Sài Gòn có khi dầm dề những cơn mưa, có khi nắng gay gắt như một cô nàng đỏng đảnh. Sau rằm tháng 7 người Sài Gòn bắt đầu tục cúng cô hồn, còn đối với lũ trẻ, chúng gọi đó là “mùa Giựt Cô Hồn”.
Giựt cô hồn xuất phát từ tục Cúng cô hồn
Tục cúng cô hồn cũng được xem là nét văn hóa và xuất phát từ rất lâu. Người ta sẽ dọn một mâm đồ cúng ra ngoài đường để cầu an cho những vong linh còn phiêu bạt. Tục cúng cô hồn còn có tên gọi khác là tục cúng chúng sinh.
Trong mâm cúng, người ta chọn bánh, kẹo, trái cây, cháo, nhà nào khá hơn sẽ chọn cúng gà, heo quay. Sau khi cúng xong, đồ cúng sẽ được tự do phân phát cho người nghèo, người đi đường. Trong một khu phố có thể thấy hình ảnh rất nhiều những đứa trẻ đua nhau đến giựt các mâm đồ cúng. Có lẽ càng ngày càng nhiều lũ trẻ giựt cô hồn nên mâm đồ cúng dần thay đổi gồm trái cây và bánh kẹo, thức ăn vặt, thậm chí là đậu phộng, bắp rang.
Ý nghĩa của tục cúng cô hồn?
Ở góc độ nhân văn, tục cúng cô hồn mang ý nghĩa đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí. Trong mâm cúng, các món chọn cúng không cần phải quá cao sang, những loại đồ ăn mặn càng không vì nó gợi lên lòng tham và sự ghen tỵ.
Ngoài ý nghĩa xá tội vong nhân, giúp đỡ, bố thí ma đói để các vong linh không quấy nhiễu gia chủ giúp họ yên ổn làm ăn, tục giựt cô hồn sau khi cúng cô hồn xem như việc giúp đỡ cho cả người trần và người âm.
Vì sao cúng cô hồn lại mong bị giựt?
Dân gian cho rằng: “Đồ cúng phải giựt mới linh”. Ở Sài Gòn người ta quan niệm cúng cô hồn phải có người đến giựt mới hên. Có khi đang cúng đã có người tới bưng cả mâm đi. Hành động này không phải là cướp giật gây phản cảm mà chính là phong tục, văn hóa của người miền Nam hay người Sài Gòn.
Đối với người đi giựt, việc giựt đồ cúng không có ý nghĩa là tranh giành đồ ăn với ma, không cần phải tránh né mà đó còn là nét đẹp văn hóa người Việt. Trong trường hợp các lễ vật cúng cô hồn không được ai giựt, gia chủ phải mang đồ cúng bỏ đi chứ không mang chúng về nhà.
Giựt cô hồn – Tuổi thơ của những đứa trẻ
Đi giựt cô hồn, có những đứa trẻ đi chung một nhóm, có đứa lại đi riêng lẻ. Lũ trẻ trong xóm xem việc giựt cô hồn là một trò chơi đặc sắc của tuổi thơ. Chiến thuật chơi ở đây là: đứa làm nhiệm vụ ngăn cản, làm vòng ngoài bảo vệ, đứa làm nhiệm vụ mở đường, xông vào địa bàn và bê mâm cúng chạy.
Giựt cô hồn diễn ra trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè, trước khi lũ trẻ quay trở lại trường học. Có khi tan học về thấy chỗ nào còn cúng, lũ trẻ cũng nhào xuống giựt luôn. Đó được xem như một phần thú vui không thể nào quên trong ký ức tuổi thơ.
Việc trẻ con tụ tập đi giựt cô hồn làm cho tháng 7 trở nên bớt ảm đạm và đáng sợ. Tiếng cười của lũ trẻ con mỗi khi giựt được một món đồ cúng đã làm bừng lên một tuổi thơ đẹp đẽ khó quên.
Giựt cô hồn của ngày nay
Chưa tới rằm tháng Bảy đã tranh nhau ‘giựt cô hồn’, người ta ngày càng phát hoảng với những cảnh tượng người dân xô đẩy giành cả rổ đồ cúng.
Năm nào cũng có “giựt cô hồn”, và năm nào dân tình cũng sợ hãi với những cảnh tượng chen lấn dẫm đạp lên nhau để lấy vài chiếc bánh, con gà, khúc mía.
Đến hẹn lại lên, bước sang tháng Bảy âm lịch là nhiều người lại háo hức đón chờ lễ cúng rằm để được “giựt cô hồn”. Theo phong tục xưa của người Nam Bộ thì các gia đình sẽ phải chuẩn bị một mâm cúng thật tươm tất để “mua chuộc” nhằm gây thiện cảm với các vong linh vất vưởng, để họ thương tình mà không quấy phá. Làm lễ cúng rằm xong, gia chủ sẽ mang mâm cúng đi bố thí chứ không giữ lại trong nhà. Lúc đó, trẻ con sẽ xúm lại để giành nhau những gói bánh, chiếc kẹo, miếng thịt, con gà, hoa quả… mà không bị “cô hồn” nổi giận.
Lâu dần, phong tục này ngày càng phổ biến, mâm cúng được “nâng cấp” hơn với những món cao lương mỹ vị kèm theo tiền mặt mệnh giá lớn, không chỉ đơn giản xuề xòa là gạo, muối, vàng mã, hoa, bánh kẹo như xưa. Và kéo theo đó, “giựt cô hồn” không chỉ có trẻ con, mà người lớn cũng nhào vào tranh cướp, khiến cho ý nghĩa của phong tục này biến tướng đi ít nhiều.
Vừa mới đầu tháng Bảy âm lịch thôi, cư dân mạng lại share nhau một chiếc clip nhỏ ghi lại cảnh “giựt cô hồn”, không rõ xảy ra ở Sài Gòn hay chỗ nào, nhưng cảnh tượng xô đẩy giành nhau từng món ăn được gia chủ quăng ra đường khiến ai cũng phát hoảng.
Cảnh tượng trên vốn đã quá quen thuộc, nhưng năm nào trông thấy người ta cũng “sởn da gà”. Từ đám thanh niên sức dài vai rộng cho đến lũ trẻ lít nhít, cả người già, gia chủ chưa cúng xong đã lao vào tranh giành, giống “cướp đồ” chứ không còn là nhặt đồ cúng vui vẻ như xưa nữa.
Theo Duy Truong (ifind.vn)