Ca sĩ Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh tại Hà Nội. Bà được biết đến với vai trò là vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, chị ruột của danh ca Thái Thanh.
Thái Hằng còn là thân mẫu của các ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường. Tên tuổi nữ danh ca Thái Hằng gắn bó với Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long, là đại gia đình nghệ sĩ hàng đầu đã có những đóng góp lớn lao cho âm nhạc Việt Nam.
Tuy nhiên không chỉ như vậy, từ cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, Thái Hằng được xem là một trong những danh ca hàng đầu của tân nhạc. Bà còn là một kịch sĩ thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh, cũng là nghệ sĩ ngâm thơ quen thuộc trong ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng.
Sự nghiệp của bà đáng ra sẽ còn có nhiều vinh quang rực rỡ hơn nữa nếu như bà không chấp nhận lùi lại phía sau người chồng nổi tiếng để làm hậu phương chăm lo cho gia đình với những người con nhỏ.
Click để nghe Thái Hằng hát bài Bà Mẹ Quê của nhạc sĩ Phạm Duy
Sau đây là một bài báo năm 1957 về danh ca Thái Hằng, được viết với hình thức khá thú vị, như là một buổi tán gẫu thân tình giữa những người rất thân thiết với nhau. Qua buổi trò chuyện, chúng ta có thể thấy được phẩm chất của một danh ca, và sự điềm đạm, duyên dáng của một phụ nữ đang ở độ tuổi chín của cuộc đời…
Nhắc đến nữ danh ca Thái Hằng thì chắc hẳn các bạn yêu nhạc không quên được nét mặt dịu hiền của cô trong ban Thăng Long, một ban hợp ca đã từng làm sôi nổi khắp miền Trung Nam Bắc. Và chắc các bạn cũng còn nhớ mãi được tiếng hát “giọng hai” của cô đã quấn quyện với tiếng ca của Thái Thanh trong nhạc phẩm Giòng Sông Xanh, một bản nhạc ngoại quốc lời Việt rất khó hát, khó diễn tả nổi nếu như người hát không giổi về kỹ thuật hát xướng.
Sau mỗi lần: “…và đây, hai cô Thái trong nhạc phẩm Giòng Sông Xanh…” – Lời giới thiệu vừa dứt, thì khán giả lại được hơn một lần nữa say sưa với khúc hát điêu luyện của hai chị em Thái Hằng, Thái Thanh.
Và “Sóng nước biếc biếc…” được dâng lên cùng tiếng ca ngọt ngào, với nụ cười và nét mặt đoan trang, Thái Hằng đã diễn tả đúng mức để có thể đưa tâm hồn người lâng lâng về miền xa lạ của xứ có giòng sông Danube.
Nghĩa là ban hợp ca Thăng Long đã thành công rực rỡ, và cũng như thiên hạ hoan nghênh khúc hát sau khi song ca với Thái Thanh, thì chính Thái Hằng đã là một cột trụ để tạo nên được những phút vẻ vang huy hoàng đó.
Trong những buổi hội họp, trong những khi toàn ban hân hoan nhận lời khích lệ của bao người mến chuộng thì Thái Hằng lúc nào cũng giữ một nụ cười khiêm nhượng, nhưng rất kẻ cả của bậc đàn chị, mà người ta tưởng rằng sẽ lẫn vào trong đám đông đó. Thái Hằng ít nói, và cô sợ người ta quên mình đi chăng? Nhưng không, đấy lại là tính tình đáng quý nhất của một nghệ sĩ vì những người hiểu biết thì không ai phủ nhận được công trình vun vén của Thái Hằng lúc nào cũng mong đi đến kết quả cho tập thể, và tác phong e ấp đó là do bẩm tính, mà cặp mắt của Thái Hằng đã nói được rất nhiều rồi.
Hiện bây giờ đôi nghệ sĩ Phạm Duy – Thái Hằng đang sống êm đẹp như thuở ban đầu trong một căn nhà xinh xinh ở dưới đường Chi Lăng – Phú Nhuận.
Ngoài những giờ đi hát, và đóng kịch ở Đài phát thanh, Thái Hằng chỉ còn biết làm tròn bổn phận cho chồng và cho bốn cậu con trai còn bé tí teo.
Sự dịu dàng của Thái Hằng và tính tình khéo cư xử đã làm cho những cô bạn thân, chẳng hạn như Tâm Vấn phải mê. Và những cô em gái nuôi mến Thái Hằng không chịu được:
– Chị ơi chị, cho chúng em ảnh nào mới nhất của chị đi.
– Chị ơi chị, chị đang tập hát bài gì thế?
– Chị ơi chị, chị đang làm cơm đấy à? CHúng em đỡ cho chị một tay nhá…
Đấy là những câu nói của hai cô em gái nuôi thân nhất của Thái Hằng, hai cô nữ sinh Trưng Vương đã vì mến tài và mến luôn cả đức hạnh của Thái Hằng mà thỉnh thoảng đến thăm và “quấy quả” chị như vậy.
Đã có một hôm các cô tò mò:
– Chị ơi chị, ngoài những buổi hát, có phải hiện bây giờ chị còn đóng kịch trong ban Tin Yêu ở đài phát thanh nữa không ạ?
– Em biết rồi cơ. Giọng nói của chị thì lẫn thế nào được.
– Mà chị lấy tên là Thái Hiền, có phải không nào?
– Mấy con bạn em nó cũng nghe chị đóng kịch. Chúng nó khen chị đóng kéo khéo là ấy. Chúng nó khen thật đấy chị ạ. Em thì chẳng thèm khen chị đâu.
– Xì, cậu không biết gì cả. Có một dạo chị Hằng cũng ngâm thơ cơ. Hay đáo để. Có phải không hả chị?
– Thật đấy! Mấy con bạn em nó cũng mê chị kinh khủng. Chúng nó thấy em có ảnh mới nhất của chị cho, chúng nó ghen ghen là ấy.
Ấy đấy, 2 cô nữ khán giả, nữ thính giả trung thành và bây giờ là 2 cô em nuôi thân mến nhất của Thái Hằng mỗi lần đến nhà là ríu ra ríu rít cứ như chim vành khuyên ấy thôi.
Thì đã bảo Thái Hằng chẳng bao giờ muốn làm mất lòng ai cả mà. Cho nên cả đến những kỷ niệm nho nhỏ xinh xinh của cuộc đời Thái Hằng cũng phải kể lại cho những cô em ranh mãnh.
– Thế chị đóng kịch từ hồi nào ạ?
– Lâu lắm rồi, từ năm 1948. Và sang năm 1949 chị mới hát cơ mà.
– Thế chị đóng vở kịch gì thế?
– Lần đầu tiên lên sân khấu chị có sợ không ạ. Chắc là chị phải run lên ấy nhỉ.
– Để nhớ xem nào. À… à chị đóng đầu tiên là vở kịch Thử Thách, rồi đến vở Cái Võng. Lẽ dĩ nhiên lần đầu tiên lên sân khấu thì ai mà chẳng run. Nói thì có câu nọ tương vào câu kia. Cuống cà kê cả người. Nhưng cũng may chỉ có lúc đầu thôi rồi sau đó kịch biến sôi nổi hơn. Người ra người vào làm thay đổi hẳn phút trầm lặng của đoạn đầu vở kịch, nên dần dần chị bình tĩnh lại được như cũ.
Phút ban đầu ấy khi màn vừa kéo lên, chị không dám nhìn xuống khán giả và người chị bừng bừng như vừa mới uống một ly rươu mạnh.
Ấy là có cảm tưởng như vậy chớ sự thực thì chưa bao giờ chị uống cả.
– Hay quá nhỉ. Chắc hẳn là thuở ban đầu ấy có nhiều kỷ niệm lắm thì phải.
– Kỷ niệm của kịch thì cũng có nhiều nhưng chị quên hết cả rồi. Chị chỉ còn nhớ mãi một kỷ niệm này nhất. Nghĩa là vở kịch thứ hai tạm gọi là bạo dạn. Chị đóng… đại khái làm tròn nhiệm vụ trong vở Cái Võng.
Sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả phải nói là kết quả của chung. Nhưng riêng chị cũng thấy vui vui. Và nhất là sau khi màn vừa khép, chị đang hí hửng bước vào hậu trường thì bị một ông đứng chặn ngang lối đi…, làm cho chị hơi luống cuống. Và câu đầu tiên ông ta nói với chị là ông ta khen chị đóng kịch hay.
– Thú vị nhỉ. Nghe người ta khen, chị có làm sao không? Mà khen như thế nào?
– Thì cũng như những câu nói thông thường nhưng riêng chị thấy phút ấy nó làm sao ấy. Chị cũng có cảm giác như lần đầu tiên chị ra trước khán giả.
Người chị cũng nón bừng bừng. Cũng may là vừa mới đóng kịch xong, má còn phấn hồng chứ không mà ông ta thấy mặt chị “xí hổ” đỏ nhừ như gấc chín thì có lẽ chị phải độn thổ mất.
– Thế chị trả lời với ông ta như thế nào?
– Thì ai mà còn biết trả lời thế nào nữa. Lẽ dĩ nhiên là chị phải bỏ chạy. Rồi bắt đầu từ đó ông ta nói với chị rất nhiều.
– Chắc là những câu tương tự, khen và khuyến khích chị.
– Vâng, dạo ấy vào năm 1948 và cho đến bây giờ đã mười năm qua rồi. Chị đã có 4 con mà thỉnh thoảng có dịp ông ta vẫn nhắc lại chuyện cũ và vẫn khen chị như xưa. Mỗi lần như vậy, chị vẫn có cảm giác như lúc ban đầu, cũng thấy thích thích…
– Ớ… ông nào mà “hỗn” thế hả chị? Mười năm qua rồi mà ông ta còn lẽo đẽo theo nói vớ vẩn với chị à? Anh Duy không ghen à?
– Ô hay! Việc gì mà ghen, tại sao lại hỗn? Thì ông ta là anh Duy chứ còn ai vào đây nữa.
– Ứ ừ, chị lại đóng kịch vớ vẩn với lại em rồi…
Hai cô nữ sinh rũ ra mà cười với nhau như nắc nẻ. Hai cô lại đấm vào lưng nhau thùm thụp, như ra cái điều vừa nghe được một mẩu chuyện dí dỏm của bà chị Thái Hằng.
nhacxua.vn biên soạn