Đây là một trong những bài viết đầu tiên của báo chí Saigon trước 1975 viết về ca sĩ Thanh Thúy lúc cô mới 16 tuổi. Bài viết của ký giả Hoài Giang Ngọc đăng trên tờ Điện Ảnh số 57, phát hành ngày 14 tháng 3 năm 1959, cách đây hơn 60 năm. Đây là khoảng thời gian ca sĩ Thanh Thúy đang hát tại phòng trà Việt Long hoặc vũ trường Văn Cảnh…
Đọc bài này, có thể thấy ngày xưa, tuy tuổi còn rất nhỏ nhưng những ca sĩ ngày đó đã rất chững chạc, phần trả lời nhã nhặn nhưng cũng rất hóm hỉnh. Ngoài ra, qua phần trò chuyện này, độc giả sẽ phần nào hình dung được cuộc sống của ca sĩ Thanh Thúy ở thời 65 năm trước. Mời các bạn cùng đọc.
Sau khi nhận lời với anh Tổng Thư Ký, tôi mới chợt nhớ ra rằng tối hôm nay tôi phải “pẹc-ma-năng”, không thể bỏ sở để đến trà thất Việt Long hay tiệm nhẩy Văn Cảnh gặp Thanh Thúy được. Tôi ngồi băn khoăn mãi trước bàn làm việc, sáng sớm mai thợ nhà in đã lên khuôn rồi mà đến bây giờ 12 giờ đêm vẫn chưa có bài cho tòa soạn. Đôi khi tôi đã định “dọt” đi trong vòng nửa tiếng để làm tròn lời hứa, nhưng… lương tâm chức nghiệp không cho phép, nên tôi lại ngồi yên. Bỗng dưng tôi để ý đến chiếc máy điện thoại. Một lối giải quyết thuận tiện nhất. Tôi cầm ống nói:
- A lô, phòng trà Văn Cảnh. Cho tôi gặp cô Thanh Thúy.
Một lát sau có tiếng nhỏ nhẻ ở đầu dây nói bên kia lẫn trong tiếng nhạc xa xa:
- A lô, tôi, Thanh Thúy…
- Ồ quý quá, quý quá. Thanh Thúy có thể nói chuyện với tôi mươi mười lăm phút được không.
- Dạ, thưa…
- À vâng, tôi Hoài Giang Ngọc đây.
- Ồ anh! Lâu lắm mới lại thấy anh…
- Có thấy đâu, nghe thôi chứ…
Có tiếng Thanh Thúy cười se sẽ:
- Gặp anh là lý sự rồi. Có chuyện gì, mời anh đến đây chơi.
- Ờ không được…
- Thúy mời anh kia mà…
- Cũng “hổng có được”. Anh đang bận kinh khủng. Anh muốn Thúy trả lời anh mấy câu hỏi… lăng nhăng này nhé.
- Để làm gì hở anh?
- Để đăng báo Điện Ảnh chứ còn làm gì nữa.
- Vâng, với anh thì Thúy… đồng ý ngay.
Đến lượt tôi suy nghĩ một phút rồi vào đề:
- Thúy bước chân vào nghề hát từ ngày nào nhỉ?
- Năm 1957 Thúy nghỉ học, hồi ấy Thúy đang học đệ ngũ. Thế rồi cuối năm ấy Thúy ra hát.
- Năm nay Thúy bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười tám tuổi chẵn đấy anh ạ. Năm ngoái cũng có báo viết nhầm là Thúy 18, nhưng thật sự năm ngoái mới có 17…
- Và dĩ nhiên năm nay phải là 18 và như thế Thúy bắt đầu hát từ năm 16 tuổi. Tuổi vắt mũi chưa sạch chứ gì.
Thanh Thúy trả lời một câu ngây thơ… cũng kinh khủng:
- Sạch rồi chứ. Anh chỉ hay chế em thôi.
Tôi cười, quay sang chuyện khác:
- Trong các loại nhạc, Thúy thích loại nào?
- Loại buồn buồn, mơ mơ, êm êm ấy. Nhạc Việt như “Dìu Nhau Đi Trong Phố Vắng”, “Nhạt Nắng” và… vân vân… Nhạc ngoại quốc như “Tristesse Chopin”, “Let Me Go Lover”, “The River of No Return”.
- Hề hề, biết ngay mà, một triệu cô con gái đời nay đều thích “mơ huyền” cái kiểu ấy. Còn “ciné” thì lại thích loại tình cảm, xã hội, lâm ly như là… “Un Certain Sourire”, “Symphonie Inachevée”.
- Chịu anh đấy…
- Ngoài cái thú ciné, hàng ngày ở nhà Thúy còn trò gì giải trí lành mạnh nữa không?
Thanh Thúy ngần ngừ một phút rồi đáp:
- Có chứ, đọc sách báo, tiểu thuyết…
- Tiểu thuyết diễm tình?
- Ứ, không. Tiểu thuyết… tình cảm xã hội chứ lỵ.
- Ngoài ra Thúy còn làm gì nữa không?
Tôi nghe thấy tiếng lục cục ở điện thoại, có lẽ là Thanh Thúy… lắc đầu hay là bàn tay xinh xinh ấy đang táy máy đánh nhịp trên hộp số để tìm câu trả lời. Vài giây ngắn ngủi sau, tiếng Thanh Thúy tâm sự, lần này giọng nói nhỏ hơn và êm đềm hơn bao giờ hết, tôi nghe như một hơi gió dài và buồn:
- Có lẽ nói thế này anh sẽ cười Thúy nhưng sự thật là thế anh ạ. Ngoài việc đọc sách báo ra, Thúy… ngủ. Anh tính Thúy làm việc mỗi ngày nhiều quá, chương trình thường lệ là cứ 7 giờ đến 9 giờ hát ở phòng trà Văn Cảnh, 9 giờ đến 11 giờ ở trà thất Việt Long, rồi lại từ Việt Long về Văn Cảnh hát từ 12 giờ cho đến 2 giờ sáng. Chủ Nhật thêm suất 9 đến 12 giờ sáng nữa. Ấy là không kể đôi khi còn hát ở đài quân đội hay hát “attraction” các nơi. Mệt quá anh ạ! Về nhà chẳng còn làm gì thêm được nữa.
Cảm thông với nỗi mệt nhọc của Thanh Thúy, tôi hỏi sang vấn đề khác:
- Bà cụ và hai em Thúy vẫn mạnh đấy chứ?
- Vâng cảm ơn anh, khi nào rảnh anh đến chơi nhé.
- Anh sẽ đến, nhưng Thúy ngủ cả ngày như thế thì ai sẽ nói chuyện với anh. À này, hai cô em gái của Thúy sau này liệu có thể trở thành ca sĩ như Thanh Thúy hiện nay không?
Thanh Thúy thở dài nhẹ:
- Quyết là không anh ạ. Em sẽ giúp chúng ăn học để hy vọng sau này chúng trở thành cô giáo. Em thích cái nghề ấy quá mà… mộng lớn không thành.
Tôi biết rằng nếu hỏi thêm vào vấn đề này, Thúy sẽ lại “tả oán”, lại luyến tiếc chuỗi ngày bé bỏng xưa kia. Tôi bèn gợi chuyện khác, lấy lại cái không khí vui tươi lúc đầu:
- Còn Thanh Thúy, đến bao giờ thì từ giã nghiệp cầm ca?
- Ô… anh hỏi thế thì làm sao Thúy biết được…
- Anh hỏi thế có nghĩa là bao giờ Thúy… lấy chồng và lấy chồng rồi còn đi hát nữa không?
- Ứ… ừ…
Tôi hình dung ngay thấy đôi má của Thúy đỏ hồng lên một cách hấp dẫn và đáng yêu. Vài phút yên lặng kéo dài. Đợi cho đôi má bớt hồng và trái tim người đẹp bớt “nhẩy mambo” để có đủ bình tĩnh trả lời, tôi mới hỏi tiếp:
- Vâng, thì chẳng bao giờ Thúy lấy chồng cả… Nhưng ít nhất thì Thanh Thúy cũng có vài ý kiến về việc kén chọn một chàng trai thế nào cho vừa ý chứ. Tóm lại, anh muốn Thúy cho biết về quan niệm hôn nhân.. hay là về ái tình cũng thế.
- Chẳng đâu, em chịu… à à nhưng mà…
- Nhưng mà “nàm thao”?
Tiếng Thanh Thúy líu ríu, nhỏ nhẹ, lẩm cẩm như một cô em bé tâm sự với người chị gái:
- Thúy muốn… người ấy phải… hiểu gia đình Thúy này, đừng có chơi bời nhẩy nhót lăng nhăng nhiều quá này, phải a… phải… phải thương Thúy này. Phải phải a… À chỉ có thế thôi.
- Không cần đẹp giai, không cần phải có một cái “xế” bốn bánh hay một cái “villa” có máy điều hòa không khí.
- Vâng, không cần. Vì Thúy cũng nghèo lắm anh ạ.
- Ồ thế thì dễ dàng quá…
- Dĩ nhiên là thế, mình có cao sang gì đâu hở anh. Thúy chỉ muốn bây giờ hay là sau này cuộc đời vẫn cứ bình thản, lặng lẽ như cuộc đời của Thúy hiện tại. Mộng của Thúy giản dị lắm. Ấy thế mà không biết có thực hiện được không?
Bỗng dưng tôi cảm thấy một niềm xúc động nhẹ nhàng trước những câu nói rất chân thành của người ca sĩ trẻ tuổi ấy. Tôi nghĩ đến nỗi niềm lo ngại của bà mẹ Thanh Thúy đã kể với anh bạn Viễn Chi trong lần giới thiệu kỳ trước cách đây gần trọn một năm: “Em nó còn nhỏ dại quá, không biết có đủ sức chống đỡ với cuộc đời không”.
Tôi muốn nhắc lại với Thanh Thúy câu ấy, nhưng có lẽ không cần lắm vì từ ngày ấy đến nay Thanh Thúy vẫn còn giữ được những nét dịu dàng, những dáng dấp ngoan ngoãn thơ ngây và nhất là giấc mộng giản dị của Thanh Thúy. Tôi hy vọng nàng sẽ tránh được những cạm bẫy xa hoa, vật chất của cuộc đời.
Tôi khen Thanh Thúy một câu gần như thừa:
- Thanh Thúy ngoan lắm. Có lẽ chính một phần vì thế mà Thúy được cảm tình của hầu hết khán giả Thủ Đô.
- Cảm ơn anh.
- À này, hình như Thanh Thúy người miền Trung?
- Không đúng hẳn.
- ???
- Chính quê ba me em thì ở miền Trung, nhưng em ở miền Nam từ ngày còn nhỏ nên… em không biết nên nhận là Trung hay Nam nữa. Một điều khó hiểu là em nhiều bạn thân người Bắc, em thích một vài dáng điệu và nhất là tiếng nói của người Bắc.
- Như thế là Nam Trung Bắc đề huề. Vui vẻ cả.
Thanh Thúy cười hồn nhiên rồi nàng tạm biệt tôi:
- Thôi xin phép anh nhé, đến lúc em phải hát rồi.
- Bye Bye. Nhưng mà này, anh muốn nghe Thanh Thúy hát, vậy em hãy để ống điện thoại đấy cho anh được thưởng thức giọng ca của em, hát xong hãy “cúp” máy nghe chưa.
- Vâng, xin chiều ý anh.
Một lát sau, tôi nghe rõ tiếng hát rất nhỏ của Thanh Thúy vút lên. Không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy trong tiếng hát ấy vương vất một nỗi buồn nhẹ. Nỗi buồn của tôi, của Thanh Thúy hay là nỗi buồn của tất cả những người trẻ tuổi giữa một đêm thơ mộng có trời xanh cao, có trăng mờ, sao tỏ nhấp nháy, thổn thức yêu đời?
Bài hát đêm qua đẹp lắm, tha thiết lắm, tôi nhớ… nhưng mà chả chép vào đây.
Hoài Giang Ngọc
Nguồn tư liệu: nhà báo Trần Quốc Bảo