Bây giờ trên đường phố Sài Gòn hiếm khi nhìn thấy chiếc xe đạp mini.
Khoảng những năm 1970-1980 là thời hoàng kim của xe đạp mini và kiểu áo dài mini. Thời ấy nữ sinh thường mặc áo dài trắng, tà hẹp và ngắn khoảng ngang đầu gối, quần ống rộng và đi xe đạp mini, đó là một hình ảnh quen thuộc và rất đẹp của Sài Gòn.
Quả thật xe đạp mini rất hợp với các thiếu nữ có mái tóc thề ngang lưng và tà áo dài bay bay trong gió. Áo dài không ôm sát mà xẻ eo cao hơn lưng quần, khi ngồi xe không cần lót tà xuống yên xe cho kín đáo, tà áo buông thả nhưng không lo bị quấn vào bánh xe, nhờ vậy hai tà áo cứ lượn lờ, thi thoảng hé lộ chút eo thon hay khoảng lưng mịn màng… Sáng sớm hay chiều tà, trên đường có những thiếu nữ thong thả đạp xe phía trước, thế nào cũng có chàng trai theo sau, chưa kể nhiều người đi qua còn ngoái lại nhìn…
Nếu chiếc áo dài mini với hai tà ngắn và hẹp, cổ áo thấp, tay lửng tạo nên sự thoải mái và năng động cho các nàng thì khi mặc với kiểu quần tây ống loe rộng, dài phủ đôi guốc cao, đạp xe mini lại tạo nên vẻ dịu dàng, đằm thắm. Chiếc xe mini vành bánh nhỏ, yên xe và tay lái khá cao tạo sự thoải mái cho người đi xe, ngồi trên xe thì lưng thẳng, chân dài… Nếu khi đi bộ “Em không dám đi mau, ngại chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu” thì đi xe mini cũng ít cô nào vội vàng. Cứ từ từ thong thả vòng bánh xe quay cùng lá me bay, chiếc giỏ xe phía trước là cặp sách, có khi có chiếc nón vải gấp lại gọn gàng.
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” làm rối lòng không biết bao nhiêu chàng trai mỗi khi hè tới. Ai mà bồ bịch chở nhau bằng xe mini tình cảm hết biết: Nàng ngồi phía sau “miệng cười khúc khích trên lưng” chàng, tay ôm hờ eo chàng. Còn chàng, một tay lái xe, một tay nắm tay nàng… Đi xe mini an toàn, có chuyện gì thì chàng chống hai chân xuống đất, chẳng lo té ngã.
Ở miền Bắc trước năm 1975 hoàn toàn không có xe đạp mini, thỉnh thoảng trên phố thấy có chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, dân quen gọi là xe “pơ giô con vịt”. Sau 1975, xe mini ra Bắc không nhiều, hình ảnh các anh bộ đội đi tàu Thống Nhất vác theo cái khung xe đạp buộc con búp bê nhắm, mở mắt quen thuộc gần chục năm sau chiến tranh. Còn ở Sài Gòn, mặc dù có xe mini Nhật nhưng phần lớn xe đạp đều do nhà máy ở bên khu Khánh Hội sản xuất với những nhãn hiệu quen thuộc như Lux, Motobecane…
Xe đạp mini thường có màu đỏ, màu trắng rất hợp với đồng phục học sinh. Hầu như mỗi nhà đều có một, hai chiếc xe mini cho con đi học. Nhà khá giả thì có xe máy nhưng học sinh trung học rất ít người dùng, phần lớn người đi xe máy là người đã đi làm hay sinh viên.
Cho đến những năm 1990, xe máy ít dần, xăng dầu khan hiếm, xe đạp càng trở nên phổ biến nhiều loại xe lớn, xe mini không được ưa chuộng như trước. Lúc này ai cũng vất vả làm ăn, đi xe lớn nhanh hơn, chở được nhiều hơn. Một chiếc xe đạp gắn thêm ghế nhỏ phía trước là chở được “cả hộ khẩu” trên xe, gồm vợ chồng và một, hai đứa con. Chiếc xe đạp lúc đó cũng như một gia tài chứ không chỉ là phương tiện bình thường.
Rồi đến lúc xe máy Trung Quốc ồ ạt tràn vào, “đánh bạt” xe Dream Thái, xe Daelim Hàn, xe Cub “nghĩa địa” Nhật… Các loại xe đạp cũ biến mất. Sài Gòn có xe đạp Martin 107, lúc đầu lắp ráp xe lớn nhưng sau có thêm xe mini. Sau khi Nhà nước quy định học sinh trung học chưa đủ tuổi đi xe máy thì thị trường xe đạp sôi động hơn nhưng cũng ít người chuộng xe mini như trước.
Bây giờ trên đường thành phố là xe hơi, xe máy, vội vã, ồn ào, chen chúc… Đâu ai thích đi xe đạp nữa. Áo dài mới được hồi sinh nhưng hoặc là kiểu cổ điển sang trọng hoặc “cách tân” ngắn ngủn cứng đơ. Cả hai kiểu đều không thích hợp với chiếc xe đạp mini giản dị, năng động mà dịu dàng. Hình ảnh “tà áo em bay bay trên phố” chỉ còn là ký ức…
Theo Nguyễn Thị Hậu (báo Pháp Luật)