Nhắc đến dòng nhạc trữ tình quê hương, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Bắc Sơn, người gần như cả đời chỉ gắn bó với thể loại nhạc tự tình quê hương, giai điệu các bài hát đều có âm hưởng từ dân ca Nam Bộ.
Những nhạc phẩm được yêu thích và phổ biến nhất của ông đa phần đều là những nhạc phẩm viết về vùng đất miền Tây Nam Bộ, với những món ăn, phong cảnh, con người và những nét văn hoá đặc trưng nơi đây.
Sau đây là đôi nét về những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Bắc Sơn:
Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè
Nắng hạ đi
Mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi
Chim nhớ lá rừng…
Năm 1974, nhạc sĩ Bắc Sơn viết ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè dựa trên cảm hứng từ một bài thơ khá dài của thi sĩ Nguyệt Lãng mang tên Rau Đất Đắng. Mục đích ban đầu là để làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình mang tên “Bếp Lửa Ấm”. Bản thu thanh đầu tiên do nữ ca sĩ Hoàng Oanh thực hiện được lồng vào vở kịch và phát trên Đài truyền hình Sài Gòn.
Đến khoảng năm 1980, từ nước Pháp, ca sĩ Hương Lan đã thu âm và thu hình ca khúc này. Khi đó thì làn điệu dân ca ngọt ngào, da diết, mộc mạc của bài hát đã hoà trộn với những hình ảnh thân thuộc, gợi nhớ cố hương đã thể hiện được rất chân thật tâm trạng hoài hương của hàng triệu người Việt tha hương, Đó là lý do bài Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè đã trở thành một hiện tượng âm nhạc khi đó, được yêu thích và phổ biến rộng khắp.
Click để xem video Hương Lan hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè
Sa Mưa Giông
Ở miền Tây Nam Bộ, “Sa Mưa Giông” là một cụm từ để chỉ những cơn mưa đầu mùa trút xuống sau mùa nắng. Trước khi mưa đổ xuống, bầu trời thường chuyển màu đen xám, vần vũ, sấm chớp đì đùng. Mưa thường đổ ập xuống như trút nước kèm theo sấm chớp và giông gió. Những cơn mưa bất ngờ này thường gây hoảng hốt, hoang mang cho trẻ nhỏ và cả người lớn nếu nhà cửa chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mưa bão, đặc biệt là ở những ngôi nhà tranh vách lá.
Với ca khúc Sa Mưa Giông, nhạc sĩ Bắc Sơn đã rất tinh tế khi lột tả tình cảm lo âu, trông ngóng của người con khi cha mẹ chưa trở về nhà và mong ngóng cho mưa mau tạnh, nắng lên để cây trái đơm bông kết trái, để nhà cửa đừng dột xiêu.
Cha ơi! Sao cha chưa về
Nhà trên bếp dưới vắng tanh.
Đợi với trông mỏi mòn ngoài kia mưa dầm.
Cha còn dầm mưa,
Tàn cơn mưa dầm, mẹ gần về chưa?
Click để nghe Hương Lan hát Sa Mưa Giông
Ca khúc Sa Mưa Giông vốn rất quen thuộc với khán giả qua giọng hát Hương Lan, nhưng không nhiều người biết rằng nhạc sĩ Bắc Sơn đã sáng tác bài này từ trước 1975 với cái tên rất lạ là Tình Ca Quê Ngoại, và người đầu tiên hát chính là ca sĩ Thanh Lan, mời các bạn nghe sai đây:
Click để nghe Thanh Lan hát Tình Ca Quê Ngoại trước 1975
Em Đi Trên Cỏ Non
Em đi trên cỏ non mọc ôm đôi bờ đường đê
Em che nghiêng nón lá chân rụt rè qua nhịp cầu tre
Quê hương em ở ngoại thành xóm nhà tranh
Em đi qua mấy sông vượt mấy đèo
Dẫu trèo lên đỉnh cao mấy núi, cũng lặn lội về thăm
Click để nghe Trang Thanh Lan hát Em Đi Trên Cỏ Non
Đây là một ca khúc rất dễ thương viết về cảm xúc vừa rụt rè, vừa háo hức pha lẫn bồi hồi của một cô gái thành thị khi được trở về thăm quê nhà của tuổi thơ. Dù rời xa quê đã lâu, đã có những thứ cô quên mất tên nhưng những tình cảm của cô dành cho quê hương thì vẫn còn nguyên vẹn. Nổi bật trong ca khúc là hồi ức về hình ảnh người cha cõng con đi học vì sợ chân con lấm bùn. Tình cảm cha con vô cùng thiêng liêng và đẹp đẽ mà cô gái nhỏ luôn trân trọng, nhớ về:
Em quên tên luống rau càng cua mọc bờ thềm xưa
Nhưng em không thể quên cây cầu dừa mưa rụng giọt mưa
Cha đưa em đi học ngôi trường xa
Đôi chân em bé nhỏ sợ lấm bùn
Cha ngồi xuống cõng em cha nói, cưỡi ngựa ngựa phi
Trong âm nhạc, có rất ít bài hát nhắc về người cha, nhưng riêng nhạc sĩ Bắc Sơn, có ít nhất 2 lần ông nhắc đến hình ảnh người cha trong bài hát, đó là Em Đi Trên Cỏ Non và Sa Mưa Giông.
Bông Bí Vàng
Bông bí vàng ngoài giàn
Công em trồng anh không hái
Trời sa mưa bông kết trái
Từ đó buồn, em buồn
Đây có lẽ là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong những ca khúc được yêu thích của nhạc sĩ Bắc Sơn, chỉ đứng sau bài “Rau Đắng”. Nhạc sĩ đã mượn hình ảnh “bông bí vàng” rực rỡ nhưng mỏng mảnh, dân dã tượng trưng cho tình yêu bình dị của đôi trai gái quê, dù nồng đượm, thắm thiết vẫn chẳng thể vượt qua những ngăn cấm của mẹ cha để đến với nhau. Toàn bộ ca khúc là sự xót xa, nuối thương cho số phận của cuộc tình, xót xa cho những cố gắng của đôi trai gái mà chẳng thể nào níu giữ được, đành để “cuộc tình duyên trôi theo dòng nước”.
Click để nghe Hương Lan hát Bông Bí Vàng
Giấc Ngủ Trên Tay
Giấc ngủ trên tay thềm xưa tóc mẹ xõa dài
Võng đưa quét qua đưa lại
Giọt mưa hắt hiu hiên ngoài
Ôi giấc ngủ bình yên những ngày thần tiên
Âm nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn gần gũi, thân thuộc, dễ yêu dễ nhớ bởi đó là những cảm xúc, tình cảm chân thực gắn liền với quê hương, gia đình, cha mẹ, vợ con của chính ông.
Theo lời kể của một người con gái của nhạc sĩ Bắc Sơn, ca khúc Giấc Ngủ Trên Tay được nhạc sĩ cảm tác viết thành trong một hoàn cảnh đặc biệt của gia đình. Nguyên văn lời kể như sau: “Khi đó ba má tôi ở Sài Gòn, còn ông bà ở dưới quê. Ba má nói mỗi tuần cho một người con xuống ở với ông bà. Tôi là người xuống ở với ông bà nhiều nhất. Có lần, ba má xuống thăm, mắc võng cho tôi, khi thấy ông bà về tôi nhìn theo và khóc. Bài hát Giấc Ngủ Trên Tay ra đời từ đó”.
Click để nghe Hương Lan hát Giấc Ngủ Trên Tay
Đêm Nghe Bài Vọng Cổ
Đêm nghe bài vọng cổ
Ai đàn dây Long Xuyên
Mưa tuôn ngoài cửa sổ
Xao động nỗi niềm riêng
Khơi dậy mối tình hoài hương
Ca khúc Đêm Nghe Bài Vọng Cổ là một trong những ca khúc tâm đắc nhất của nhạc sĩ Bắc Sơn, được ông viết khi gần cuối đời (năm 1999). Ca khúc gợi nhớ người nghe về vùng đất của đờn ca tài tử, có những bài vọng cổ réo rắt, da diết, xao động hồn người.
Lúc sinh thời, tác giả bài hát nói rằng chỉ có Hương Lan là trình bày bài hát này đúng với ý của ông nhất.
Click để nghe Hương Lan hát Đêm Nghe Bài Vọng Cổ
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn