ADVERTISEMENT
Nhạc Xưa
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát
No Result
View All Result
Nhạc Xưa
No Result
View All Result
Home Bài viết Xuất xứ bài hát

Chuyện tình trong “Bài Không Tên Số 3” của nhạc sĩ Vũ Thành An: “Đời dài như tiếng kinh cầu…”

2021/02/19
0
Chuyện tình trong “Bài Không Tên Số 3” của nhạc sĩ Vũ Thành An: “Đời dài như tiếng kinh cầu…”

Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau

Đó là đoạn cuối trong ca khúc Bài Không Tên Số 3 của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã gửi đến các bạn hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca từ của 2 bài không tên đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thành An, đó là Bài Không Tên Cuối Cùng và Bài Không Tên Số 2, được chính ông kể lại gần đây.

Sau 2 bài hát này, bài không tên tiếp theo mà nhạc sĩ Vũ Thành An ra mắt khán giả là Bài Không Tên Số 3, thực ra đã được ông viết trước đó khá lâu rồi sau đó mới giới thiệu đến công chúng.


Click để nghe Lệ Thu hát Bài Không Tên Số 3 trước 1975

Xem bài khác

Hoàn cảnh sáng tác “Đêm Đông” qua lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

Hoàn cảnh sáng tác “Xập Xám Chướng” của nghệ sĩ Tùng Lâm

Với những bài không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác trước năm 1975 đã nổi tiếng và được yêu thích suốt hơn nửa thế kỷ qua, có thể thấy trong mỗi ca khúc này đều có ít nhất 1 hay vài câu hát được nhiều người yêu nhạc thường xuyên nhắc đến, như là những lời tâm đắc nhất.

Đối với Bài Không Tên Cuối Cùng, đó là câu hát thể hiện sự bao dung của nhạc sĩ đối với tình cũ:

Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi…

Đối với Bài Không Tên Số 2, đó là câu hát thể hiện niềm xót thương cho thân phận người con gái:

Đời người con gái
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo…

Còn ở Bài Không Tên Số 3, câu hát nổi tiếng nhất lại mang đầy nỗi ám ảnh về cuộc đời:

Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau…

Khi sáng tác những câu này, nhạc sĩ Vũ Thành An không thể ngờ rằng đến gần 20 năm sau đó, nỗi sầu thương trong bài hát vẫn còn dai dẳng, và cuối cùng đã có một kết cuộc không thể buồn hơn.

Sau đây là câu chuyện trong Bài Không Tên Số 3 được chính nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại:

Khoảng năm 1965, khi ông vẫn còn đang trong mối tình say sưa hạnh phúc với “Tình Khúc Thứ Nhất” (là người con gái đã mang lại cảm xúc để Vũ Thành An sáng tác 3 bài Tình Khúc Thứ Nhất, Em Đến Thăm Anh Đêm 30 và Bài Không Tên Cuối Cùng), thì bên cạnh đó ông còn có mối giao tình thân thiết với em gái của một người bạn thân. Thời điểm đó cô gái này đang học trung học ở một trường danh tiếng của Đà Lạt, và khi trường tổ chức một buổi lễ có sự góp mặt của phụ huynh học sinh, thì chính Vũ Thành An là người được gia đình của cô gái nhờ thay mặt để tham dự.

Hôm đó nhạc sĩ Vũ Thành An cùng một anh bạn nữa mang hoa đến trường để thăm cô gái, cũng là để tham dự buổi lễ tại trường. Khi chia tay và ra về, anh bạn đi chung nói với Vũ Thành An rằng qua ánh mắt nhìn thì ông biết rằng cô gái đó có tình cảm đặc biệt với chàng nhạc sĩ. Tuy nhiên vì lúc đó đã có người yêu nên Vũ Thành An chỉ xem cô như là em gái thân thiết.

Đến năm 1967, nhạc sĩ Vũ Thành An nhập ngũ và được thụ huấn tại trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Trong những tháng đầu tiên, khóa sinh được khổ luyện rất cực nhọc, không được nghỉ phép về thăm gia đình, và gia đình của sinh viên sĩ quan chỉ được đến quân trường thăm trong những phút ít ỏi vào cuối tuần.

Trong thời gian đó, cô nữ sinh ở Đà Lạt kia đã đến tận quân trường để thăm nhạc sĩ Vũ Thành An. Ông viết trong hồi ký như sau:

“Một buổi sáng Chủ nhật năm 1967, anh đang trong Quân trường Thủ Đức chợt được gọi ra Khu tiếp tân. Anh rất ngạc nhiên vì đâu nghĩ có người đi thăm mình. Thật ngại ngùng khi phải ra tiếp khách mà không biết ai ghé thăm!

Lúc ấy tóc anh bị húi cua thật cao, quần áo xốc xếch vì không tìm đâu được bộ quân phục vừa với khổ người quá cao của anh.

Gặp Em nhưng anh không thể nào ngờ Em đã nhớ và đến thăm anh. Chúng ta đã có thời gian bên nhau thân thiết nhưng chúng ta xa cũng lâu rồi. Anh còn nhớ Em đã cùng anh soạn lời cho Bài Không Tên Số 3. Anh đã viết:

Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi…

Và Em đã viết:

Để rồi đánh mất nhau
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau…

Không biết bây giờ có nhạc sĩ nào tìm được bạn gái viết ca từ hay như vậy không?

Mọi sự đã xảy ra đúng như Em viết. Đánh mất nhau! Lần này, Em cùng với người chị họ vào thăm anh để nói “Ngày mai em sẽ đi Tây Đức du học!”.

Vậy là Em đã thật sự ra đi!

Trước khi đi Em còn nhớ tìm đến thăm anh như vậy, chứng tỏ Em đã yêu anh nhiều lắm. Sau này anh có hỏi thăm những người bạn đang học bên Đức về Em. Họ kể rằng khi nghe bất cứ ai đề cập tới anh, Em không nói gì chỉ khóc và bỏ đi.

Ngày ra đi, Em để lại cho anh một lá thư từ giã, trong đó có hai chữ “Bảo trọng”. Anh giữ mãi lá thư đó và còn luôn mang nó trong hành trang nữa. Lá thư của Em là nguồn an ủi cho anh trong những năm tháng lạnh giá.”

Nhạc sĩ Vũ Thành An còn nói thêm, đó không chỉ là lá thư từ giã thông thường, mà lời lẽ trong đó còn rất tha thiết, như là một lá thư “tỏ tình”. Cô gái biết rằng đó có thể là lần cuối gặp mặt, mai này đi du học ở nơi nghìn trùng cách trở, nên đã trút hết tất cả tâm sự của lòng mình vào trong thư. Chàng nhạc sĩ đã giữ rất kỹ lá thư kỷ vật đó, ngay cả khi phải vào trại tập trung sau năm 1975.

Trong thời gian suốt 10 năm tù đày, nhạc sĩ Vũ Thành An đã có nhiều thời gian để suy ngẫm lại cuộc đời mình, về những cuộc tình đã đi qua, và trong những người tình đã ra đi, thì chỉ có duy nhất cô gái này gửi lá thư tỏ tình, chứng tỏ đó là tình yêu thực sự, nên ông viết trong hồi ký:

“Những lúc trong rừng sâu nước độc ấy, nằm hồi tưởng lại đời mình, anh mới biết chính Em mới là người yêu anh thật, yêu anh nhất trong số những người đã đi qua đời anh. Anh tha thiết muốn gặp lại Em trong những lúc khổ đau đó!”

Trong những ngày tháng lạnh lẽo và tuyệt vọng, những đêm khuya nằm nhìn về dĩ vãng, tờ thư được giữ gìn cẩn thận đó là một trong những nguồn an ủi lớn để ông vượt qua một đoạn đời kinh hoàng.

Năm 1985, khi nhạc sĩ Vũ Thành An được tự do và trở về, lúc này gia đình đã ly tán, vợ và con đã di tản sang Mỹ trước đó 1 năm, nên người ông nghĩ đến và mong muốn gặp nhất chính là cô em gái năm xưa. Ngay ngày hôm sau, ông tìm đến nhà, thì chị của cô thông báo một tin chấn động: Cô đã bị tai nạn xe và mất tại Đức được một năm.

Lời hát năm xưa đã linh nghiệm:

Yêu nhau cho nhau một lần
Thương nhau thương cho một lần
Một lần thôi vĩnh biệt
Một lần thôi mất nhau…

Như lời kể của nhạc sĩ Vũ Thành An, Bài Không Tên Số 3 được cô gái kia góp thêm một đoạn lời, vào thời điểm họ vẫn còn mối giao tình thân thiết với nhau, nhưng đó chưa trở thành một mối tình đúng nghĩa. Vậy nên giả sử có yêu nhau, thương nhau đi nữa, thì họ đã gặp nhau sai thời điểm, mà cuộc đời thì không thể đợi để kết đôi:

Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi…

Để rồi oán trách nhau
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau…

Vì sai thời điểm nên tay buông lơi, chân chùng không thể bước cùng nhau, và cuối cùng là không thể giữ được nhau…

Ở phần này, có một sự sai khác giữa lời bài hát mà nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong hồi ký, so với câu được in trong tờ nhạc, đó là “Để rồi đánh mất nhau” – “Để rồi oán trách nhau”…

Theo lời kể của nhạc sĩ, có thể thấy là giữa họ hầu như không có lời nào oán trách nhau, mà chỉ là đã đánh mất nhau, bởi vì có duyên nhưng không nợ, nên chẳng thể giữ được nhau.

Căn cứ vào mốc thời gian mà nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại, có thể bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1966, nhưng được phát hành vài năm sau đó, được đánh số là Bài không tên số 3.

Sau khi nhạc sĩ Vũ Thành An sang Mỹ đầu thập niên 1990 và bắt đầu viết thêm lời khác cho các bài không tên trước 1975, được gọi là các bài tiếp nối, trong đó bài số 3 được viết thêm lời mới, như là lời tạ tình sau cùng gửi đến người con gái bạc mệnh:

Yêu nhau cho nhau một lần
Thương nhau cho nhau một lần
Một lần thôi cũng vừa
Nghìn lần như vẫn chưa

Bên nhau sao như nghìn trùng
Chia xa nhưng ta vẫn gần
Dòng thời gian bất tận
Để tình nhân ái ân

Chẳng thể quên hết đâu
Qua bao nhiêu kỷ niệm
Em luôn luôn ẩn hiện
Mình vẫn còn nhau

Ôi lung linh nhiệm màu
Rưng rưng tiếng kinh cầu
Cho đến mãi về sau
Còn nồng phút giây đầu

Yêu nhau nuôi mái tóc dài
Thương nhau nâng niu hình hài
Dù lìa xa ngút ngàn
Tình này vẫn chứa chan

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Tags: vũ thành an
ShareTweetPin

Xem bài khác

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An – Tác giả những Bài Không Tên bất hủ
Bàn Tròn Âm Nhạc

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An – Tác giả những Bài Không Tên bất hủ

Nhạc sĩ Vũ Thành An là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình miền...

by admin
April 19, 2021
“Bài Không Tên Số 1” và “Bài Không Tên Số 9” của Vũ Thành An – Những tuyệt phẩm sau cùng của loạt bài không tên trước 1975
Bàn Tròn Âm Nhạc

“Bài Không Tên Số 1” và “Bài Không Tên Số 9” của Vũ Thành An – Những tuyệt phẩm sau cùng của loạt bài không tên trước 1975

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc có được nhiều thành công của nhạc sĩ Vũ Thành An, có thể...

by admin
March 25, 2021
“Bài Không Tên Số 8” và mối tình học trò của nhạc sĩ Vũ Thành An
Bàn Tròn Âm Nhạc

“Bài Không Tên Số 8” và mối tình học trò của nhạc sĩ Vũ Thành An

Trong số những bài nhạc không tên được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác trước 1975, thì bài được...

by admin
March 20, 2021
Ý nghĩa của Bài Không Tên Số 7 (Vũ Thành An) – Một làn khói trắng ru đời vào quên lãng…
Bàn Tròn Âm Nhạc

Ý nghĩa của Bài Không Tên Số 7 (Vũ Thành An) – Một làn khói trắng ru đời vào quên lãng…

Cũng như Bài Không Tên Số 6, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng Bài Không Tên Số 7 không...

by admin
March 11, 2021
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của “Bài Không Tên Số 4” (Vũ Thành An) – Triệu người quen có mấy người thân?
Cảm xúc âm nhạc

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của “Bài Không Tên Số 4” (Vũ Thành An) – Triệu người quen có mấy người thân?

Trong loạt bài đã đăng về những bài không tên bất hủ của nhạc sĩ Vũ Thành An, chúng tôi...

by admin
March 3, 2021
Hoàn cảnh sáng tác “Bài Không Tên Số 2” (Vũ Thành An) – Một chuyện tình như trong tiểu thuyết
Bàn Tròn Âm Nhạc

Hoàn cảnh sáng tác “Bài Không Tên Số 2” (Vũ Thành An) – Một chuyện tình như trong tiểu thuyết

Cuối năm 1965, nhạc sĩ Vũ Thành An kết thúc cuộc tình sâu đậm với một cô gái xinh đẹp...

by admin
February 16, 2021

Tags

anh bằng anh việt thu châu kỳ chế linh duy khánh giao tiên hoài linh hoàng nguyên hoàng oanh hoàng thi thơ hoàng trang huỳnh anh khánh ly lam phương lê dinh lê minh bằng lê thương lê uyên phương lệ thu minh kỳ mạnh phát nguyễn tất nhiên nguyễn văn đông ngân giang ngô thụy miên ngọc lan như quỳnh phạm duy phạm đình chương saigon collection song ngọc thanh sơn thanh thúy thái thanh tiểu sử ca sĩ tiểu sử nhạc sĩ trúc phương trường sa trầm tử thiêng trần thiện thanh trịnh công sơn từ công phụng văn cao vũ thành an y vân
Liên hệ Ban Biên Tập

bbt@nhacxua.vn

DMCA.com Protection Status

No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát

© 2020 NhacXua.VN - Nhạc Xưa Thời Báo.