Từ khoảng đầu thập niên 1970, ca khúc Linh Hồn Tượng Đá nổi tiếng qua các giọng hát của Thái Châu, Chế Linh và được rất nhiều người yêu thích. Công chúng thời đó rất tò mò khi tác giả bài hát được ghi là Mai Bích Dung, một cái tên lần đầu xuất hiện trong làng nhạc nên đã có nhiều câu chuyện được thêu dệt xung quanh cái tên đặc biệt này.
Đó là về phía khán giả, còn những người đồng nghiệp, cùng là nghệ sĩ sinh hoạt chung với nhau tại Sài Gòn thập niên 1970 thì ai cũng biết Mai Bích Dung chỉ là một bút danh của nhóm sáng tác Lê Minh Bằng nổi tiếng. Thời gian sau đó có thêm 2 ca khúc khác cùng ký tên Mai Bích Dung là Tình Thương Vô Cùng và Cho Người Tình Nhỏ.
Nhóm Lê Minh Bằng được 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Anh Bằng và Minh Kỳ thành lập từ khoảng giữa thập niên 1960, với tiêu chí sáng tác là viết ra loại nhạc hợp với mọi tầng lớp công chúng, từ thành thị tới thôn quê, để ai cũng có thể thưởng thức được. Đó là những bài hát có lời ca trong sáng, giản dị, dễ nhớ và dễ thuộc lòng. Giai điệu và tiết tấu cũng nên đơn giản để dễ tập đàn, dễ tập hát (như điệu boléro, rumba slow, slow rock, boston…).
Tuy nhiên có một ca khúc được viết theo điệu blues khá lạ đối với dòng nhạc phổ thông thời đó, chính là ca khúc Linh Hồn Tượng Đá. Với tài năng của 3 nhạc sĩ trong nhóm sáng tác, lời ca của bài hát này tràn đầy cảm xúc và dễ đi vào lòng người, trở thành một trong những bài nổi tiếng nhất của Lê Minh Bằng:
Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau
Em đã đến, và đã đến như áng mây
Như cánh chim bay qua bầu trời
Ôi hình hài một vài giờ vui…
Click để nghe Thái Châu hát Linh Hồn Tượng Đá trước 1975
Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, theo lời kể của nhạc sĩ Lê Dinh, đó là một ngày cuối tuần của năm 1970, ba nhạc sĩ trong nhóm Lê Minh Bằng cùng lái xe từ Sài Gòn để đi nghỉ mát ở thành phố biển Vũng Tàu. Một buổi trưa, họ đi xe qua dốc đá đến Bãi Trước. Khi đó nhạc sĩ Anh Bằng đang lái xe, nhạc sĩ Minh Kỳ ngồi bên cạnh thấy thấp thoáng đằng trước có 3 bóng hồng đang cuốc bộ dưới trời nắng nên ông đề nghị dừng xe lại để cho 3 cô gái quá giang. Nhạc sĩ Lê Dinh kể lại:
“Anh Minh Kỳ xuống xe và không biết ảnh nói gì với 3 cô đó mà trông 3 cô rất vui vẻ và họ đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tại sao 3 cô đi bộ dưới nắng trưa như vậy, thì được biết cả 3 cô đều là sinh viên, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm. Rồi họ tự giới thiệu tên lần lượt là Mai, Bích và ngồi ngoài cùng là Dung”.
Ba cô gái này đều là sinh viên trường Khoa Học (này là trường Khoa Học Tự Nhiên), đang đi biển để tìm sứa về trường làm thí nghiệm.
Họ cùng nhau ra Bãi Sau và vào quán dùng cơm trưa, cùng nhau trò chuyện. Sau đó 3 cô gái Mai – Bích – Dung xuống biển tìm sứa, 3 chàng nhạc sĩ vẫn ở trên bờ biển để đợi họ xong việc thì đưa ra bến xe để bắt xe bus về lại Sài Gòn.
Tối hôm đó khi về lại khách sạn, nhạc sĩ Anh Bằng là người đề xuất viết một bài hát để ghi lại kỷ niệm đáng nhớ đó, lấy tên tác giả là Mai Bích Dung, là tên của 3 cô gái ghép lại. Bài hát Linh Hồn Tượng Đá được hoàn thành ngày trong đêm:
Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau
Em đã đến và đã đến như áng mây
Như cánh chim bay qua bầu trời
Ôi hình hài một vài giờ vui…
Tôi muốn nói lên trọn lời êm đềm
Kề tai em bằng con tim một người yêu em
Trưa nắng cháy
Sợ gió núi xô sóng khơi
Tan vỡ mau nên tôi nghẹn lời
Ôm cuộc đời vạn phần lẻ loi
Hoàn cảnh trong bài hát được mô tả đúng câu chuyện đã xảy ra. Những người đến từ Sài Gòn đã tình cờ gặp nhau nơi phố biển. Họ ngồi bên nhau cùng tâm tình chỉ được đôi câu, rồi ngay sau đó phải nói lời chia tay, thoáng qua nhau như là áng mây, như là cánh chim băng ngang đời và không “mong gì gặp lại lần thứ 2”. Tuy nhiên về mặt tình cảm trong bài hát thì các nhạc sĩ tài hoa đã phóng tác thêm để trở thành một câu chuyện tình tưởng như là đã đậm sâu, với những lời hát day dứt và nuối tiếc.
Thực tế thì đó chỉ là buổi gặp gỡ trong thoáng chốc, trò chuyện vui vẻ như là những người bạn rồi tạm biệt nhau. Tuy nhiên có lẽ là chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để lại nhiều luyến lưu cho những chàng nhạc sĩ đa tình, là chất xúc tác nhẹ nhàng để viết thành ca khúc bất tử với lời hát rất tình cảm, những lời nhớ thương nhau tha thiết:
Em ơi, em ơi thời gian gần gũi nào được bao nhiêu
Mà khi rời gót lòng đầy cô liêu
Nên xa em rồi tôi nhớ em nhiều
Em ơi, em ơi thà không gặp gỡ thà đừng quen nhau
Đừng cho hình bóng, đừng nhìn nhau lâu
Tôi không ôm ấp kỷ niệm đớn đau…
Được sáng tác từ một cảm xúc bất chợt, nhưng nội dung bài hát đã thể hiện được nỗi lòng của không ít người lâm vào hoàn cảnh chỉ gặp nhau 1 lần đã cảm thấy “say nắng”, rồi vấn vương hoài hình bóng của một người mà vì nhiều lý do đã không thể gặp được lần thứ 2. Nếu biết trước phải ôm ấp những kỷ niệm đớn đau như vậy thì “thà không gặp gỡ, thà đừng quen nhau…”, ai trong đời cũng đã một lần tuổi trẻ, có lẽ cũng đều một hay vài lần trải qua những cảm xúc như vậy.
Click để nghe Chế Linh hát Linh Hồn Tượng Đá trước 1975
Tôi đứng đó như hình một pho tượng
Chờ ai đây đợi ai đây và tìm ai đây
Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi
Nghe trái tim rung lên bồi hồi
Mong gì gặp lại lần thứ hai
Người đứng đó, lặng yên như một pho tượng, bão lòng dâng lên và gào thét cùng với muôn sóng khơi đang vỗ từng cơn dữ dội. Biết chờ ai, đợi ai và tìm ai nữa, vì đâu còn mong một lần gặp lại…
Ba cô gái năm xưa, có cô Mai (tên thật Mai Xuân Lan) hiện đang ở tiểu bang Ohio (Mỹ). Cô Bích đang cư ngụ tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Cô Dung (tên thật Lưu Dung Anh) đang sống ở Sài Gòn.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn