Tin từ gia đình cho biết, nghệ sĩ Harmonica Tòng Sơn vừa qua đời chiều ngày 12/6/2022 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Trong vài năm qua sức khỏe của ông rất yếu, nhiều lần nhập viện.
Biết rõ bệnh tình của mình, vào năm 2021 nghệ sĩ Tòng Sơn đã chuẩn bị sẵn hậu sự cho mình, có sẵn chỗ khi nằm xuống. Trước khi qua đời, ông ở nhờ nhà của người em gái năm nay cũng đã ngoài 70. Mới cách đây 4 ngày, khi bạn bè tới thăm ông vẫn còn ngồi nói chuyện được, tuy nhiên cuối cùng ông cũng ra đi vì tuổi sao sức yếu.
Năm 2018, ông từng phải nhập viện vì nhiều bệnh tuổi già: huyết áp, suy nhược cơ, tim mạch… và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ.
Năm 2020, ông sống một mình trong phòng trọ khoảng 13 mét vuông tại con hẻm ở quận 3. Tuổi già bệnh tật, ông không đủ sức đi diễn nhiều để trang trải cuộc sống như trước. Đến ngày 3/8/2020, một lần nữa nghệ sĩ Tòng Sơn phải nhập viện vì bị ngã và cao huyết áp.
Chia sẻ trên báo trước khi qua đời không lâu, lão nghệ sĩ ngoài 90 tâm sự:
“Trước đây tôi đi diễn cũng có tiền nhưng không để dành vì nghĩ mình không sống được lâu. Đợt đó tôi bệnh nặng, từ bệnh viện ra cầm kèn thổi không còn chút hơi nào. Tôi nằm bệnh viện suốt hai tháng trời, về nhà một cái là cho hết đồ diễn vì nghĩ không còn sức để đi diễn nữa. Tôi cho hết các loại kèn, quần áo…
…
Tôi nghĩ là mình không còn sống được bao lâu nữa nên nghỉ diễn về lo chỗ chôn cất, an táng của chính mình, còn hòm (quan tài) thì có người khác lo rồi, nghĩa là tôi nằm xuống mọi thứ đã xong xuôi hết rồi”,
Ngoài ra ông cũng cho biết rằng đã trải qua nhiều đời vợ và rất nhiều con nhưng đến cuối đời không thể ở cùng ai:
“Hồi đó tôi đào hoa lắm, ai cũng mê nên có tới 8 người vợ và rất nhiều con. Riêng với người vợ đầu tiên, tôi đã có tới 10 đứa con. Nhưng hiện tại tôi không ở với người vợ nào hết, cũng không sống với con cái. Tôi ở riêng một mình cùng người em gái thôi.
Bởi vì ngày trước tôi có lỗi với người vợ đầu tiên, khi ấy còn trẻ tôi sống không đàng hoàng, không chịu lo cho gia đình, vợ con mà bỏ đi ở với người khác. Một mình bà ấy phải làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ nuôi 10 đứa con lớn khôn. Tôi sai ngay từ đầu nên giờ không trách đứa con nào hết. Tôi biết đó là lỗi của mình.
Sau này, tôi ở với bao nhiêu người vợ tiếp theo, vợ đầu của tôi đều biết hết. Thậm chí, có những lúc thấy tôi khổ, bà ấy cũng mua đồ này nọ tới thăm. Tôi cũng có xin lỗi bà ấy và bà ấy đã tha thứ cho tôi. Các con tôi thi thoảng cũng gọi điện hỏi thăm tôi chứ không giận hờn gì hết. Với mấy người vợ sau, tôi chỉ ở cùng 8, 9 năm rồi chia tay vì khổ quá. Sau này họ đi lấy chồng rồi nhưng vẫn hỏi thăm tôi”.
Từ những năm thập niên 1950 trở đi, làng văn nghệ Sài Gòn xuất hiện một nghệ sĩ được gọi là “quái kiệt”, khi ông có biệt tài vừa thổi harmonica vừa uống bia hay ăn chuối, hoặc thổi cùng lúc 2 chiếc kèn bằng mũi. Đó là nghệ sĩ Tòng Sơn – “đệ nhất khẩu cầm” của Việt Nam.
Nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh ra năm Canh Ngọ 1930 ở miền Tây Nam Bộ. Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày chạy giặc và sống trong hoàn cảnh nghèo khổ.
Cơ duyên đến với bộ môn thổi kèn harmonica của Tòng Sơn là từ năm 16 tuổi, trong lúc chạy loạn, ông đã vô tình lượm được cây kèn harmonica của một lính Pháp đánh rơi trong đống đổ nát. Từ thời điểm đó, ông cũng như là đã “lượm” được chính cuộc đời mình, vì đó là một bước ngoặt rất lớn.
Bị tò mò, thu hút bởi những âm thanh phát ra từ cái harmonica, cứ rảnh rỗi ông lại lôi kèn ra thổi, từ những âm ngắt quãng, hụt hơi cho đến những đoạn ngân dài hơn… Ông phát hiện ra mình có sự nhạy cảm với âm thanh và hợp với loại kèn này, từ đó trở đi đã trở thành vật bất ly thân của mình. Thời điểm thập niên 1940, hầu như không có người dạy thổi harmonica nên ông chủ yếu tự mày mò sau khi học vỡ lòng với ông cậu biết sơ sơ về kèn.
Vì lận đận mưu sinh cơm áo nên nghệ sĩ Tòng Sơn đến với nghệ thuật khá muộn. Năm 1950, rời quê miền Tây để lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in, ông không quên mang theo cây kèn “lượm mót”. Ngày đi làm, đêm về chàng thanh niên 20 tuổi lại trút nỗi buồn xa nhà vào chiếc kèn. Ông nói rằng chỉ thổi vì yêu thích chứ chưa bao giờ có ý nghĩ trở thành một nghệ sĩ. Nhưng với sự động viên khích lệ của bạn bè, ông vẫn chuyên tâm luyện tập.
Vài năm sau đó thì may mắn mỉm cười, ông được trúng tuyển cuộc thi “Tuyển lựa tài tử” do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức, chính thức bắt đầu con đường nghệ thuật đang mở rộng thênh thang trong bối cảnh đời sống văn nghệ tự do cởi mở và rất sôi động ở Sài Gòn thời đó.
Tên tuổi Tòng Sơn bắt đầu nổi tiếng, ông nghĩ ra nhiều cách biểu diễn để thu hút khán giả, kết hợp giữa âm nhạc và tạp kỹ.
Trong một lần được đi xem nghệ sĩ harmonica người Mỹ đến Sài Gòn biểu diễn rất điêu luyện và được khán giả tán thưởng rất nhiệt liệt, ông có quyết tâm làm một cái gì đó để chứng tỏ người Việt không thua kém. Ông tập vừa ăn chuối vừa thổi kèn, nhưng ban đầu không dám đem ra biểu diễn. Trong một lần về biểu diễn ở Cần Thơ, ông đánh bạo giở ngón nghề đã khổ luyện trong thời gian dài ra, không ngờ được khán giả đón nhận. Ông có tự tin hơn và mang về Sài Gòn biểu diễn, đạt được thành công ngoài mong đợi.
Click để xem Tòng Sơn biểu diễn vừa ăn chuối, uống bia, vừa thổi kèn bằng mũi
Nhân đà đó, nghệ sĩ Tòng Sơn mày mò tìm chiêu mới, đó là vừa uống nước ngọt vừa thổi. Năm 1957, trong tiệc cưới của ca sĩ Duy Mỹ trong ban Tam Ca Sao Băng, nhóm bạn của Tòng Sơn là nhạc sĩ Khánh Băng, Phùng Trọng đề nghị ông “nâng cấp” màn biểu diễn: thay nước ngọt bằng bia. Sau đó, những tiết mục của ông đã được công chúng xếp vào danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ tôn xưng là “quái kiệt” như Ba Vân, Trần Văn Trạch. Đó là một vinh dự rất lớn, vì danh hài Tùng Lâm trong thời đỉnh cao cũng chỉ được gọi là “tiểu quái kiệt” mà thôi.
nhacxua.vn