Nội dung ca từ của Boléro nói riêng (và nhạc vàng nói chung) là những tâm tình rất gần gũi với mọi người. Boléro không nói đến những gì cao xa, quanh đi quẩn lại chỉ là gặp nhau rồi thương yêu nhau, xa cách nhau, hoa phượng mùa hè, cánh thiệp mùa xuân, con đường kỷ niệm, chờ đợi một lá thư, một lời thăm hỏi, tình yêu dang dở, tiễn nhau đi lấy chồng, lấy vợ… Boléro không có những nội dung cao siêu quá tầm với của con người. Anh nông dân, cô thôn nữ, anh công nhân, chị người làm chỉ có trình độ văn hóa tiểu học hay ông tiến sĩ đều nghe và hiểu được những tâm tình ấy. Nói như vậy có nghĩa là Boléro không hề kén chọn người nghe. Loại hình âm nhạc kén chọn người nghe nhất vẫn là nhạc thính phòng cổ điển. Và bởi vì nó kén chọn người nghe nên khán thính giả của nó ít ỏi so với các dòng nhạc phổ thông khác.
Người bình dân nghe Boléro và tự đối chiếu với đời mình, quả nhiên là họ cũng từng trải qua những hạnh phúc, đau khổ, niềm vui, nỗi buồn như vậy. Tâm tình trong ca khúc Boléro là tâm tình của họ. Cái gì xa vời đối với họ thì dù rất sang và rất hay họ vẫn ít quan tâm; cái gì gần gũi với họ thì dù không sang lắm và không hay lắm nhưng họ vẫn thích.
Boléro cũng vậy. Cho nên mộng Đào Nguyên trong Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên có trong văn chương Trung Hoa trên 2000 năm trước là quá xa vời với họ, không được yêu thích bằng cây cầu dừa của Hàn Châu mà ngày nào họ cũng có thể gặp trên đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì sự gần gũi đó mà họ xem bản nhạc sau là loại nhạc thích hợp với tâm hồn mình.
Người nhạc sĩ viết Boléro rất biết tôn trọng quy chuẩn đặc trưng của nó, tạo ra sự cân phương giữa hai câu, triệt để sử dụng những liên ba (triolet) để từng ô nhịp nhạc cân đối. Tôi có thể khẳng định chính liên ba làm nên đặc trưng để viết Bolero. Liên ba là ba nốt đi liền kề nhau, nốt thứ nhất và nốt thứ ba là móc đơn, nốt thứ hai đứng giữa là nốt đen.
Boléro không có âm vực quá rộng, thấp nhất thì Sol hoặc La, cao hất thì Re hoặc Mi, khoảng 12 nốt. Âm vực ấy phù hợp với giọng nam và nữ thông thường không cần học qua trường lớp nào. Có những bài Boléro âm vực hẹp hơn nữa, chỉ có 10 nốt như Nửa Đêm Ngoài Phố của Trúc Phương. Hễ âm vực càng hẹp thì người bình dân càng dễ hát heo. Sự cân phương, các liên ba và âm vực vừa phải ấy khiến đông đảo người yêu nhạc dễ thuộc, dễ nhớ và dễ hát theo. Mà người bình dân yêu Boléro chỉ cần có vậy.
Một dòng nhạc có tiết tấu vững chắc, nội dung tâm tình gần gũi, kỹ thuật không quá đỗi cao siêu, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ hát thì được quần chúng hân hoan đón nhận. Huống chi về mặt giai điệu, nó rất gần gũi với giai điệu dân ca, nhạc cổ, nhạc đờn ca tài tử và bài bản của sân khấu cải lương Nam bộ. Cho nên Boléro được người bình dân yêu nhạc Nam bộ đón nhận rộng rãi, lấy nó làm dòng âm nhạc chính của họ không phải là chuyện lạ. Trẻ già, trai gái ở miền Nam đều có thể hát Boléro.
Boléro đi vào cuộc sống đời thường của đông đảo người dân các tỉnh phía Nam. Ai đó tổ chức một buổi nhậu gia đình hay một đám giỗ thì sẽ có một vài khách nhậu mang cây guitar tới. Tiệc diễn ra, khách và chủ thong thả đàn hát Boléro. Họ không màng chuyện hát hay hát dở, thuộc hay không thuộc, cứ hát tràn theo cơn tửu hứng. Có những đoạn mọi người cao hứng cùng hòa ca, gõ muỗng, gõ chai, vỗ bàn giữ nhịp đến độ xuất thần. Cái kiểu bành trướng cảm xúc như thế này chỉ có trong Boléro, các loại nhạc khác ít khi có. Ta phải công nhận là Bolero hấp dẫn con người hơn cả các thể điệu khác của Boléro.
Bài Hòn Vọng Phu 1 của nhạc sĩ Lê Thương là một bài sử ca rất được yêu mến và ai cũng có thể thuộc mấy câu, một đoạn. Thế nhưng, tôi nghe trong một đám giỗ lại có một bài “biến tấu” qua Bolero và được hát tập thể trong cơn tửu hứng, ca sĩ là những ông cụ đã bạc đầu. Bài hát dần lân, cứ hát cho đến khi nào mệt thì nghỉ.
Boléro còn được hát trong các đám ma ở miền Nam. Người miền Nam nghĩ giản dị rằng đám ma là một sự kiện buồn, vậy phải làm sao để có thể làm không khí vui lên một chút, khử bớt cái buồn ấy đi. Quả thật nghe mãi tiếng than khóc, tiếng tụng kinh, tiếng đàn, có thêm giọt nước mắt thì buồn quá đỗi. Vậy là các anh thanh niên mang đàn guitar tới, vừa trực đám ma giúp chủ nhà nghỉ ngơi, vừa thức trọn đêm giúp thắp hương, thắp đèn, giữ gìn linh cữu. Họ uống vài xị rượu, hát những bài Boléro, vừa cho nhau nghe, vừa để nhớ người qua đời. Phải nói rằng những việc làm đó là biểu lộ tươi đẹp và nhân văn của tình làng nghĩa xóm. Boléro được diễn tấu trong đám ma, ai muốn hát gì thì hát.
Phía Nam còn có những dàn nhạc kèn đồng đưa tiễn người quá cố. Dàn nhạc có kèn tua, saxophone, trompette, clarinette, trống basse, trống nhỏ, não bạt… Những dàn kèn đồng tiễn người quá cố thường chỉ chơi nhạc Bolero, không có Bolero thì họ bẻ những bài tình ca Slow, Boston, Ballade thành ra Boléro tuốt. Tôi tạm gọi đó là hội chứng Bolero hóa.
“Công thức” chơi nhạc kèn đồng thế này: Ông cụ mất thì chơi bài Nỗi Buồn Gác Trọ (Mạnh Phát – Hoài Linh), bà cụ mất thì chơi bài Lòng Mẹ (Y Vân), cô gái trẻ mất thì chơi bài Giàn Thiên Lý Đã Xa (Scarborough Cải, dân ca Anh Quốc, bản phóng tác Việt ngữ của Phạm Duy), chàng thanh niên mất thì chơi bài Trở Về Mái Nhà Xưa (Come Bác to Sorrento của Curtis). Đó là bốn bài căn bản, được chơi trước linh cữu người qua đời, vào lúc trước khi di quan.
Khi đưa linh cữu đi, dàn nhạc thường chơi Besamé Muso (Velazquez – Mexico), Điệu Buồn Phương Nam (Vũ Đức Sao Biển), Ngăn Cách (Y Vân), La Plus Belle Pour Aller Danser (Charles Aznavour), Những Đồi Hoa Sim (Dzũng Chinh)… Tại sao phải “Bolero hóa” các bài không phải điệu Bolero? Dàn nhạc cứ phải đi bộ, chỉ có tiếng trống basse giữ nhịp. Điệu Bolero nhịp nhàng, dễ nhận ra tiết tấu hơn tất cả các điệu khác, cho nên tất cả các bài cần dùng đều phải được Bolero hóa. Điều vui nhất là tựa bài hát của Velazquez dịch ra là Hãy Hôn Em Thật Nhiều. Bà già, ông già qua đời mà cứ chơi Hãy Hôn Em Thật Nhiều thì kể cũng vui.
Thù lao của các anh em nhạc công chơi nhạc trong đám ma không nhiều, từ vài ba trăm ngàn đồng trở lên, tùy thuộc vào tấm lòng gia chủ. Nhạc Boléro đã góp phần đem lại nguồn sống, miếng cơm manh áo cho họ. Sự hiện hữu của dàn kèn đồng này khử bớt chất buồn bã của dàn nhạc ta. Đám ma đã buồn rồi, dàn nhạc ta còn làm cho nó buồn hơn. Vậy thì dàn kèn đồng trung hòa nỗi buồn ấy. Âm nhạc Boléro trong trường hợp này là tình, là nghĩa.
Ngày xưa, miền Nam còn rất nhiều bến bắc (phà), hai bến bắc nhộn nhịp nhất là Vĩnh Long qua sông Tiền và Cần Thơ qua sông Hậu. Anh em nghệ sĩ giang hồ luống tuổi, say mê âm nhạc, biết chơi guitar thường ra ngồi bên vệ đường ở hai đầu cầu bắc, hát nhạc vàng và sống nhờ vào tấm lòng chia sẻ của hành khách qua sông. Họ hát rất lịch sự, không hề ngửa tay xin tiền ai, y chẳng kiểu biểu diễn đường phố của những người không nghề nghiệp ở Pháp, ở Mỹ.
Họ chỉ hát rất những bài tình ca Boléro. Khách qua sông thường đứng lại nghe họ hát, gởi tặng vài ba ngàn đồng vào chiếc thau để trước mặt, chờ chuyến xe của mình qua bắc để đi tiếp. Boléro trở thành âm nhạc được phổ cập trực tiếp và sống động đến đông đảo người qua bắc, trở thành phương tiện kiếm sống của người nghệ sĩ giang hồ nghèo. Tôi cho rằng cách chơi nhạc này là văn hóa và lương thiện. Nhạc vàng trở thành phương tiện kiếm sống của người nghèo. Tây, Mỹ đứng trước các trạm metro, các siêu thị chơi violon hay thổi kèn đồng kiếm sống thì cũng vậy thôi chứ không thể hơn nghệ sĩ giang hồ trên bến bắc của ta được.
Boléro đi vào những đám cưới ở các tỉnh thành phía Nam, hình thành hẳn một công thức chơi nhạc đám cưới. Bài Đám Cưới Trên Đường Quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được xem là bài hít của tất cả các đám cưới, ngay cả những đám cưới giữa thành phố lớn. Trong đám cưới, ai cũng có quyền lên hát, nhưng anh nhạc công organ chỉ thích Boléro. Nguyên nhân rất dễ hiểu là phần mềm cài đặt dàn âm gõ của Boléro khá hoàn chỉnh, anh chỉ chơi đoạn intro và đoạn gian tấu, phần còn lại do máy móc quyết định.
Sinh hoạt văn hóa đờn ca tài tử ở phía Nam cũng đậm chất Boléro. Nghệ nhân đến đây là để ca những bài bản tài tử, trong đó có bài vọng cổ, trong bài vọng cổ có vài đoạn giao duyên Boléro.
Boléro có mặt trên các xe đò về miền Tây, cùng hành khách chu du ngàn dặm. Xe đò đời mới có cổng hát USB, tiếng đẹp hơn băng cassette nhiều. Rời bến, anh lái xe mở USB, tiếng nhạc Boléro phát ra. Đi đường xa, ai muốn nghe thì nghe, ai muốn ngủ cứ ngủ.
Boléro cũng có mặt trên các tàu đò lớn đưa hành khách đi qua các tỉnh Nam bộ. Thông thường, tàu đò lớn dùng bình ắc quy, hát dĩa hoặc USB, hoặc laptop để phát. Boléro bềnh bồng chu du theo sông nước, theo khách từ khi khách lên đò đến lúc khách rời đò. Đường sông tỉnh Cà Mau tàu đò nào cũng có Boléro.
Trong những tiệm cà phê bình dân, người chủ vẫn mở nhạc Boléro để phục vụ khách. Gần như là một thói quen, người uống cà phê có chút nhạc thì vẫn thấy tâm hồn thư thái hơn.
Ngày nay, dòng nhạc vàng đậm đà tính dân tộc, tính thẩm mỹ tạo điều kiện cho các tài năng mới, các giọng hát đẹp trong thanh niên có cơ hội tự thể hiện. Ở chừng mực nào đó, có thể xem Boléro là một liều thuốc chủng ngừa tinh thần khá tốt, giúp thanh niên có sân chơi lành mạnh, giải trí bổ ích, xa lánh những thứ độc hại.
Boléro trở thành dòng nhạc của quần chúng nhân dân lao động trong suốt nhiều thập kỷ qua. Nó không cao cấp lắm nhưng cũng không thấp hèn, không hay lắm nhưng cũng không hề dở bao giờ. Nó gắn lièn với tâm tình và công cuộc lao động sản xuất, giao lưu, giải trí của mọi người. Ông tiến sĩ nghe Boléro cũng nhìn ra cái hay, chị nông dân chỉ học hết tiểu học nghe Boléro cũng thấy được cái đẹp.
Những gì diễn ra trên truyền hình, sân khấu và trong băng dĩa từ năm 2014 đến nay ở phía Nam về nhạc Boléro khiến tôi vừa mừng vừa lo. Cái lo lớn nhất là không hiểu sao những chương trình gọi là Boléro được dàn dựng trên truyền hình lại lộn vào nhạc Slow, Slow Rock, Boston. Slow và Slow Rock cũng là chân nhạc 4/4 nhưng cách viết, cách xử lý điệu thức thì hoàn toàn không giống Boléro một chút nào. Boston là nhạc 3/4, biến thể của điệu Valse chậm, thì càng không phải là Boléro.
Kiểu dựng chương trình như vậy là cố ý làm sai kiến thức âm nhạc, khiến người nghe hiểu nhầm tại hại. Boléro tình ca có cả ngàn bài, đâu có thiếu để ta đem Slow, Slow Rock hay Boston lắp ghép vào.
Cái lo thứ hai là một số ca sĩ, nhất là giọng nam ở phía Nam, chưa thấy ai có thể sánh ngang hay bước kịp ca sĩ tiền bối. Có nhiều người hát nhai chữ. Có nhiều người tự đánh mất mình, cố gắng hát cho giống (mà làm sao giống nổi) giọng hát một vài năm ca sĩ trước năm 1975. Kiểu vận hơi, nhả chữ của họ nghe khá gượng ép. Mỗi con người có ba yếu tố riêng biệt để xác định mình khác với người khác, gồm vân tay, chữ viết và âm sắc. Âm sắc là tiếng riêng biệt của từng người, không ai giống ai. Vậy cố hát theo âm sắc của ca sĩ ngày trước làm gì cho mệt mà lại đánh mất bản sắc của chính mình?
Từ năm 2014 đến nay, Boléro đã được phục hiện đều khắp các kênh truyền hình quốc gia và địa phương, tạo nên một sức sống mới có bài bản, có lớp lang hơn cả những năm trước 1975. Tuy nhiên, có vẻ như Boléro đang được thương mại hóa nhằm câu người xem hơn là nâng cao yếu tố nghệ thuật của một dòng nhạc có giá trị.
Phải công bằng mà nhận xét ngày nay có những nữ ca sĩ trẻ hát tốt Boléro, lại có nhan sắc, được học hành bài bản nên sân khấu Boléro rất được người xem hâm mộ. Tuy nhiên, trong kỹ thuật truyền hình, người ta quan tâm kiểu hát nhép, âm thanh thu sẵn trước được xử lý qua máy tính nên đâu đó rõ ràng mất đi yếu tố tự nhiên trong tài năng ca sĩ. Trong những cuộc thi Boléro, ca sĩ thí sinh hát live nên tài năng bộc lộ rõ ràng, khách quan hơn.
Hòa âm Boléro ngày nay đầy đặn, được chồng thêm các nhạc cụ thật như kèn đồng, violon, dàn trống và các nhạc cụ dân tộc như tranh, sáo, bầu, kìm… Dàn âm gõ được xử lý khá mới mẻ nên dù nghe một chương trình tập trung cả chục bài Boléro, ta vẫn thấy không đơn điệu. Hòa âm đó giúp ca sĩ thí sinh tự tin hơn khi hát trên sân khấu. Ca khúc nhờ vậy mà có thêm độ dày, độ sâu.
Những nhạc sĩ mới viết ra những tình khúc Boléro mới thì dường như chưa thuyết phục được dư luận người nghe nhạc. Có những bài Boléro chưa đúng chuẩn Boléro về mặt thanh nhạc, ca từ lại nghèo nèn, tình cảm khô héo và có khuynh hướng dễ dãi. Không hiểu làm sao mà các nhạc sĩ sáng tác không muốn sinh ra những đứa con tinh thần xinh đẹp, cứ chấp nhận những đứa bé sàng sàng “cho ca sĩ dễ hát”! Phải chăng dây là nguy cơ của âm nhạc Boléro tình ca?
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất lại là… giám khảo các cuộc thi Boléro. Ban tổ chức, nhà tài trợ chương trình dự thi Boléro được nhiều người xem nên đã mời những người có tiếng tăm làm giám khảo, trong đó có nhiều người không rành rẽ chuyên môn âm nhạc thì làm sao mà chấm thi cho chuẩn xác? Ngay một số ca sĩ được mời chấm thi cũng là những người hát theo khiếu thẩm âm trời cho, không từ trường lớp âm nhạc nào ra. Những kiểu nhận định “Em hát làm chị cảm động lắm” hoặc “Em hát chữ nào cao lên một chút mới hay” không phải là nhận định chuyên môn.
Thế nhưng, có một tín hiệu lạc quan khác của Boléro khiến chúng ta có thể tin rằng Boléro sẽ được nâng chất, sẽ phát triển tốt hơn nữa. Đó là Boléro đã đến với đông đảo khán thính giả các tỉnh phía Bắc từ năm 2011. Những show nhạc Boléro do các nghệ sĩ phía Nam ra Hà Nội và một số thành phố khác biểu diễn được bà con miền Bắc tán thưởng, ủng hộ. Báo chí đưa thông tin một cách lạc quan là những chương trình sân khấu này “cháy vé”, nghĩa là rất được bà con hâm mộ, muốn mua vé vào xem.
Boléro đã trở thành một loại hình văn hóa âm nhạc có giá trị giải trí cao thì bà con trên cả nước có quyền được thụ hưởng, miền Nam, miền Trung hay miền Bắc cũng vậy. Có điều là khi đến với khán thính giả phía Bắc, Boléro có thêm được yếu tố mới mẻ hấp dẫn mọi người. Chính vì vậy mà nhiều ca sĩ phía Bắc, kể cả những ca sĩ tốt nghiệp nhạc viện, chuyên trị dòng nhạc thính phòng kinh điển cũng làm quen với Boléro, tỏng đó đã có những người thành công rực rỡ.
Tác giả: nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển