Sau khi vào tới miền Nam, hát xong tại Sài Gòn, gánh hát Đức Huy khởi sự xuống Lục tỉnh. Bắt đầu hát tại Mỹ Tho, Cần Thơr ồi xuống Bến Tre, Bạc Liêu… Gánh hát đi từ tỉnh này qua tỉnh khác bằng xe lửa hay xe bus. Nhưng tại nhiều nơi, vì tiện đường thủy, chúng tôi di chuyển bằng thuyền. Chao ôi là nên thơ khi được nằm trên mui thuyền để xem phong cảnh đồng quê miền Nam!
Một ngày mùa Hạ, gánh hát tới thành phố Vĩnh Long. Ở đây tôi có thêm một người bạn mới. Đó là Trần Văn Khê. Anh đã nghe tin có chàng du ca đi theo gánh hát cải lương để truyền bá nhạc cải cách. Và anh mò tới nghe tôi hát rồi sau đó, chúng tôi kéo nhau ra một nhà thủy tạ ở bờ sông gọi là Cầu Lộ, ngồi nói chuyện huyên thuyên tới 3 giờ sáng vẫn chưa hết chuyện…
Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, dù đã ra Hà Nội học trường thuốc, nhưng Trần Văn Khê sẽ không bao giờ là một dược sĩ hay bác sĩ mà sẽ trở nên một giáo sư của nền Âm nhạc Việt Nam. Có lẽ anh là người đầu tiên và độc nhất có cái nhìn tổng hợp về nhạc sử Việt Nam, một nghệ thuật mà chúng ta không thể hiểu biết một cách rõ ràng nếu chỉ đọc nhạc sử trong sách Đại Việt Sử Ký hay của những người ngoại quốc viết về nhạc Việt như Gaston Knost, Le Bris v.v.
Ông nội của Trần Văn Khê là cụ Trần Văn Diệm, một trong những vị sáng lập nên sân khấu miền Nam với những màn Ca Tài Tử, Ca Ra Bộ vào đầu thế kỷ XX. Người cậu của anh cũng là một nhạc sĩ cổ truyền, Nguyễn Tri Khương, đã từng làm phong phú nhạc mục thính phòng (và cải lương) bằng những sáng tác như Yến Tước Tranh Ngôn, Thất Trĩ Bi Hùng. Anh và người em Trần Văn Trạch đều là linh hồn của âm nhạc đương đại Việt Nam vậy.
Tại Vĩnh Long, tôi cho Trần Văn Khê mượn cuốn sách dạy nhạc của Lavignac mà tôi mang theo trên đường giang hồ, coi như một bảo vật. Yêu bạn nên sẵn sàng trao bảo vật. Trải qua một cuộc chiến dài dòng và khốc liệt, sau hơn 30 năm, khi tôi qua Florida, Hoa Kỳ vào năm1975, từ Paris, Trần Văn Khê gửi trả lại tôi cuốn sách đó, sách vẫn còn y nguyên, không mất một trang nào, cũng không mất một dòng chữ nào của tôi ghi chú trên những trang sách đó nữa.
Trần Văn Khê còn kể cho tôi nghe là nhờ cuốn sách dạy nhạc của Lavignac mà anh thoát chết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Số là anh bị lính Pháp bắt trong một cuộc ruồng bố chung, cùng với một số đồng bào ở một địa phương nào đó tại Hậu Giang. Để trả thù cho đồng đội bị chết, cả bọn sắp sửa bị lính Pháp đem bắn thì một đại úy lục thấy trong ba lô của anh có cuốn sách Lavignac viết bằng tiếng Pháp. Viên đại úy Pháp này bèn hỏichuyện anh, biết anh chỉ là một thư sinh và thả tự do cho anh.
1945, tôi ở Cà Mau trở về Sài Gòn để gặp Cách mạng thì Trần Văn Khê cũng ở đó và được anh giới thiệu với Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiễng là ba chủ nhân của một cửa hàng bán bản nhạc ở đường Bonard với bảng hiệu là Hoàng-Mai-Lưu (do ba cái tên Hoàng [Huỳnh] Văn Tiễng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước). Có lần tôi và Khê được kéo tới ăn cơm cùng với ba anh bạn này trong một bữa cơm gia đình tại Gia Định. Lúc đó chúng tôi còn rất trẻ và say mê hoạt động trong một nước vừa thoát ra khỏi vòng nô lệ của Pháp thực dân.
Rồi tôi trở ra Hà Nội và đi theo kháng chiến, còn Khê thì đi du học bên Pháp. Đầu tiên, anh theo học tại trường Sciences Politiques (Khoa học Chính trị) ở Paris nhưng sau đó, anh vào Institut de Musicogie để học về nhạc học . Bảy, tám năm sau, khi tôi vào sinh sống tại miền Nam vào năm 1951, chúng tôi bắt bạn với nhau bằng thư từ. Ba năm sau, năm 1954, có lẽ vì nghe theo lời khuyên của Khê, tôi đáp tàu biển La Marseillaise đi Pháp học nhạc.
Trước hết, tôi được Đặng Trần Vận, cựu chủ nhân phòng trà Thiên Thai ở Hà Nội 1946, hiện đang du học ở đây, giới thiệu tôi với giáo sư Robert Lopez để tới học lý thuyết (hòa âm, đối âm) và thực hành (piano), mỗi giờ phải trả 1.000 quan cũ gì đó. Mỗi tuần ba ngày tôi đáp métro (xe điện ngầm) lên nhà thầy Lopez ở Neuilly để học hỏi kỹ càng về 800 năm âm nhạc cổ điển Tây phương mà tôi chỉ biết qua sách vở hay dĩa hát. Học để coi xem có thể áp dụng vào âm nhạc Việt Nam hay không.
Tôi tổ chức việc học hành theo phương pháp của tôi, không nhắm mắt đi theo trường phái nào cả. Đi học tự túc thì không có đủ tiền để theo một giáo trình rồi thi đậu và có bằng cấp để được thu dụng làm giáo sư trường nhạc hay làm người chuyên khảo trong Viện Âm nhạc. Hơn nữa, vì có một vợ hai con ở nhà, tôi cần phải đốt giai đoạn. Tôi quyết định chỉ học những nguyên tắc căn bản về nhạc lý, về tiến trình âm nhạc thế giới, về bí quyết sáng tác. Tôi học piano để chỉ đánh nhạc Debussy, thiên về Á Đông.
Rồi tôi thấy ngay hình thức đại nhạc của Âu Tây không áp dụng vào nhạc Việt lúc này được. Cần phát triển giai điệu đến tột cùng rồi nhờ thế hệ sau đi vào hòa điệu. Tôi may mắn vô cùng vì tôi có con tôi là Phạm Duy Cường để thực hiện điều tôi phác họa từ khi du học.
Lúc tôi qua Pháp, Trần Văn Khê là sinh viên đang theo học tại Institut de Musicologie tại Paris. Nhưng sức khỏe của anh không tốt lắm nên khi chúng tôi gặp mặt nhau thì Khê đang nằm trong một bệnh xá ở ngoại ô (Sceaux).
Những ngày cùng Trần Văn Khê tới học nhạc ngữ ở Institut deMusicologie (nằm trong Đại học Sorbonne) thật là lý thú. Tôi đã hiểu rõ hơn về sự thành hình và biến hình của âm giai. Vào năm 1954 này, môn nhạc học vừa mới được thành lập, các lý thuyết gia như Jacques Chailley, Constantin Brailoui vừa đặt xong nền tảng cho khoa nhạc học. Khi giảng bài, giáo sư cần những ví dụ về giai điệu để chứng minh cho tiến trình thành lập âm giai, thì tôi – vốn biết nhiều giai điệu cổ truyền Việt Nam – đứng lên cống hiến một vài ví dụ. Chẳng hạn, để chứng minh cho giai đoạn tam cung (tritonique) tôi hát mấy câu hát ví, giai điệu nằm trong ba cung DO FA SOL. Chứng minh cho giai đoạn tứ cung (tétratonique), tôi có điệu ru Huế, giai điệu nằm trong bốn cung DO RE FA SOL…
Nhờ những ngày đi nghe giảng về khoa nhạc ngữ này, tôi thấy mình có thể phát triển những đoản khúc dân ca lên thành những bản trường ca. Trước kia, tôi chưa bao giờ theo học một lớp nhạc nào cả và chỉ vô tình đem hơn một âm giai ngũ cung vào một ca khúc. Nay tôi hiểu rõ hiện tượng métabole, nghĩa là sự chuyển điệu từ ngũ cung này qua ngũ cung khác khiến cho giai điệu của bất cứ nhạc phẩm nào cũng có rất nhiều cung bậc mà nghe ra vẫn là giai điệu Việt Nam.
Học hỏi về nhạc lý và lịch sử âm nhạc cổ điển Tây phương còn giúp tôi phối hợp đặc tính của hai loại nhạc có chủ thể (musiquetonale) và nhạc không có thể (musique modale). Tôi cũng chăm chú nghe đĩa hát và tập đánh đàn những đoản khúc soạn chopiano của Debussy để thấy nhạc sĩ này đã sử dụng âm giai ngũ cung ra sao trong việc sáng tạo những giai điệu mới. Bản La Jeune Fille Aux Cheveux De Lin của ông cho tôi thấy rõ ràng cách ông phát triển nét nhạc ngũ cung. Những nhạc phẩm của Debussy đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều vì mấy chục năm sau, dù đã quên hẳn Debussy nhưng trên đường tị nạn, tôi đã soạn ra một ca khúc nhan đề Dấu Chân Trên Tuyết . Chắc chắn trong tiềm thức của tôi vẫn còn cái tên của bản nhạc Des Pas Sur La Neige của Debussy.
Sau khi nắm được hiện tượng métabole và bí quyết soạn nhạc ngũ cung của Debussy rồi, ngay tại Paris, tôi soạn ra mấy khúc đầu của trường ca Con Đường Cái Quan, người nghe đầu tiên là Trần VănKhê:
Tôi đi từ Ải Nam Quan, tôi gặp Nàng Tô Thị y y ý
Cho tôi gửi một đôi câu: chớ có về…
Click để nghe Con Đường Cái Quan bản thu đầu tiên
Về sau, khi hoàn tất tác phẩm này tại Sài Gòn thì cả nhạc lẫn lời mà tôi phác họa ra ở Paris vào năm 1954 sẽ được thay đổi ít nhiều.Trường Ca Con Đường Cái Quan là sự phản kháng của tôi trước sự chia cắt đất nước. Dù luôn luôn chối từ đóng những vai trò chính trị viên hay chính trị gia nhưng tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội dùng văn nghệ để bày tỏ thái độ chính trị của mình.
Hàng ngày tôi đi học tư nơi thầy Robert Lopez hay tới Institut de Musicologie để nghe giảng về nhạc học. Trước giờ học, thi nhau đánh tilt (bàn bi điện) với Trần văn Khê. Đôi khi chúng tôi tới Đông Dương học xá với Đặng Trần Vận, tham gia chương trình văn nghệ của các sinh viên Việt Nam và được coi màn múa võ của kiến trúc sư khôi nguyên La Mã tương lai Ngô Viết Thụ… Có lần tôi và Khê tham dự đêm văn nghệ tại hội trường đường Maubert, Khê biểu diễn đàn tranh, tôi ngâm thơ Hoàng Cầm… Hay hẹn hò với hai nhạc sĩ Công giáo Hải Linh, Ngô Duy Linh đang học nhạc tại trường Cesar Frank gặp nhau ở đâu đó để bàn chuyện âm nhạc.
Click để nghe Chiến Sĩ Vô Danh (Trần Văn Khê – Hải Minh hát)
Khi chúng tôi cùng nhau đi học tại Pháp cũng như sau khi tôi trở về Sài Gòn, Trần Văn Khê đã hát vào băng cassette một số dân ca của tôi như Nhớ Người Thương Binh, Tiếng Hát Sông Lô và nhất là bài Tơ Tình hay Tình Ca Mùa Thu mà tôi soạn cho đàn tranh. Tôi vẫn còn giữ được những kỷ vật bằng âm thanh đó. Trần Văn Khê còn rất yêu bài bình ca số 6, Ru Mẹ của tôi,soạn ra tại Sài Gòn trong năm 1972 mà tôi gửi qua Pháp tặng anh. Anh không ngớt lời khen ngợi bài ru của đứa con, với lời hát vỗ về ru ngủ người mẹ, sau nhiều năm mẹ mất ngủ vì tiếng bom đạn:
Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh:
Con hai mươi tuổi, Hòa Bình về chơi
Từ lâu súng nổ vang trời
Hôm nay im lặng cho đời ngẩn ngơ
Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn
Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom
Mẹ ơi! Giấc ngủ muộn màng
Con xin ru mẹ một ngàn lời ru.
Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hòa bình.
Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hòa bình.
Mẹ năm mươi tuổi lất lây
Con hai mươi tuổi lạc loài đường xa
Dù cho tan cửa nát nhà
Hôm nay nguyên vẹn vẫn là Việt Nam
Mẹ ơi! Xin ngủ êm đềm
Riêng con không ngủ, ngồi nhìn mẹ yêu
Mẹ xưa nay ngủ không nhiều
Con xin ru mẹ ngủ chiều, ngủ trưa.
Ù ơ tiếng hát võng đưa
Lời ca dao đó ấm như mộng đời.
Ù ơ tiếng hát võng đưa
Lời ca dao đó ấm như mộng đời.
Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ
Con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh
Từ nay giấc ngủ thanh bình
Con chia cho mẹ mộng lành, mộng ngoan
Mẹ ơi! Giấc mộng tốt tươi
Cho con xin gửi cuộc đời Việt Nam
Mộng không máu đổ, xương tàn
Mơ trong giấc ngủ một đàn trẻ thơ
Ù ơ tiếng hát bây giờ
Bài ca chắp nối tiếng ru muôn đời.
Ù ơ tiếng hát bây giờ
Bài ca chắp nối tiếng ru muôn đời.
Vào hainăm 1954-55 này, tôi, Trần Văn Khê và Đặng Trần Vận thường vác đàn tới hát ở nhà mấy người bạn mới như Huỳnh Tấn Đốc, Phạm Gia Huỳnh. Cả hai anh bạn giàu này đều có bạn gái Pháp và khi thấy các cô đầm mê mẩn mấy anh nghệ sĩ nghèo thì phải đành lòng ban phát người tình cho chúng tôi vậy. Tôi đã có nhiều buổi hẹn hò với nhiều người tình tóc vàng sợi nhỏ ở quán café Dupont gần vườn Luxembourg vào mùa Đông tuyết lạnh… hay dạo chơi trên vỉa hè khu Latinh hoặc trong rừng Boulogne vào những ngày hè sáng sủa.
Tôi trở về Việt Nam sau khi học được những điều cần thiết. Trần Văn Khê cũng có dịp về Sài Gòn khoảng năm 1973. Tôi được hân hạnh mời bạn tới căn nhà vườn của tôi ở Phú Nhuận, gặp gỡ bạn bè,ăn thịt cừu nướng, nghe hát trống quân… thiệt là vui quá.
Tới khi vì thời cuộc, tôi phải rời đất nước thân yêu đi sinh sống tại Hoa Kỳ thì Khê luôn luôn là người bạn thân để tôi trút bầu tâm sự.
Trong hai năm đầu, cũng giống như mọi người hối hả đi tị nạn, tôi gần như bị tê liệt. Biến cố 30 tháng 4 xảy ra nhanh quá, tôi cũng như mọi người mất hết tinh thần. Cho rằng đã ly hương lại mất luôn bốn đứa con, tôi mất luôn sự ham sống. Linh cảm sẽ đoàn tụ với các con nhưng không biết tới ngày nào tháng nào năm nào mới gặp lạicon. Luôn luôn buồn khổ và bị ám ảnh bởi ý tưởng quyên sinh. Cái chết không còn là một thème mơ hồ trong một số ca khúc của tôi nữa, nó vào nằm hẳn trong tôi. Sự thành công tương đối trong cuộc vật lộn với đời sống Hoa Kỳ chỉ xoa dịu được thân xác nhưng chưa đủ để giải tỏa tâm linh.
Trong gian nhà gỗ ở Fort Walton Beach, Florida những khi rảnh rang, tôi giở bản thảo của Bầy Chim Bỏ Xứ ra coi, với ý định hoàn tất nó. Nằm dài trên divan cạnh lò sưởi, trời Florida không lạnh nhưng cũng đốt củi cho có vẻ lãng mạn, ôm đàn vào lòng, tôi đáp ứng một khắc khoải trong tôi là: sáng tác. Nhưng sau một thời gian vật lộn kịch liệt với cái gọi là tổ khúc, tôi soạn được dăm ba đoản khúc, từ bài đầu tới những bài kế tiếp, tất cả chỉ là những tiếng hót buồn bã của một lũ chim hờn tủi, khổ đau, khóc lóc và chết chóc!
Vào lúc này, ở hai bên bờ Đại Tây Dương, tôi và người bạn âm nhạc Trần Văn Khê thỉnh thoảng điện đàm hoặc trao đổi thư từ. Khi gia đình tôi vừa chân ướt chân ráo tới Florida, Khê đã gửi tặng “người di tản buồn” này một số tiền “cứu trợ” (món nợ này tôi cũng trả được rồi). Khi Khê hỏi tới việc sáng tác, nhân đang ngồi soạn Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi bèn gửi tặng bạn bài hát dang dở trong đó có quá nhiều tiếng chim kêu than. Trong năm 1976, Khê về Việt Nam, kể cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận nghe câu chuyện tổ khúc của tôi với đoạn con chim hộc máu chết vì quá u buồn. Thế là tin tức về tôi lan ra ngoài, rồi kết cục người ta đồn ầm lên là Phạm Duy đang hát trên sân khấu thì thổ huyết chết. Các con tôi hoảng sợ quá, đánh điện tín qua, bố trả lời ngay:
– Bố chưa chết đâu các con ơi…
Trong ba mươi năm ở Hoa Kỳ, tôi đi Pháp khoảng 20 lần, lần nào cũng ghé thăm Khê và có vài lần được mời qua Mỹ diễn thuyết về âm nhạc, Khê tới thăm tôi và ngủ lại tại nhà tôi. Các con tôi có dịp thu thanh lén tiếng ngáy lớn nhất thế giới mà tôi đã được nghe trong những ngày còn đi học nhạc tại Paris ngày xưa, khi phải ngủ chung phòng với Trần Văn Khê.
Thế rồi không ai bảo ai, vào những năm 2000, lúc cả hai đều đã tới tuổigià, thật già, Khê và tôi trở về thăm quê hương và quyết định sống tại Việt Nam, cùng nhau đi thắp nhang trước bàn thờ Trịnh Công Sơn, cùng nhau sinh hoạt trong những tổ chức âm nhạc ở đây đó, cùng nhau trao đổi ý kiến và tài liệu văn nghề… tôi bỗng thấy trong đời tôi, người bạn lâu năm nhất là Trần Văn Khê!
Từ 1944 cho tới 2005 là 61 mùa Xuân đã trôi qua, dù có khi phải sống xa nhau cách mấy lục địa hay mấy đại dương, dù có thể mỗi người có riêng một lối sống, Trần Văn Khê “ngăn nắp” và Phạm Duy “bừa bãi” luôn luôn là hai người bạn thân thiết, trong đời thường hay trong nghệ thuật. Đồng hành dị lộ hay đồng sàng dị mộng!
Còn có gì làm ấm lòng tôi hơn nữa nhỉ?
(Trích Phạm Duy – Nhớ – Nhà xuất bản Trẻ & Nhà sách Phương Nam)