Nhạc sĩ Phạm Duy sở hữu một sự nghiệp sáng tác đồ sộ khó ai có thể sánh bằng, cả về chất lượng lẫn số lượng. Bên cạnh vai trò là nhạc sĩ thành công bậc nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy còn là một nhạc công, nhà nghiên cứu âm nhạc, biên kịch và đạo diễn điện ảnh, và đặc biệt, hoạt động đầu tiên trong ngành nghệ thuật chính là ca hát.
Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những ca sĩ thế hệ đầu tiên của tân nhạc, và thời thập niên 1940, ông là ca sĩ duy nhất mang tân nhạc đến khắp tất cả mọi miền của nước Việt.
Khi ghi lời đề tặng trong bài hát Buồn Tàn Thu, nhạc sĩ Văn Cao ghi:
Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn.
Sở dĩ như vậy là vì Phạm Duy đã từng trình bày rất thành công ca khúc Buồn Tàn Thu – một tuyệt tác được Văn Cao sáng tác năm 16 tuổi.
Trong một bài báo giới thiệu ca sĩ Phạm Duy năm 1944, nhà thơ Nguyễn Văn Cổn đã ghi:
Bài Buồn Tàn Thu mà Phạm Duy hát lên có lẽ ai cũng nhận thấy sự cảm động của một tâm hồn mong mỏi người xa xôi (…) đưa cái bài Buồn tàn thu tới những tâm hồn mong mỏi (…)
Sau đây, mời các bạn nghe lại bản thu âm Buồn Tàn Thu được ca sĩ Phạm Duy thu âm vào đĩa đá vào thập niên 1950:
Click để nghe Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu
Phạm Duy bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với vai trò ca sĩ hát Tân nhạc trong gánh hát Cải lương Đức Huy – Charlot Miều vừa mới thành lập từ khoảng năm 1943.
Gánh hát này biểu diễn ra mắt ở Hải Phòng, sau đó thực hiện một hành trình nam tiến rất dài để đi học miền đất nước, giúp ca sĩ Phạm Duy lần đầu tiên được mở mang tầm mắt, đưa ông trở thành một nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Đó cũng là dịp để ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều lối sống văn hóa khác nhau, để được học hỏi và thu thập được rất nhiều chất liệu âm nhạc làm giàu tri thức và làm vốn liếng để sau này ông có thể trở thành nhạc sĩ thành công nhất của Việt Nam.
Với giọng hát điêu luyện, đậm chất Việt của mình, ca sĩ Phạm Duy thuở đó đã đưa tên tuổi các nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Văn Cao đi khắp đất nước Việt Nam. Nguyễn Văn Cổn đã khắc họa Phạm Duy năm 1944 như sau:
“… Người thiếu niên này với gương mặt gầy ốm, một cặp mắt hiền từ và mơ màng sau cặp kính trắng, với cách cử chỉ khoan thai và nhã nhặn, đó là Phạm Duy (…)
Có lẽ trong tiếng hát của Phạm Duy, chúng ta thấy một cái gì hơi xa xăm, buồn tủi, phải chăng đời của nghệ sĩ như đầy những sự nhớ nhung, thương tiếc, đợi chờ, mà tiếng hát Phạm Duy là tiếng lòng thổn thức (…)
Mỗi lần Phạm Duy lên ca hát tại Đài Vô Tuyến là mỗi lần các thính giả xa gần đều lặng yên để thụ hưởng những sự dịu dàng trong trẻo, như thanh điệu êm ái (…)
… Nhưng nói về nghệ thuật, thì có lẽ Phạm Duy là một tài tử thứ nhất hát những bài âm nhạc cải cách với một giọng hoàn toàn Việt Nam, có nhiều tài tử cứ tưởng lầm rằng họ ca hát những âm nhạc mới, tức là phải có một giọng Âu Mỹ, thật là sai lầm (…)
Phạm Duy lại còn là một nghệ sĩ rất có lương tâm nhà nghề trước khi hát, trước khi biểu diễn, Phạm Duy rất chăm chú tập dượt những bài hát (…)
Một vinh dự đặc biệt với Phạm Duy thời kỳ thập niên 1940 là ông từng được hát riêng cho vua Bảo Đại nghe trong một chuyến theo gánh hát Đức Huy đi lưu diễn ở Phan Rang. Bảo Đại nổi tiếng là một ông vua rất tân thời, được Tây học từ nhỏ nên yêu mến loại nhạc cải cách.
Sang thập niên 1950, khi đã chuyên tâm vào sáng tác, Phạm Duy cũng vẫn duy trì công việc ca hát của mình nhưng không nhiều. Tiếng hát của ông từng được phát trên các đài truyền thanh, truyền hình lớn tại Sài Gòn cũng như thế giới.
Sau đây mời các bạn nghe 2 ca khúc Phạm Duy thu trong dĩa nhựa thập niên 1950:
Click để nghe Phạm Duy hát cùng Thái Thanh ca khúc Tình Ca
Click để nghe Phạm Duy hát cùng ban Thăng Long ca khúc Về Miền Quê
Mời các bạn nghe lại 1 số ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy hát live tại phòng trà của Jo Marcel thập niên 1970:
Click để nghe Phạm Duy hát Kỷ Vật Cho Em (trước 1975)
Click để nghe Phạm Duy hát Một Ngày Một Đời (trước 1975)
Click để nghe Phạm Duy hát Dạ Hành (trước 1975)
Năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy được sang Mỹ để giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa hai nước, nhân dịp này, ông đã giới thiệu âm nhạc Việt Nam, từ nhạc dân gian đến nhạc cải cách đến công chúng nước Mỹ.
Sau đây, mời các bạn xem lại màn xuất hiện của Phạm Duy với vai trò là khách mời trong show Rainbow West trên truyền hình Mỹ năm 1966:
Click để xem phần trình diễn Giọt Mưa Trên Lá
Click để xem phần trình diễn Nhớ Người Thương Binh
Click để xem phần trình diễn Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng
Click để xem phần trình diễn Qua Cầu Gió Bay
Click để xem phần trình diễn Lý Cây Đa (Trèo Lên Quán Dốc)
Cũng trong năm 1966 tại Mỹ, Phạm Duy đã tham dự lễ hội dân ca Florida và cũng trình diễn những bài hát như trên. Các bạn cũng có thể nghe lại phần trình diễn này với âm thanh chất lượng hơn ở bên dưới:
Click để nghe Phạm Duy trình diễn tại lễ hội dân ca Florida 1966
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn