Mối tình của nhạc sĩ họ Trịnh với nàng thơ xứ Huế (thực ra là gốc Bắc) tên là Ngô Vũ Bích Diễm đã tạo cảm hứng cho nhạc phẩm “Diễm xưa” bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Click để nghe podcast bài viết này (Câu chuyện chưa kể về Diễm trong ca khúc Diễm Xưa)
Thời ca khúc này nổi tiếng những năm thập niên 1960 cho tới vài chục năm sau đó, giới thanh niên mới lớn ở Sài Gòn có câu cửa miệng “xưa rồi Diễm”, điều đó phần nào thể hiện mức độ nổi tiếng và phổ quát của ca khúc này.
Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa trong băng Sơn Ca 7
Theo bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói lại sau này, dù mối tình Sơn – Diễm chỉ thoảng như làn gió vội, nhưng đã để lại một dư chấn lớn trong lòng chàng nhạc sĩ thời gian dài về sau, và có lẽ đây cũng chính là mối tình đầu của cả 2 người. Nhà văn, giáo sư Bửu Ý, một người bạn thân của nhạc sĩ, từng cho biết: “Sinh thời, Trịnh Công Sơn có đến hơn… 23 người tình. Tuy nhiên, do mối tình đầu với bà Bích Diễm quá sâu nặng cho nên những mối tình sau này, thật ra Trịnh Công Sơn chỉ là đi tìm hình bóng của bà Diễm trước đó mà thôi”.
Năm 1997, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho đăng báo một bài tùy bút “Diễm của những ngày xưa”, cho chúng ta biết rõ về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Diễm Xưa như sau:
Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.
Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.
Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thiêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.
Ca khúc này được sáng tác vào năm 1960, khi nhạc sĩ 21 tuổi và vừa thi đậu tú tài (trễ như vậy là do ông nằm bệnh nặng lúc 18 tuổi), sau khi học trung học ở Huế, rồi vô Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn). Xong tú tài, ông về Huế, gặp Bích Diễm và sáng tác Diễm Xưa. Lúc này gia đình ông gặp khó khăn kinh tế, căn nhà ở đường Phan Bội Châu phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ nhỏ hơn ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam (nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ).
Sau này, Bích Diễm cho biết bà quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua hoạ sĩ Đinh Cường, thời ấy là một học trò Pháp văn của cha của bà là ông Ngô Đốc Khánh. Nhà ông Khánh ở số 46 đường Phan Chu Trinh, bên kia sông An Cựu, đối diện với nhà của Trịnh Công Sơn ở đường Nguyễn Trường Tộ.
Bạn của nhạc sĩ thời đó là Nguyễn Đắc Xuân, kể lại:
“Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm – con gái thầy Ngô Đốc Khánh – người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dõng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn.
Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.
Thầy Ngô Đốc Khánh – thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà, Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về. Khác với Ph.Th. (em ruột của ca sĩ Hà Thanh), Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó.
Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau nầy Sơn đã kể lại nhiều lần…”
Em rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Hoàng Tá Thích cũng hồi tưởng:
“…ngày ngày người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng của trường Đồng Khánh, vẫn thường đi ngang, băng qua cầu, rẽ tay mặt về nhà. Hình ảnh người con gái thùy mị mang nét kín cổng cao tường rất cổ điển đó đã làm cho anh không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi:
Lụa áo em qua phủ mặt đường
Gót nhỏ xanh xao tựa khói sươngDiễm mang đến cho anh một mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn như hai chữ Diễm xưa. Có hôm thức dậy muộn, nhìn thấy bên cửa sổ có cài một nhành dạ lý hương, anh biết người đẹp đã đi qua nhà mình. Và mỗi lần thức dậy anh đều mong nhìn thấy cành hoa cài trên cửa: “Chiều này còn mưa, sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau”.
Rõ ràng, lời ca khúc trong câu này là NHỠ MAI, một từ rất Huế xưa, (lỡ – nói thành nhỡ), nhưng cho tới hiện tại, hầu hết ca sĩ đều hát thành Nhớ Mãi – cái chữ tương đối tầm thường, và đáng nói là nó làm sai hoàn toàn ý nghĩa câu hát nhẹ nhàng xen lẫn xót xa của nhạc sĩ: Nhỡ mai trong cơn đau vùi… Câu hát đó tuy ngắn ngủi nhưng thể hiện đầy đủ ý nghĩa về một tình yêu có phần vội vã và đầy sự lo âu.
Một câu hát khác cũng trong ca khúc này đã từng có một vài sự tranh cãi, đó là chữ “tháp cổ” trong câu đầu tiên: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ... Đây không phải là tháp chùa Thiên mụ hay đền đài miếu cổ nào, mà theo lời diễn giải của chính tác giả thì tháp cổ ở đây là ẩn dụ về những “tòa tháp” thiên nhiên, cổ của người thiếu nữ. Thuở đó người con gái Huế thường bận áo dài cổ thuyền, khoe tầng cổ cao trắng ngần.
Có người lại nói rằng “tháp cổ” ở đây là viết về các tháp Chàm cổ ở Qui Nhơn, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo học trường sư phạm vào thời điểm sáng tác ca khúc này. Tuy nhiên điều đó không đúng, vì ông học trường Sư phạm Qui Nhơn vào khóa đầu tiên khai giảng ngày 22/4/1962, còn Diễm Xưa đã sáng tác từ năm 1960, và cảnh mưa vẫn mưa bay trong Diễm Xưa là viết về cảnh mưa buồn muốn thuở của Huế. Bởi thế mà bà Bích Diễm sau này có nói rằng: “Trong bài này anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về… tôi. Tôi nghĩ vậy. Ðó là bóng dáng của Thành nội cổ kính, của dòng sông Hương xanh mát và huyền hoặc, là không khí lãng đãng của thơ, của nhạc”.
Một điều đặc biệt khác mà ít người nào ngờ tới, đó là Bích Diễm không chỉ là bóng hồng (một cách chính thức) trong ca khúc Diễm Xưa, mà cũng có liên quan tới một ca khúc rất nổi tiếng khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đó là Hạ Trắng. Trong một lần về nước, Bích Diễm kể rằng trong thời gian hai người quen biết nhau, có lần bà tặng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một nhánh dạ lý hương đầy hoa rất lớn bẻ từ nhà bà, và điều này đã trở thành một “cú sốc” tình cảm lớn đối với nhạc sĩ, theo như lời kể lại của em gái nhạc sĩ với bà sau này…
Chùm dạ lý hương đã được Hoàng Tá Thích nhắc tới bên trên, cũng đã được Diễm thừa nhận như vậy, và nó đã xuất hiện một cách đặc biệt trong hoàn cảnh sáng tác ca khúc Hạ Trắng được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại như sau:
“Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42-43 độ C.
Có một mùa hạ năm ấy, tôi bị một số cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài gần nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cầm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.
Trong vùng tôi ở đó, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩn liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó, ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo cụ bà luôn.
Câu chuyện ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như ‘áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau’ để viết nên bài Hạ Trắng.”
Theo lời kể của Diễm sau này, lúc đó bà cũng có tình cảm với chàng nhạc sĩ. Nhưng vì sao mối tình này không thành? Thậm chí chưa kịp viên thành đã tan nhanh. Có lẽ là vì lúc đó chàng nhạc sĩ mặc cảm về hoàn cảnh của mình, việc học còn dở dang nên không tỏ lời yêu chính thức, chỉ dám thổ lộ tình cảm của mình qua nhạc, còn Diễm thì cũng không thể vượt qua được cản trở từ gia đình…
Đông Kha