Mỹ Tho là một trong những đô thị lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ hiện nay, là trung tâm của tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn chỉ 70km.
Mỹ Tho có địa thế thuận lợi, là trạm trung chuyển lớn nhất để chuyển hàng hóa từ các ghe chài lớn ở vùng Mekong lên Sài Gòn – Chợ Lớn qua con kinh Bảo Định và kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho có thể phát triển đa dạng các nền sản xuất nông – ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa, cho nên từ thế kỷ 17, nơi này đã là một trong 2 trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ (cùng với Cù Lao Phố ở Biên Hòa).
Nguồn gốc của tên gọi Mỹ Tho được cho là bắt nguồn từ tiếng Khmer, đó là chữ Mi Sâr, nghĩa là xứ có người con gái da trắng đẹp.
Từ năm 1832, Mỹ Tho là trung tâm của tỉnh Định Tường (là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của Nam Kỳ). Sau khi Pháp chiếm được toàn bộ Nam Kỳ từ năm 1867, nhận thấy địa thế quan trọng của Mỹ Tho, người Pháp đã xây dựng tuyến đường xa lửa đầu tiên của Việt Nam, cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương vào năm 1881. Để phục vụ cho tuyến xe lửa quan trọng này, nhiều công trình cầu và đường đã được xây dựng từ Sài Gòn cho đến Mỹ Tho, từ đó giao thông thuận lợi hơn, Mỹ Tho trở thành một đô thị quan trọng của Nam Kỳ.
Năm 1876, tỉnh Định Tường bị Pháp giải thể thành 2 hạt tham biện Mỹ Tho và Gò Công. Năm 1900, hạt Mỹ Tho và hạt Gò Công trở thành tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công.
Từ năm 1956, tỉnh Định Tường được tái lập và đặt tỉnh lỵ tại thị xã Mỹ Tho. Tuy nhiên sau đó thị xã Mỹ Tho bị giải thể, nhập vào xã Điều Hòa thuộc quận Châu Thành, từ đó Điều Hòa là tỉnh lỵ của tỉnh Định Tường.