Ngày nay, người ta thường gọi những nghệ sĩ gây tiếng cười cho khán giả là “danh hài”, còn khi chê bai thì gọi là “anh hề”. Tuy nhiên trước 1975, cái chữ “hề” thường được sử dụng để gọi các nghệ sĩ “hát gây cười” một cách đầy kính trọng, như là “hề Sa”, “hề Minh”, “hề Văn Hường”, “hề Thanh Việt”, “hề Tùng Lâm”…
Thời trước, đất diễn cho các nghệ sĩ hài này cũng rất đa dạng, từ sân khấu cổ nhạc trong các tuồng cải lương, đến các sân khấu kịch nghệ trong các tiểu phẩm hài, và cả trong phim hài. Ngoại trừ phim hài và một số vở kịch hài có diễn hát tân nhạc, thì hầu hết các vai hề ngày xưa đều hát cổ nhạc, thường được gọi là “hài vọng cổ”.
Cho đến nay, có rất nhiều “danh hề” đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả không thể nào quên. Thế hệ tiền phong có thể kể đến quái kiệt Ba Vân, hề Tư Xe, hề Lập, hề Tám Cũi… đến thập niên 1950 thì có hề Tư Rọm, Hề Kim Quang, Hề Văn Hường, Văn Chung, Hề Minh, Hề Quới, Hề Sa, Hề Vui… đặc biệt là 7 tay hề thường diễn tiểu phẩm hài là Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Hoài, Thanh Việt, La Thoại Tân…
Theo soạn giả Nguyễn Phương chia sẻ, trong một tuồng cải lương, thông thường có các vai tuồng: kép chánh, đào chánh, kép lẵng – độc, đào lẵng – độc, kép phụ và vai hề. Các vai hề thường được sử dụng như những nụ cười điểm xuyết để làm cho câu chuyện tuồng được tươi mát hơn, giảm bớt những căng thẳng vì câu chuyện tuồng quá bi thảm hay xung đột quá gay gắt.
Khác với diễn tấu hài ngày nay, nhiều lúc chọc cười bằng như ngôn từ thô thιển, nghe giải trí, cười một cái rồi nhanh quên, hài vọng cổ ngày xưa mang nhiều ý tứ thâm sâu, có ý châm bιếm sự đời, cười rồi sau đó có thể thấy ngậm ngùi.
Các vai hề ngày xưa thường diễu bằng cách nói về những thói hư tật xấu của một tầng lớp nào đó trong xã hội, như là dốt nhưng hay nói chữ, như các ông nhà giàu hống hách, ức hiếp dân nhưng lại rất sợ cấp trên và sợ bà vợ ở nhà…
Soạn giả Viễn Châu từng viết 2 nói về “vọng cổ hài” như sau:
Buồn trong câu hát ngân nga
Cớ sao vọng cổ lại pha tiếng cười?
Vọng cổ đã buồn, nhưng lại pha thêm tiếng cười, đó không phải là tiếng cười dung tục, mà là cười chua chát, chứa đựng những bài học, triết lý sâu xa cho người đời.
Bài viết này xin giới thiệu một số “danh hề” thứ thiệt của một thời miền Nam xưa.
Nghệ sĩ Văn Hường
Một trong những nghệ sĩ hài vọng cổ đầu tiên là Văn Hường. Ông sinh năm 1932 tại Thủ Đức trong gia đình nhà nông. Thuở nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu nghệ thuật, thuộc nằm lòng nhiều bài vọng cổ và câu hò điệu lý khi nghe trên đài phát thanh.
Năm 15 tuổi, ông vào trung tâm Sài Gòn làm nghề bán hột dưa ở trước rạp cải lương nổi tiếng ở rạp Nguyễn Văn Hảo trên đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo).
Tuy bán hột dưa, nhưng những lúc rảnh ngồi nghỉ mệt thì cậu bé Văn Hường thường ca nghêu ngao vài câu vọng cổ rất mùi. Giọng hát đó tình cờ lọt vào tai nghệ sĩ Lệ Liễu nổi tiếng. Bà có mở một quán ca cổ ở giải trí trường Thị Nghè, bắt gặp chàng bán hạt dưa ca cổ vừa ngọt vừa duyên nên bèn rủ đến quán của mình để hát chung.
Nhờ vậy mà Văn Hường được những người trong nghề để ý tới, trong đó có ông bầu Bảy Cao và soạn giả Viễn Châu. Hai người này thấy Văn Hường hơi móm, không đẹp trai, lại thiếu chiều cao nên đề nghị ông làm hề ca, diễn hài vọng cổ trên sân khấu, ông đồng ý ngay. Từ đó Văn Hường được soạn giả Viễn Châu sáng tác riêng cho nhiều bài, khởi đầu cho trào lưu viết hài vọng cổ thập niên 1960, nổi tiếng nhất là Tư Ếch Đi Sài Gòn. Thể loại này mang lại một bầu không khí mới cho sân khấu cải lương. Hầu hết các tuồng cải lương đều buồn, làm cho khán giả khóc, và Văn Hường lại có thể làm cho khán giả cười bằng cách hát vọng cổ. Tuy là hát để gây cười nhưng những bài mà Văn Hường ca mang một nỗi thâm trầm riêng và một chút tự thán.
Click để nghe nghệ sĩ Văn Hường ca Tư Ếch Đi Sài Gòn
Hề Sa
Nghệ sĩ Hề Sa tên thật là Lê Văn Sa, sinh năm 1941 tại Long Bình – Thủ Đức. Ông cũng là nghệ sĩ hài có giọng ca theo trường phái vọng cổ hài của nghệ sĩ Văn Hường, chuyên mang lại tiếng cười cho khán giả qua những vai hài và bài vọng cổ hài trên sân khấu cải lương.
Hề Sa có năng khiếu nghệ thuật tự nhỏ và theo nghề hát từ lúc 15 tuổi. Ông đặc biệt yêu thích cách ca vọng cổ hài của nghệ sĩ Văn Hường – người mà ông xem là thần tượng. Từ nhỏ Hề Sa vẫn thường nghe radio và hát theo và tập theo phong cách của thần tượng, tự nhận nghệ sĩ Văn Hường là sư phụ của mình.
Click để nghe giọng ca Hề Sa
Năm 16 tuổi, ông trốn nhà theo gánh hát, mong ước sớm được bước lên sân khấu biểu diễn. Hai năm sau, khán giả đã bắt đầu biết đến Hề Sa trên sân khấu đầu tiên là đoàn “Tiếng vang Thủ Đô”. Sau đó, ông chuyển về đoàn “Thủ Đô 1” và may mắn được một lần thế vai “quái kiệt” Bảy Xê, diễn chung sân khấu với “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài và nữ nghệ sĩ Trương Ánh Loan. Đó là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, khi mà một kép trẻ mới về đoàn đã được tin tưởng giao thế vai của một nghệ sĩ cây đa cây đề như “quái kiệt” Bảy Xê.
Sau đó, Hề Sa về đoàn “Trăng Mùa Thu”, rồi Kim Chung, diễn cùng với Tấn Tài, Lệ Thủy…, được ông bầu Kim Chung cử sang Pháp biểu diễn cùng đoàn, tạo tiếng vang khi được khán giả kiều bào yêu thích.
Năm 1968, Hề Sa xuất hiện trên nhiều ấn phẩm của hãng dĩa Tứ Hải, được khán giả yêu thích với các bài vọng cổ hài do soạn giả Viễn Châu sáng tác: “Trời sanh trâu, sanh cỏ”, “Tôi đi làm rể”, “Hề Sa đi Pháp”, “Hề Sa cầu hôn”… Trong đó, thịnh hành nhất là dĩa “Khi người say biết yêu”.
Năm 1969, ông về đoàn Kim Chung, lại được diễn chung với Tấn Tài, Lệ Thủy, sau đó đi Pháp biểu diễn. Ông từng được ký hợp đồng giá một triệu đồng với đoàn Kim Chung thời đó.
Năm 1970, ông rời đoàn Kim Chung và lập đoàn hát riêng cho mình lấy tên là Sóng Hề Sa, sau 1975 đổi thành Sóng Trường Sơn.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, Hề Sa thừa hưởng cách ca của Văn Hường nhưng ông làm mới trong cách thể hiện bài vọng cổ và biết cách diễn xuất, để mỗi vai tuồng của mình có nhiều sáng tạo khiến khán giả thích thú.
Hề Sa được nhận xét là có chất giọng thiên phú, khỏe khoắn, cao vút, làn hơi của ông khiến các danh ca vọng cổ cải lương phải kiêng nể. Phần trình diễn có ông mang lối hành văn, sắp nhịp độc đáo đúng với phong cách ca vọng cổ hài, vừa ca vừa nói nhịp nhàng, bay bổng, ngay khi dứt song loan thì ca và đờn cùng về một lúc rất điệu nghệ. Trong thể loại hài vọng cổ thì Hề Sa là người giữ được phong độ lâu dài nhất, có tuổi thọ nghề nghiệp nhiều nhất với hơn nửa thể kỷ ca liên tục không ngưng nghỉ.
Văn Chung
Nghệ sĩ Văn Chung tên đầy đủ Quách Văn Chung, sinh năm 1928 tại Chợ Lớn, là một kép hát cải lương nổi tiếng vào thập niên 1960–1970, cũng là một danh hề có biệt danh là “Hề Té”.
Từ thập niên 1950, Văn Chung là một kép hát cải lương có giọng ca rất mùi. Năm 1952, ông kết hôn cùng “đệ nhất đào thương” Thanh Hương, sau đó vào Đoàn Việt kịch Năm Châu của nghệ sĩ Năm Châu, cũng là cha vợ ông.
Sang đến thập niên 1960, ông chuyển sang diễn hài trên sân khấu cải lương với giọng cười đặc trưng rất độc đáo.
Xem Văn Chung trình diễn cùng với Hùng Cường – Mai Lệ Huyền
Tùng Lâm
Trong làng hài của Sài Gòn trước năm 1975, có một người không cần diễn, chỉ cần bước ra sân khấu là khán giả đã cười rần rần, đó là nghệ sĩ Tùng Lâm.
Ông là một nghệ sĩ rất đa tài, tham gia trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật, từ tân nhạc sang cổ nhạc, từ điện ảnh đên sân khấu thoại kịch, bao gồm cả chính kịch lẫn hài kịch. Ông cũng là ông bầu nổi tiếng, trưởng Ban Tạp Lục với các nữ ca sĩ có tên bắt đầu bằng chữ Trang: Trang Mỹ Dung, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến…
Nghệ sĩ Tùng Lâm sinh ngày 1/3/1934 tại Sài Gòn, tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, là con út trong gia đình có 10 anh chị em ở gầm chợ Tân Định. Thuở nhỏ, vì gia cảnh khốn khó, ông thường theo bạn bè ngao du đàn hát kiếm kế sinh nhai, có lúc phiêu bạt sang tận Phnom Penh, rồi may mắn được nhạc sĩ Lê Bình dạy cho hát tân nhạc và chơi mandoline rất thuần thục.
Tùng Lâm đến với sinh hoạt văn nghệ từ rất sớm. Khi mới 14 ông đã đạt giải nhất cuộc thi hát thiếu nhi do đài phát thanh Saigon-Radio (tiền thân của đài Pháp Á) tổ chức với ca khúc An Phú Đông của thầy của mình là nhạc sĩ Lê Bình. Sau đó đến năm 1952, ông lại chiếm giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tổ chức với ca khúc Tiếng Dân Chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Nghệ danh ban đầu của ông là Văn Tâm. Vì chiều cao khiêm tốn nên ông bị bạn bè trêu chọc là “Tâm lùn”. Với bản tính hài hước, ông biến đổi lời trêu chọc đó để thành nghệ danh mới cho mình: “Tâm lùn” nói lái lại thành Tùng Lâm.
Năm 1960, nghệ sĩ Tùng Lâm lập Ban tạp lục Tùng Lâm biểu diễn mọi loại hình nghệ thuật được công chúng ưa chuộng, đồng thời tiến hành đào tạo ca sĩ chuyên hát tại các phòng trà và đại nhạc hội. Từ bàn tay ông, hàng loạt nghệ sĩ thành danh như Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Phụng, Trang Kim Yến, Giang Tử, Duy Phương, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai, Kim Tuyến, Trần Quang Bình, Tùng Sơn, Thanh Hùng…
Tùng Lâm mướn rạp Quốc Thanh để mở đại nhạc hội Cù Lét biểu diễn hàng tuần, mời nhiều nghệ sĩ tài danh tham dự. Ông vừa làm bầu sô vừa lĩnh vai xướng ngôn viên cho các tiết mục. Trong một lần đánh bạc cháy túi, ông soạn bài Xập Xám Chướng theo điệu a-go-go để tự răn mình, sau được hãng Sóng Nhạc thâu dĩa, không ngờ bán chạy toàn quốc.
Click để nghe Tùng Lâm – Phi Thoàn trình diễn Xập Xám Chướng
Ngoài những “danh hề” đã nhắc tới trong bài viết này, làng nghệ thuật miền Nam còn ghi nhận rất nhiều danh hề nổi tiếng khác, như Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Việt, Thanh Hoài, La Thoại Tân, Hoàng Mai, Xuân Phát… tất cả đã cùng tạo dựng nên một nền văn nghệ miền Nam rất phong phú, đáp ứng được đầy đủ tất cả các nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của công chúng.
nhacxua.vn biên soạn