Không biết tự bao giờ tôi có thói quen ngồi một mình, lặng đi trước những ca khúc của Trịnh. Không biết từ bao giờ lòng tôi bị ám ảnh sâu sắc bởi tình yêu và thân phận ông gửi lại trên trang giấy. Với những nét nhạc đượm buồn như lời kinh thảm sầu, người đã cất lên tiếng ca phức hợp dành cho cõi đời vô thường này. Để hôm nay, nghe Chiếc lá thu phai, chợt tự hỏi tóc mình đã phai đi mấy mùa?
Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài
Click để nghe Khánh Ly hát Chiếc Lá Thu Phai
Khi đi qua bao tan tác của ngày để nhìn về phía trước mắt con đường xa ngái hun hút sẽ có một lúc nào đó ta chợt muốn có những giây phút ngồi lại, nghỉ ngơi sau những mệt mỏi, lo toan.
Về đây đứng ngồi bình yên bên những điều bình dị mà cuộc sống mang lại. Về đây đi để lòng theo chút nắng bên ngoài hắt nơi song cửa. Về đây, bước chân thôi rong ruổi để nhận về mình yên khúc của thênh thang.
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
Mùa xuân của tạo hoá cũng giống như mùa xuân của đời người trôi nhanh quá. Vội vàng đến rồi vội vàng đi để lại phía bên trời tiếng du ca tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi. Thời gian đi qua rộng dài của đời sống mang dòng buồn tênh phủ lên lớp sương mờ lãng đãng. Trong dòng chảy vô thường ấy có điều gì gần với tiếng reo vui hay không?
Mười năm, hai mươi năm, rồi bao nhiêu năm nữa qua rồi mà vẫn cứ u u, mê mê giữa một cõi đi về bơ vơ, lạc lõng. Bao thiết tha cùng cánh vạc gầy guộc bay về vòm trời quên lãng thành im lìm bên những tháng năm qua. Ám ảnh thời gian và thân phận mong manh của con người dâng lên khắp lối. Những lối mòn, cũ kĩ phủ đầy bụi trần trong câu hát.
Ôm những thong dong chạy dài những bước mệt nhoài, ôm những bề bộn rong ruổi những tháng năm xanh, ôm nỗi cuồng si bất tận ngủ dưới vòm cây ngậm ngùi để rồi một hôm nào đó mây bay lên, đất trời như đổi khác sau khi “tắm gội”, ta mới “chợt giật mình ôi chiếc lá thu phai”.
Chiếc lá thu phai, chiếc lá cuộc đời đã phai đi những sắc màu tươi đẹp nhất. Xương lá run run trong cơn giông trút nước. Gân lá sắp gãy mục bởi gió thu xào xạc. Lá tàn, lá rụng như một đời sống sắp đi xa.
Xung quanh ta loài người đang mộng mị giấc thiên thu. Không thấy ai về đây để ta đầy cuộc vui. Chỉ có cô đơn lủi thủi trở về trên miền vắng xênh xang với những vạt chiều cũ nát liêu xiêu. “Không còn thấy loài người vây phủ quanh đời nói tiếng yêu thương”. Đời tôi ngốc dại ngồi “thong dong trao đến mọi loài chút tình tôi”.
Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
Tất cả bỏ mặc tôi đứng hát giữa chiêm bao chưa vẹn đầy. Tôi khờ khạo tự làm mình khô héo như vạt cỏ úa màu hai bên đường lãng du.
Trịnh Công Sơn từng viết: “Tôi không bao giờ nhầm lẫn về khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Và tôi đau đớn nhận ra rằng có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh. Mỗi ngày sống tới, tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm”.
Và mỗi ngày đi qua, tuổi ta cũng đi theo. Thức dậy sau cơn mộng mị của năm tháng, ngồi ôm tóc dài trắng xoá mới hay “chập chờn lau trắng trong tay”
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
Ngọn cỏ lau chập chờn, mong manh, dễ tàn lụi trong gió như đời sống kia tạm bợ, vô thường. Trịnh đố diện với mất mát, lìa xa một cách rất bình thản như biết trước điều đó đã là một định mệnh không thể nào khác đi từ khi “mẹ cho ta mang nặng kiếp người”.
Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi
Nằm nghe xôn xao chạy lang thang giữa trời, ta góp nhặt cho riêng mình một chút an nhiên để khi loài người không cất nổi tiếng yêu thương thì đời sống kia vẫn gọi ta về nhận mặt những ca vang. Nhưng đời sống cũng thật tạm bợ và buồn tênh. Cuộc đời hữu hạn trong khi con người có quá nhiều thứ để lo toan, phiền muộn.
Nằm nghe giữa trời có tiếng cười ngật ngưỡng đến tê dại. Nhưng cười có gì là vui đâu khi điệu kèn đưa ai đó về bên kia núi buốt nhói trong ta. Một người, rồi một người nữa đã xa lìa cõi tạm này để về với âm thầm đồng vọng của trăm năm. Và người nữa, người cũng bỏ ta đi mất rồi. Chỉ còn:
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui
Người chỉ còn là sương khói mong manh, ảo ảnh xa mờ của năm tháng nào đó đã xa. Bây giờ, chỉ có tôi ngồi nhớ lại và thầm thì “hẹn ngày sau sẽ mua vui”. Nhưng ngày sau là bao giờ? Chẳng ai biết trước được mai này mình sẽ như thế nào cả nên ngày sau cũng thật mong manh, mờ mịt.
Ừ thôi, ta về với ảo ảnh vỡ tan, với cuộc đời tạm bợ những yêu thương và hạnh phúc thoáng qua, về trong vô thường, về trong ngậm ngùi của thiên thu.
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Thời gian cho ta không còn nhiều nữa. Dự cảm chia lìa ngỡ ngay trước mắt. Những ngày sống qua là một bức vẽ có đủ mọi gam màu với những khuôn mặt người khác nhau. Hạnh phúc đan xen với khổ đau, giọt nước mắt ẩn sau những tiếng cười ngạo nghễ. Yêu thương và phụ rẫy tồn tại như một cặp song hành.
Ta về, thu xếp lại dàn hợp xướng đa âm, đa thanh, đặt hạnh phúc vào ngăn của hạnh phúc, khổ đau vào ngăn của khổ đau, để cuộc đời không lẫn lộn, mịt mù giữa buồn – vui, thật – giả…. Để một ngày ta phải cảm ơn những hạnh phúc đã qua dù hạnh phúc ấy chỉ tồn tại trong thoáng chốc, để “vội vàng thêm những lúc yêu người”, yêu đời ở hiện tại.
Còn tồn tại trên cõi đời này bao lâu thì xin tình yêu đời, yêu sống bền lâu mãi. Còn hát được bao nhiêu thì ta vẫn sống hết mình cho người, cho đời.
Vì “hạnh phúc hay khổ đau thì cuộc tình ấy cũng đã là một phần máu thịt của bạn rồi”. Có mấy ai lại không yêu máu thịt, một phần cuộc sống của mình đâu. Và như thế, khi chuyến xe cuối cùng dần dần tiến về đích phía bên kia của cuộc đời, khi ta không đủ sức để yêu hay để ghét thì ta cũng không bùi ngùi tiếc nuối những ngày tháng đã qua.
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay
Con chim bay mãi trên nền trời cao rộng cũng có lúc mỏi mệt và muốn đậu lại. Con người đi hết những thăng trầm của đời sống cũng muốn nghỉ chân và ngủ một giấc ngoan hiền vì “đến một lúc nào đó, chia vui và chia buồn đều để lại nỗi mệt nhọc như nhau mà thôi”
Trịnh viết “về bên núi đợi” nghĩa là Người đã chuẩn bị cho một cuộc ra đi. Từ giã anh em, bạn bè, từ giã cõi đời bụi bặm, ta từ giã ta đi về phía bên kia của cuộc đời. Đá núi ngậm ngùi thương xót kiếp người nhỏ bé, đa đoan.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Chiếc Lá Thu Phai
Trịnh từng nói rằng: “Sống giữa cuộc đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Và “cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không”.
Như thế, Trịnh đã đi hết tận cùng hai cõi sống chết để gửi tới chúng ta những ca khúc ngập tràn tình yêu thương dành cho cuộc đời này…
Tác giả: Du Nguyen – Tuần Việt Nam