Nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng miền Nam với rất nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng khó có thể kể hết, tiêu biểu nhất là Con Đường Xưa Em Đi, Cố Đô Yêu Dấu, Đàn Không Tiếng Hát, Đừng Nói Xa Nhau, Được Tin Em Lấy Chồng, Giọt Lệ Đài Trang, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Nén Hương Yêu, Sao Chưa Thấy Hồi Âm…
Nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác nhạc từ thời tiền chiến, khởi đầu là ca khúc Trở Về năm 1943, khi ông tròn 20 tuổi. Tuy nhiên thời kỳ này ông vẫn là một ca sĩ hát tân nhạc nên không có nhiều sáng tác. Châu Kỳ từng kết hợp với vợ là danh ca Mộc Lan để trở thành đôi song ca nổi tiếng trên đài phát thanh. Phải đến cuối thập niên 1950, ông mới chuyên tâm vào việc sáng tác. Cũng trong thời gian này, Châu Kỳ cùng một số nhạc sĩ khác bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên mà hiện nay chúng ta gọi là nhạc vàng. Ông đặc biệt nổi tiếng với những ca khúc được thi sĩ Hồ Đình Phương viết lời, tiêu biểu là Con Đường Xưa Em Đi, Từ Giã Kinh Thành, Tiếng Hát Dân Chàm, Đừng Nói Xa Nhau…
Trong bài này, mời các bạn nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Châu Kỳ được thu âm trước 1975.
Con Đường Xưa Em Đi
Đây là một trong những ca khúc tiêu biểu nhất của thể loại nhạc vàng phổ thông đại chúng: Dù nội dung giản đơn, nhưng lời ca đẹp, giai điệu dễ nghe và dễ hát nên dễ đi vào lòng người và sống mãi cũng thời gian suốt hơn nửa thế kỷ. Đây cũng là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Châu Kỳ và gắn liền với đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền:
Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi…
Click để nghe Chế Linh – Thanh Tuyền hát Con Đường Xưa Em Đi trước 1975
Khuya Nay Anh Đi Rồi
Ca sĩ Phương Dung từng chia sẻ về bài hát Khuya Nay Anh Đi Rồi của nhạc sĩ Châu Kỳ: “Cô gái trong ca khúc này tên là Lành, là con của một ông quan Thượng Thư thời bấy giờ. Nhạc sĩ Châu Kỳ và cô yêu nhau nhưng bị gia đình cô khước từ vì ông chỉ là một nghệ sĩ, không “môn đăng hộ đối”. Thế rồi, gia đình cô gái đó bắt chị của nhạc sĩ Châu Kỳ và bắt buộc ông phải dọn gánh hát đi còn nếu không sẽ bị giữ luôn chị ông. Chính vì thế nhạc sĩ Châu Kỳ đành phải ra đi trong đêm và chấm dứt mối tình từ đó”
Gió Lành lạnh buồn ơi
Khuya nay anh đi rồi.
Bao nhớ nhung xa vời,
Ôi nói không nên lời
để cạn niềm yêu mến ai…
Click để nghe Mỹ Thể hát Khuya Nay Anh Đi Rồi trước 1975
Giọt Lệ Đài Trang
Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng
Ngày xưa ai quyền quý cao sang
Em chính em ngày xưa đó
Ước xây đời lên tột đỉnh nhân gian
Đó là những lời hát quen thuộc của ca khúc mang tên Giọt Lệ Đài Trang của nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960. Có thể xem đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của dòng nhạc phổ thông, đại chúng.
Click để nghe Chế Linh hát Giọt Lệ Đài Trang trước 1975
Sao Chưa Thấy Hồi Âm
Năm 1965, khi vừa sáng tác xong bài thơ mang tên Sao Chưa Thấy Hồi Âm, từ Đà Lạt, nhà thơ Trương Minh Dũng gửi bài thơ này về Sài Gòn cho nhạc sĩ Châu kỳ phổ thành ca khúc chỉ trong vài giờ.
Theo năm tháng hoài mong,
thư gởi đi mấy lần đợi hồi âm chưa thấy:
Anh ơi nhớ rằng đây,
còn có em đêm ngày
hằng thương nhớ vơi đầy.
Sau thành công của Sao Chưa Thấy Hồi Âm, sau đó nhạc sĩ Châu Kỳ còn sáng tác thêm Hồi Âm và Cánh Nhạn Hồi Âm.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Sao Chưa Thấy Hồi Âm trước 1975
Trở Về
Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Châu Kỳ, được ông sáng tác sau một mất mát rất đau lòng. Năm 1943, sau những ngày tháng xa nhà của sự nghiệp ca hát, chàng trai trẻ Châu Kỳ về lại Huế thăm gia đình thì bàng hoàng biết được tin mẹ của mình đã bị nước lũ cuốn trôi. Ông về đến bến đò quê xưa, nhưng không còn đò để qua nữa, phải tự lội về nhà khi nước lũ còn chưa rút hết. Bao nhiêu người thân yêu cũng đã rời đi mất, chỉ còn nỗi buồn là ở lại bủa vây, nhìn đâu cũng thấy con nước mênh mông, cây lá xác xơ và quê nhà đã nát tan điêu tàn:
Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan
Đò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn…
Click để nghe Lệ Thu hát Trở Về trước 1975
Được Tin Em Lấy Chồng
Đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Châu Kỳ rất thân thiết với ca sĩ Thanh Thúy, người có cùng gốc Huế. Năm 1964, khi hay tin Thanh Thúy lên xe hoa, nhạc sĩ đã viết ca khúc Được Tin Em Lấy Chồng. Dù giữa họ chỉ đơn thuần là tình cảm anh em thân thiết, nhưng việc nàng ca sĩ theo chồng cũng để lại chút tiếc nuối để nhạc sĩ Châu Kỳ có niềm cảm tác và viết thành một ca khúc thất tình bất hủ:
Được tin em lấy chồng
Lòng anh buồn biết mấy
Được tin em có chồng
Chắc người từ độ ấy
Còn thương tiếc khôn nguôi.
Click để nghe Dạ Hương hát Được Tin Em Lấy Chồng trước 1975
Bỏ Phố Lên Rừng
Một ca khúc nổi tiếng khác được nhạc sĩ Châu Kỳ phổ từ thơ Trương Minh Dũng:
Người phụ tôi rồi có phải không:
cớ sao lại bỏ phố lên rừng?
Một đi không nửa câu hò hẹn.
Người giã từ mà ánh mắt dửng dưng.
Click để nghe Băng Châu hát Bỏ Phố Lên Rừng trước 1975
Cố Đô Yêu Dấu
Cố đô Huế luôn mang một không khí trầm mặc, buồn man mác, ngậm ngùi, làm nao lòng, gợi niềm cảm xúc rất lớn để nhiều nhạc sĩ viết thành nhạc. Đặc biệt là với nhạc sĩ Châu Kỳ – một người con của xứ Huế, ông cũng đã sáng tác nhiều ca khúc về Huế, đặc biệt là Cố Đô Yêu Dấu, Hương Giang Còn Tôi Chờ, Nén Hương Yêu…
Click để nghe Hoàng Oanh hát Cố Đô Yêu Dấu trước 1975
Gợi buồn chi này Cố đô ơi
Hoàng thành kia giờ không thấy lối
Từng nét xưa đã phai rồi và dáng em cũng mất rồi
Còn nữa đâu lời trăn trối
Hương Giang Còn Tôi Chờ
Ðây bến Hương giang sao vắng đò người sang
Mưa gió miên man nghe thấm lạnh chiều hoang
Tôi nhớ tên nàng không đếm được thời gian
Nghe tiếng chuông chùa vang
Khơi lòng thương chứa chan
Click để nghe Trúc Mai hát trước 1975
Nén Hương Yêu
Một ca khúc thật buồn về xứ Huế được nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác chung với Duy Khánh:
Tôi vượt đường xa xôi tìm em đã khắp nơi
Ra miền Thùy Dương xưa trăng nước còn mộng mơ
Nghe tiếng chuông chùa bên giòng Hương Giang lững lờ
Bến cũ cây đa nay còn thắm duyên tình xưa
Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975
Đàn Không Tiếng Hát
Nhìn em cười qua tiếng hát
Ðàn tôi đệm từng câu ca
Gợi tơ lòng muốn thoát
đi vào xứ xa xa
mong ngày tháng đừng qua
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Đàn Không Tiếng Hát trước 1975
Đừng Nói Xa Nhau
Một bài hát nói về tình yêu đôi lứa thật nồng thắm và tha thiết:
Đừng nói xa nhau, cho tâm hồn đau khổ.
Đừng nói xa nhau cho mắt lệ hoen mờ.
Lời thiết tha qua tâm tư tròn mộng tròn mợ
Vết tình khắc lên môi đưa mấy tuổi yêu vẫn chờ
Click để nghe Băng Châu hát Đừng Nói Xa Nhau trước 1975
Tiếng Ca Đó Về Đâu
Click để nghe Nhật Trường hát Tiếng Ca Đó Về Đâu trước 1975
Tiếng Hát Dân Chàm
Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về nỗi lòng của người Chăm:
Tiếng ca đó đưa em vào đời
Em từng ước vọng thành đóa hoa tươi
Nụ cười em vẽ lên môi
Nhịp nhàng cơn gió trăng trôi
Lời ca ngân nga không biên giới
Click để nghe Thái Thanh hát Tiếng Hát Dân Chàm trước 1975
Tìm Quên
Ca khúc gắn liền với tên tuổi danh ca Thanh Thúy:
Tìm quên đi thôi buồn chi chỉ người cười
Tìm quên đi đừng buồn chi khi người nói
Đời đang vui vui như mộng chốn bồng lai
Như hoa nở khắp trần ai hương ngát tỏa đến ngàn nơi
Tình người thêm mến thương người
Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975
Cuối cùng, xin giới thiệu 2 ca khúc nhạc Xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ: Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa và Tôi Chưa Có Mùa Xuân:
Click để nghe Hoàng Oanh hát Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa trước 1975
Click để nghe Chế Linh hát Tôi Chưa Có Mùa Xuân trước 1975
nhacxua.vn biên soạn