Như một duyên phận, nữ danh ca Lệ Thu khi chọn nghệ danh cho mình có lẽ đã không thể ngờ rằng cô của sau này lại trình bày thành công rất nhiều ca khúc về mùa thu, như là Nước Mắt Mùa Thu, Chiếc Lá Thu Phai, Mùa Thu Chết, Nhìn Những Mùa Thu Đi… và Thu, Hát Cho Người, một sáng tác dành cho mối tình trong vắt, hồn nhiên thời trẻ của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Vào giữa năm 2020, làng văn nghệ đã mất đi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Hơn nửa năm sau đó, người ca sĩ trình bày thành công nhất Thu, Hát Cho Người cũng đã từ giã cõi đời…
Click để nghe Lệ Thu hát Thu, Hát Cho Người
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác nhạc phẩm này vào năm 1968, khi ông vừa tròn 20 tuổi. Hoài niệm về thời điểm ra đời của ca khúc, trong bài viết “Tôi viết Thu, Hát Cho Người”, nhạc sĩ đã từng tâm sự:
“Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.
Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết “Thu, Hát Cho Người”
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Bản tình ca thuở đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông.”
Trở lại quê nhà, cảnh cũ còn đó, mà người xưa đã “biền biệt” phương trời xa, trong niềm xúc cảm dạt dào, mạch thơ mạch nhạc tuôn trào tự nhiên, những lời hát cứ thế ùa về chân phương, giản dị:
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ
Và người con gái tên “Thu” xinh đẹp, chất xúc tác cho dòng cảm xúc mỹ miều trào dâng ấy chính là cô nữ sinh cùng trường với nhạc sĩ tại quê nhà Hội An (Quảng Nam). Nàng học dưới ông hai lớp, nhưng do nhà gần nhau, cùng trong một làng nên họ thường đi về chung đường mỗi chiều thứ bảy khi trở về nhà và chiều chủ nhật từ nhà lên trường. Con đường đi bộ dài đằng đẵng hơn 5km lại phải qua hai chuyến đò ấy chắc hẳn đã chất chứa rất nhiều kỷ niệm, không thể xóa nhòa trong lòng “người bạn học” Vũ Đức Sao Biển.
Mối tình học trò “sớm nở chóng tàn” đã chẳng thể đi đến đâu, nhưng trong lòng người nhạc sĩ đa sầu đa cảm, mối tình đó luôn được khắc ghi, ẩn dấu sâu trong tim chỉ chờ dịp để lại bùng lên, rực cháy:
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ
Những lời hát lãng đãng như mây trời, hoang hoải như lòng người nhưng lại sâu lắng, trĩu nặng đầy tự sự. Cái hay của Vũ Đức Sao Biển là ông không mượn quá nhiều những điển tích điển cố, những hình ảnh quen thuộc trong văn chương để viết nên những lời ca đầy hình tượng. Những hình ảnh: “gốc sim già”, “đóa đẫm tương tư”, “sáng linh lan” có lẽ chỉ mới xuất hiện duy nhất trong âm nhạc Vũ Đức Sao Biển.
Chỉ với một chữ “gốc sim già” trong câu hát “ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó”, mà như kéo cả không gian, thời gian xung quanh chàng trai vào miền miên viễn. Chỉ với “đoá đẫm tương tư” trong câu hát “để hái dâng người một đóa đẫm tương tư” cũng đủ để lột tả hết khối tình sâu nặng đang đè nặng trái tim người con trai. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến câu hát “sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ”.
“Sáng linh lan” là gì? Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có lần được hỏi về ý nghĩa của cụm từ này đã mỉm cười trả lời rằng, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Quả là rất bí ẩn. Nhưng nếu “linh lan” ở đây chính là tên của loài hoa linh lan trắng muốt, tinh khôi có hình dáng tựa như những giọt nước mắt đang nhỏ xuống, thì có vẻ như bí mật của câu hát đã được lật mở. Đó là một nỗi niềm tương tư, sầu muộn tê dại cả thể xác lẫn linh hồn, liên tục không ngừng nghỉ từ đêm sang ngày: “đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió, sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ”.
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay
Chỉ bằng những nét vẽ mộc, giản dị, chân phương và thuần Việt, nhạc sĩ đã hoạ xong bức tranh phong cảnh mùa thu với “đồi sim trái chín”, với “bao la đồi nương”, và “mênh mông chiều sương”. Đó không phải là một mùa thu vàng ruộm với sắc vàng lá đỏ, phố xá, công viên co cụm buồn tanh thường thấy trong thơ trong nhạc, mà là một mùa thu buồn hoang hoải mênh mông của những miền quê xa vắng, với những gam màu nhạt nhoà, buồn tẻ. Đó là bức tranh đồi nương bao la mờ nhạt dưới sương, là màu tím sầu buồn hoang hoải của sim chín, là màu vàng loang lổ của nắng chiều pha lẫn trong sương. Và trong bức tranh bao la đó, hình ảnh người nhạc sĩ si tình trở nên nhạt nhoà, nhỏ bé, cô độc hơn bao giờ hết.
“Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay”, là một câu hát đầy hình tượng ẩn dụ, thuần Việt và hay xuất sắc. Người con trai dù đã trưởng thành, đã đi xa, nhưng khi trở lại miền đất kỷ niệm xưa cũ bỗng như trở lại thành đứa trẻ, bỗng ngồi khóc, bởi vì thứ quý giá nhất của mình đã bay xa mãi về phương trời, đó chính là tuổi thơ, là người bạn gái xưa kia, là mối tình khờ trong veo trong vắt, tinh khôi thuần khiết như những đoá linh lan không bao giờ còn có được nữa.
Và cái trạng thái “ngồi khóc tuổi thơ bay” có lẽ ai trong đời cũng sẽ trải qua ít nhất một lần hoặc chí ít là trong một khoảnh khắc nào đó. Đặc biệt khi người ta vừa mới trưởng thành, vừa bỗng dưng trở thành người lớn thì cái sự quyến luyến, nhớ thương vẫn còn rất sâu đậm. Nhưng dẫu có khóc hết nước mắt, có nhớ thương, quyến luyến bao nhiêu thì cũng chẳng thể thay đổi được điều gì, bởi đó là số phận chung của loài người, chẳng ai có thể cải đổi:
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi
Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người
Đâu đó trong lời hát thấp thoáng những suy tư vừa chớm nở về cuộc đời, phận người, biệt ly của chàng nhạc sĩ tuổi 20. Nhưng lý trí thì chấp nhận mà trái tim vẫn thổn thức tương tư. “Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi” là một câu hát đầy chất thơ, thể hiện sự khéo léo, tài tình và tinh tế của người nhạc sĩ. Đó là cái màu vàng vọt của chiều thu, khi mà bóng chiều đang dần lấn lướt, dần che khuất ánh nắng chiều “biêng biếc” trên cao. Trong sự chuyển động của thời gian và sắc màu trong không gian của buổi chiều thu vàng ấy, ta nghe như có cả những thanh âm rất khẽ trong lời hát, thanh âm vút lên nhè nhẹ của “màu vàng lên”, thanh âm rơi khẽ, ngân vang như tiếng chuông xa của “ánh chiều rơi”. Tất cả nhưng âm thanh vi tế đó của đất trời hoà quyện vào khúc “nhạc hoài mong” của người nhạc sĩ:
Thu hát cho người, Thu hát cho người, người yêu ơi!
Những lời hát vang vọng, da diết, đắm say tưởng như chẳng bao giờ có thể kết thúc, tưởng như tiếng gọi người thương thật ra lại là khúc nhạc để nhạc sĩ tự ve vuốt, tự hát cho mình như lời chia sẻ của chính ông sau này.
Có một điều đặc biệt, theo tiết lộ của nhạc sĩ, “Thu” thật ra chỉ là tên gọi ở nhà mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thường dùng để gọi cô gái, chứ không phải là tên thật của cô khi đi học. Vây nên, trong nhiều câu chuyện, giai thoại lan truyền sau này, có chi tiết kể rằng cô Thu trong ca khúc tên thật là Hồ Thị Thu là không chính xác. Ngoài “Thu, Hát Cho Người”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn nhắc đến cô gái trong hai ca khúc khác của ông là Đôi Mắt và Phố Giáng Hương.
Có một giai thoại vui liên quan đến Thu, Hát Cho Người, trong một lần gặp gỡ văn nghệ, khi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhắc về câu hát “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư…” thì bị nhà văn Sơn Nam “phê bình” thẳng thắn:
“Mày nói dóc! Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”
Vũ Đức Sao Biển phân bua là cây sim già khi mọc trên đồi cát thì rất lớn, cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Ngày ấy, tuổi 20, lòng Vũ Đức Sao Biển vô cùng trong sáng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” như “ông già Nam bộ” đã nói.
Có thể nói, ca khúc Thu, Hát Cho Người được ra đời nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, kết hợp với một “trạng thái lên đồng” như chính nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng nói nói sinh thời. Trạng thái đó được tạo lập khi tâm hồn người nhạc sĩ giao thoa được với những tinh túy nhất của âm điệu, để thăng hoa đến một mức độ có thể vượt thoát lên trên tất cả những điều thông thường, như là một người lên đồng, thoát khỏi được thực tại để chìm đắm vào một cõi nhạc miên viễn. Đó là trạng thái không thường xảy ra, bởi vì như nhạc sĩ từng thổ lộ, nếu như sau này ông có trở lại với đồi núi ngày xưa ấy, ngồi một mình trong chiều thu vàng ruộm với ngàn hoa sim tím đẹp mênh mông trong tâm trạng buồn vì tình yêu, thì ông vẫn không thể viết ra được một khúc tình ca đẹp như Thu, Hát Cho Người của ngày xưa. Bởi vì trạng thái “lên đồng” đã mất, đã không còn tâm hồn, tâm tình và những suy tưởng, cảm xúc trong sáng của thời đôi mươi. Cái giây phút ấy đi qua một lần và đi mãi.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn