Một buổi trò chuyện với nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn cách đây đã rất lâu do ký giả ở hải ngoại là Hương Kiều Loan thực hiện. Trong buổi phỏng vấn – trò chuyện này, độc giả sẽ hiểu hơn về cách thức mà trung tâm Thúy Nga vận hành và xuất bản âm nhạc trong nhiều năm qua. Buổi nói chuyện này cách đây đã gần 20 năm nên sẽ có một số nội dung bị cũ, nhưng có thể vẫn mang lại sự thú vị và thu hút đối với những ai quan tâm đến làng nhạc hải ngoại.
Bài phỏng vấn này đã được nhacxua.vn biên tập lại cho liền mạch và phù hợp với văn phong của hiện nay.
- Xin ông hãy cho biết sơ qua về tiểu sử.
Nguyễn Ngọc Ngạn (NNN) : Tôi sinh ra tại một làng nhỏ ở ngoại thành Sơn Tây, trong một gia đình gồm bảy anh chị em. Năm 1954, di cư vào Saigon, chỉ có người chị cả ở lại ngoài bắc với gia đình chồng. Tính đến năm 1975, anh em tôi tất cả đều ở trong quân đội, trừ cậu em út là Ngọc Trọng (tác giả bài Buồn Vương Màu Áo) thì vừa học xong Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt.
- Trong gia đình thì ngoài ông ra, trong nhà có ai thiên về nghệ thuật không?
Nói cho đúng thì chỉ có cậu út tôi là Ngọc Trọng mê nhạc từ bé. Từ Trung học đã học piano, guitar, nhạc lý, rồi đi hát và sáng tác. Còn tôi, viết văn cũng như lên sân khấu hoàn toàn là do sự đưa đẩy của hoàn cảnh, không hề định hướng từ nhỏ.
- Từ trước có bao giờ ông nghĩ sẽ có ngày ông làm về nghệ thuật không?
Như tôi đã nói, chưa bao giờ hình dung có ngày mình sẽ đứng trước sân khấu, cũng như có thể sống bằng “nghề” điều khiển chương trình mà người ta gọi là MC. Lý do giản dị là từ trước tới nay, trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam không có nghề này! Hoặc có, nhưng ít được chú ý. Việc giới thiệu chương trình, hay đúng hơn là làm “host” một show ca nhạc – mặc dù đã thịnh hành từ lâu ở các nước Tây Phương, vẫn quá mới mẻ đối với người Việt.
Có lẽ chỉ sau này thì vai trò điều khiển chương trình mới dành được chỗ đứng tương đối quan trọng trong các chương trình ca nhạc tổng hợp. Làm văn nghệ cũng như viết văn. Bước đầu không ai nghĩ đến tiền vì chẳng biết nó có tiền hay không! Nhưng lâu dần trở thành một cái nghề tay trái, rồi dần dà biến thành nghề tay phải. Tất cả đều là tình cờ hết.
- Đang từ nhà văn, qua điều khiển chương trình văn nghệ, ông có bị gia đình hay độc giả phản đối không?
Khi trung tâm Thúy Nga lần đầu mời tôi vào tháng 5 năm 1992, tôi không dám nhận lời ngay, vì cần hỏi ý kiến người thân. Hỏi ý kiến là vì tôi không tự tin. Lúc ấy, bên văn chương, tôi đã có nhiều tác phẩm. Và xét ở một chừng mực nào đó thì tôi đã được coi là thành công.
Bên sân khấu, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm, nên không khỏi đắn đo. Tất nhiên người đầu tiên tôi tham khảo là nhà tôi. Nói chung thì nhà tôi và đa số người thân trong gia đình đều ngăn cản, không muốn tôi lao vào lãnh vực này. Lý do duy nhất là mọi người sợ tôi thất bại. Độc giả thì sợ tôi cầm micro sẽ bỏ cầm bút. Trước sự dè dặt của mọi người trong gia đình, tôi đã phân vân suy nghĩ khá lâu.
Hơn ba tháng sau, tôi mới lên đường làm thử cuốn Paris By Night 17. Động cơ duy nhất lúc bấy giờ thúc đẩy tôi là tôi nghĩ đến cha tôi ở Sài Gòn. Tôi không về Việt Nam được, mà tôi muốn cha tôi nhìn lại tôi sau hơn 10 năm xa nhà. Băng Thúy Nga thì người ta sang đi sang lại, sang lậu trong nước rất nhiều. Thể nào cha tôi cũng trông thấy tôi và nghe tiếng tôi nói. Đó là lý do khiến tôi lên Paris By Night lần đầu.
Nhưng thật tình mà nói, lúc đó tôi chưa biết sức phổ biến rộng lớn của Paris By Night. Nếu biết, tôi đã nhận lời ngay không đắn đo. Bởi càng về sau, tôi càng nhận ra Paris By Night là diễn đàn có tầm quảng bá gần như trong mọi gia đình Việt Nam ở hải ngoại cũng như quốc nội. Tôi có thể sử dụng diễn dàn ấy để nói chuyện văn học và lịch sử với các bạn trẻ lớn lên ở nước ngoài.
- Cơ duyên nào để trung tâm Thúy Nga mời ông làm MC?
Đi ngược giòng thời gian, trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night số 1 năm 1983. Khoảng thời gian đó, văn nghệ trong cộng đồng chưa phát triển vì ba lý do: Thứ nhất, kinh tế cộng đồng chưa phồn thịnh. Thứ hai, phim bộ Trung Hoa chiếm lĩnh thị trường của mình. Thứ ba, cộng đồng còn quá nặng về nhạc đấu tranh, chưa chú ý đến tình ca.
Những cuốn băng chủ đề của Thúy Nga, chẳng hạn như: Giã Biệt sàigòn, Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam, Nước Non Nghìn Dặm ra đi, hoặc băng cải lương cũ trước 75, được đón nhận mạnh mẽ hơn hẳn những chương trình ca nhạc tạp kỹ Paris By Night. Chính vì vậy nhịp độ thực hiện Paris By Night rất chậm.
Từ 1983 đến 1989, Thúy Nga chỉ cho ra đời được có 6 cuốn Paris By Night và đều thực hiện theo lối MTV – cũng gọi là MV, music video – nghĩa là chạy tên ca sĩ, tên bản nhạc trên màn ảnh chứ không có người điều khiển chương trình.
Năm 1989, Ông Jean Pierre Barrie, tổng giám đốc đài truyền hình Pháp Euromedia mới đề nghị với trung tâm Thúy Nga nên thay đổi hình thức Paris By Night. Thay vì thu MV, thì nên chuyển sang Talk Show là phương thức ăn khách từ lâu tại các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chẳng hạn Jonhny Carson làm host Tonight Show suốt 30 năm, với trên 4000 show từng đêm mà vẫn thu hút hàng chục triệu khán giả. Hình thức này có cái mới lạ là không chỉ thuần túy trình diễn ca vũ nhạc, mà còn phỏng vấn, kể chuyện, mạn đàm, tạo không khí gần gũi với khán giả hơn.
Thúy Nga làm theo đề nghị của ông Jean Pierrè và bắt đầu chuyển hướng. Muốn làm Talk show thì quan trọng nhất là phải kiếm được người làm “host”, người biết nói chuyện, tức là người điều khiển chương trình. Trung tâm Thúy Nga đi tìm… và anh Jo Marcel là người đầu tiên được mời trên Paris By Night số 7. Rồi liên tiếp có nghệ sĩ Trần Văn Trạch, Việt Thảo, La Thoại Tân, Ngọc Phu, Kim Anh, Trần Quốc Bảo, Hương Lan, Khánh Ly, Đỗ Văn, Lê Văn và rồi tới tôi! Cho đến giờ, tôi vẫn chưa biết ai đã giới thiệu tôi cho Thúy Nga vì tôi ở quá xa, lại không hề quen biết ai trong trung tâm này cả.
- Xin hỏi là ông có quyền tự chọn lựa đề tài, biết trước nội dung chương trình và toàn quyền soạn lời dẫn giải cho băng Video không?
Trên nguyên tắc là có. Nhưng tôi xin nói rõ điều này, Paris By Night có hai loại: Loai một là loại có chương trình đại nhạc hội bình thường. Loại hai là loại chương trình chủ đề, chẳng hạn băng chủ đề Mẹ, Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương, Cây Đa Bến Cũ,...
Loại một là đại nhạc hội thì tương đối đơn giản: Thúy Nga chuẩn bị hết chương trình. Gần đến ngày thu hình, họ gửi danh sách bài và ca sĩ cho tôi để tôi có ý niệm tổng quát, rồi khi đến rạp, sẽ bàn với cô Kỳ Duyên xem mình cần nói gì trên sân khấu. Ngày thu hình, mọi người đều tập trung tại rạp và làm việc trong vòng mấy tiếng thì thành hình cuốn băng.
Loại hai là băng chủ đề như trong thập niên 90 thì phức tạp hơn nhiều, bởi vì làm việc thực hiện một băng chủ đề có khi kéo dài cả vài năm mới xong. Thí dụ nhà văn Duyên Anh đề nghị Thúy Nga làm băng Mẹ từ năm 1992. Đang làm dở dang thì năm 1997 ông mất. Thúy Nga mới giao cho tôi. Tôi ngồi ở nhà soạn lời dẫn giải, trong khi ca sĩ đi thu hình ở chỗ khác và nhà sản xuất lại thu ngoại cảnh ở chỗ khác nữa. Nghĩa là nhà sản xuất, đạo diễn, ca sĩ và người giới thiệu chương trình không làm việc chung cùng một lúc với nhau.
Tôi đọc lời dẫn giải vào CD, gửi qua cho đạo diễn. Đạo diễn mới ghép các bài hát, hình ảnh và lời thuyết trình của tôi vào thành cuốn phim. Vì không trực tiếp ngồi làm việc chung với nhau cùng một lúc, cho nên dễ xảy ra khuyết điểm, chẳng hạn như cuốn video Mẹ (bị cộng đồng phản đối vì lỗi quay hình). Từ sau cuốn Video Mẹ trở đi, tôi rút kinh nghiệm, yêu cầu đạo diễn, nhà sản xuất phải cho tôi coi hết phần hình ảnh của cuốn video trước khi phát hành để tránh những sơ hở có thể xảy ra.
- Có nhiều người nói là Paris By Night dùng quá nhiều nhạc bình dân, ông nghĩ sao?
Chúng ta thường nhắc đến hai loại nhạc, tạm gọi là loại A và loại B. Gọi là loại A và B để tiện phân biệt chứ không phải để xếp hạng.
Loại A, có người gọi là nhạc hạng “sang”. Tức là loại nhạc thường trình diễn trong các buổi thính phòng. Chẳng hạn nhạc tiền chiến, nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn,…
Loại B, là loại nhạc bình dân, nhạc đại chúng, nhạc mùi, hay nhạc tình cảm quê hương. Hai loại này khác nhau về thể điệu và nhất là về lời ca. Nhạc A thường là slow hay boston. Nhạc B thường là rumba, bolero. Quan trọng hơn, lời ca của loại A phải mơ hồ, văn chương bay bổng, có khi nghe cả bài không biết, không hiểu tác giả muốn nói gì. Loại B thì lời ca giản dị, dễ hiểu, phản ảnh tâm tình và hoàn cảnh thực tế ở ngoài đời.
Từ trước 75, ở Việt Nam miền Nam cũng như qua hải ngoại, lúc nào nhạc B cũng là nguồn cung cấp chính của thị trường. Người thích nhạc A vốn đã ít, lại lười mua CD. Người thích nhạc B vốn đã đông lại tiêu sài bạo tay hơn, thành ra có thể nói như một định luật rằng: Thời nào thì nhạc B cũng nuôi nhạc A. Nếu không có ca sĩ hát nhạc B thì trung tâm băng nhạc cũng đóng cửa luôn. Các đại nhạc hội cũng khó tổ chức thành công. Và ca sĩ nhạc A chắc đành phải về nhà hát lẻ loi một mình mà thôi.
Khi tôi mới vào làm cho Thúy Nga năm 1992, chương trình Paris By Night 17 hầu như toàn nhạc A. Dần dà, do yêu cầu của thị trường, Thúy Nga phải pha trộn hai loại, giảm bớt loại A để tăng thêm B. Đến nay, Thúy Nga vẫn mời ca sĩ nhạc A. Mặc dầu biết trước là khi phát hành CD loại nhạc này, sẽ hiếm có khi gặt hái thành công về tài chánh. Phát hành nhạc A chỉ để giữ quân bình mà thôi. Nhạc B mới có số đông người thưởng thức. Nhất là ở hải ngoại, người ta dễ nhớ quê hương qua âm nhạc.
- Ông có thể cho biết ai là người có thẩm quyền chọn ca sĩ và bài hát cho Thúy Nga?
Người duy nhất chọn bài và mời ca sĩ là cô Tô Ngọc Thủy, giám đốc sản xuất (Exercutive Producer) của Thúy Nga. Phần lớn bài hát do trung tâm chọn, nhưng ca sĩ cũng có thể đề nghị và nhiều khi trung tâm đồng ý.
- Giả sử ông được quyền chọn nhạc cho Thúy Nga, ông có chọn bài hát khác với hiện nay không?
Tác phẩm nghệ thuật ở các nước Tây Phương, điển hình là Hoa Kỳ, thường chia làm hai loại: Một loại gọi là Academy (giải Oscar, American Music Award, Grammy Award) và một loại gọi là People’s Choice (Top hit, Best seller, Box office). Có những cuốn phim hoặc bài bản nhạc đáp ứng được cả hai loại: Vừa được giải thưởng, vừa ăn khách. Có những cuốn phim chỉ được giải thưởng mà không ăn khách. Có phim rất ăn khách nhưng không trúng giải. Và dĩ nhiên sau cùng có những cuốn phim vừa không có giải thưởng mà vừa ế ẩm đối với khán giả.
Băng video nhạc ở hải ngoại, dù do bất cứ trung tâm nào sản xuất, thì ngoài tính nghệ thuật, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn thương mại để sống còn. Nghĩa là yếu tố People Choice là yếu tố sinh tử. Xét thuần túy về nghệ thuật thì chúng ta lại không có hội đồng Academy hằng năm chấm giải thưởng, không có một cơ quan hay tổ chức nào lo công việc lựa chọn tác phẩm văn nghệ một cách khách quan để đánh giá. Thành ra chỉ còn trông vào khán giả là giám khảo duy nhất mà thôi.
Chẳng hạn, lúc sau này, khán giả thích hài kịch, thì Thúy Nga phải có comedy để dáp ứng nhu cầu đó. Nếu tôi có toàn quyền chọn nhạc, thì yếu tố, sở thích, của khán giả cũng vẫn là ưu tiên hàng đầu, dù có những lọai nhạc không phải sở thích của tôi. Chỉ duy trì làm sao cho quân bình nội dung, vừa có tính văn hóa, vừa đạt nhu cầu giải trí của khán giả thì mới có thể nuôi dưỡng được sản phẩm. Ngay cả khi tôi viết sách hoặc thực hiện audio book, yêu tố People’s Choice vẫn là chủ yếu không thể bỏ qua được. Nhóm tiểu thuyết mới của Alain Robbe Grillet từng chủ trương viết văn không cần độc giả. Nhưng tôi vẫn nhớ lời văn hào Lev Tolstoi nói rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật chỉ vĩ đại khi nhiều người biết đến nó”.
- Về trang phục, khi trình diễn trên Paris By Night thì do ai lựa chọn? Các áo dài do Thúy Nga đài thọ?
Trang phục cá nhân khi đơn ca là do ca sĩ tự chọn. Nhưng khi trình diễn một bài có nhiều vũ công thì phải do trung tâm quyết định, thuê người vẽ kiểu áo và may chung. Tuy vậy, ngay cả trang phục cá nhân cũng cần phải cho nhà sản xuất (cô Tô Ngọc Thủy) biết trước vì phải phối hợp yếu tố ánh sáng và cảnh trí sân khấu. Bởi vì nữ ca sĩ thường thay đổi vào giờ chót, sau khi thu hình thử!
- Thế còn vấn đề thù lao ca sĩ, họ có được quyền biết thù lao của người khác không? Thúy Nga trả đồng giá hay tùy theo ca sĩ?
Điều này tôi không rành lắm, vì hợp đồng riêng của mỗi ca sĩ với trung tâm. Nghĩa là thù lao không giống nhau, người nào biết người đó thôi!
- Khi thu video, thì người nghệ sĩ thường có mặt tại hậu trường bao lâu trước khi ra sân khấu?
Khi thu hình một cuốn video Paris By Night, nghệ sĩ phải có mặt khoảng ba ngày để tập dượt, để thu hình thử, rồi mới trình diễn chính thức trước mặt khán giả. Thông thường một nữ ca sĩ phải mất khoảng ba tiếng đồng hồ để make up và làm tóc. Nam ca sĩ thì mất khoảng 10 phút thôi!
- Ông đi show nhiều, và cũng qua nhiều nước, nơi nào đã để lại kỷ niệm vui nhất trong những năm đi lưu diễn?
Nói đến kỷ niệm vui thì ít lắm. Bởi vì khi đã ở lâu trong nghề thì những chuyến đi lưu diễn không còn tạo nên háo hức nữa, mà chỉ thấy vất vả vì ngồi máy bay xa, vì giờ giấc khí hậu thay đổi theo mỗi địa phương.
Cho đến giờ này thì tôi nhớ nhất là chuyến đầu tiên đến thủ đô Warsaw (Varsovie) của Ba lan năm 2000. Trình diễn cho 2000 khán giả mà đa số đều xuất thân từ miền Bắc: Sinh viên du học, con em cán bộ, lao động hợp tác, bây giờ họ ở lại với chế độ mới của Ba Lan sau khi hệ thống CNXH sụp đổ. Cùng đi với tôi có Kỳ Duyên, Lưu Bích, Như Quỳnh, Trường Vũ, Shayla, Thanh Trúc và Gia Huy.
Nơi này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong trí óc tôi vì những hình ảnh lạc hậu còn sót lại của chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn giờ này mà cảnh sát ở phi trường vẫn lăm lăm ôm súng tiểu liên đi tới đi lui, mặt hầm hầm nhìn hành khách. Hoặc cảnh buôn lậu hàng duty free diễn ra nhan nhản trong các washroom phi trường. Hoặc khách sạn là khu nhà tập thể của cán bộ trước đây, bây giờ tân trang lại, một phòng kê 6 giường như trại lính. Hoặc khu chợ trời họp trên sân vận động, có hàng ngàn người Việt đứng bán, hễ thấy công an là dúi tiền cho họ!
Nói chung, quang cảnh nào cũng có vẻ bất ổn, làm tôi rất nhớ Việt Nam. Lẽ ra thì ban tổ chức giữ lại hai hôm để đưa đi chơi cho biết sinh hoạt người Việt tại thủ đô Ba Lan. Nhưng ngay đêm hôm ấy, sau khi trình diễn, chúng tôi thấy không nên ở lại. Chúng tôi nhờ người đưa ra ga xe lửa mua vé để đi Anh hoặc bất cứ quốc gia nào. Rồi từ đó sẽ lấy vé máy bay trở về Mỹ.
Văn phòng nhà ga mãi 5 giờ sáng mới mở cửa. Nhìn đồng hồ thấy mới hai giờ. Trở lại hotel thì dở dang, chúng tôi ngồi luôn trên sân ga, ngủ gà ngủ gật, gọi cà phê nhâm nhi chờ sáng. Đến lúc văn phòng bán vé mở của thì chúng tôi càng bực hơn. Bởi vì hành khách xếp hàng dài thườn thượt mà mấy cô bán vé cứ thản nhiên ngồi nói chuyện với nhau như không hề thấy có ai trước mặt! Đúng là tác phong chủ nghĩa còn sót lại!
- Video Thúy Nga có phát hành trong nước không?
Muốn phát hành cũng không phát hành được vì nhiều lý do. Thứ nhất là giá thành thực hiện tại hải ngoại quá cao, đem vào trong nước không ai đủ khả năng mua. Thứ hai là pháp luật trong nước không bảo vệ tác quyền, băng, hoàn toàn bị sang lậu. Cho nên ai nói rằng băng Thúy Nga – hoặc bất cứ băng video của bất cứ trung tâm nào tại hải ngoại – phát hành bán trong nước là nói điều ngớ ngẩn.
Từ nhiều năm nay, bất cứ băng video của trung tâm nào cũng có mặt trong nước, nhưng đều là băng sang lậu mà thôi. Thực hiện ở trong nước, mang ra ra bán ở hải ngoại thì có lợi về thương mại, chẳng hạn chúng ta thường mua 10 dollars 3 CD trong nước. Còn thực hiện tại hải ngoại mà mang về nước bán thì lội ngược dòng nước, đi vào chỗ phá sản, người khờ đến đâu cũng không làm điều đó!
- Vì sao ông rẽ sang một hướng mới là viết truyện ma?
Tôi vốn rất mê truyện kinh dị của Stepphen King. Là một người cầm bút, tôi càng phục cái óc tuởng tượng bao la của ông ta. Bao nhiêu cuốn sách của ông đã được đóng thành phim. Và hầu như cuốn nào cũng là best seller, đem lại cho ông số vốn khoảng 90 triệu Mỹ kim.
Mùa Noel năm 98, trong chuyến lưu diễn ở Âu châu, đoàn nghệ sĩ chúng tôi được nhà tổ chức chở xe bus đi xuyên bang. Trên những chặng đường dài 7,8 tiếng đồng hồ mà thường khởi hành vào lúc nửa đêm về sáng, anh em phải thay phiên nhau nói chuyện để người lái xe không bị ngủ gật. Câu chuyện tình cờ chuyển hướng về chuyện ma. Và có người hỏi tôi sao không viết truyện ma thu vào cassette?
Tôi thấy đề nghị đó cũng khá lạ. Nên tôi viết thử truyện đầu tiên là Đêm trong căn nhà hoang. Sau đó tôi đã thu băng nhiều truyện, trở thành sản phẩm ăn khách đến độ báo Công An trong nước đã phải viết hai bài lên án, rồi mở chuyến dịch tịch thu hàng loạt băng lậu của tôi ở trong nước.
Kinh nghiệm cho thấy, viết truyện ma để đọc vào băng cassette, khó hơn viết truyện tình cảm rất nhiều. Bởi vì phải làm sao giữ cho cường độ căng thẳng kéo dài tới 60 phút! Bởi vậy tôi càng phục trí tưởng tượng của Stephen King.
- Trở lại câu chuyện về trung tâm Thúy Nga. Thúy Nga là một trung tâm ca nhạc có tầm vóc lớn. Vậy Thúy Nga là một công ty cổ phần hay chỉ có một chủ nhân bỏ vốn ra sản xuất?
Thúy Nga là một công ty. Nhưng lối điều hành vẫn mang tính Việt Nam. Nghĩa là “family business”. Thật ra, khi làm business liên quan tới nghệ thuật, thì rất khó mà muớn người quyết định giùm cho mình về nội dung. Bởi nghệ thuật không có tiêu chuẩn chung. Nó là sự thẩm định bằng cảm nhận mà thôi. Mà cảm nhận thì có khi đúng, có khi sai.
Thí dụ một giọng ca tôi cho là hay thì chị có thể không thấy hay. Điều đó không có nghĩa là chị đúng hay tôi đúng. Thí dụ tôi giới thiệu một người vào hát cho Thúy Nga vì tôi thấy nguời đó hát hay. Nhưng tôi thấy hay, hoặc cô Tô Ngọc Thủy thấy hay cũng đều vô ích nếu số đông khán giả không thấy hay! Bởi vậy sản xuất băng nhạc cũng như làm nhà xuất bản, việc tuyển chọn tác phẩm đôi khi cũng có phần hên xui trong đó.
- Có một thực tế là có nhiều trung tâm nhạc chỉ in tên ca sĩ bên cạnh bản nhạc, mà họ quên hay cố tình lờ đi tên của nhạc sĩ. Khi Thúy Nga dùng nhạc mới, họ có trả tiền cho các nhạc sĩ không?
Chị nói đúng, người nhạc sĩ cũng phải được biết đến khi họ sử dụng nhạc của nhạc sĩ. Theo tôi biết thì khi một bản nhạc mới gửi tới Thúy Nga, nếu được thu băng, đương nhiên tác giả sẽ nhận được tiền tác quyền.
- Có nhiều nhạc sĩ than phiền vì đôi khi nhà sản xuất băng nhạc không trả tiền bản quyền mà còn quên tên đề tên tác giả ở trên bìa băng…
Điều này có xảy ra với một số nhà sản xuất. Là một nhà văn, quan điểm cá nhân của tôi là tác quyền cũng như danh tánh tác giả luôn luôn phải được tôn trọng. Vì đó là sự công bằng tự nhiên ở đời. Có nhiều băng nhạc chỉ ghi tên bài hát, và tên ca sĩ, mà không ghi tên nhạc sĩ, có thể vì cố ý, có thể vì lười không bỏ thì giờ tìm xem tác giả là ai, và sau hết nếu có thể là vì quan niệm sai lầm, không đặt tác giả vào đúng vị trí xứng đáng của họ.
Chính tôi cũng từng là nạn nhân. Báo Lao Động trong nước đăng truyện ngắn Tin Đồn của tôi, nhưng sửa tên tác giả là Trương Thu. Một số báo ở hải ngoại vẫn đăng truyện của tôi mà không hề liên lạc với tôi. Một tờ ở miền Đông Hoa Kỳ đăng truyện Dốc Đứng của tôi, nhưng hoàn toàn không đề tên tác giả. Tất cả những trường hợp ấy, sở dĩ tôi biết được là nhờ độc giả có hảo ý thông báo cho mình.
- Lại nói về sân khấu, có bao giờ anh quên bài trên sân khấu không?
Tôi được trời cho một điểm lợi là khi đứng trên sân khấu, ít khi tôi quên những điều mình dự tính sẽ nói. Những ngày sắp tới đây, tuổi đã cao, chả biết trí nhớ có còn minh mẫn hay không. Tuy nhiên, trên sân khấu, những điều mình dự tính sẽ nói không quan trọng bằng ứng khẩu.
Chính vì vậy, bài bản tôi và cô Kỳ Duyên soạn trước thường chỉ là cái sườn mà thôi. Chị Kiều Chinh một lần làm show chung với tôi năm 1995 ở Shrine Auditorium đã hỏi tôi là làm cách nào để làm MC mà không cần nhìn giấy hoặc nhìn vào telepropter trước mặt. Tôi nói cần học ý chứ không học lời. Vì học lời thì không thể nhớ hết từng chữ được. Nói tóm lại, bài soạn trước không quan trọng, đôi khi còn bị cứng đơ như trả bài. Ứng khẩu mới là quan trọng.
- Ông có dự tính viết hồi ký không? Chắc là hồi ký của ông sẽ hấp dẫn lắm vì có quá nhiều chuyện để kể về những chuyện trong hậu trường sân khấu.
Khi viết tựa cho cuốn hồi ký của chuẩn tướng Lý Tòng Bá, tôi có nói: “Hồi ký nhằm truyền đạt một kinh nghiệm sống. Có thể là kinh nghiệm thành công để người ta học hỏi, cũng có thể là kinh nghiệm thất bại để người ta tránh né”. Tôi có ý định khi về hưu sẽ viết lại kinh nghịệm sân khấu, về cả mặt thành công cũng như thất bại mà tôi đã trải qua.
- Từ ngày làm MC, ông đã mang nhiều văn chương vào lãnh vực này, và nhắc nhiều đến các nhà văn, nhà thơ. Xin ông cho biết những nhà văn, nhà thơ được nhắc đến có dựa trên một tiêu chuẩn nào không?
Hoàn toàn không có tiêu chuẩn nào cả. Khi đưa văn chương vào những chương trình ca nhạc, tôi có 2 chủ đích:
Một là tôi nhắm vào thế hệ trẻ, lớp thanh niên lớn lên ở bên này, ít biết đến văn chương Việt Nam.
Hai là tôi muốn nhắc đến một đội ngũ các nhà văn, nhà thơ của chúng ta ở hải ngoại để người trong nước biết, bởi nhiều năm qua, các tên tuổi lớn trên văn đàn của chúng ta đã không được báo chí trong nước nhắc đến, nói đến nữa.
Khi giới thiệu một bài hát, nếu trong đầu tôi nhớ ra vài câu ca dao, hoặc dăm câu thơ có liên hệ đến nội dung bài hát ấy, thì tôi đọc lên để mọi người cùng thưởng thức. Tôi đã nhắc trên video khá nhiều nhà văn, nhà thơ, chẳng hạn: Thanh Tâm Tuyền, Tô thùy Yên, Võ Phiến, Nguyên Sa, Hà Huyền Chi, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Cao Tần…
Trong số các vị này, có người tôi không hề quen biết, cũng chưa từng tiếp xúc lần nào. Đó là chưa kể các thi sĩ tiền chiến như Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, T.T.KH, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng,… Dầu sao đi nữa, tôi cũng phải cám ơn các vị đó. Vì nhờ tác phẩm của họ, công việc MC của tôi trở nên có mầu sắc.
- Nhiều người nhận xét: Paris by Night đã đưa tên tuổi Nguyễn Ngọc Ngạn đi xa và rộng. Nhưng ông cũng đã giúp cho Paris By Night tăng giá trị về trình độ văn hóa. Ông nghĩ sao?
Như đã thưa với chị lúc nãy, đứng trên sân khấu Paris By Night, ngoài việc giới thiệu văn nghệ, tôi thường nghĩ nhiều đến giới trẻ ở hải ngoại. Nếu tôi nhắc cho họ được một câu ca dao, một nét lịch sử, một phong tục cổ truyền, một điển tích văn chương… thì đó là điều tôi rất hài lòng. Tôi có những cuốn sách bán chạy. Nhưng một cuốn sách chạy lắm thì cũng chỉ được 5,7 ngàn ấn bản. Trong khi video Paris By Night thì biết bao nhiêu người xem, thuộc đủ lứa tuổi và thành phần xã hội. Diễn đàn ấy với tôi hết sức quan trọng.
- Trên băng Paris By Night người ta có thể thấy MC Nguyễn Ngọc Ngạn có khả năng diễn xuất. Ông có học về kịch nghệ hay về điện ảnh bao giờ chưa?
Thuở nhỏ tôi mê diễn kich, thường diễn ở các lớp trung học. Năm đệ tam (lớp mười), Thầy Lê Thương, tác giả Hòn Vọng Phu, dạy Pháp văn, bảo tôi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc học thoại kịch (kịch nói). Tôi vào dự thính, được một thời gian ngắn thì bỏ cuộc vì lúc đó tôi bắt đầu đeo kính cận, vai kịch bị giới hạn rất nhiều.
- Trong nhiều truyện của ông có nhắc đến vụ bói toán. Ông có tin vào số mệnh không?
Câu hỏi này khá vui, nhưng tôi xin thưa với chị cho rõ để tránh bị hiểu lầm. Trước hết, tôi tin con người có định mệnh, nhưng việc khám phá định mệnh bằng cách nào là vấn đề phức tạp. Tôi thì tôi tin vào một số môn cổ truyền như tử vi, chỉ tay và tướng mạo. Những môn học ấy là có thật, nhưng người học những môn ấy có thể chưa đạt tới, hoặc bị thất truyền, cho nên chưa chắc họ đoán đã đúng. Nói cách khác, môn tử vi không sai, nhưng ông thầy tử vi có thể đoán sai! Cho nên dù tin số mệnh, tôi vẫn rất dè dặt khi người ta giải đoán cho mình.
- Hình như ông còn biết sử dụng nhạc cụ?
Tôi chỉ biết đánh guitar từ nhỏ, nhưng thuộc loại vớ vẩn, tự đệm đàn để hát những khi cần relax. Ở lứa tuổi của tôi, dù có giọng ca vàng cũng không thành ca sĩ được nữa.
- Ông có thể chi biết Thúy Nga có tuyển ca sĩ mới không và điều kiện tuyển lựa ca sĩ mới như thế nào?
Lúc nào trung tâm Thúy Nga cũng cần tuyển người mới, kể cả MC. Ai muốn tham gia thì cách đơn giản nhất là thu âm một hai bài vào CD, gửi tới trung tâm Thúy Nga kèm theo hình chụp. Nếu trung tâm nghe thấy có giọng hay thì sẽ mời cộng tác.
- Nếu Thúy Nga quan tâm đến việc lăng xê người mới, thì tại sao lâu nay thấy ít khuôn mặt mới xuất hiện?
Vì việc giới thiệu nghệ sĩ mới trên băng video rất khó khăn. Xin chị nhớ lại hồi còn trong nước, chúng ta thường lăng xê ca sĩ bằng đài phát thanh. Có nghĩa là một ca sĩ chỉ cần một điều kiện duy nhất là giọng hát. Có khi một ca sĩ hát cả chục năm mà thính giả không biết mặt mũi xấu đẹp, cao thấp, mập ốm ra sao.
Ngày nay, lăng xê bằng video thì giọng ca chưa đủ, mà còn đòi hỏi ngoại hình, cách trình diễn, cách ăn mặc và nhiều thứ khác. Ngoại hình đôi khi quan trọng hơn cả tiếng hát nữa! Người Việt chúng ta lại có tật hay ngứa mắt. Thành ra nếu nhìn bề ngoài mà không ưa thì bực mình không thèm chú ý tới giọng hát của người đó nữa!
- Xin cám ơn ông vì buổi trò chuyện này
Nguồn: Honque.com