Trong âm nhạc, đã có nhiều ca khúc viết về Hà Nội mà người viết lời, viết nhạc chưa từng một lần đặt chân đến Hà Nội, có thể kể đến như: Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa (nhạc Trương Quý Hải, thơ Bùi Thanh Tuấn), Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (nhạc Trần Quang Lộc, thơ Tô Như Châu), Hà Nội Ngày Tháng Cũ (nhạc sĩ Song Ngọc),… Trong số này, Hà Nội Ngày Tháng Cũ là một ca khúc khá đặc biệt. Tác giả Song Ngọc không những chưa từng đặt chân đến Hà Nội, ông còn là một người con Nam Bộ rặt, sinh trưởng ở An Giang, sống ở Sài Gòn, suốt cuộc đời chưa từng đặt chân lên quá vĩ tuyến 17.
Nhắc đến Song Ngọc, người ta thường nhớ đến ông như một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng với rất nhiều ca khúc nhạc vàng, nhạc lính được phổ biến rộng rãi và yêu thích. Sự xuất hiện của nhạc phẩm Hà Nội Ngày Tháng Cũ trong sự nghiệp âm nhạc của Song Ngọc, khi ông đã đặt chân lên đất Mỹ, khẳng định tài năng âm nhạc của Song Ngọc không chỉ nổi bật trong thể loại nhạc vàng phổ thông đại chúng mà còn rất tài hoa trong dòng nhạc tình ca trữ tình lãng mạn.
Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
Hà Nội ngày tháng cũ
Có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều
Tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè
Mùa thu theo gió heo may…
Cái hay của Song Ngọc là dù chưa từng hội ngộ với đất Hà Thành, ông đã tài tình đem Hà Nội tái hiện vào lời ca như một bóng dáng cố nhân, tri kỷ với nhiều tâm tư và cảm xúc. Những hình ảnh rất đặc trưng của Hà Nội như: mặt hồ, mùa thu, gió heo may, tiếng guốc, áo trắng,… được tác giả đưa vào âm nhạc thật mượt mà, nên thơ.
Cho dù thời gian có qua đi bao nhiêu lâu, thì trong tâm thức của người ly hương, những gì tinh túy nhất của Hà Nội đều nằm lại ở những ngày tháng cũ. Đó là một Hà Nội cổ kính đã qua nghìn năm, nơi đó có những con người thanh lịch nhã nhặn, những phố phường thoáng đãng bao quanh mặt hồ thơ mộng soi ánh trăng trong những đêm rằm. Hà Nội của ngày tháng cũ còn có đường chiều in bóng nghiêng nghiêng của những cô tiểu thơ Hà thành duyên dáng, với tiếng guốc đã khua động thành âm vang ngân hoài trong giấc mơ của người viễn xứ.
Hà Nội, người có nhớ
Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ
Hà Nội, người có nhớ
Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang
Hà Nội, người có nhớ
Chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò
Áo trắng Tây Sơn, Trưng Vương, em tan trường về
Đường qua nẻo phố hẹn hò…
Với những người am hiểu về Hà Nội, ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ tái hiện lại chính xác hình ảnh của Hà Nội thập niên 1950. Phố phường Hà Nội không đông đúc, ồn ào suốt ngày như thời nay, mà vẫn có những khoảng tĩnh lặng để lòng người lao xao với những tiếng guốc khua trên vỉa hè, tiếng gió heo may luồn lách giữa không gian phố xá. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là hai chữ Thuyền Quang chứ không phải Thiền Quang như cái tên mà chúng ta lâu nay vẫn biết. (Dù Thiền Quang mới là tên chính thức, nhưng nhiều người Hà Nội xưa vẫn thường quen gọi thành Thuyền Quang).
Khác với Sài Gòn và Huế, ngoài tà áo trắng, một số trường nữ sinh còn chọn áo tím làm đồng phục, hai màu áo nữ sinh quen thuộc của Hà Nội thập niên này là màu xanh và màu trắng. Trong đó, những chiếc áo màu xanh của các nàng thiếu nữ, nữ sinh Hà Nội đã đi vào âm nhạc Đoàn Chuẩn trong rất nhiều ca khúc. Và chiếc áo dài màu trắng tung bay trên phố Hà Nội chính là đồng phục của rất nhiều trường trung học Hà Nội thời đó như Trưng Vương, Tây Sơn, Tân Trào,…
Ai ra đi mà không nhớ về Trường Thi ngày ấy ta bên nhau
Ai ra đi mà không nhớ về Hồ Gươm mù bóng gương xưa
Hồ Gươm được ví như tấm gương soi in dấu lịch sử, chứng kiến những dấu ấn Hà Nội rất riêng của hàng ngàn năm lịch sử mà không nơi nào có được.
Ngoài ra, cách mà nhạc sĩ Song Ngọc dùng chữ “Trường Thi” cũng làm nhiều người cảm thấy thú vị, vì đó là tên gọi chính gốc, nguyên thủy. Đó là con phố dài chưa đến 1 cây số nằm trong trục chính của Hà Nội, nơi ngày xưa đã tổ chức những cuộc thi Hương cho các tử sĩ đến từ các tỉnh từ Thanh Hóa trở lên, nên được gọi là Trường Thi. Tuy nhiên sau này lại bị gọi trại đi thành Tràng Thi, có lẽ là do cách phát âm.
Nhớ Hàng Bạc, nhớ qua Hàng Đào
Nhớ cơn mưa phùn bay ngang thành phố
Bên em cùng đội mưa mà đi
Đội mưa mà đi, mà đi…
Bóng dáng những cô em, cô gái Hà thành ngập tràn khắp các ngõ ngách, phố phường Hà Nội làm nên một Hà Nội vừa cổ kính, vừa thanh tân, lãng mạn. Dưới những phố xá cổ kính ấy là biết bao cuộc tình nho nhỏ dưới cơn mưa phùn vọng về từ ký ức làm da diết thêm những niềm nhớ: “bên em cùng đôi mưa mà đi, đội mưa mà đi… mà đi..”
Hà Nội ngày tháng cũ
Mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời
Hà Nội ngày tháng cũ
Như mây như mưa trong cuộc tình tôi
Trong tâm thức người Việt, quê hương xứ sở mãi luôn được đặt ở vị trí thiêng liêng, gắn bó, dù đi đâu dù làm gì. Hai câu hát “Hà Nội ngày tháng cũ mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời” và “Hà Nội ngày tháng cũ như mây như mưa trong cuộc tình tôi” lột tả chính xác tâm trạng, tình cảm, thói quen của những người con xa xứ luôn mang theo quê hương mình trong tim, trên vai và đưa cả vào những sinh hoạt hàng ngày.
Hà Nội còn sống mãi
Chiếc áo xanh lam áo trắng nghiêng nghiêng mặt hồ
Chiếc lá cô đơn lang thang trôi trên vỉa hè
Giờ đâu xa vắng mây chiều…
Dù cho năm tháng có trôi qua, dù cho vật đổi sao dời thì những ký ức xưa vẫn mãi ở đó, những tinh hoa của Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn chưa hề đổi dời, và đối với nhiều người ly hương xa xứ, những tình cảm với Hà Nội vẫn mãi ở đó, không hề phai nhoà.
Ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ đã được nhiều ca sĩ hát, nhưng có lẽ thành công nhất là Sĩ Phú, là một người Hà Nội xưa, người đã gắn bó 10 năm với Hà Nội một thời tinh hoa, trước khi phải “trôi trên biển đời” năm 1954 vào Nam. Chính vì vậy, cảm xúc mà danh ca Sĩ Phú đưa vào bài hát này, chắc chắn là cảm xúc thật. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Sĩ Phú hát
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn