Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thời trẻ được mô tả là một công tử nhà giàu, tính tình lãng mạn và phóng khoáng. Có nhiều giai thoại về những cuộc tình của ông với nhiều người đẹp nức tiếng hồi 70 năm trước. Tuy nhiên người vợ của ông thì chỉ có một, đó là một người phụ nữ cùng tuổi, cùng lớp, và họ cưới nhau khi mới 18 tuổi.
Sau khi lấy vợ, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẫn tiếp tục những cuộc phiêu lưu tình ái, và người vợ của ông phải ngậm ngùi đứng đằng sau để lo toan cho cuộc sống gia đình. Có lẽ vì bà biết rằng khi đã chấp nhận lấy một người chồng nghệ sĩ như Đoàn Chuẩn, lại đẹp trai, phong lưu, thì những cuộc tình ngoài luồng của ông là không thể tránh. Dẫu sao thì sau những cuộc tình như gió thoảng mây bay đó, ông vẫn quay về với vợ con, và họ vẫn sống với nhau đến trọn đời. Và có thể bà cũng biết rằng nhờ những cuộc phiêu lưu tình ái đó của Đoàn Chuẩn mà ông có chất xúc tác để viết thành những tình khúc bất hủ cho đời. Bà đã từng nói: “Ông có đa tình, lãng mạn thì mới viết hay được”.
Đó là sự hy sinh của một người vợ khi bà hiểu rõ tính cách phóng khoáng và tâm hồn nghệ sĩ đa sầu đa cảm của chồng.
Sau này vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chia sẻ:
“Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả. Ông viết Đường Về Việt Bắc, nhớ nhà, nhớ vợ và màu tím áo lụa Hà Đông tôi mặc khi còn đi học. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông tặng tình ca cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy”. (Theo báo Phụ Nữ – Xuân 2001).
Suốt một thời tuổi trẻ cất công đi chinh phục nhiều người đẹp, nhưng có một người mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không phải mất một bông hoa, công sức và thời gian nào để chinh phục mà cuối cùng trở thành vợ. Bà tên là Nguyễn Thị Xuyên.
Bà Xuyên cùng học một lớp với ông, nết na, xinh đẹp, thường hay mặc áo dài màu tím, con nhà gia giáo. Mẹ của bà Xuyên hay bán nụ vối trước cửa. Một lần, bà thấy một người đàn bà có vẻ quý phái, sang trọng đi xích lô đến trước cửa nhà mình hỏi mua nụ vối. Nhưng bà này không như những người khác chỉ mua một vài lạng mà mua cả một xe. Mấy ngày sau, bà khách quay lại mang theo đồ ăn hỏi cho con trai. Thì ra bà này là mẹ của Đoàn Chuẩn, lần trước giả vờ đến mua nụ vối là để xem mặt và cung cách của cô con dâu tương lai. Thế là từ đó, chàng nhạc sỹ trẻ và cô bạn cùng lớp nên duyên và chính thức hò hẹn rồi trở thành vợ chồng. Năm đó cả hai người mới 18 tuổi.
Sau này bà Xuyên kể lại:
“Cái anh chàng ấy có nói với tôi câu nào đâu, tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật. Tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên quá… Sau đó tôi đến lớp thấy sợ và ngượng lắm. Ông Chuẩn cứ lờ đi như không chuyện gì. Rồi lâu dần để ý nhau mà có tình ý. Bạn bè trong lớp biết được, chúng trêu quá… bị chế nhiều, tôi xấu hổ phải bỏ học giữa chừng khi còn chưa đến kỳ nghỉ hè…”
Đám cưới được tổ chức vào dịp hè năm đó.
Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn kể về cha mẹ như sau: “Thời đó, Đoàn Chuẩn và bà Nguyễn Thị Xuyên học chung một lớp, cả hai đều nói tiếng Anh và Pháp rất giỏi. Quá si mê cô gái đẹp người đẹp nết, Đoàn Chuẩn về xin bố mẹ cho cưới vợ. “Bà nội tôi liền đến nhà mẹ tìm hiểu thì thấy gia đình nhà mẹ rất gia giáo và đồng ý liền. Chiến tranh ngăn cách, gia đình nhà tôi chia ra làm hai, một nửa lên chiến khu Việt Bắc, một nửa ở lại. Mẹ tôi ngày đó hay mặc áo tím, khi bố lên thăm mẹ bồi hồi quá viết luôn ca khúc Đường Về Việt Bắc nên mới có hình ảnh người con gái áo tím trong bài hát”
Con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng cho biết thêm, mẹ ông là một người phụ nữ tuyệt vời, không chỉ chăm sóc chồng từng bữa ăn giấc ngủ mà bà còn rất khéo léo trong cách ứng xử với những “bóng hồng” của chồng. Từng nghe nhiều giai thoại về chồng nhưng bà bỏ qua hết và luôn ủng hộ chồng trong sự nghiệp âm nhạc.
“Mẹ tôi từng bảo phải có những tình cảm đó thì mới sáng tác được. Cũng chính bởi sự hiểu chuyện và bao dung ấy của mẹ tôi mà các “bóng hồng” khác rất tôn trọng bà. Đó cũng chính là điều khiến bố mẹ tôi sống hạnh phúc đến tận đầu bạc.
Mẹ tôi rất tự hào vì ca khúc Đường về Việt Bắc là bố viết riêng tặng mẹ. Mẹ bảo chỉ cần một bài đó là đủ rồi, còn những bài hát khác bố viết tặng ai hay liên quan đến ai thì mẹ cũng không phiền lòng” – Nghệ sĩ Đoàn Đính nói.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết nhạc tặng cho nhiều giai nhân, và ông cũng có 2 ca khúc viết cho người vợ thủy chung của mình. Ca khúc được nhiều người biết đến là Đường Về Việt Bắc, để bày tỏ tâm sự của ông đối với vợ lúc xa cách khi từ bỏ cuộc sống ấm no nơi đô hội để bước chân vào Khu Bốn, sau khi đã đưa vợ con di tản lên vùng núi đồi Việt Bắc:
Dù yêu rất nhiều người đẹp, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẫn gắn bó với vợ cho đến những ngày cuối đời, chưa một lần chia lìa, cách biệt. Chuyện bà Đoàn Chuẩn hay ghen chồng cũng được nhiều người đồn đoán. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Đoàn Đính, bà không phải là người quản lý chồng theo thói quen thường thấy. Ngược lại bà hiểu tính cách phóng khoáng và tâm hồn nghệ sĩ đa sầu đa cảm của ông.
Chỉ có duy nhất một lần bà đi đánh ghen nhưng đánh ghen một cách nhẹ nhàng, thâm thúy. Chuyện là hồi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mê một cô ca sĩ nổi tiếng Hà Nội. Nàng là bóng hồng đã tạo nên rung cảm đẹp và trở thành giai nhân trong 6 bản tình ca tuyệt hay của ông. Người đẹp cũng đem lòng yêu chàng nhạc sĩ tài hoa, giàu có.
Chuyện đến tai vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Bà đã lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội để gặp tình địch. Tuy vậy, đã không có một cuộc đa’nh ghen ầm ĩ nào xảy ra. Bà chỉ nhẹ nhàng nói với cô ca sĩ xinh đẹp rằng: “Cô yêu anh ấy một thì tôi yêu anh ấy mười. Nếu anh ấy có thể bỏ tôi để đi theo cô thì sau này anh ấy cũng có thể bỏ cô để theo người khác. Nếu cô chấp nhận như vậy, thì cô có thể nuôi ba đứa con của anh ấy không?”.
Nghe nói, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, người đẹp kia đã quyết định trả lại toàn bộ thư từ, ca khúc cho nhạc sĩ và vĩnh biệt rời xa ông. Không lâu sau đó, cô cũng vội vã đi lấy chồng.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời năm 2001. Sáu năm sau, bà Nguyễn Thị Xuyên cũng qua đời. Nghệ sĩ Đoàn Đính kể rằng 3 ngày sau khi bà mất, Đoàn Đính bất chợt nằm mơ thấy bố và mẹ mình gặp nhau và ôm chầm lấy nhau: “Điều này khiến tôi tin rằng ở cõi bên kia cũng có sự sống, và có lẽ bố mẹ tôi đã rất hạnh phúc khi được gặp lại nhau” – Nghệ sĩ Đoàn Đính tâm sự.
Sau đây là lời bài hát mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết trong những ngày xa cách và nhớ nhung người vợ hiền của mình. Ca khúc Đường Về Việt Bắc:
Chiều nào áo tím nhiều quá
Lòng thấy rộn ràng nhớ người
Ðường về Việt Bắc xa cách mây
Nhìn về đường lối muôn khó khăn
Ðây núi cao, đây suối sâu
Ðây lá xanh như ngàn xưa
Ðường về ngập gió tha phương
Tiếc đời gấm hoa ta đành quên
màu sắc núi rừng…
Qua bao rừng núi anh về đây
Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây
Ðường về Việt Bắc xa xôi rừng núi
Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi
Ðường về Việt Bắc xa xôi núi đồi
Chiều nào áo tím nhiều quá
Lòng thấy rộn ràng nhớ người
Dù đời chinh chiến xa cách nhau
Tình đầu âu yếm quên nhớ chăng?
Anh quên sao, đôi mắt em
Đôi môi xinh, nụ cười tươi
Đường về lả lướt bóng ai
Những chiều gió thu qua mành the
thầm nhắc anh về…
Muốn bao tà áo xanh mùa thu
Muốn bao quầng mắt đa tình sao
Lòng dù xao xuyến nhớ em nhiều quá
Anh nhớ tới em những khi chiều xuống
Đường về Việt Bắc xa xa núi đồi…
Nghe bài hát Đường Về Việt Bắc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với sự trình bày của ca sĩ Đoàn Chính (Con trai của Đoàn Chuẩn và bà Xuyên)
Bản chép tay ca khúc Đường Về Việt Bắc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
Khi bài hát được phát hành tờ nhạc ở miền Nam sau 1954, nhà xuất bản đổi tựa đề thành Đường Về Miền Bắc
(nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn)