Sau đúng 30 năm sinh sống ở Mỹ, dến năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về Việt Nam định cư. Đây là một quyết định làm cho những người ở hải ngoại phản đối rất nhiều, có lẽ là vì điều này trái với những lời nói và hành động của ông trong quá khứ. Tuy nhiên, như một lần nhạc sĩ Phạm Duy nói, ông luôn là người chạy trốn chính trị, chứ không chạy theo chính trị. Chính trị cao nhất của ông là yêu nước Việt Nam.
Việc trở về của ông, được nhận định là với mục đích: ông mong muốn gia tài đồ sộ về âm nhạc của ông sẽ được chính thức công nhận ở trong nước, chứ không phải là một loại “nhạc cấm” như trước đó. Nhạc sĩ Phạm Duy mong muốn rằng trước khi ông nhắm mắt xuôi tay, những bài hát của ông sẽ được hát lên ở trong nước một cách đường hoàng, người ta không phải chịu cảnh “hát chui, nghe chui” nhạc Phạm Duy nữa.
Đến năm 2007, lần đầu tiên, có lẽ cũng là lần duy nhất, nhạc sĩ Phạm Duy nhận lời tham gia một buổi giao lưu trực tuyến để trả lời những câu hỏi của khán thính giả từ khắp nơi. Tôi là một trong những người thực hiện buổi giao lưu đó và là người trực tiếp tổng hợp câu hỏi của khán giả gửi đến nhạc sĩ Phạm Duy.
Trong bài phỏng vấn trực tuyến này, nhạc sĩ Phạm Duy đã thể hiện những quan điểm rõ ràng nhất của ông về âm nhạc, về thời cuộc, về hoàn cảnh sáng tác những bài hát nổi tiếng của ông.
Cách ông trả lời khán giả khắp nơi cũng thể hiện được một cá tính riêng biệt, một cái tôi rất lớn mà không thể nhầm lẫn với ai khác.
Nhạc sĩ Phạm Duy trong buổi giao lưu năm 2007
- Được biết thân phụ của ông là nhà văn Phạm Duy Tốn. Cháu muốn được biết là ông Phạm Duy Tốn có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp hoạt động nghệ thuật sau này của nhà ông Phạm Duy hay không?
Nhạc sĩ Phạm Duy: Có chứ, tôi thừa hưởng được tinh thần xã hội của bố tôi và tính hài hước của ông nữa.
- Người nghệ sĩ nổi danh thường thường tăm tiếng đi đôi với tai tiếng.Vậy thái độ của ông Phạm Duy ra sao đối với sự tai tiếng này?
Tôi không bao giờ làm điều gì trái với bổn phận con người nghệ sĩ Việt Nam. Đại đa số những tai tiếng, những tiếng thị phi đều do những kẻ xấu bịa đặt ra và tôi cũng không hề bao giờ quan tâm đến độ phải cải chính.
- Cháu đã được nghe album của anh Đức Tuấn “Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy”, và cháu rất thích album này. Vậy ông có nhận xét gì về anh Đức Tuấn khi anh ấy quyết định hát các ca khúc của ông không?
Tôi rất mừng là Đức Tuấn đại diện của thế hệ trẻ vẫn còn biết và hát nhạc Phạm Duy bởi vì nếu nhạc của tôi chỉ được người già biểu diễn thì tôi chết từ lâu.
- Thưa ông Phạm Duy, cho con xin hỏi, nếu như ông được “đi lại từ đầu”, ông có chọn con đường nhạc sĩ hay không, hay ông sẽ đi 1 con đường khác?
Không, vẫn là con đường của một ca nhân Việt Nam nhưng trong quá trình hành nghề tôi gặp nhiều sự hiểu lầm cho nên tôi xin “đi lại từ đầu”.
- Cháu muốn hỏi ông hoàn cảnh nào mà ông lại viết nên ca khúc Nước Mắt Mùa Thu để tặng Lệ Thu? Ngoài Lệ Thu ra thì còn ca sĩ nào được ông viết nhạc để tặng hay không?
Tôi không soạn “Nước Mắt Mùa Thu” để tặng riêng cô Lệ Thu như nhiều người lầm tưởng. Bài đó hát về thân phận người trong đó có cả người ca sĩ không tên không tuổi. Có thế thôi. Tôi chỉ có tặng vợ tôi hai bài nhạc mà thôi. Đó là bài “Chú Cuội” và “Đêm Xuân”
- Cháu đã được nghe bài Thiên Duyên Tình Mộng của bác và cháu thật sự thất vọng. Đây là 1 bài ca đầy màu thể xác, khác hẳn với những bài tình ca của bác. Vì sao bác lại viết bài nhạc này?
Không, tôi không có bài nào là “Thiên Duyên Tình Mộng” cả. Đó là sự bịa đặt của những người không ưa tôi ở hải ngoại khi họ thấy tôi trở về Việt Nam.
- Lớp cháu chắt hôm nay phải nghe những cái gọi là “tình khúc” vừa nhàn nhạt, vừa đùng đục, vừa như vô hồn (khác xa về chất lượng so với tình khúc của thế hệ các ông). Nhạc sỹ có thấy tiếc cho công chúng và cho giới sáng tác hiện nay?
Tôi chưa có thì giờ để nghiên cứu loại tình khúc đương đại. Tôi chỉ thấy đa số tình khúc của tuổi trẻ hiện nay đang mắc bệnh “hình thức chủ nghĩa” (formalisme) nghĩa là hình thức thì xôm tụ nhưng nội dung thì rỗng tuếch.
- Con chỉ được nghe nhạc của bác trong khoảng thời gian gần đây thôi. Con không hiểu nhiều về ca từ trong các ca khúc của bác nhưng con thích giai điệu của “Chỉ Chừng Đó Thôi” hay “Ngày Xưa Hoàng Thị”. Bác có thể giải thích về hai bài hát này được không ạ?
“Ngày Xưa Hoàng Thị” là tình khúc của học sinh. “Chỉ Chừng Đó Thôi” là một tình khúc có triết lý ở trong đó. Có thể nó là tình khúc của tuổi già chăng?
- Thưa nhạc sỹ Phạm Duy, có người nói tác phẩm của nhạc sỹ có tính triết lý về cuộc sống nhưng ca từ không khô khan mộc mạc vậy theo nhạc sỹ cái triết trong âm nhạc khác có ảnh hưởng đến cái tinh tuý của những “nốt nhạc” không. Xin chân thành cám ơn nhạc sỹ chúc ông khoẻ mạnh và gia đình hạnh phúc
Tôi không quan niệm rằng phải đề cao nhạc không lời. Nhạc của các dân tộc nơi Châu Á thường thường là ca khúc nghĩa là phải có lời để dẫn ý vào lòng người. Tôi không dám nói là đem triết lý vào âm nhạc của tôi nhưng thỉnh thoảng những băn khoăn siêu hình cứ lảng vảng len vào nhạc tôi một cách vô hại.
- Đã từ lâu cháu rất yêu những tác phẩm của nhạc sĩ. Dạ cháu xin được hỏi có phải cuộc sống thường nhật của nhạc sĩ luôn là cảm hứng để có những tác phẩm hay đến vậy phải không a.
Tôi là người may mắn vì không bao giờ tôi tiêu cực trong cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói một cách không khoe khoang hay nhũn nhặn giả dối, tôi là người luôn luôn có hạnh phúc.
- Trước khi về nước, ông được coi như một người không mấy thân thiện với đất nước Việt nam. Nhưng khi về nước rồi thì ngược lại. Ông suy nghĩ sao về điều này?
Sai. Tôi không bao giờ không yêu nước Việt Nam!
- Theo bác thì trong mấy mươi năm qua ai là người hát nhạc Phạm Duy thành công nhất? Và sau này, theo bác thì ai có thể thay thế được tiếng hát Thái Thanh với tình khúc Phạm Duy?
Tôi không cho ai là người hát nhạc tôi hay nhất và tôi nghĩ rằng mỗi thời phải có một người đặc sắc hơn những người khác trong việc biểu diễn nhạc của tôi. Tôi luôn luôn hi vọng có nhiều Thái Thanh chứ không phải chỉ có một.
- Một nhạc sỹ “chạy” qua đủ vùng chính trị, có trình độ “nghệ sỹ” và đẳng cấp chuyên môn âm nhạc cao như ông nghĩ gì khi thực sự được chế độ CS (mà ông từng trốn tránh và chê bai) bây giờ ôm ấp ông trong vòng tay yêu thương khi ông trở về sống trên đất nước vào những năm cuối cuộc đời? Cứ lờ đi như chưa bao giờ phản bội đất nước và “tôi yêu đất nước tôi theo kiểu của tôi” có khiến ông yên lòng hay thỏa mãn?
Tôi chỉ là một người nghệ sĩ luôn luôn chạy trốn chính trị chứ không chạy theo chính trị. Chính trị cao nhất của tôi là yêu nước Việt Nam. Ai dám nói tôi là người phản bội đất nước. Tôi có phục vụ cho một chế độ nào đâu mà nói chuyện phản bội hay trung thành. Người CS hiện nay đang nắm giữ vận mệnh đất nước và họ đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tốt. Tôi trở về là đúng.
- Cháu rất thích bài hát Bên Cầu Biên Giới. Ông có thể nói sơ qua hoàn cảnh sáng tác của bài này cho khán thỉnh giả khắp nơi trên thể giới không ạ?
Đó là một bài hơi có vẻ triết lý vì khi tôi đứng ở trước cầu biên giới nối liền hai nước Trung Hoa và Việt Nam thì tôi thấy được trong lòng tôi và mọi người cũng có biên giới giữa hận thù và tình yêu, giữa chiến tranh và hòa bình. Tôi mong phá vỡ được những chiếc cầu biên giới đó.
- Con rất ấn tượng với hình tượng: Chỉ một chiều lê thê, ngồi co mình trên ghế… của ông trong bài hát Chỉ Chừng Đó Thôi. Vì sao ông lại lấy một hình tượng độc đáo đó cho vào bài hát như vậy? Bài này là do ông sáng tác trong hoàn cảnh nào? Cháu muốn nhắc tới bài hát Chỉ Chừng Đó Thôi.
Đây là một bài hát nói về số kiếp ngắn ngủi của tình yêu. Tưởng rằng khi không còn gần người yêu nữa thì chỉ chừng một năm thôi là “quên lời trăn trối” nhưng câu cuối vẫn là “cả triệu người yêu nhau, còn ai là không thấu, len giữa u tình sâu, một vài giọt ơn nhau” và “tia sáng thiên đường cao, rọi vào ngục tim nhau”.
Đông Kha
(Chép lại từ một buổi giao lưu trực tuyến năm 2007 giữa nhạc sĩ Phạm Duy và khán giả nghe nhạc khắp cả nước)