Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành xưa sau
Đó là 4 câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Trúc Ly, lâu nay được nhiều người nói là viết tặng cho danh ca Thanh Thúy, lại có người khác nói là viết cho danh ca Thái Thanh.
Lâu nay, có nhiều người chia làm 2 phe, người nói là viết cho Thanh Thúy, người nói là Thái Thanh, tuy nhiên thực tế theo chính lời thi sĩ Hoàng Trúc Ly thì ông không viết bài thơ này cho Thanh Thúy hay Thái Thanh, mà viết cho một người ca sĩ vô danh mà thậm chí ông không nhớ được tên. Từ bóng dáng đó, ông nghĩ ra một chuyện tình tưởng tượng để làm thơ, sáng tác vào đầu thập niên 1950, khi mà Thanh Thúy vẫn chưa đi hát. Năm 1972, khi trả lời phỏng vấn tờ Sóng Thần, Hoàng Trúc Ly còn nói rằng cho tới lúc đó, ông chưa từng gặp danh ca Thanh Thúy một lần nào.
Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn:
- Bài “Ca Sĩ” trong tập thơ Trong Cơn Yêu Dấu của anh hình như đã gây 1 huyền thoại mà anh cho là không đúng, vậy anh có thể tiết lộ sơ về nguồn cảm hứng về bài ấy để đánh tan ngộ nhận kia không?
– Hoàng Trúc Ly: Bài “Ca Sĩ” gồm 3 đoạn tôi sáng tác từ 20 năm trước – dường như lúc ấy, nữ ca sĩ Thanh Thúy chưa xuất hiện trên sân khấu kịch nhạc. Xin đọc lại:
từ em tiếng hát lên trời
tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh
sợi buồn chẻ xuống lòng anh
lắng nghe da thịt tan tành xưa saumùa xuân còn gì thưa em
sáu dây rét mướt chưa mềm trăng khơi
cô đơn đỉnh núi gần trời
nghiêng vai xin khoác nụ cười áo xanhtrời em tiếng hát lên từ
âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
áo dài lùa nắng vào mây
dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sươngĐúng là ngợi ca một ca sĩ, tuy nhiên, chỉ là mối tình… tưởng tượng. Tôi quên mất bóng dáng giai nhân nào từng gợi cảm trong tôi, chỉ nhớ là không phải Thanh Thúy. “Huyền thoại” nhắc nhở Thanh Thúy, có thể vì hình ảnh Thanh Thúy nổi bật với suối tóc, kho hát ưa đưa bàn tay như mời gọi âm thanh.
Sự thực, mãi đến hôm nay, tôi vẫn chưa được hân hạnh gặp cô Thanh Thúy, dù một lần.
Nghĩ cho cùng tôi không bối rồi trước ngộ nhận. Người Tây phương thường nói: “Có là bằng hữu mới hiểu lầm nhau”. Vả chăng, thân phận tôi bấy lâu nay là cánh hoa dại ngoài bờ dậu; biểu trưng cho sự vô phúc. Nay biết đời chưa hẳn bỏ rơi tôi, đời còn yêu mà liệt vào giai thoại, thôi, cầm bằng như một… an ủi.
Như vậy, theo chính lời của tác giả những câu thơ này, thời điểm ông sáng tác bài Ca Sĩ là những năm đầu thập niên 1950, là thời điểm Thái Thanh đang là danh ca số 1 của tân nhạc. Ông nói rằng không nhớ bóng dáng ca sĩ đó là ai, không nhắc tới cụ thể tên danh ca Thái Thanh có phải là một cách tế nhị để tránh so sánh với các nữ ca sĩ với nhau?
Click để nghe tuyển tập nhạc Thái Thanh thu âm trước 1975
Ngoài khoảng thời gian sáng tác trùng thời thời điểm nổi tiếng của danh ca Thái Thanh, thì ở ngay câu đầu: “từ em tiếng hát lên trời” dường như là nói về giọng hát Thái Thanh, một giọng ca cao vút như là tiếng hát lên trời.
Thi sĩ Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh Đắc Vị, người Huế nhưng sinh ra ở Bình Định, nổi tiếng với tập thơ Trong Cơn Yêu Cấu xuất năm 1963, sống bằng nghề dịch sách, các bộ cổ tích và thần thoại Hy Lạp.
Nói về thơ Hoàng Trúc Ly, Phạm Công Thiện viết: “Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại”. Đặng Tiến cũng có nhận định: “Hoàng Trúc Ly là một nghệ sĩ khéo lựa tiếng đàn. Trong thi phẩm từ ngữ luôn luôn tạo thành một hòa âm tinh tế. Thường những bài lục bát của Hoàng chỉ có bốn câu, nhưng bốn câu ấy tựa vào những âm vọng, âm hưởng hòa hợp lẫn nhau để tạo thành một sinh khí, một cơ thể, một năng lực. Nghệ thuật diễn tả của Hoàng Trúc Ly đạt đến độ tài tình. Hoàng Trúc Ly phả hơi thở mới vào các hình thức đã già nua. Hoặc bằng nhạc điệu, hoặc bằng từ vựng, Hoàng Trúc Ly chứng tỏ rằng thi ca Việt Nam vẫn còn những kho tàng chưa khám phá…”
Đông Kha – nhacxua.vn