Kể từ khi chính thức bước vào nghề năm 1957 với vai diễn Tam Nương trong phim Người Đẹp Bình Dương, nữ minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng đã trở người đẹp nổi danh nhất Sài Gòn và là một biểu tượng của sắc đẹp miền Nam. Biệt danh “Người Đẹp Bình Dương” cũng gắn liền với Thẩm Thúy Hằng từ đó, và trong giới nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu điện ảnh trước 1975 ở Sài Gòn, không có nhiều người được vinh dự có biệt danh như vậy, ngoài “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga thì có “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng.
Mới nghe qua biệt danh này, nhiều người sẽ tưởng lầm là Thẩm Thúy Hằng nếu không xuất thân ở tỉnh Bình Dương thì cũng có liên hệ gì đó đến vùng đất gốm cách Sài Gòn khoảng hơn 30 cây số về hướng Bắc này. Ít người biết rằng thực ra “Người Đẹp Bình Dương” lại có xuất xứ từ… Trung Quốc.
Trở lại vào năm Thẩm Thúy Hằng 16 tuổi, vô tình (và là một định mệnh) cô nhận được từ tay một cô bạn thân tên là Thúy một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên đóng phim của hãng phim danh tiếng Mỹ Vân tổ chức, người đoạt giải sẽ được sang Hongkong theo học diễn xuất. Vì còn rất nhỏ tuổi nên cô nữ sinh tên thật là Nguyễn Kim Phụng đã lén gia đình ghi danh thi tuyển. Nhờ sắc vóc hoàn hảo và bản năng diễn xuất tốt, Nguyễn Kim Phụng đã xuất sắc vượt qua 2000 thí sinh để giành giải nhất với nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. Nghệ danh này được giải thích là tên Hằng được lấy theo tên con sông Hằng của Ấn Độ, vì Thẩm Thúy Hằng là một tín đồ Phật giáo nhiệt thành. Thúy là tên cô bạn thân đã khuyến khích cô thi tuyển, và Thẩm là họ của nhạc sĩ Thẩm Oánh, một người mà Thẩm Thúy Hằng rất ngưỡng mộ.
Nhờ thắng cuộc thi tuyển lựa diễn viên nên Thẩm Thúy Hằng được hãng phim Mỹ Vân giao cho vai chính Tam Nương trong phim Người Đẹp Bình Dương. Vậy Bình Dương ở đây có phải là tỉnh Bình Dương hiện nay? Thực ra cái tên này không liên quan gì đến địa danh nổi tiếng với các vườn trái cây hay là nhiều lò gốm của đất Thủ – Bình Dương, mà chỉ là một địa danh cổ ở bên Trung Quốc.
Đạo diễn của phim này là nghệ sĩ Năm Châu, tức soạn giả Nguyễn Thành Châu, hợp tác với hãng phim Mỹ Vân, đã dựa vào câu chuyện trong một cuốn sách của Tàu viết kịch bản cho phim, và dùng địa danh cùng nhân vật nữ chính đặt tựa cho phim “Người Đẹp Bình Dương”.
Về sau này, có một ký giả kịch trường hỏi đạo diễn Năm Châu tại sao lại lấy tên phim là Người Đẹp Bình Dương dễ nhầm lẫn với địa danh Bình Dương – Thủ Dầu Một. Nghệ sĩ Năm Châu trả lời rằng ông viết truyện phim dựa vào câu chuyện nhân gian bên Tàu, và lúc quay cuốn phim “Người Đẹp Bình Dương” thì tỉnh Thủ Dầu Một chưa đổi tên thành Bình Dương. Thật trùng hợp là khi phim vừa ra mắt khán giả thì lại đúng vào lúc có sắc lệnh của chính phủ đổi tên nhiều tỉnh, trong đó tỉnh Thủ Dầu Một đổi thành tỉnh Bình Dương.
Phim Người Đẹp Bình Dương được trình chiếu từ cuối năm 1957, nhưng thực ra trước đó 1 năm, chính quyền đệ nhất cộng hòa đã đổi và tách nhiều tỉnh, trong đó tỉnh Thủ Dầu Một chia thành 3 tỉnh là Bình Dương, Bình Long và Phước Long năm 1956. Tuy nhiên lúc đó sắc lệnh của chính quyền ban ra còn phải mất nhiều thời gian để thi hành các thủ tục hành chính và ban bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (vốn vẫn còn kém đa dạng), nên phải 1 năm sau đó thì nghệ sĩ Năm Châu mới biết thông tin về tỉnh Bình Dương.
Sau năm 1975, 3 tỉnh Bình Dương – Bình Long – Phước Long lại được nhập lại thành tỉnh Sông Bé, và hơn 20 năm sau đó (1997) thì lại tách một lần nữa thành 2 tỉnh là Bình Dương và Bình Phước (ghép tên từ 2 tỉnh cũ là Bình Long – Phước Long).
Trở lại với cuốn phim cổ trang Người Đẹp Bình Dương, có nội dung đề cao lòng hiếu thảo của cô gái Tam Nương, dù bị gia đình ghét bỏ vì có ngoại hình xấu xí. Trải qua những gian truân, cô gái Tam Nương từ vịt con đã hóa thành thiên nga xinh đẹp và được kết duyên cùng hoàng tử khôi ngô. Cốt truyện của phim đơn giản theo kiểu cô gái lọ lem gặp được hoàng tử, dù không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng gây tiếng vang trên báo chí và có công giới thiệu một tên tuổi sáng chói trong bầu trời nghệ thuật miền Nam: Thẩm Thúy Hằng. Phim được trình chiếu vào dịp Noel 1957 và năm mới 1958, với chiến lược quảng cáo rất bài bản của hãng phim Mỹ Vân và đã thu hút được một lượng rất lớn khán giả kéo đến rạp và trở thành một hiện tượng điện ảnh.
Từ cuốn phim này, vẻ đẹp mỹ miều, sang trọng của Thẩm Thúy Hằng đã trở thành đại diện cho điện ảnh Sài Gòn, là chuẩn mực về nhan sắc của phụ nữ Miền Nam thời đó. Sự nghiệp điện ảnh của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao và nhanh chóng trở thành ngôi sao số 1 trong làng nghệ thuật, giữ kỷ lục về số phim nhựa tham gia là 60 phim, với tiền cát-xê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một kg vàng 9999 thời bấy giờ).
nhacxua.vn biên soạn