Nghe những bản thu âm của Thanh Thúy trước 1975, người ta có cảm tưởng Thanh Thúy không hát. Dường như cô chỉ đang kể, đang tự sự và kéo lê những cuộc tình, những kỷ niệm, những mảnh đời trĩu buồn vào lòng của đêm. Cô là hiện thân của âm nhạc phòng trà ngày xưa và cô cũng là huyền thoại đầu tiên của các giọng ca nhạc vàng thuở ấy.
Thanh Thúy có âm giọng trầm và cô cũng thường đẩy ca khúc xuống tông thấp nhất có thể… Nhưng nếu có một so sánh duy nhất về tiếng hát Thanh Thúy, thì đó là những giọt mưa rớt xuống từ trời cao, từng giọt, từng giọt đau buốt nhưng cũng mê đắm ngọt ngào, ảo ảnh. Giọng trầm nhưng càng nghe lại càng thấy như những sợi tơ âm thanh, dệt mãi dệt mãi thành tấm rèm đêm hư ảo lệ đời.
Click để nghe tiếng hát Thanh Thúy trước 1975
Trong âm nhạc Việt Nam chưa từng có ai có giọng hát đặc biệt như vậy, không lẫn với bất cứ ca sỹ nào và cũng không ai bắt chước theo nổi. Ngày đó cũng có ca sỹ Nhật Thiên Lan có chất giọng trầm như vậy nhưng chiều sâu cảm xúc thì không thể sánh với Thanh Thúy. Thanh Thúy có tiếng hát của khổ lệ, tự nhiên bật ra cái chất bi chứ cô không hề cố rên rỉ. Nghe Thanh Thúy ca, đôi khi lại nhớ đến Cher, ca sỹ má mì diva có giọng ồm ồm mị lực.
Giáo sư – triết gia Nguyễn Văn Trung có một bài luận mang tên “Ảo ảnh Thanh Thúy”, tạm trích hai đoạn:
“Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình.
Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả, không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười, cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…”
Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê, đồng ruộng, với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định… Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó.
Thiên Ca (nhacxua.vn)