Mộng Dưới Hoa là một nhạc phẩm tình ca có nội dung tuyệt đẹp và rất lãng mạn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cái đẹp và lãng mạn của bài này hát được thừa hưởng từ bài thơ thời tiền chiến của thi sĩ Đinh Hùng. Tuy nhiên ít người biết rằng bài hát Mộng Dưới Hoa không phải được phổ từ một bài mà từ 2 bài thơ khác nhau của thi sĩ Đinh Hùng.
Nếu để ý, người nghe nhạc sẽ thấy lời của bài hát Mộng Dưới Hoa êm đềm như một bài thơ với câu có 7 chữ, nhưng đến đoạn điệp khúc: Nếu bước chân ngà có mỏi… thì nhịp điệu nhanh hơn và có 6 chữ trong mỗi câu. Đó là vì những câu hát đó thuộc về 2 bài thơ khác nhau: 1 bài thơ 7 chữ và 1 bài thơ 6 chữ.
Một điểm đặc biệt của thơ Đinh Hùng là các bài thơ thường rất dài, nên nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ lấy vài đoạn trong 2 bài thơ này để đưa vào bài hát.
Đó là 2 bài thơ “Tình Tự Dưới Hoa” và “Xuôi Dòng Mộng Ảo”:
“Tình Tự Dưới Hoa” được thi sĩ Đinh Hùng in trong tập thơ “Đường Vào Tình Sử”, tuy là nội dung bài hát Mộng Dưới Hoa dựa nhiều vào bài thơ này, nhưng thật ra chỉ có hai trong sáu đoạn của bài thơ được phổ thành nhạc.
Đó là đoạn thứ nhất của bài thơ:
“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng”
cùng đoạn thứ ba của bài thơ:
“Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi”
Và một câu thơ của đoạn cuối:
“Vai kề một mái thơ phong nguyệt”
Bài thơ 6 chữ “Xuôi Dòng Mộng Ảo” cũng ở trong thi tập “Đường Vào Tình Sử” của Đinh Hùng. Bài thơ có tám đoạn và chỉ có đoạn thứ năm được nhạc sĩ Phạm Đình Chương lấy làm điệp khúc cho bài hát:
“Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối”
Nếu tìm hiểu kỹ bài hát “Mộng Dưới Hoa” với 8 đoạn, và so sánh với nguyên tác hai bài thơ (chép nguyên văn ở bên dưới bài viết này), sẽ thấy đa số lời nhạc của bài hát không có trong bài thơ nào của thi sĩ Đinh Hùng, mà được nhạc sĩ Phạm Đình Chương tự sáng tạo thêm lời nhạc, và thật lạ lùng là phần lời đó vẫn phảng phất được cái chất thơ Đinh Hùng. Để được như vậy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có nhờ chính thi sĩ Đinh Hùng góp sức để hoàn thiện bài hát.
Click để nghe danh ca Duy Trác hát
Cố nhạc sĩ Vũ Thành đã từng nhận xét: “Mộng Dưới Hoa đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó… Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương”.
Giáo sư Nguyễn Đình Cường có kể lại một giai thoại nhỏ đã được chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương kể trong một lần hai người di thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi được hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương cho biết là khoảng năm 1957, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của thi sĩ Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay và có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ, với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng…, những giai điệu đã vang lên trong đầu rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên, và ông đã ghi lại trên giấy.
Ở Sài Gòn trước năm 1975, chính tác giả Phạm Đình Chương (tức ca sĩ Hoài Bắc của ban Thăng Long) đã nhiều lần hát bài này ở phòng trà Đêm Màu Hồng. Đặc biệt mỗi lần hát đến câu “mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” thì ông ngừng lại ngang xương khiến ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi”. Nói xong, ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo.
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Ấu yếm nhìn tôi không nói năng…
Nếu chỉ nghe thoáng qua bài hát, chúng ta thường chỉ nghĩ đơn thuần rằng đây là một bài hát lãng mạn, ca từ đẹp như thơ (vì vốn dĩ đây là một bài thơ). Còn nếu để ý sâu hơn nữa, sẽ thấy được tài dụng chữ trác tuyệt của những thi sĩ thời tiền chiến.
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng… Nếu theo câu chữ thông thường, người ta sẽ viết là “chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng” – nghĩa là khi chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng em là một thiếu nữ rất đẹp. Nhưng điều đó còn nằm trong vòng dự đoán, rồi nếu gặp được, có thể nàng đẹp hoặc không đẹp, hoặc đẹp bằng một hình tượng khác chứ không phải là “như trăng”.
Còn thi sĩ Đinh Hùng sử dụng chữ “vẫn”, là một sự minh định rõ ràng, như là một định mệnh, dù chưa gặp nhưng biết là nàng “vẫn đẹp như trăng” không hề do dự.
Mắt xanh LẢ bóng dừa hoang dại khác hoàn toàn với Mắt xanh LÀ bóng dừa hoang dại. Mắt của nàng không phải, mà cũng không thể LÀ cái bóng dừa. Tác giả muốn mô tả về đôi mắt hoang dại, còn ngây thơ, trong sáng và thuần khiết chưa vương một chút sầu. Nàng như là đến trong giấc mộng và nhìn tôi thật âu yếm trìu mến không nói năng, nhưng mà nàng cũng đâu cần nói gì nữa, vì thực ra chúng ta như là đã gặp nhau từ muôn kiếp rồi…
Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
Mây ngàn gió núi đọng trên mi
Áo bay mở khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi – em nói đi…
Rồi nàng con gái cũng đến thật sự, nàng không những đẹp như tôi vẫn nghĩ, mà đứng trước dung nhan của nàng tôi còn thấy cả một sự kỳ vĩ của tạo hóa, và những giọt lệ chớm buồn bỗng trở thành mây ngàn gió núi về đọng trên bờ mi người thiếu nữ.
Hình ảnh “áo bay mờ khép nghìn tâm sự” thể hiện được biết bao nhiêu ý nghĩa ở trên đời. Người giai nhân áo mỏng đi giữa đường chiều gió lộng, và những lần vạt áo tung bay mở khép hờ hững thôi cũng đủ khiến lòng người trai thấy rối bời cả tâm trí. Hò hẹn đã lâu rồi, xin người hãy nói lời nào êm dịu để lòng tôi được trấn tĩnh giữa nghìn tâm sự miên man không thể xếp được thẳng thớm ngay hàng.
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối.
Ôi hoa kề vai hương ngát mái đầu
Đêm nào nghe bước mộng trôi mau
Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm
Và nguyện muôn chiều ta có nhau…
Đôi tình nhân nép sát và dìu nhau đi vào tận chốn rừng xanh, nơi chỉ có 2 người trên đời. Dừng chân bên dòng suối vắng, nàng hãy để ta được nghe mùi hương tóc khi tựa đầu kề bên vai, nghe được những tâm sự của thiếu nữ và thả hết cơn muộn phiền trôi theo cánh rong vàng bên suối. Cuộc tình này thắm thiết đổi trao và nguyện mong rằng sẽ được gắn bó với muôn chiều.
Bài hát còn có phần lời 2, với ca từ đa số là được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết (không có trong thơ Đinh Hùng) như sau:
Tôi cùng em mơ những chốn nào
Ước nguyền chung giấc mộng trăng sao
Sánh vai một mái lầu phong nguyệt
Hoa bướm vì em nâng cánh trao
Hy vọng thơm như má chớm đào
Anh chờ em tới hẹn chiêm bao
Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng
Hòa lệ ân tình nguôi khát khao
Bước khẽ cho lòng nói nhỏ
Bao nhiêu mộng ước phù du
Ta xây thành mộng nhìn thu
Núi biếc, sông dài ghi nhớ
Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê
Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng
Và mộng em cười như giấc mê…
Bài thơ Tự Tình Dưới Hoa của thi sĩ Đinh Hùng:
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Thương hàng gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi. Em nói đi
Em muốn đôi ta mộng chốn nào
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Chuyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,
Nắng trong hoa, với gió ven hồ
Dành riêng em đấy. Khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa
Rồi buổi u sầu, em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt,
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười
Bài thơ Xuôi Dòng Mộng Ảo của thi sĩ Đinh Hùng:
Chim hồng về khu rừng cũ,
Xuân ấy hai lòng mới yêu
Cùng hoa, bướm trắng sang nhiều,
Nắng thơm những chiều tình tự.
Xin em ngồi trên nhung cỏ,
Nghe suối ca vui nhịp nhàng.
Anh ru cho hồn em ngủ,
Bằng điệu ca sang dịu dàng.
Chim xanh về khu rừng cũ,
Hè tới, hai lòng còn yêu
Cỏ thơm mọc đã cao nhiều,
Cành mộng bao nhiêu hoa đỏ!
Nếu bước chân ngà có mỏi,
xin em dựa sát lòng anh.
Ta đi vào tận rừng xanh,
Vớt cánh rong vàng bên suối.
Lá đỏ rơi trong rừng cũ,
Thu về, hai lòng còn yêu.
Đường tình trải một làn rêu,
Ngơ ngẩn hồn chiều tư lự.
Em có lên sườn núi biếc,
Nhặt cánh hoa mơ gài đầu.
Này đôi nai vàng xa nhau,
Có tiếng gọi sầu thảm thiết.
Chim buồn xa khu rừng cũ,
Đồi núi trập trùng cỏ rêu.
Hai lòng nay đã thôi yêu,
Có tiếng suối chiều nức nở.
Em không nghe mùa thu hết?
Em không xem nắng thu tàn?
Trời ơi! Giọt lệ này tan,
Là lúc linh hồn anh chết!
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn