Những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng và quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả, như là Giọng Ca Dĩ Vãng, Cô Hàng Xóm, Giọt Lệ Đài Trang, đặc biệt là Đập Vỡ Cây Đàn, những bài hát này có điểm chung là đều có sự xuất hiện hình ảnh của cây đàn guitar trong tình yêu đôi lứa.
Những chàng trai đã dùng cây đàn để bày tỏ nỗi lòng của mình, nhờ âm điệu êm ái của cây đàn mà tình cảm nảy sinh. Tuy nhiên sau tất cả, đó lại là những câu chuyện tình rất buồn. Một trong những bài hát buồn, cay đắng nhất là Đập Vỡ Cây Đàn của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được sáng tác với bút danh Tùng Vân – Tuyết Sơn:
Đập vỡ cây đàn giận đời đập vỡ cây đàn
Người ơi người ơi!
Tình ơi tình ơi!
Đập vỡ cây đàn giận đời bạc trắng như vôi
giận người điên đảo quên lời
Đập vỡ cây đàn giận người con gái yêu đàn
Buồn ơi buồn ơi!
Làm sao để nguôi
Đập vỡ cây đàn giận người đổi trắng thay đen
giận đời trở như bàn tay…
Click để xem video Quang Lê hát Đập Vỡ Cây Đàn
Mở đầu bài hát buồn giai điệu bolero này đã là những lời hát dồn dập thể hiện sự đau xót tột cùng của một kẻ đau tình bị phụ bạc, giận người và giận đời, nên cây đàn đã bị đập vỡ tan.
Chuyện kể về một đôi tình nhân, nàng thích ca hát nên động viên người yêu đi học đàn, để có thể cùng nhau hòa khúc yêu đương trong những ngày hoa mộng:
Chuyện ngày qua, tôi gặp người con gái
Mang giọng ca thật buồn
Em bảo tôi rằng: Anh đi học đàn
Để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta
Tôi thương nàng nên vội vàng lên tỉnh
Đi tìm vui học đàn
Sau một năm trường, tôi trở về quê hương
Nhưng người em gái, ngày ấy đã đi rồi…
Bối cảnh của chuyện tình này là ở làng quê xưa, nên chàng trai phải tạm xa người yêu để vội vàng lên tỉnh “bái sư”. Nhưng sau 1 năm chàng trở về đã phải chứng kiến sự bội bạc trong tình yêu…
Tôi hỏi thăm dò từng người trong xóm tin nàng
Nàng đâu nàng đâu, nàng đâu nàng đâu
người báo tin buồn nàng gặp nhạc sĩ vang danh
Rồi cùng xây đắp gia đình
Tôi xót thương nàng và rồi tôi khóc thương mình
Đời ơi còn chi, đàn ơi biệt ly
Đập vỡ cây đàn giận người đổi trắng thay đen
giận đời trở như bàn tay.
Lúc sinh thời, có thông tin cho rằng chỉ khi sáng tác những ca khúc xuất phát từ chính nỗi lòng mình, là những lời ca thật sự tâm huyết, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo mới ký bằng tên thật. Còn nếu không, ông sẽ dùng nhiều bút danh khác, như Hoa Linh Bảo, Anh Bảo, Tùng Vân Tuyết Sơn cho những bài hát được sáng tác theo “đơn đặt hàng”.
Dù là một bài hát không được chính tác giả đặt nhiều kỳ vọng, nhưng Đập Vỡ Cây Đàn lại được khán giả rất yêu thích, chính là nhờ sự đơn giản trong ca từ, và nội dung câu chuyện tình rất phổ thông, hợp với hoàn cảnh thất tình của bao nhiêu chàng trai qua nhiều thế hệ, phải chứng kiến sự sụp đổ của một mối tình vốn đã được xây đắp bằng bao nhiêu mộng vàng.
Nội dung bài hát này gần như là chỉ mang tính tượng trưng, đại diện cho những cuộc tình bội bạc. Còn nếu xét chi ly hơn, thì dễ nhận có thấy một vài bất hợp lý trong lời hát. Vì dù cho ngày xưa việc thông tin liên lạc có khó khăn đến như thế nào, thì hiếm có trường hợp một chàng trai nào bỏ đi biền biệt suốt một năm không về thăm quê, không thăm người yêu một lần nào. Nếu quả thật như vậy thì việc người yêu bỏ đi lấy chồng cũng là một điều không khó hiểu lắm. Người con gái dù có tha thiết với tình cảm bao nhiêu, thì cái nàng cần thiết thực nhất chính là sự quan tâm trong tình yêu, sự gần gũi hàng ngày để tình yêu ngày càng gắn bó. Người ta nói “xa mặt thì cách lòng”, huống gì suốt một năm biền biệt không tin tức…
Cây đàn là phương tiện để mưu sinh, để sáng tác, để bày tỏ tâm tình. Cây đàn có thể là tất cả đối với một người theo nghề âm nhạc, nhưng người con trai trong bài hát này đã phải đập cây đàn vỡ nát, bởi vì anh vốn không chọn theo nghiệp dĩ này, chỉ vì tình yêu nên mới theo học đàn, nên khi tình yêu bội bạc, cây đàn không còn ý nghĩa nữa.
Đập Vỡ Cây Đàn không chỉ là câu chuyện về tình yêu đôi lứa, mà nó còn dự cảm được một phần đời sau này của chính nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, đó chính là “giận đời bạc trắng như vôi”.
Thời vàng son rực rỡ nhất, Lê Mộng Bảo là giám đốc của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, là một trong những nhạc sĩ miền Nam trước 1975 sống phong lưu, dư dả nhất về tài chính. Ông là giám đốc nhà xuất bản danh tiếng, được các đồng nghiệp nhạc sĩ gọi vui là “ông anh chi tiền”, vì sẵn sàng ứng tiền trước cho các nhạc sĩ khi gặp khó khăn về tài chính nhưng chưa sáng tác kịp tác phẩm để bán cho nhà xuất bản.
Tuy nhiên sau những đổi thay của thời cuộc, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo trở thành tay trắng và ra đi trong nỗi sầu thương và nghèo khó, luôn hoài niệm về một thời đã qua…
Bài hát Đập Vỡ Cây Đàn nổi tiếng với giọng hát Duy Khánh trước 1975, mời bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)