Trong những thập niên 1950, 1960 và 1970, hình ảnh những chiếc taxi hai màu xanh – trắng (hoặc vàng nhạt) đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của Sài Gòn. Đặc biệt, dòng xe Renault 4CV đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống của người dân và trở thành kỷ niệm khó phai đối với những du khách từng đặt chân đến Hòn ngọc Viễn Đông.
Renault 4CV tại Việt Nam
Những chiếc Renault 4CV đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam vào cuối thập niên 1940 là phiên bản 4CV Affaires. Sau đó, xe được cải tiến thành taxi để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của Sài Gòn. Được sơn màu trắng ngà và xanh, các xe taxi Renault 4CV đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên đường phố Sài Gòn trong thập niên 1950. Dần dần, thêm các kiểu xe Renault Dauphine, Simca, Peugeot xuất hiện trong thập niên 1960. Dù Renault đã ngừng sản xuất dòng xe này vào năm 1961, những chiếc 4CV vẫn tiếp tục phục vụ nhờ sự khéo léo của các thợ máy địa phương, cho đến khi biến mất sau năm 1975 do chính sách cải tạo công thương nghiệp và bài trừ tư sản mại bản.
Vào thập niên 1960, đường phố Sài Gòn tràn ngập hình ảnh những chiếc taxi mang nhãn hiệu Renault 4CV, thường được gọi là “taxi con cóc”. Những chiếc xe này nổi bật với màu xanh dương đậm và mui màu trắng ngà. Trên mui xe có hộp mica ghi chữ “Taxi” màu đỏ, hệ thống tính tiền bằng đồng hồ ki lô mét. Dù không có máy lạnh hay radio, những chiếc xe này vẫn được coi là biểu tượng của sự sang trọng và tiện nghi thời bấy giờ. Người dân dễ dàng nhận diện taxi nhờ vào quy định thống nhất về màu sắc, áp dụng nghiêm ngặt bởi Tòa Đô chánh. Ngoài Renault 4CV, các dòng xe khác như Peugeot, Simca và Dauphine cũng được sử dụng làm taxi từ giữa thập niên 1960. Một điểm đặc biệt là hầu hết các xe đều có khẩu hiệu “Không bỏ rác xuống đường” bên trong mui để khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường.
Người chủ xe nhập khẩu xe về và cho những người muốn hành nghề lái taxi thuê lại. Theo Tuần San Thương Mại Sài Gòn năm 1962, giá một chiếc taxi mới nhập khẩu là 180.000 đồng, và chủ xe cho thuê với giá 210 đồng/ngày, mức giá do chính quyền quy định. Sau sáu năm, xe cũ chỉ còn giá 50.000 đồng. Hằng tháng, chủ xe phải trích một phần thu nhập để nộp các loại thuế, mua phụ tùng, bảo dưỡng và sửa chữa xe sau tai nạn. Năm 1962, Tòa Đô chánh cấp 6.580 giấy phép lưu thông, nhưng chỉ khoảng 4.500 chiếc taxi hoạt động vì số giấy phép còn lại đã được trả lại. Trong khi đó, Nghiệp đoàn Tài xế taxi đòi giảm giá thuê xe xuống 200 đồng/ngày và yêu cầu công nhận người lái taxi là công nhân của chủ xe, nhưng không đạt được sự đồng thuận từ cả hai phía.
Để giúp tài xế taxi trở thành chủ xe, các nhà nhập khẩu cho phép tài xế mua xe bằng hình thức trả góp, với điều kiện có cơ quan tài chính bảo lãnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng vay tiền mua xe, và xe lam được ưu tiên vay hơn do giá rẻ hơn. Việc vay mua xe taxi yêu cầu nhiều điều kiện thế chấp khắt khe, khiến nhiều người phải thế chấp nhà cửa hoặc có số tiền tiết kiệm hơn 50% giá trị xe trong ngân hàng. Chính sách “hữu sản hóa” giúp tăng số lượng tài xế có xe, đến mức năm 1966, báo Phổ Thông viết rằng tỷ lệ người dân sử dụng taxi ở Sài Gòn là 250 người/chiếc, so với Paris là 360 người/chiếc, New York là 667 người/chiếc và Luân Đôn là 1.350 người/chiếc. Tuy nhiên, việc chờ taxi vẫn mất nhiều thời gian.
Theo Tuần San Thương Mại Sài Gòn năm 1967, sự xuất hiện của lính Mỹ đã làm thay đổi thói quen đón khách của tài xế taxi. Tài xế thường từ chối khách Việt, thích đón khách Mỹ hơn vì được “bo” nhiều hơn. Dù xe trống, tài xế thường giương cờ “Có khách” khi gặp khách Việt và kéo cờ xuống khi gặp khách Mỹ, gọi là “bẻ cờ”.
Cuối năm 1954, xe taxi bị cấm chở hơn bốn người và không được hoạt động sau một giờ sáng. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của xe dù từ các hãng như Ford Vedette, Citroen Traction, Peugeot, chủ yếu chở khách về khuya mà không sử dụng đồng hồ tính tiền. Chủ xe thỏa thuận giá trực tiếp với khách.
Sau năm 1975, một thời gian dài taxi vắng bóng ở Sài Gòn, cho tới những năm thập niên 1990 mới bắt đầu phục hồi với sự xuất hiện của các hãng taxi tư nhân. Điều này đánh dấu sự phát triển mới trong lĩnh vực vận tải hành khách tại thành phố, mang đến những tiện ích hiện đại và dịch vụ chất lượng hơn cho người dân.
Một số hình ảnh xe taxi Sài Gòn lẫn trong dòng xe cộ đông đúc trên đường phố Sài Gòn xưa:
Các hình ảnh xe taxi Sài Gòn xưa:
(“Hữu sản hóa” là cách thức gọi tên một chương trình của chính phủ thời bấy giờ hỗ trợ giúp người dân có điều kiện sắm xe lam và cả xe taxi để vận chuyển hành khách bằng cách cho mượn tiền mua trả góp. Hình thức này nhằm tăng cường phương tiện giao thông công cộng mà Nha Lộ vận đang bị phá sản vì hệ thống xe buýt thành phố do chính phủ quản lý hoạt động không có hiệu quả)
Lịch sử dòng xe Renault 4CV
Renault 4CV lần đầu ra mắt công chúng vào ngày 3 tháng 10 năm 1946, tại Triển lãm xe ô tô Paris lần thứ 33 sau 8 năm gián đoạn vì chiến tranh và khó khăn kinh tế ở Châu Âu. Mẫu xe này được phát triển trong bí mật dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã, với mục tiêu tạo ra một chiếc xe đủ tiện nghi và hợp túi tiền của đa số người dân. Xe Renault 4CV nhanh chóng chinh phục người tiêu dùng và trở thành biểu tượng thành công của Renault.
Ngày 26 tháng 6 năm 1940, công ty Renault bị đặt dưới sự kiểm soát của Đức Quốc Xã khi Pháp bị chiếm đóng. Tất cả các kế hoạch sản xuất và phát triển xe hơi đều bị ngừng lại. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ các kỹ sư Renault đã lén lút làm việc để phát triển một mô hình xe mới dành cho đại chúng, tương tự như Volkswagen Type 1 (hay còn gọi là Bug hoặc Beetle) ở Đức. Họ đặt ra hai mục tiêu: xe phải có giá thành hạ để phù hợp với thu nhập của người dân và phải tiết kiệm nhiên liệu.
Sau khi Pháp được giải phóng vào năm 1944, công ty Renault nhanh chóng khởi động lại sản xuất. Tháng 3 năm 1945, ông Pierre Lefaucheux tiếp quản công ty từ ông Louis Renault. Lefaucheux cổ vũ mạnh mẽ cho kế hoạch 106, tập trung vào sản xuất một chiếc xe dân dụng rẻ tiền và tiết kiệm. Những chiếc Renault 4CV đầu tiên ra mắt vào năm 1947 với thiết kế đơn giản và màu sơn duy nhất.
Các phiên bản của Renault 4CV
Renault 4CV có nhiều phiên bản khác nhau, được chia thành 7 phiên bản chính:
4CV Affaires: Phiên bản giá rẻ và chắc chắn, là kiểu xe chủ yếu của các taxi Sài Gòn. Năm 1954, kiểu xe này được trang bị thêm một đèn hậu thứ hai và vài chi tiết không được mạ kền. Mô hình này còn có phiên bản mui trần tùy chọn vào năm 1952 và 1953.
4CV Sport: Ra mắt vào năm 1951, với động cơ 748cc phát triển 21 mã lực. Màu sơn thay đổi qua các năm, bao gồm trắng Réjane, xanh dương Capri, đen, xám và xanh Erin Pompadour.
4CV Commerciale: Phiên bản thương mại, chỉ có màu đen và có thể chở được 200 kg. Các ghế sau và ghế hành khách phía trước được loại bỏ để tăng không gian chứa hàng. Phiên bản này bị ngừng sản xuất vào tháng 3 năm 1952.
4CV Service: Được ra mắt vào tháng 10 năm 1952 để cạnh tranh với Citroen 2CV. Phiên bản này đơn giản hóa để giảm giá thành, với thiết kế nội thất sơ sài và chỉ có một đèn hậu. Do thiếu tiện nghi, nó bị xa lánh bởi khách hàng và bị ngừng sản xuất vào tháng 8 năm 1953.
4CV Découvrable: Phiên bản mui trần, ra mắt vào năm 1949 với màu sơn đỏ Bordeaux. Được sản xuất từ năm 1951 đến 1956 với số lượng 9.518 chiếc, phiên bản này có giá bán cao hơn các phiên bản sedan.
4CV R1063: Phiên bản thể thao, được thiết kế để tham gia các cuộc đua. Động cơ 748cc phát triển 32 mã lực và đạt tốc độ tối đa 120 km/h. Các phiên bản sau còn được nâng cấp lên 35 mã lực và tốc độ tối đa 125 km/h.
4CV Pie: Phiên bản cảnh sát, được trang bị hệ thống liên lạc và động cơ mạnh mẽ hơn. Phiên bản này có biệt danh là “xe 4CV chim ác đen” và được sử dụng bởi Sở cảnh sát vùng sông Seine.
Ngoài ra, còn có một số phiên bản đặc biệt khác như xe Rogue, do Louis Rosier cải tiến thành xe đua, và xe Fiftie, được thiết kế để kỷ niệm 50 năm của dòng xe Renault 4CV.
Renault 4CV không chỉ là một phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa, ghi dấu ấn trong lòng người dân Sài Gòn và du khách. Dù đã biến mất, hình ảnh những chiếc taxi Renault 4CV vẫn luôn sống động trong ký ức của nhiều người. Sự pha trộn giữa thiết kế đơn giản, tiết kiệm và khả năng vận hành bền bỉ đã làm nên thành công của Renault 4CV, một huyền thoại trong lịch sử ngành ô tô.
Đông Kha