Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, nhiều người yêu thích âm nhạc đều biết đó chính là tác giả của bài nhạc vàng duy nhất được phép lưu hành sau ngày 30 tháng 4, đó là bài hát “Hoa sứ nhà nàng” (bài hát có tên gốc là Hoa Sứ Nhà Em). Ông chính là tác giả của dòng nhạc Gò Công đã làm mưa làm gió từ Nam chí Bắc suốt thập niên 1980.
Từng sở hữu 2 tiệm vàng, 1 tiệm mua bán đồng hồ, 3 căn nhà phố, nhưng về cuối đời ông sống nghèo khổ trong căn chòi rách nát…
Thành danh trên đất biển Gò Công
Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943 trong một gia đình khá giả tại xóm Cầu Muống, xã Tân Thành, cách thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) khoảng 17km. Xóm Cầu Muống nằm cách bãi biển Tân Thành khoảng 2,5km, ngày ấy nơi đây nhà dân cư thưa thớt cất dọc theo hai bên trục lộ. Thuở nhỏ, ông học trường tiểu học sơ cấp Tân Thành, sau đó học ở trường Nam Tiểu học Gò Công. Trường Nam Tiểu học Gò Công lúc bấy giờ có một thầy dạy nhạc, đó là nhạc sĩ Lê Dinh.
Thi rớt vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường công lập, ông theo học đệ thất trường Bán công Gò Công. Một năm sau, khi đang theo học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) thì cũng là năm ông ghi danh học nhạc buổi tối với nhạc sĩ Lê Dinh. Sau khi học xong chương trình lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ), thi trượt tú tài 1, ông thôi học. Từ đây, ngoài cái nghiệp đam mê ca hát ra, ông đã chọn cho mình cái nghề để sinh sống sau này là học nghề sửa đồng hồ và học nghề thợ bạc.
Từ khi gặp được nhạc sĩ Lê Dinh, được nghe tiếng hát và phong cách biểu diễn của người nhạc sĩ tài ba này thì… âm nhạc như đã có sẵn từ trong máu ông được dịp trỗi dậy. Ông say mê nhạc hơn những bài toán. Một lần vào một đêm mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng hai của ngôi nhà bên cạnh đường, ai đó đã chơi bài “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong. Đó là cái đêm định mệnh thôi thúc Nguyễn Kim Hoàng đến với nghiệp cầm ca. Ông quyết dành dụm tiền để mua cho kỳ được đàn violon và ghi danh học nhạc với nhạc sĩ Lê Dinh.
Một thời gian sau ông tìm đến với guitar, có lẽ đối với ông đàn guitar đa dạng, phong phú hơn, trong những buổi trình diễn trước công chúng, trong những lần cắm trại hay họp mặt bạn bè mà mang cây đàn guitar trễ một bên hông, nó có vẻ lãng mạn, tình tứ, mang dáng dấp của một gã du ca lãng tử. Việc gì đến phải đến, ông rời ghế nhà trường khi vừa học xong chương trình lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Từ đây ông bước vào một thế giới mới, không còn gò bó bởi thời gian như khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Ông miệt mài hơn, vừa học đàn vừa sáng tác, sự say mê cộng với khả năng thiên phú sẵn có trong ông, để rồi sau bao tháng ngày bên cung bậc bổng trầm và kết quả mà ông đã đạt được hơn sự mong đợi rất nhiều. Năm 1968, nhạc phẩm đầu tay “Hoa sứ nhà nàng” của ông ra đời.
Sau này, Hoàng Phương tiếp tục làm sôi động đời sống âm nhạc miền Nam với dòng nhạc mang tên quê hương ông – “nhạc Gò Công”. Phải nói là Hoàng Phương đã góp một phần không nhỏ để quảng bá “Biển Gò Công” nổi danh khắp cả nước.
Bản “nhạc vàng” duy nhất được phép lưu hành sau ngày 30-4
Trước 30.4.1975 đất nước phân ly, chiến tranh mỗi lúc một thêm khốc liệt. Thanh niên lớn lên ở miền Nam đều gia nhập vào quân đội VNCH. Sau ngày 30.4, tất cả những tác giả có tên trong quân đội cũ đều là những người phải đi cải tạo và nhạc của họ không được phép lưu hành. Như Trần Thiện Thanh, ông là một hạ sĩ quan, nhưng hoạt động chính là một nhạc sĩ. Nhiều bản nhạc ông viết về người lính VNCH, như những bản “Người ở lại Charlie”, “Anh không chết đâu em”, “Mùa xuân lá khô”… và nhiều bài viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đều bị cấm sau 30.4.1975.
Cũng có những soạn giả không tham gia vào quân đội Sài Gòn nhưng có làm việc cho chính phủ cũ, nhạc của họ cũng bị cấm do có nhiều bản nhạc ca ngợi chế độ cũ như “Chuyến đò vỹ tuyến”, “Nắng đẹp miền Nam” của nhạc sĩ Lam Phương, “Đò chiều”, “Tàu đêm năm cũ” của Trúc Phương… Có những bản nhạc rất trong sáng, dễ thương, viết về những kỷ niệm của thời học sinh như “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn, “Niên học sau cùng” của Hàn Sinh cũng bị cấm. Nói chung các dòng nhạc được viết trước ngày 30.4.1975 hầu hết đều bị cấm vì không dính dáng đến thời cuộc thì cũng bị xếp vào loại nhạc ủy mị, “nhạc vàng”.
Chỉ có một tác giả duy nhất – Hoàng Phương – là không dính dáng đến quân đội Sài Gòn, không làm việc cho chế độ cũ, bởi vì ông bị tật – khập khiễng một bên chân. Nhạc của ông chỉ viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương nên được phép lưu hành, trong đó có bản “Hoa sứ nhà nàng” (Tức bài Hoa sứ nhà em).
Trước ngày 30-4, đời sống âm nhạc ở miền Nam cực kỳ phong phú, từ giới bình dân đến trí thức, ai cũng có thể chọn những bản nhạc thích hợp với “gu” của mình. Giới trí thức thì chọn nhạc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Dương Thiệu Tước…, ai thất tình triền miên thì kiếm nhạc của Đỗ Lễ, Vũ Thành An…, giới bình dân thì chọn dòng nhạc của Hoàng Phương, Trúc Phương, Lam Phương…, dễ dãi hơn nữa thì tìm nhạc của Vinh Sử, Cô Phượng…, còn người nào phản chiến, coi cuộc nội chiến là huynh đệ tương tàn thì tìm các “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn.
Khi những bản nhạc ăn vào máu vào thịt của tầng lớp mê ca hát bị cấm nghe, cấm hát thì hỏi làm sao mà không buồn cho được. Đây là khoảng thời gian mà nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” lên ngôi “nhạc đế”, bản nhạc dễ học, dễ ca, những lời trong bài hát dễ nhớ. Hồi đó, “Hoa sứ nhà nàng” là nhạc phẩm không thể thiếu trong những tiệc vui, đám cưới thôn quê và những lần họp mặt.
Về cõi vĩnh hằng trong cô đơn và nghèo túng
Trước năm 1975, Hoàng Phương vừa viết nhạc vừa trông coi tiệm buôn bán đồng hồ, về sau ông có mở hai tiệm vàng Kim Hoàng và Toàn Tân tại thị xã Gò Công. Gia đình ông lúc đó rất khá giả, nhưng vì nặng nợ với nghiệp cầm ca, ông chọn con đường sống xa gia đình.
Năm 1989, ông bỏ lại tất cả sự nghiệp, kể cả gia đình, vợ và 8 đứa con để bước thêm bước nữa với người yêu mới tên là Mộng Vân (nhỏ hơn ông hai con giáp). Ông cất một căn nhà tạm bợ bằng tre lá, khoảng 15m2 gần bãi biển Tân Thành, gọi là nhà chứ thật ra nó là một căn chòi, nghèo nàn, xơ xác. Càng về sau, cuộc đời ông như buông thả, suốt ngày ông vùi đầu bên ly rượu, có khi mới hừng đông mà người ta đã thấy ông ngà say, một mình lang thang trên bãi biển Tân Thành.
Trong căn lều bé nhỏ ông vẫn sáng tác, một bên là cây đàn guitar và một bên là chai rượu đế, để rồi một thời gian sau đó ông suy sụp hoàn toàn, càng buồn phiền ông càng phẫn chí, ông lại vùi đầu vào ly rượu để lãng quên đời, rượu chè thâu đêm suốt sáng, điếu thuốc lúc nào cũng lấp lóe trên môi… Như cái vòng luẩn quẩn, ngỡ chuốc rượu cho tiêu sầu nào ngờ nỗi buồn như thêm chồng chất… Ông chưa quên được đời nhưng đời đã muốn lãng quên ông… Sau bao ngày đắm chìm trong men rượu, một hôm ông phát hiện ra mình mang một chứng bệnh quái ác – bệnh ung thư gan, thời kỳ cuối.
Hoàng Phương mất ngày 19.10.2002 tại Gò Công. Đám tang được tổ chức đơn sơ trong căn nhà bé nhỏ nghèo nàn của vợ chồng ông trên bãi biển Tân Thành. Khi chết rồi ông vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm ca, ông còn để lại cho người, cho đời khoảng 10 ca khúc bằng bản thảo viết tay: “Biển khóc”, “Thuyền giấy chiều mưa”, “Hương bâng khuâng”, “Tình hạ buồn”, “Tìm em quán Phượng”, “Bươm bướm ngày thơ”, “Em vẫn chờ”, “Kiếp tơ tằm”, “Mộng tàn”, “Mùa nhạn trắng”… Có phải như một lời cảm ơn (?). Cảm ơn cuộc sống dù đau khổ muộn phiền này!…
Theo báo Lao Động