Ca sĩ Giang Tử tên thật là Nguyễn Văn Giang, sinh ngày 1 tháng 2, 1944 tại Hải Phòng. Do tính tình phóng khoáng thích la cà cùng bạn bè cho nên từ khi bước vào nghề anh được bằng hữu đặt cho nghệ danh là Giang Tử – một người lãng tử tên Giang.
Ca sĩ Giang Tử là con cả trong một gia đình có tám người con. Cha mẹ anh là những thương gia thành công nên rất muốn hướng dẫn anh theo nghiệp gia đình. Thế nhưng, cậu cả suốt ngày cứ xin tiền mẹ qua nhà bạn đóng “cơm tháng” để được ở chung nhà với bạn. Hai ba tháng lại về nhà một lần, rồi xin tiền mẹ đi đóng để ở nhà bạn khác.
Năm 12 tuổi, trò Giang “giang hồ lãng tử” được cha cho theo nhạc sĩ Y Vân học hát, bạn bè đặt tên Giang Tử làm nghệ danh. Giang Tử kể lại rằng Nhạc sĩ Y Vân rất thương anh. Ông dạy và uốn nắn cho anh từng chút. Kỷ niệm về ông rất nhiều, nhưng vui nhất là nghe ông nói chuyện tiếu lâm. Có lẽ vì cái chất phóng khoáng, dễ gần gũi mà sáng tác của ông rất lạc quan. Ngoài ra người ca sĩ đàn anh giúp đỡ rất nhiều và chỉ dạy anh tận tình, đó là Duy Trác. Anh mang ơn hai người này trong sự nghiệp ca hát của mình.
Sau biến cố năm 1975, Giang Tử vẫn cư ngụ tại quận Gò Vấp Saigon. Anh tham gia một số đoàn ca nhạc từ Huế vào đến Cà Mau từ 1975 đến 1990. Anh gắn bó lâu nhất với ba đoàn: Kịch nói Kim Cương, Hương Miền Nam, Xiếc Tuổi Trẻ.
Sau 35 năm kẹt lại Việt Nam và vài chuyến vượt biên bất thành, ca sĩ Giang Tử cuối cùng cũng đã định cư tại vùng đất tự do theo diện bảo lãnh gia đình vào năm 2010 và sống hạnh phúc với người vợ là cựu diễn viên múa (vũ công) Minh Thu; hai người có một đứa con gái đang sinh sống tại Mỹ từ trước.
Ngoài những ca khúc gắn liền với nghệ danh Giang Tử như: Hàn Mặc Tử, Yêu Người Như Thế Đó, Cô Hàng Xóm, Chuyện Đêm Mưa, Đập Vỡ Cây Đàn, Căn Nhà Ngoại Ô, anh cũng được yêu mến với những ca khúc tiền chiến của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Hoàng Giáp, Văn Phụng, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Đình Chương.
Có lần Giang Tử tâm sự: “Vào nghề năm 12 tuổi, lấy bước ngoặt từ năm 1968 đến nay, anh đã có 39 năm sống chết với nghề ca sĩ. Anh hài lòng với những gì đã đạt được vì cái số mình may mắn. Gặp được những người đi trước giúp đỡ, hướng dẫn”.
Anh luôn bảo: “Anh đi nhiều, hiểu biết nhiều chuyện đời nên xem đó như vốn sống để hát. Đặt mình vào cái tình của người nhạc sĩ để cảm, để chia sẻ và để gieo cái đẹp cho những lứa đôi đang yêu. Mỗi ca khúc có lẽ vì thế mà quyện vào anh như máu thịt.”
Vào cuối đời, ca sĩ Giang Tử đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng. Theo một người cháu, Giang Tử bị chẩn đoán ung thư vòm họng, nhưng vẫn tiếp tục đi hát, nên diễn biến ngày càng xấu. Người cháu chia sẻ, Giang Tử là người đam mê ca hát: “…Khi còn ở Việt Nam, dù là tiệc thôi nôi, đám cưới, chú anh đều lên góp vui. Chú chỉ muốn hát, muốn mọi người nhớ đến mình. Mỗi dịp gia đình gặp nhau, chú hay thu âm đĩa tặng mỗi người một cái. Đến năm nay, chú 70 tuổi nhưng vẫn chưa khi nào ngừng hát…”.
Theo lời ca sĩ Phương Hồng Quế, sau khi mổ cổ họng vì bị ung thư, bác sĩ cấm anh hát liền, nhưng vì yêu nghề, yêu khán giả quá, nên anh vẫn cố gắng đi hát, đến nỗi bệnh trở nặng, không thể nói chuyện nhiều hay hát hò được nữa.
Khán thính giả Việt Nam khó mà quên được giọng ca với giòng nhạc bolero ngọt ngào đã đi vào lòng người của Giang Tử với những ca khúc như Hàn Mặc Tử, Yêu Người Như Thế Đó.
Ca sĩ Giang Tử đã chính thức vĩnh biệt cõi trần vào lúc 3g35 chiều, tại bệnh viện LBJ Houston, Texas, vào ngày 16 tháng 9 năm 2014, hưởng thọ 70 tuổi.