Trong gia tài hàng trăm bài nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cả 3 chủ đề chính là tình yêu, quê hương và thân phận, ca khúc mang tên Có Những Con Đường không phải là một bài hát quen thuộc với đa số khán giả yêu nhạc, vì chỉ có những người yêu nhạc Trịnh thì mới biết và từng nghe qua. Đã một thời gian dài, không có nhiều ca sĩ hát lại bài này, ngoại trừ Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Mỹ Linh từ thập niên 1990-2000.
Click để nghe Trịnh Vĩnh Trinh hát Có Những Con Đường
Cho đến ngày nay, năm 2021 của tang thương, bài hát được sáng tác từ gần nửa thế kỷ trước này đã phản ánh được phần nào đường phố Sài Gòn của hiện tại. Đường phố của ᴄhιến chinh ngày trước cũng không khác nào đường phố của thời bình mùa dịch:
Đường phố dài, một đường phố dài
Đường phố này một chiều tôi tới
Đi lang thang tôi chào vẫy mọi người
Đường phố cười.
Khởi đầu bài hát là lời giới thiệu về những đường phố dài của đô thành, và nhạc sĩ là một người khách phương xa đã từng đến đây một chiều. Đường phố vui, thân thiện và mến khách, chào đón và cưu mang những người con tứ xứ. Đường phố cười, đường phố của một thời vàng son, một thời từng yên bình, nhộn nhịp của chốn thành đô hoa lệ.
Đường phố nào, một đường phố nào
Đường phố nào còn nằm che dấu
Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau
Đường hắt hiu
Đường ngày xưa mang trái tim bình an
Đường giờ đây đã sống bao thăng trầm
Đường phố nào còn in những dấu chân ngoan
Đường phố nào mệt nhoài ngày tháng gian nan
Nhưng một thời yên bình ngắn ngủi nhanh chóng qua đi khi khói lửa bắt đầu lan tới chốn thành đô. Bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1972-1973, khi Sài Gòn đã trải qua nhiều phen kinh hoàng, với nhiều thăng trầm, đã mệt nhoài những ngày tháng gian nan, và nhạc sĩ muốn chia sẻ nỗi buồn đó bằng lời tha thiết: cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau…
Ở phần tiếp theo của bài hát là nỗi buồn nối dài của những con đường thành đô trong lửa loạn:
Đường phố buồn, một đường phố buồn
Đường phố buồn, mọi người đi vắng
Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng
Đường im lìm
Dấu xe ngựa hồng có thể xem là một biểu tượng của Sài Gòn tự thuở xa xưa, là biểu hiện của đường phố đông đúc nhộn nhịp người qua lại. Nhưng rồi một ngày khi dấu lửa binh tràn qua thì dấu ngựa hồng trở thành tiêu điêu, người người đi vắng, đường phố buồn, vắng lặng.
Đường phố cần một giờ yên lành
Đường yên bình và nằm nghe ngóng
Nghe trong đêm những cây cành báo tin
Đường giới nghiêm
Một giờ yên lành của đường phố không phải là sự yên bình thật sự, chỉ là tạm lắng xuống, vì đằng sau đó vẫn còn những lo lắng thường trực, những giấc ngủ không yên. Đường phố vắng lặng không một bóng người qua lại, không có một tiếng người, cả thành phố như đang nín thở để chờ đợi, chỉ còn nghe tiếng xào xạc trong đêm những những cây cành báo tin rằng đường đã giới nghiêm. Chữ “giới nghiêm” đã diễn đạt được phần nào nỗi kinh hoàng của sự “yên lặng trước cơn giông tố”, lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên những tai họa không báo trước.
Đường rất bền, một đường rất bền
Đường hao mòn từ ngày chinh chiến
Nhưng tay nhanh lấp đầy hố tuyệt vọng
Đường máu hồng
Trong những thời khắc yên lặng đầy sợ hãi để chờ đợi tai ương đó, chắc chắn là đã có rất nhiều nỗi tuyệt vọng, nhưng bên cạnh đó đã nhen nhóm lên những tia hy vọng, với lời kêu gọi “tay nhanh lấp đầy hố tuyệt vọng” để sẵn sàng chào đón một ngày mai đẹp đẽ hơn:
Đường rất tình, một đường rất tình
Đường rất gần từ ngày xa lắm
Khi chân qua bỗng nghe đầy tiếng chim
Đường trái tim
Đường trái tim nghĩa là kêu gọi mọi người biết yêu thương nhau, ngưng thù hận để kéo gần con đường nối lại tình người, để con đường không còn lặng yên sợ hãi nữa, mà sẽ là con đường nghe rộn tiếng chim reo vang trong ngày được tái sinh.
Đường tình yêu nghe tiếng ai nỉ non
Đường hàm oan nghe tiếng ai than thầm
Đường máu xương chờ lau hết dấu vinh quang
Đường đến tôi chờ em đã quá lâu năm
Để đi đến được vinh quang hư ảo, những thắng thua tranh quyền đoạt lợi, ở dưới chân bao giờ cũng có những nỉ non than oán của nhiều linh hồn vô tội đã bị vùi lấp dưới con đường máu xương. Khi “lau hết dấu vinh quang” thì bên dưới sẽ thấy những hoang tàn đổ nát của một thời, những vết thương đau đã lâu năm mà chỉ có tình yêu và sự độ lượng mới có thể xoa dịu phần nào.
Đường rất mừng, một đường rất mừng
Đường bay đầy một đàn chim trắng
Chân thong dong không còn bước ngập ngừng
Đường nối liền
Đường nhân loại, một đường rất dài
Đường sau này mọi người sẽ tới
Đến tương lai không ai thù ghét ai
Đường sống vui
Đường nhân loại là một đường rất dài, những vết thương đau đớn của một giai đoạn chỉ là sự tạm thời, rồi tất cả sẽ qua đi, một ngày con đường sẽ bay đầy một đàn chim trắng báo tin hòa bình, đường sẽ lại đón những bước chân thong dong không còn bước ngập ngừng, con đường sẽ nối liền lại lòng người và xua đi thù hận. Đó là ý nghĩa nhân văn của ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1972, là thời điểm mà những con đường vẫn còn bị chia cắt, đau đớn và tang thương.
Trước năm 1975, không có bất kỳ ca sĩ nào hát bài này, kể cả Khánh Ly. Phải đến năm 1983 thì một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Thanh Hải mới lần đầu tiên hát bài này trước khán giả người Việt tại Bỉ quốc. Cho đến nay, không nhiều người biết về ca khúc này vì có khá ít ca sĩ hát lại. Mời các bạn nghe bản thu âm của Hồng Nhung vào khoảng năm 2003:
Click để nghe Hồng Nhung hát
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn