Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An là nhắc đến những Bài Không Tên và ngược lại. Ngoài 10 bài sáng tác trước 1975, ông còn rất nhiều bài không tên tiếp nối được sáng tác sau này. Có một điều ít người biết, đó là trong 10 bài không tên được đánh số từ 1 đến 9, rồi Bài Không Tên Cuối Cùng, thì những bài đó không phải là được sáng tác theo đúng thứ tự. Bài Không Tên Cuối Cùng nhưng được ra đời đầu tiên, với ý nghĩa là những lời cuối cùng dành cho mối tình sâu đậm.
Trong tập hồi ký Chuyện Tình Không Tên ra mắt năm 2017, nhạc sĩ Vũ Thành An kể về mối tình đậm sâu của ông và một người đẹp Sài Gòn. Một cuộc tình đúng nghĩa trai gái tài sắc nhưng lại vướng phải rào cản gia đình mà đành đứt đoạn, tan vỡ. Nguyên nhân của sự ngăn cấm này theo nhạc sĩ là do khoảng cách tuổi tác và gia thế. Chàng thua nàng những hai tuổi và học sau nàng đến mấy lớp. Gia đình cô gái rất giàu có và bản thân nàng cũng một cô gái giỏi giang, tài sắc vẹn toàn. Ngoài thời gian học ở trường, nàng còn là một ngôi sao sáng trong các hoạt động hội hè, văn nghệ. Là tiểu thư cành vàng lá ngọc nhưng nàng rất giỏi giang, tháo vát, thường phụ giúp quản lý một xưởng dệt của gia đình.
Cuộc tình đột ngột tan vỡ để lại một vết thương lớn cho chàng nhạc sĩ trẻ khi đó. Ông viết trong hồi ký:
“Em yêu dấu,
Em bỏ đi làm anh hụt hẫng, nhất là không còn biết tin vào ai nữa. Anh đã tin những lời em hứa, thế rồi em bỏ đi. Anh trở thành kẻ mất đức tin không còn biết bấu víu vào đâu. Đức tin là quan trọng nhất của một đời người. Chính đức tin sẽ cho ta hy vọng, có thể giúp ta chịu đựng được những điều phi thường và vượt lên khỏi sự bình thường. Mất đức tin ta sẽ rơi xuống hố thẳm của tuyệt vọng.
…Bây giờ, sau 50 năm hồi tưởng lại, anh vẫn thấy tình yêu anh dành cho em là có thật. Tình yêu đó đã theo anh trên mọi nẻo đường. Tình yêu ấy đã cho anh bay vút lên trời cao và rớt chúi xuống vực sâu. Một lần tình cờ anh được gặp lại em trong chuyến đi sang Paris cùng với Du Tử Lê và Từ Công Phụng năm 1998, tim anh như vỡ trong lồng ngực. Đó có phải là bằng chứng của mối chân tình?”
Nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại, Bài Không Tên Cuối Cùng được ông sáng tác liền một mạch trên đoạn đường chưa đầy một cây số từ trường Luật về nhà. Ông nhớ lại: “Anh đã thảng thốt cất tiếng kêu than khi em đột ngột chấm dứt liên lạc”.
Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm, còn hứa gì?
Đó là sự chới với, suy sụp của một người đang trên đỉnh cao hạnh phúc bất ngờ bị sụp xuống hố sâu đau khổ. Nỗi nhớ người yêu vầy vò trái tim đau thương, nhưng không thể nói ra, không thể giải toả, không thể trút cho vơi sầu, đành ôm tất cả đau đớn vào lòng, cuộn thành một khối u sầu mà gặm nhấm.
Click để nghe Anh Khoa hát Bài Không Tên Cuối Cùng trước 1975
Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ?
Ngày còn đây người còn đây, cuộc sống nào chờ?
Trong tâm trạng sụp đổ vì tình yêu tan vỡ, những lời yêu đương thề nguyện, hứa hẹn khi xưa bỗng trở thành những nhát dao sắc lẹm cứa vào tim. Tình yêu của em, lời yêu của em, lời hẹn ước của em, anh đã coi như một đức tin trong đời sống để neo giữ tình yêu của mình nhưng tất cả đều đã sụp đổ, em bỏ đi, đột ngột đặt dấu chấm hết cho cuộc tình hoa mộng. “Anh biết tin ai bây giờ?”, câu hỏi thốt ra nặng trĩu như một sự níu kéo, gắng gượng lột tả tình cảnh thê lương của kẻ bị phụ tình.
Bao câu hỏi cứ thế nối tiếp trút xuống như thác lũ dồn dập, dày vò trái tim sầu muộn của chàng nhạc sĩ:
Này em hỡi, con đường em đi đó
Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu?
Mưa bên chồng có làm em khóc?
Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?
Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng hay sao em?
Nhưng chẳng có câu trả lời nào hồi đáp, chỉ có khoảng trống của người rời đi để lại và một người tình si ngây dại chết lặng giữa hiện thực tàn khốc:
Xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si
Không phải đây là lần đầu nhạc sĩ Vũ Thành An nhắc tới “thần tiên” và “thiên đường” ở trong nhạc. Ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của ông đã được công chúng yêu mến là Tình Khúc Thứ Nhất cũng viết cho mối tình này khi vẫn còn đang tha thiết. Lúc đó lời nhạc được nhà văn Nguyễn Đình Toàn đặt với những ca từ lóng lánh màu sắc thần thoại là: Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần…
Thần tiên đó chính là hiện thân của tình yêu, đã gãy cánh và sa xuống trần và kết nối cho tình duyên của đôi lứa. Nhưng khi cuộc tình đã mất, cũng có nghĩa là “thần tiên” đã chắp cánh bay xa, để lại nỗi xót đau cho người tình si.
Dù mang tâm trạng đau đớn, hoang hoải khôn nguôi nhưng chàng trai không hề oán thoán, thù hận người yêu mà trong từng câu từng chữ chỉ nồng đượm một tình yêu bao dung, chân thành, mong cho người mình yêu được ấm êm, hạnh phúc:
Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng
Tình cảm yêu thương, bao dung và trân trọng đó của nhạc sĩ Vũ Thành An dành cho người tình thật đáng ngưỡng mộ. Bởi đến tận 25 năm sau, khi đã đi qua một đoạn đời dài, ông vẫn nâng niu cuộc tình ấy và người con gái ấy như một bảo vật từng có trong đời. Ông viết:
“Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng “Bài Không Tên Cuối Cùng” anh đã viết ra trong sự thảng thốt khi em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng như thế! Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến em. Anh hoàn toàn không muốn như vậy.
25 năm sau, năm 1991, anh đã mừng là có dịp để viết lại những điều anh không nên viết. Anh vẫn mong một lần hỏi chuyện em:
Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là ngày hôm qua
Ôi ước ao có một ngày
Gặp lại em hỏi chuyện em lần cuối cùng
Vẫn con đường, con đường cũ
Vẫn ngôi trường, ngôi trường xưa
Mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu
Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó
Chắc qua bao lênh đênh
Bao gập ghềnh có làm héo hắt
Có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười?
Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?
Nếu không còn được gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
xin gửi em lời cầu nguyện
Được bình yên được bình yên về cuối đời…”
Đó là những lời hát trong ca khúc sau cuối được nhạc sĩ Vũ Thành An đặt tên là Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối. Tiếp nối để kết thúc, để khép lại một mối tình đã trở thành dĩ vãng, để cởi ước cho nhau, để hoá giải và tha thứ. Và để trả lời cho câu hỏi mà 25 năm trước đó chàng nhạc sĩ trẻ đã dằn dỗi thốt lên:
“Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng hay sao em?”
Nay, ông viết lại, bằng một câu trả lời thật dứt khoát và rõ ràng:
Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó, đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?
Sau tất cả sóng gió cuộc đời, tình yêu dù vẫn âm ỉ đâu đó dưới đám tro tàn, đã trở nên bình lặng hơn, không còn cuồng si ngây dại như khi xưa nữa:
Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng
Lời yêu cũ đã được nhạc sĩ viết lại thành lời cầu nguyện bình yên:
Xin gửi em lời cầu nguyện
Được bình yên được bình yên về cuối đời
Ngoài Bài Không Tên Cuối Cùng và Tình Khúc Thứ Nhất, cuộc tình với người đẹp Sài Gòn hơn tuổi đó còn được ghi dấu trong 1 sáng tác rất nổi tiếng khác của nhạc sĩ Vũ Thành An là Em Đến Thăm Anh Đêm 30. Đây đều là những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp vang lừng của nhạc sĩ. Cuộc tình tha thiết đó “dẫu mộng không đền”, nhưng cũng tạo lập cho nhạc sĩ Vũ Thành An trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn