Lệ Thu được nhận xét là một trong 3 nữ danh ca nổi tiếng nhất của thể loại nhạc trữ tình – tiền chiến, hai người còn lại là Thái Thanh và Khánh Ly. Tuy nhiên, khác với Thái Thanh – cả sự nghiệp gắn liền với nhạc Phạm Duy, hoặc Khánh Ly và dòng nhạc Trịnh, thì tên tuổi danh ca Lệ Thu không gắn liền với một nhạc sĩ cụ thể nào, mà cô trình bày thành công rất nhiều ca khúc bất hủ của nhiều nhạc sĩ, như Cung Tiến, Trường Sa, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên, và cả Trịnh Công Sơn, Phạm Duy.
Riêng về nhạc Phạm Duy, danh ca Lệ Thu chính là người hát thành công nhất những ca khúc như Ngậm Ngùi, Nước Mắt Mùa Thu, Đừng Bỏ Em Một Mình, Dạ Khúc… Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét về Lệ Thu như sau:
“…Riêng Lệ Thu, không phải chỉ là người làm cho bài Ngậm Ngùi nổi bật hẳn lên, đặc biệt người ta nhớ đến Lệ Thu phải nhớ đến Ngậm Ngùi. Thế nhưng với một giọng hát hết sức phong phú, Lệ Thu là người đã gánh vác những bản nhạc có tính chất biểu hiện tình cảm hết sức xúc động. Ví dụ như tôi có làm tặng Lệ Thu một bài – Nước Mắt Mùa Thu.
Ngoài ra, có một trong những bài nhạc của F. Schubert mà tôi làm lời, bài đó khó hát lắm, ở bài này giọng ca của Lệ Thu rất là xuất sắc…”
Sau đây, mời các bạn nghe lại những bản thu âm trước 1975, tiếng hát danh ca Lệ Thu cùng nhạc phẩm bất tử của Phạm Duy.
Ngậm Ngùi
Năm 1940, thi sĩ Huy Cận in tập thơ đầu tay mang tên Lửa Thiêng, trong đó có bài Ngậm Ngùi. Gần 20 năm sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ thành nhạc. Tuy nhiên trong vài năm đầu, bài hát này không gây được nhiều chú ý như những tác phẩm khác của ông.
Đến đầu thập niên 1960, sự xuất hiện của Lệ Thu trong làng nhạc Sài Gòn đã làm sống dậy Ngậm Ngùi, khi cô đưa nhạc khúc này trở thành một trong những bài nhạc phổ thơ thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Duy. Đó là thời điểm Lệ Thu trở thành ca sĩ ăn khách tại phòng trà Queen Bee hàng đêm, và ca khúc Ngậm Ngùi luôn được khán giả yêu cầu nhiều nhất. Trong số những khán giả đó có nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi, ông đã viết một bài báo gọi giọng ca trẻ Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Click để nghe Ngậm Ngùi
Nước Mắt Mùa Thu
Bài hát thật buồn về thân phận “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh” này mang tựa đề là Nước Mắt Mùa Thu, cũng có nghĩa là Lệ Thu. Chữ Lệ trong Lệ Thu, theo nữ danh ca này giải thích, có nghĩa là “diễm lệ”. Vậy Lệ Thu là “nước mắt của mùa thu”, hay là “mùa thu diễm lệ”? Có lẽ cả 2 đều đúng.
Danh ca Lệ Thu trong một lần về nước biểu diễn, đã từng trả lời phỏng vấn về ca khúc này như sau: “Đúng là nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này để tặng cho tôi, nhưng đó là cảm nhận của riêng ông. Đôi khi dưới ánh đèn màu mình có một cuộc sống khác, nhưng như tôi đã nói, cuộc sống của tôi không “buồn tênh” lắm đâu”.
Bài hát này đã được Lệ Thu thể hiện rất nhiều lần trên sân khấu ca nhạc trước và sau năm 1975. Riêng về thu thanh, Lệ Thu có ít nhất 7 bản thu cho ca khúc này (không tính bản live).
Click để nghe Nước Mắt Mùa Thu
Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên
Nước mắt mùa Thu khóc thương triền miên
Đừng Bỏ Em Một Mình
Bài hát này đã gắn liền với tên tuổi của danh ca Lệ Thu từ trước 1975. Hãy nghe lại Đừng Bỏ Em Một Mình của nhạc sĩ Phạm Duy (thơ Minh Đức Hoài Trinh), kể về tâm sự của một người con gái nơi huyệt lạnh, và những câu hát như “đường về nghĩa trang thênh thang…” khiến người nghe có thể cảm thấy lạnh người. Giọng hát ấy, từ khởi thủy đã thật buồn, buồn hiu hắt…
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
trời lạnh quá trời lạnh quá
sao đành bỏ em một mình…
Click để nghe Đừng Bỏ Em Một Mình
Thuyền Viễn Xứ
Tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc này là thi sĩ Huyền Chi, quê quán ở Bắc Ninh. Vì hoàn cảnh đất nước, phải ly hương từ rất sớm, bà đã viết Thuyền Viễn Xứ từ năm 1952. Những năm tuổi nhỏ được theo cha mẹ về thăm quê mỗi năm và đi đây đi đó, nữ thi sĩ đã có nhiều cảm xúc về quê hương xứ Bắc. Hơn nữa, sự phân ly, chia cắt gia đình quá sớm khi còn bé đã để lại một ấn tượng sâu trong lòng Huyền Chi. Vì vậy bà đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương trước khi nó biến thành sự thật vào năm 1954. Đó là lý do ra đời của bài thơ Thuyền Viễn Xứ.
Click để nghe Thuyền Viễn Xứ
Năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ, với giai điệu buồn mênh mang như từng đợt sóng đưa con thuyền xa bến, với những lời hát chẳng những gửi gắm niềm nhớ nhung của một triệu người rời quê cha đất tổ vào 1 năm sau đó (1954), mà hơn hai thập niên sau đó sẽ lại một lần nữa gửi gắm nỗi lòng của hàng triệu người phải bỏ lại tất cả những gì yêu thương nhất trên mảnh đất quê hương để phiêu bạt nơi đất lạ quê người:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Bài hát này đặc biệt được yêu thích với giọng hát buồn mênh mang, thẳm sầu và ngấn lệ của danh ca Lệ Thu.
Mùa Thu Chết
Như một định mệnh, vào năm 1961, khi cô gái 18 tuổi mang tên Bùi Thị Oanh chọn cho mình nghệ danh Lệ Thu để đi hát, có lẽ cô cũng không nghĩ rằng sự nghiệp ca hát của mình lại gắn liền với nhiều ca khúc mùa thu đến như vậy. Một trong những ca khúc đó là Mùa Thu Chết, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của thi sĩ Pháp là Apolinaire theo bản dịch tiếng Việt của Bùi Giáng.
Em nhớ cho
Em nhớ cho
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này
Trên cõi đời này…
Click để nghe Mùa Thu Chết
Nghìn Trùng Xa Cách
Bài hát Nghìn Trùng Xa Cách được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác khi chia tay mối tình với người con gái đã để lại cho ông nhiều xúc cảm để sáng ra nhiều bài tình ca nhất, đó là Alice (Lệ Lan).
Mối tình kéo dài 10 năm trải dài qua nhiều ca khúc viết riêng cho nàng, như Tìm Nhau, Cho Nhau, Thương Tình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, Chỉ Chừng Đó Thôi, Kiếp Nào Có Yêu Nhau… và Nghìn Trùng Xa Cách… Phạm Duy cho biết đó là một mối tình trong sáng, không có đụng chạm về xác thịt, là tri kỷ giữa hai thế hệ. Phạm Duy viết trong hồi ký như sau:
“Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ”.
Năm 1968, Alice lên xe hoa về nhà chồng, Phạm Duy tiễn nàng bằng “Nghìn Trùng Xa Cách”…
Bài hát này gắn liền với giọng hát Thái Thanh, và sau đây là phiên bản của Lệ Thu trước 1975, cũng đong đầy cảm xúc:
Click để nghe Nghìn Trùng Xa Cách
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau…
Nha Trang Ngày Về
Một thời gian sau khi Lệ Lan đi lấy chồng, trong một lần trở về Nha Trang, chốn cũ tình xưa, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết Nha Trang Ngày Về, ở trong chùm ca khúc “Tình ca một mình” với lời diễn giải: “Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài Nha Trang Ngày Về hay kỷ niệm trên đồi hồng Dalat trong bài Cỏ Hồng”.
Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau
Click để nghe Nha Trang Ngày Về
Ở trong mối tình 10 năm hoa mộng đó, như đã nhắc tới, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác một loạt tình ca để ca ngợi ái tình, tiêu biểu trong số đó là 3 ca khúc Thương Tình Ca, Tìm Nhau, Cho Nhau. Mời các bạn nghe lại qua giọng hát Lệ Thu trước 1975:
Thương Tình Ca
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương…
Click để nghe Thương Tình Ca
Tìm Nhau
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ…
Click để nghe Tìm Nhau
Cho Nhau
Cho nhau chẳng tiếc gì nhau
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu…
Click để nghe Cho Nhau
Trong bản viết tay bản nhạc phát hành trên tờ Kịch Ảnh năm 1957, nhạc sĩ Phạm Duy ghi: Cho A., và A ở đây chính là nàng Alice:
Kiếp Nào Có Yêu Nhau
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
Đó là những vần thơ đầy day dứt của 1 trong những nữ thi sĩ tài năng, xinh đẹp nhất của làng thi ca Việt Nam: Minh Đức Hoài Trinh. Bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau này sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy chắp cho đôi cánh âm nhạc để bay vút cao trong bầu trời nghệ thuật miền Nam hơn 60 năm trước:
Click để nghe Kiếp Nào Có Yêu Nhau
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười.
Hẹn Hò
Ca khúc Hẹn Hò của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác đầu thập niên 1950. Trong Hồi ký, nhạc sĩ cho biết: “Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ”.
Vì là một bài ca viết cho mối tình buồn như chuyện tình chàng Ngưu nàng Chức nên lời ca và giai điệu đều buồn thảm. Buồn mà không ai oán sướt mướt, vẫn âm trầm lóe sáng lên niềm tin bất diệt của tình yêu mai sau.
Click để nghe Hẹn Hò
Một chuyện tình của hai người yêu nhau mà không được gần nhau, người ở giang đầu kẻ cuối sông. Những giọt mưa ngâu không ngưng suối tuôn trên đời và trên vai của đôi tình nhân xa cách, những giọt âm điệu rơi vào tâm khảm của người thưởng thức thương cảm khôn nguôi:
Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chẩy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chẩy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu.
Bên Cầu Biên Giới
Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào cuối thập niên 1940, khi vẫn còn trong hàng ngũ kháng ᴄhιến. Đây là một ca khúc lãng mạn, chính vì vậy mà ông đã bị “phê bình” bởi tổ chức mà ông đang phục vụ, và đó cũng là một trong những nguyên do mà sau đó nhạc sĩ trở về thành để được tự do sáng tác.
Nói về ca khúc Bên Cầu Biên Giới, nhạc sĩ cho biết: “Bài hát hơi có vẻ triết lý vì khi tôi đứng ở trước cầu biên giới nối liền hai nước Trung Hoa và Việt Nam thì tôi thấy được trong lòng tôi và mọi người cũng có biên giới giữa hận thù và tình yêu, giữa ᴄhιến ᴄhinh và hòa bình. Tôi mong phá vỡ được những chiếc cầu biên giới đó.
Click để nghe Bên Cầu Biên Giới
Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa
Trả Lại Em Yêu
Trong những tác phẩm âm nhạc được Phạm Duy viết cho lứa tuổi sinh viên học sinh, người ta nhớ đến Con Đường Tình Ta Đi, Ngày Xưa Hoàng Thị, Tuổi Ngọc… và đáng kể nhất là Trả Lại Em Yêu – bài hát đậm chất bi thiết về nỗi buồn chia tay của mối tình sinh viên khi người con trai từ biệt người yêu, giảng đường để lên đường nhập ngũ.
Click để nghe Trả Lại Em Yêu
Trả lại em yêu, khung trời Ðại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn.
Em Lễ Chùa Này
Đây là một ca khúc đẹp, từ ý thơ đến lời ca và giai điệu. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo của nhà thơ tài năng, dồi dào ý tưởng Phạm Thiên Thư và một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất của nền âm nhạc Việt Nam: nhạc sĩ Phạm Duy.
Khi chọn phổ nhạc bài thơ Thoáng Hương Qua (có nơi ghi là Một Thoáng Hương Qua) của thi sĩ Phạm Thiên Thư thành ca khúc mang tên Em Lễ Chùa Này, nhạc sĩ Phạm Duy nói bài thơ này được chọn là vì “cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện…”
Click để nghe Em Lễ Chùa Này
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp
Dạ Khúc (Serenade)
Bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời Việt từ ca khúc nhạc cổ điển lừng danh Serenade của nhà soạn nhạc người Đức Franz Schubert.
Schubert đã sáng tác bài dạ khúc để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Ở châu Âu ngay từ thời trung cổ các chàng trai thường có lối tỏ tình bằng cách mượn âm nhạc, ban đêm đến đứng dưới cửa lầu “người đẹp” tự thể hiện bằng tiếng đàn và giọng hát của chính mình.
Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn lời Việt cho Serenade từ năm 1948 lúc còn ở Thanh Hóa, và ông cũng nói rằng bài này khó hát, nhưng giọng ca của Lệ Thu đã rất xuất sắc…
Đợi chờ em, trong màn đêm quạnh vắng
Muôn tiếng thanh âm cung đàn ngân…
Click để nghe Dạ Khúc
Dạ Lai Hương
Một ca khúc có lời ca và giai điệu thật hay và mang đậm dấu ấn của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào khoảng năm 1954 tại Huế. Trong hồi ký, ông kể lại:
“Những ngày ở Huế, tôi cảm thấy đời ngon như men say và vui như ong bay. Vì tình (tình đây là tình người) lên phơi phới, tôi xin được nhẹ bàn chân, nhẹ bàn tay để nâng niu mật sống lâu dài. Soạn bài hát thơm tho này cũng là để nhớ tới mẹ một ngày Hưng Yên xa xôi nữa. Về sau, lần nào trở về Huế, tôi cũng cảm thấy đêm thơm như trong bài Dạ Lai Hương vậy…”
Click để nghe Dạ Lai Hương
Đêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà
Hiu hiu hương tự ngàn xa bỗng quay về
Dạt dào trên hè ngoài trời khuya…
Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời
Một tình khúc thật diễm lệ mà không thể có câu chữ nào có thể diễn giải được. Dù cho ca khúc này không thuộc danh sách những bài nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng bài hát sẽ mang lại cho người yêu nhạc được những cảm xúc thật lạ nếu ngồi nghe và cảm nhận từng câu, từng chữ trong một lần thật tĩnh lặng…
Click để nghe Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời
Nếu một đêm em bước qua thềm
Mang nặng hồn mềm
Em trở mình trên nhân duyên
Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên…
Người Về
Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác trong lúc đi du học ở Paris vào khoảng năm 1954. Ông cho biết: “Vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh quê hương, tôi soạn bài Người Về trong một đêm đi một mình giữa Paris vắng lạnh. Bài này nói tới người mẹ, người vợ và đàn con trong bài Nhớ Người Ra Đi của thời kháng ᴄhιến, nay rất vui mừng khi thấy người đi đã trở về:
Click để nghe Người Về
Me có hay chăng con về?
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè…
Kỷ Vật Cho Em
Bài hát thật buồn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ Để Trả Lời Một Hỏi của thi sĩ áo lính Linh Phương:
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh…
Click để nghe Kỷ Vật Cho Em
Khối Tình Trương Chi
Đầu thập niên 1940, nhạc sĩ Văn Cao có ca khúc Trương Chi bất tử, thì sau đó không lâu, nhạc sĩ Phạm Duy cũng sáng tác Khối Tình Trương Chi. Tuy không hay bằng, nhưng đây cũng là một ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu thích.
Click để nghe Khối Tình Trương Chi
Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ
Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan
Đêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ
Âu yếm nâng tà quạt
Hồn gió đưa về thuyền
Tưởng người trên sóng du thần tiên.
Tiếng Đàn Tôi
Bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1947, được ông gọi là “nhạc tâm tình”:
Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt,
Với bao tiếng tơ xót thương đời.
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao.
Lúc trăng hãy còn thơ ấu!
Click để nghe Tiếng Đàn Tôi
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn