Xin đăng lại bài của tuần báo Tuổi Ngọc trên số 141 phát hành ngày 5-8-1974, phỏng vấn thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên khi ông 22 tuổi, đang là sinh viên trường Luật, được trích lại từ tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 45 tháng 1-2011.
(T.N viết tắt Tuổi Ngọc, N.T.N viết tắt Nguyễn Tất Nhiên)
T.N: Bạn làm thơ nhiều?
N.T.N: Thưa, ít. Bởi tôi rất quí chữ nghĩa, nên lúc nào cũng tự khó khăn với chính mình. Thứ nữa, tôi rất sợ làm độc giả thất vọng hay nói cách khác, tôi rất sợ bị chê!
T.N: Có bài thơ nào bạn cho là ưng ý nhất?
N.T.N: Thật tình mà nói, bài nào vừa viết xong tôi cũng ngỡ là ưng ý nhất, chỉ sau thời gian thấy chán nhiều hay chán ít, thế thôi. Tuy nhiên, tôi có yêu một bài thơ làm hồi năm 1970, nhan đề Linh Mục, được anh Nguyễn Đức Quang phổ nhạc lần đầu tiên. Bài thơ ấy tôi muốn ví cái hiền lành cái thánh thiện của mình năm 18 tuổi như một vị linh mục. Mà, thi sĩ là một hình thức “linh mục” đi rao giảng lời tình.
T.N: Những bài thơ đã phổ nhạc có phải là những bài thơ bạn ưng ý?
N.T.N: Thưa, không. Như đã nói, tôi chi yêu một bài thơ cũ, Linh Mục. Thuở ấy, tôi thiệt thà đôn hậu lắm. Thuở ấy nhà tu sáng chói trong tôi. Thuở ấy…
T.N: Thuở ấy, có phải bạn sắp nhắc tới tên một người con gái?
N.T.N: Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài. Cũng nên mở dấu ngoặc nơi đây. Duyên sắp có chồng!
T.N: Trường hợp nào thơ Nguyễn Tất Nhiên gặp Phạm Duy?
N.T.N: Tình cờ, khá tình cờ. Hãy xem là “duyên văn nghệ” giữa một già một trẻ.
T.N: Nguyễn Tất Nhiên có in một tập thơ?
N.T.N: Vâng, tập Thiên Tai, năm 1970, ngồi lớp 12B. Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Tập thơ vừa in xong thì bão lụt miền Trung ầm ầm, quả là Thiên Tai! Nhân đây, tôi muốn nhắc đến hai người ơn. Anh Đinh Cường đã đem tên Đinh Cường của mình ký hẳn hoi lên bìa “chùa” vẽ cho thằng con nít tôi, hồi đó. Cha Lê Hoàng Yến, giám đốc trường trung học Khiết Tâm – Biên Hòa – đã tận tình giúp đỡ, thương mến tôi, trong khi, chính những thầy tôi lại lơ là, khi dễ.
T.N: Tại sao tập thơ tình lại có nhan Thiên Tai?
N.T.N: Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi nghĩ vậy!
T.N: Và dự định về một tập thơ kế tiếp?
N.T.N: Đó là chuyện năm tới. Tôi đang nghĩ tới một tập mới với tựa Thơ Nguyễn Tất Nhiên.
T.N: Bạn đã gặp may mắn hay trở ngại nào ở tập thơ thứ nhất?
N.T.N: Như cái nhan đề của nó vậy. Và còn ảnh hưởng về sau này. Cũng nhân đây, tôi muốn ngỏ lời cám ơn các bạn nhỏ của tôi ở Ngô Quyền, Biên Hòa. Đã tiếp tay giúp tôi trong những sinh hoạt văn nghệ. Và cũng là một lời xin lỗi. Mong các bạn nhỏ hiểu giùm, đợi một ngày gần đây.
T.N: Nguyễn Tất Nhiên có viết văn? Dự tính của bạn ở ngòi bút viết văn này?
N.T.N: Vâng, tôi có viết văn, nhưng chưa tự tin lắm nơi ngòi bút lúc này. Dự tính ư? Phải nói là ý muốn thì đúng hơn! Tôi muốn trải hết lòng mình, đời mình ra giấy trắng chữ in. Tôi muốn thấy những quyển truyện đời tôi được tiểu thuyết hóa trưng bày đầy các nhà sách, mà đọc giả chỉ cần khen: “văn thằng ấy viết dễ thương quá” đủ rồi.
Trong tập truyện sắp in, tôi viết ở trang đầu: “Tôi viết văn vì thơ chưa nói hết. Nếu có sự lựa chọn giữa tác phẩm và hạnh phúc, tôi sẽ là kẻ vói tay về phía hạnh phúc, nhưng hạnh phúc mãi tan tành nên tác phẩm rơi rớt lại trần gian!”
T.N: Bạn cho bạn ngọc biết qua về đời sống riêng của bạn một chút nếu tiện, chẳng hạn như sinh hoạt chính hàng ngày?
N.T.N: Học Luật. Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạt chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình. Lúc gần đây, có thêm một đam mê mới: Kịch Nghệ. Anh Lê Cung Bắc là người khuyến khích và hướng dẫn tôi trên địa hạt này.
T.N: Đọc Tuổi Ngọc. bạn thấy cần đóng góp một ý kiến gì chăng?
N.T.N: Đã có hàng khối ý kiến của bạn ngọc rồi. Nói năng chi cũng thừa!
T.N: Cuối cùng. Nguyễn Tất Nhiên, bạn còn muốn nói thêm gì chăng?
N.T.N: Có lẽ, nên thôi. Bởi tôi sắp sửa đề cập tới nàng con gái khác, trong bài “Hai năm tình lận đận”. Nàng con gái khác nữa. trong bài “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”…
Trong khi, tôi muốn lúc nào tôi cũng một tên Duyên!
(Sưu tập từ Tuần báo Tuổi Ngọc số 141 phát hành 5-8-1974)
(Nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 45 tháng 1-2011)