Thập niên 1960, trên bãi đất cỏ sau trường đại học Văn Khoa, giới nghệ sĩ hồi đó dựng lên một quán lá, đặt tên là “Quán Văn” làm nơi họp mặt đàn hát, chia sẻ với tất cả những ai đến cùng nghe, mà phần đông là thanh niên, học sinh sinh viên.
Trong nhóm bạn hữu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có ông Hoàng Xuân Sơn hiện định cư ở Canada. Ông hồi tưởng lại: “Quán Văn được thành lập từ một nhóm nhỏ các anh em sinh viên trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội, hồi đó. Trong thời gian anh em đi công tác xã hội như vậy thì có ý định lập ra một cái quán cà-phê văn nghệ làm nơi tụ hội và gặp gỡ những khuôn mặt văn nghệ trong thành phố, những người chuyên nghiệp hay không chuyên. Quán Văn tọa lạc trong một khu vườn cỏ khá thơ mộng bao quanh bởi 4 con đường là Nguyễn Trung Trực, Gia Long, Công Lý và Lê Thánh Tôn.”
– Như vậy ban đầu khi Quán Văn mới mở đã có các nghệ sĩ nào?
– Quán Văn lúc đầu mở ra, người trình diễn đầu tiên là một thành viên của nhóm, là anh Nguyễn Thạc chơi Tây-ban-cầm. Lúc đầu chỉ phổ biến nội bộ.
Cũng có một số thân hữu từ xa đến và thành khách quen. Từ bước thành công nhỏ đó, chúng tôi mời lần những khuôn mặt văn nghệ quen thuộc trong thành phố Saigon, lần lượt có ban trầm ca của nhạc sĩ Nguyễn đức Quang, Trần Trọng Thảo và Hoàng Kim Châu hát các bài ca khai phá khởi đầu.
Sau đó có mời được nhạc sĩ Phạm Duy và một nhạc sĩ người Mỹ cùng hát các bài Phạm Duy sáng tác như “Giọt mưa trên lá” có lời tiếng Anh do nhạc sĩ này đặt.
– Sau đó Trịnh Công Sơn và Khánh Ly xuất hiện như thế nào?
– Phải nói là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là cao điểm của Quán Văn. Anh Sơn đến sinh hoạt chung với nhóm chúng tôi từ cuối năm 1966. Lúc đó giữa anh em với nhau, anh Sơn hát các bài mới cho mọi người nghe, thỉnh thoảng hát những bài hát chung như “Gia tài của mẹ” hay là “Một ngày dài trên quê hương”.
Đầu năm 67, cô Mai (là ca sĩ Khánh Ly sau này) từ Đà Lạt xuống. Trong một đêm ở Quán Văn, Mai ngồi hát giữa vòng thân hữu, nghe rất hay, rất lạ và cảm động. Chúng tôi nảy ra ý định mời anh Sơn và Khánh Ly xuất hiện trước công chúng một lần.
Đêm đầu tiên tổ chức là một đêm thứ Sáu vào mùa Xuân năm 1967, rất đông sinh viên và thanh niên đến tham dự. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thay phiên nhau hát những bài nhạc trong tập “Ca khúc da vàng” anh Sơn vừa mới sáng tác, và những bài trong tập trước đó, là “Thần thoại quê hương và thân phận”. Đêm nhạc đó tạo sự thông cảm giữa người nghe và người trình diễn, rất cảm động.
Từ đó, dần dần Sơn và Khánh Ly đi dần vào các khuôn viên đại học, trình diễn các ca khúc của anh.
– Có phải Khánh Ly được mọi người gọi là “Nữ hoàng chân đất” cũng là từ các đêm diễn ở Quán Văn?
– Hình ảnh này cũng rất là dễ thương và rất đẹp. Trong lúc hát bài “Tình ca của người mất trí” thì Khánh Ly hát rất sâu lắng tâm hồn vào trong bài hát. Giữa đoạn điệp khúc, khi cất cao lên: “Tình ca người mất trí”… Khánh Ly bỗng nhắm mắt, bất thần tuột giày ra và vịn vai Trịnh Công Sơn, ngước mặt lên trời như là xin ơn cứu rỗi… Từ đó, trở thành huyền thoại là “Nữ hoàng chân đất”.
Sinh hoạt chính của quán bắt đầu vào tối thứ Sáu từ 8 giờ và kéo dài đến giờ giới nghiêm. Tối thứ Bảy chỉ sinh hoạt phụ, có thể là nội bộ, hoặc mời một số anh em khác tới ngồi nói chuyện hay ngâm thơ.
– Số người nghe lúc đó ở Quán Văn chắc là đông lắm?
– Rất đông, ngoài một số sinh viên ngồi bao quanh cái bục trình diễn, còn ngồi lan tràn ra cả sân cỏ. Chỗ soạn cà-phê, nước uống cũng có người ngồi, rất đông, vài trăm là ít. Khán thính giả ngồi nghe rất yên lặng, sau mỗi bài hát thì tràng vỗ tay rộ lên phá vỡ không gian tĩnh mịch.
– Trong đám đông hầu hết là thanh niên và sinh viên đó, đã có từng xảy ra chuyện lộn xộn nào không?
– Quán Văn đông đảo như vậy nhưng chưa từng có chuyện gì lộn xộn xảy ra.
– Nghe nói rằng có một vụ lộn xộn nào đó đã khiến các anh phải đi đến quyết định đóng cửa Quán Văn?
– Là từ địa điểm khác, ở Đại học Văn Khoa, cũng là đêm diễn của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
– Nhưng ảnh hưởng của sự lộn xộn đó làm cho Quán Văn phải đóng cửa?
– Vâng, trong đêm sinh hoạt tại Đại học Văn Khoa do Khánh Ly và Trịnh Công Sơn trình diễn đã có xảy ra cái vụ đôi co đi đến nổ súng giữa bên Quốc gia và bên Cộng sản. Chúng tôi thấy tình hình an ninh không được tốt đẹp lắm nên từ từ rút lui và dẹp quán.
– Quán Văn mở cửa tổng cộng được bao lâu
– Được khoảng hai năm rưỡi.
Trong đêm xảy ra sự cố ở Đại học Văn Khoa, người bị bắn là ông Ngô Vương Toại, thường điều khiển chương trình tại Quán Văn. Năm 1975, anh sang định cư tại Hoa Kỳ, hoạt động trong lĩnh vực báo chí và phát thanh. Anh cùng gia đình hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia ở ngoại vi thủ đô nước Mỹ.
Nhạc Trịnh Công Sơn, đa số viết về thân phận con người, ông nói:
“Con người đời sống rất hữu hạn, bởi mọi người chỉ sống một đời thôi nhưng mà anh chết rồi, tình yêu vẫn còn tiếp nối trên cuộc đời này. Tình yêu sẽ tiếp tục mãi mãi ở trên mặt đất này. Nhưng mà trong tình yêu, vẫn có một phần của thân phận nằm ở trong.”
Trịnh Công Sơn từng linh cảm về sự qua đời của ông. Năm 1996, trong bài “Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình” ông viết về cuộc sống và cái chết, có câu sau đây:
“… Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác …”
Theo Thy Vân (RFA)