Nhật Trường – Trần Thiện Thanh có lẽ là ca sĩ kiêm nhạc sĩ thành công nhất của dòng nhạc vàng. Khi hát, ông lấy nghệ danh Nhật Trường, và sáng tác bằng tên thật Trần Thiện Thanh. Giữa 2 vai trò ca sĩ và nhạc sĩ, khó có thể đong đếm được cái nào nổi bật hơn cái nào. Nhật Trường cũng thường hát nhạc của Trần Thiện Thanh sáng tác, nên nhiều ca khúc Nhật Trường đã thu âm, dù không phải nhưng vẫn có nhiều người lầm tưởng là của Trần Thiện Thanh sáng tác, 2 trong những ca khúc đó là Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ, cùng của nhạc sĩ Trường Sa.
Click để nghe Nhật Trường hát Chuyện Người Đan Áo trước 1975
Nếu nhắc đến nhạc sĩ Trường Sa, người ta thường nghĩ đến những bài tình ca buồn nhưng cũng thật lãng mạn như Rồi Mai Tôi Đưa Em, Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi… nên sẽ có nhiều người không biết rằng ông cũng có sáng tác thể loại nhạc vàng mà ông gọi là ca khúc “bình dân đại chúng” để cổ vũ cho tinh thần quân nhân, đó là Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ. Hai ca khúc này rất thích hợp với giọng hát Nhật Trường, và cũng được Nhật Trường thu âm trước 1975, nên có nhiều người tưởng rằng đây là nhạc Trần Thiện Thanh.
Trong một lần nói chuyện, nhạc sĩ Trường Sa nói rằng sở dĩ như vậy, có lẽ là vì Hành Trang Giã Từ nhờ có Nhật Trường mà mới nổi tiếng, và ông cũng thừa nhận rằng ca khúc này có nội dung bình dị, không sâu sắc như những ca khúc đại chúng khác – Nếu so với nhạc của Trần Thiện Thanh hay Nguyễn Văn Đông sáng tác.
Click để nghe Nhật Trường hát Hành Trang Giã Từ trước 1975
Đồng thời, nhạc sĩ Trường Sa cũng nói với người viết rằng nội dung của Hành Trang Giã Từ hoàn toàn là câu chuyện do tác giả tưởng tượng ra, vì ông là lính hải quân, trong khi người lính trong Hành Trang Giã Từ (và Chuyện Người Đan Áo) đều viết cho lục quân:
Đêm đã dần trôi,
có phải đây là giờ ta xa cách.
Ai biết hai mình lặng yên cúi đầu
chờ câu nói thương yêu.
Dù cho bài hát chỉ là sự tưởng tượng, chứ không có sự liên hệ nào với cuộc đời hải hồ lênh đênh sông nước của nhạc sĩ Trường Sa – một thiếu tá hải quân, nhưng Hành Trang Giã Từ vẫn nói lên được tâm tình của cả một thế hệ thanh niên thời loạn, phải giã biệt người thương yêu để lên đường vui kiếp sống của chinh nhân.
Cuộc tiễn đưa nào mà không buồn, nên đôi uyên ương trong bài hát chỉ biết lặng yên cuối đầu trong giây phút tạ từ.
Cuối cùng, người trai sông hồ cũng đã lên tiếng trước để an ủi người yêu khi thấy nàng dỗi hờn khi sắp phải xa nhau:
Em không nghe ngoài kia,
trời Đông đã lên rồi
bao lớp người đi đầu mây chân gió vai nặng gánh sông hồ.
Còn bao lâu nữa xin em thôi hờn dỗi.
Cũng như bao người trai khác của thế hệ, chàng hiên ngang cùng mây gió, băng mình vào chốn tử địa, vì là trai thời cuộc nên phải mang gánh nặng của sông hồ. Hoàn cảnh đó của bài hát cũng rất quen thuộc như trong nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng khác: Tạ Từ Trong Đêm (Trần Thiện Thanh, Trước Giờ Tạm Biệt (Hoài An), hay là Khuya Nay Anh Đi Rồi (Châu Kỳ)…
Anh xin trời đừng cho mưa rơi rơi.
Đừng cho lệ hoen bờ mi người ấy.
Nếu biết Xuân không sang thì dám mơ chi nhiều,
mà một khi anh đã hứa yêu em
Thì đời còn những lúc sum vầy
Sá chi bao cách ngăn sau này.
Người trai ra đi và chia tay người bạn đời vào một mùa Đông lạnh giá. Tuy buổi chia ly có buồn như thế nào đi nữa, thì người vẫn quyết ra đi, vì biết rằng chỉ có ra đi thì mới có một mùa Xuân sum vầy trong tương lai. Chỉ cần hứa yêu nhau và giữ tròn lời hứa đó mãi mãi về sau này thì ngại gì những cách ngăn, vì dẫu như thế nào đi nữa, vẫn hy vọng sẽ có ngày người chinh phu về lại được để trùng phùng với người vợ hiền bé nhỏ dấu yêu…
Có thể thấy bài hát có nội dung thật bình dị, không ước lệ hay thách đố, không có sự bay bổng cao sang, nhưng vẫn dễ dàng đi sâu vào trái tim của người nghe nhạc, vì có một thời đã có biết bao nhiêu người ở vào hoàn cảnh như vậy.
Hành Trang Giã Từ đại diện cho khuynh hướng sáng tác những ca khúc bình dân dành cho đại chúng nghe nhạc của nhạc sĩ Trường Sa vào những năm đầu sáng tác. Ông là một quân nhân chuyên nghiệp, nên việc viết nhạc chỉ là một sở thích, chứ không phải là nghề chính. Ngoài Hành Trang Giã Từ và Chuyện Người Đan Áo, ông còn có một vài ca khúc đại chúng khác, nhưng không nổi tiếng bằng, đó là Một Lần Xa Bến, Tình Người Tôn Nữ…
Tuy nhiên sau đó, nhạc sĩ Trường Sa thay đổi khuynh hướng, chuyển sang viết tình ca, đầu tiên là ca khúc Mùa Thu Trong Mưa năm 1968. Ông nói rằng vì có chút năng khiếu về tình ca nên đã quyết định chuyển hướng, bên cạnh đó là sự khuyến khích của một người bạn là nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Từ sau lần thay đổi dòng nhạc đó, cùng với sự thành công của Mùa Thu Trong Mưa, nhạc sĩ Trường Sa còn sáng tác một loạt bài hát khác nổi tiếng qua giọng hát Lệ Thu là Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Một Mai Em Đi, rồi sau 1975 có thêm các ca khúc Trong Giấc Mơ Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, Khi Chuyện Tình Đã Cuối… đều là những bài tình ca lãng mạn, chứ ông không sáng tác nhạc đại chúng nữa. Tuy nhiên chỉ cần với 2 ca khúc Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ, với nội dung bình dị, dễ thấu cảm, nói lên tâm tình và nỗi khoắc khoải của đôi lứa yêu nhau thời ly loạn, cũng đủ để tên tuổi Trường Sa ghi được dấu ấn đậm nét trong những người yêu nhạc vàng trước 1975.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn