Cùng với Ngô Thuỵ Miên, nhạc sĩ Từ Công Phụng là 1 trong 2 nhạc sĩ hiếm hoi cả đời gần như chỉ viết tình ca, hoặc ít nhất là nổi tiếng chỉ với những bài tình ca với những giai điệu trữ tình, êm đềm và lãng mạn.
Trong dòng nhạc tình ca của nhạc sĩ này, ca khúc Ngô Thụy Miên thường ít khi mang nỗi buồn tuyệt vọng, nếu có buồn thì cũng là một nỗi buồn không thành tên, man mác như gió thoảng mây bay. Còn nhạc của Từ Công Phụng thường là những nỗi buồn thẳm sâu, tê tái và xót xa, đôi khi đến vô vọng như trong bài Mắt Lệ Cho Người: “Em thấy không cõi đời vô vọng”.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng còn có nhiều bài tình ca buồn khác, như Trên Tháng Ngày Đã Qua, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Kiếp Dã Tràng, Tuổi Xa Người,… nhưng ca khúc buồn nhất trong sự nghiệp của ông có lẽ là Như Chiếc Que Diêm, với nỗi buồn được đẩy lên đến đỉnh điểm.
Như Chiếc Que Diêm được nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác vào năm 1975, ngay sau những biến động lớn của thời cuộc, và như ông thừa nhận, đó là quãng đời đau khổ và trắc trở nhất trong đời. Khi đó cuộc sống rất bất ổn, không có gì bám víu, mưu sinh vất vả, nhạc sĩ đã phải làm bất cứ gì có thể để nuôi sống gia đình. Hơn nữa, cuộc tình 10 năm và hôn nhân 6 năm với người vợ đầu là ca sĩ Từ Dung cũng tan vỡ trong giai đoạn này.
Trước đó, trong thời gian học Đại học tại Sài Gòn từ giữa thập niên 1960, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã gặp, yêu và cưới ca sĩ Từ Dung, khi đó đang học Văn khoa, là con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo (nhóm Tự Lực Văn Đoàn). Từ Dung cũng là tên thật của nữ ca sĩ này (chứ không phải là nghệ danh được đặt theo tên Từ Công Phụng như nhiều người lầm tưởng). Khi Từ Dung ra đời, cha thường xuyên vắng nhà vì làm việc nước, ông rất nhớ vợ nên đặt tên cho con là Từ Dung, nghĩa là hình dung giống mẹ.
Từ Dung và Từ Công Phụng bắt đầu lên sân khấu hát cặp với nhau từ năm 1967 và trở thành đôi song ca rất được giới trẻ yêu thích. Đó cũng là thời điểm làng ca nhạc Sài Gòn có đến 3 cặp đôi nổi tiếng trong giới sinh viên và cùng liên quan đến xứ sở sương mù Đà Lạt: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên & Phương và Từ Dung – Từ Công Phụng.
Hai người đã làm lễ thành hôn năm 1969. Sau năm 1975, họ vẫn ở lại trong nước và dường như bắt đầu xuất hiện những rạn nứt. Dự cảm về nỗi chia lìa không thể tránh khỏi, nên trước khi chia tay không lâu, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã viết: Tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối…
Lời bài hát Như Chiếc Que Diêm rất buồn, như là sự cứu vớt bất khả thi cho một quãng đời, cho một cuộc tình đang dần hấp hối:
Thôi cũng đành một kiếp trăm năm đời người sẽ qua
Cũng đành một thoáng chiêm bao tình người cũng xa
Cũng phôi pha những điêu ngoa, theo vết môi cười tàn tạ
Thôi cũng đành một kiếp phong ba
Lệ tình cũng sa xuống đời ta những nguôi ngoai
Rồi người cũng xa, cũng xa ta, cũng xa ta theo dòng nghiệt ngã mù lòa
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Như Chiếc Que Diêm
Bài hát với những câu dài được gieo vần trên một nền âm thanh như là dòng suối tuôn chảy miên man, nhẹ nhàng nhưng ray rứt, làm cho người nghe như đi lạc vào một cõi mê. Nhạc sĩ Từ Công Phụng nói rằng bài hát này mang tâm sự của một người vừa trải qua nhiều mất mát, không chỉ mất mát về cuộc tình đã qua, mà rộng lớn hơn nữa, đó còn là sự mất mát của cả một nơi chốn. Nó mang tính ẩn dụ về sự chấm dứt của một thời vàng son.
Cuộc tình cũng giống như vậy, dù đã từng trải qua thời rực rỡ, nhưng cũng chỉ là sự lóe lên như một chiếc que diêm trong phút giây rồi vĩnh viễn chìm vào tăm tối.
Vì lời em sớm muộn gì cũng một lần gian dối
Tình anh sớm muộn gì cũng đưa vào tăm tối
Đời anh sớm muộn gì, đời em sớm muộn gì
Tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối
Dù biết rằng cuộc tình này đang hấp hối, bởi vì “lời em gian dối” đưa “tình anh vào tăm tối”, nhưng như là những chiếc que diêm một lần cuối cùng lóe lên huy hoàng rồi lịm tắt, tình nhân vẫn muốn trao cho nhau hết những men nồng tình sâu rã rời:
Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau
Những men nồng tình sâu rã rời…
Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung linh,
buồn một cõi riêng
Những đêm sâu, những canh thâu
Nghe nước mắt nặng giọt sầu
Thôi cũng đành như kiếp rong rêu một lần hóa thân
Cuốn về phong kín tim ta
Một đời chói chang những đam mê, những ngô nghê
Với tình người nhỡ lời thề
Thôi cũng đành như tấm gương tan mờ phai vết xưa
Xót dùm cho tấm thân ta ngựa bầy đã xa
Những đêm mơ thấy tan hoang
Hương tình vừa chớm muộn màng…
Suốt cả bài hát, người nghe như bị cuốn vào một dòng tâm trạng buồn, sự chấp nhận sự thiệt thòi và ôm nỗi buồn phong kín sau những mất mát lớn lao trong đời.
Mời các bạn nghe lại ca khúc này qua giọng hát nhẹ nhàng rất truyền cảm của chính tác giả Từ Công Phụng:
Click để nghe nhạc sĩ Từ Công Phụng hát Như Chiếc Que Diêm
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn