụ trách. Tại đây, Văn Phụng gặp lại Châu Hà năm 1955, khi bà đang là một trong những ca sĩ cũng đang hợp tác với đài phát thanh. Chính Văn Phụng là người đề nghị kết hợp 3 giọng hát thượng thặng thành bộ ba Châu Hà, Kim Tước, Mộc Lan, sau đó trở thành ban tam ca nổi tiếng khắp miền Nam, hợp tác với nhau một thời gian rất dài trong các chương trình phát thanh và sau đó là truyền hình.
Tại Sài Gòn, Văn Phụng và Châu Hà nối lại tình xưa nghĩa cũ, bất chấp những rào cản của gia đình, dư luận để đến với nhau. Ca khúc Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn đã ra đời trong hoàn cảnh đầy những bộn bề, trái ngang đó. Lời bài hát này là những tâm sự của người đàn ông khi đã có gia đình nhưng còn vương vấn tình xưa:
Nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau…
Ngoài những ca khúc viết cho Châu Hà đã nhắc đến là Tiếng Dương Cầm, Suối Tóc, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, nhạc sĩ Văn Phụng còn viết rất nhiều ca khúc khác dành tặng cho cuộc tình thắm thiết này, như Yêu Và Mơ, Tiếng Hát Với Cung Đàn...
Vì hoàn cảnh, vì những lời dị nghị, nên họ phải chờ đến 8 năm kể từ sau ngày gặp lại , cuối cùng thì nhạc sĩ Văn Phụng và ca sĩ Châu Hà trở thành đôi bạn đời vào năm 1963 và không bao giờ xa rời nhau cho đến khi Văn Phụng qua đời vào ngày 17/12/1999 tại bang Virginia.
Họ kết hôn năm 1963 và sống hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời năm 1999 ở Hoa Kỳ.
Click để nghe nhạc sĩ Văn Phụng đệm đàn cho Châu Hà hát Suối Tóc
Dù sống với nhau giữa đất Sài Gòn nhưng Văn Phụng và Châu Hà vẫn giữ thói quen và cách sinh hoạt của người Bắc. Hai vợ chồng luôn “tương kính như tân” khiến ai gặp một lần cũng ngưỡng mộ. Khi đã lớn tuổi, họ vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc xưa, hai vợ chồng trân trọng nhau như khách quý. Đây không phải cách cư xử xã giao mà là sự văn minh hiểu biết của một cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn yêu thương và giúp đỡ nhau suốt bao năm. Cả hai luôn dành những từ ngữ trân quý khi nói về nhau.
Ca sĩ Châu Hà mô tả về chồng như sau: Cao 1 thước 65, là một người suốt đời mơ mộng. Ông thích khiêu vũ, đùa vui nghịch ngợm và thích ăn ngon nhưng không thích làm bếp. Ông thích ăn những món như đậu, phở và súp với thói quen luôn xịt thêm tương ớt và “Maggie”. Và đặc biệt thích để vợ hớt tóc ở nhà mà không bao giờ hớt ở tiệm! Đối với vợ con, ông luôn luôn chiều chuộng. Vợ con muốn gì ông cũng làm liền, một cách rất chu đáo. Hoặc trong nhà có gì cần sửa chữa, ông đều tự tay làm lấy.
Ca sĩ Phương Dung từng kể về mối tình của họ như sau:
“Tôi có một thời gian làm việc với nhạc sĩ Văn Phụng. Lúc đó tôi còn bé lắm, đi lên đài phát thanh thì tôi thấy anh Văn Phụng và chị Châu Hà, hai bên đã có gia đình nhưng họ có ánh mắt nhìn nhau đắm đuối, là mình biết họ có tình yêu với nhau. Giữa anh chị em nghệ sĩ, người nào cũng thông cảm cho mối tình này. Sau vài năm, hai bên mới có thể đi đến cuộc sống hạnh phúc.
Lúc đó, tôi làm việc với anh Văn Phụng trong một cuốn phim. Mỗi lần đi quay, tôi thấy hai anh chị dắt theo một bé gái chừng 5, 6 tuổi mà hai người cưng lắm. Đó là kết quả cuộc tình qua nhiều tháng năm gian truân, chờ đợi, yêu nhau và cuối cùng được sống với nhau. Anh Văn Phụng là người rất đẹp trai, thân thiện, lần nào đi cùng đoàn cũng pha trò rất vui để mọi người cười”.
Khi nhạc sĩ Văn Phụng mất tròn 20 năm trước, ca sĩ Châu Hà đã khắc tên mình lên bia mộ chồng. Lúc đó nhiều người đã nói với bà đó là điềm gở, nhưng bà mặc kệ, nói rằng nếu thật là điềm gở thì cũng là may mắn cho bà vì được đi theo chồng. Trong vòng 10 năm sau khi chồng mất, ca sĩ Châu Hà không đi đâu, chỉ ở nhà.
Trước khi qua đời, Văn Phụng biết là ông sắp ra đi nên viết ra 3 ca khúc gửi lại vợ là “Vĩnh Biệt Châu Hà”, “Em ở Lại” và “Anh Đi”…
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn