Em ơi nếu mộng không thành thì sao
Non cao đất rộng biết đâu mà tìm
Đường đời mịt mờ vạn nẻo về đâu
Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu
Khi bài hát Duyên Kiếp của nhạc sĩ Lam Phương trở nên nổi tiếng, câu hát mở đầu là “Em ơi nếu mộng không thành thì sao” cũng đã thuộc nằm lòng đối với nhiều thế hệ yêu nhạc vàng. Cũng vì quá quen thuộc nên câu hát này đã bị dân gian chế lời vui vẻ và được truyền miệng với nhiều biến thể khác nhau. Câu hát này được nhạc sĩ Lam Phương lấy cảm hứng từ 2 câu thơ của Diên An là:
Em ơi tình đã lên môi thắm
Nếu mộng không thành biết nói sao.
Click để nghe Thanh Tuyền hát Duyên Kiếp trước 1975
Bài hát Duyên Kiếp nói về những nhẹ nhàng, thuần khiết của tình yêu buổi ban sơ, lúc mà ai cũng mơ mộng nhiều về tương lai và thường lo sợ về một ngày mai không thành duyên mộng. Lỡ duyên không thành thì “non cao đất rộng biết đâu mà tìm”. Người nghe nhạc dẫu có hình dung được sẵn nỗi cô quạnh khi hai người xa nhau, cũng phải chạnh lòng thương cảm, khi nghe rồi nghĩ đến tình cảnh khi cách biệt nhau rồi, biết tìm nhau ở đâu trước trời đất bao la muôn trùng xa thẳm.
Biết về đâu, biết tìm người yêu nơi đâu trên đường đời mịt mờ vạn nẻo tương lai. Nếu khi “mộng không thành” hai người riêng hai lối rẽ, chỉ biết mong chờ cho duyên kiếp “đưa lối bắc cầu” mà thôi. Vì còn yêu quá nên còn tin đến số mệnh, đến duyên kiếp, vì lòng còn hy vọng nhiều nên còn mộng ước mong chờ ngày mai chung một nhịp cầu.
Em ơi nhắc lại phút xưa gặp nhau
Trên đê vắng người lúc tan chợ chiều
Ngại ngùng mỗi lần anh đến làm quen
Má em ửng hồng vì quá thẹn thùng
Phút xưa gặp nhau bao giờ cũng là phút êm đềm ghi tạc mãi trong lòng. Gặp nhau lúc “trên đê vắng người lúc tan chợ chiều” – khúc hát vẽ nên cảnh thanh bình êm ả của thôn quê ngày xưa đưa người nghe nhạc về lại con đường đê chốn thôn xưa. Người nghe nhạc như được nhìn thấy lại con đường làng cũ xưa quen, khi mà những hình ảnh mộc mạc mà chất chứa đầy tình quê ấy như mỗi ngày mỗi xa dần với cuộc sống hiện tại tất bật và bon chen.
Rồi những mối tình của người xưa luôn luôn là: “Ngại ngùng mỗi lần anh đến làm quen”. Tình yêu dẫu có dạt dào ở trong lòng chàng trai bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn cứ ngần ngại mỗi lần gặp mặt nhau, và những cô gái thời ấy ai cũng “má em ửng hồng vì quá thẹn thùng” khi đối diện với người yêu thuở ban đầu. Phút giây làm quen từ buổi ban đầu là thời khắc ghi mãi trong lòng hai người, biết bao giờ mới quên.
Em ơi nhớ chăng thuở ấy
Mỗi khi bóng chiều xuống dần
Em về trên quãng đường xa
Gặp nhau dù không dám cười
Nhìn nhau, nhìn nhau mà lòng vẫn vui
Biết bao giờ mới quên thuở ấy, cái thuở mà thi sĩ Hồ Dzếnh đã đúc kết lại rằng: Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Trên quãng đường xa con đường làng quen thuộc, trái tim chàng trai rung lên nhịp liên hồi bồi hồi thao thiết mỗi khi thoáng thấy “Em về trên quãng đường xa”. Hình ảnh em dịu dàng nón che nghiêng giữa bãng lãng bóng hoàng hôn quê nhà, đã từng làm cho anh thao thức nhớ trong những đêm trăng thôn dã.
Tình yêu thuở xưa e ấp đơn sơ êm đềm quá, gặp nhau dù ngại ngùng khôn dám cười, nhưng chỉ cần nhìn nhau là có cả mùa yêu thương bất tận, chỉ cần thấy nhau là thấy đời đủ nghĩa yêu đương. Chỉ cái chớp mắt nhẹ nhàng thôi cũng như đã nghe hằng trăm nghìn câu nói, chỉ cái liếc mắt vô tình cho cây cỏ bên đường thôi mà cảm như đất trời rộn rã cả mùa xuân ở xung quanh.
Em ơi phải chăng đến khi ngày ấy
Đôi tim ướp mộng bấy lâu thành lời
Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta
Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa.
Những buổi nắng chiều rơi trên thôn vắng cho hai người thường gặp nhau đã trở thành kỷ niệm khó phai về “thuở ấy” – Thuở thơ mộng êm đềm bên nhau để cho “đôi tim ướp mộng bấy lâu thành lời”. Câu hát “Đôi tim ướp mộng” thật hay và tượng hình mà không nhiều nhạc sĩ có thể viết được. Có không ít người nhầm nên đã hát thành “Đôi tim ước mộng” nghe cũng hợp lý, nhưng không hay bằng nguyên bản là đôi tim cùng nhau “ướp mộng”.
Tình yêu nào cũng vậy, do duyên kiếp mà hai người được cùng chung mộng ước tình duyên với nhau, hoặc có thể sau này sẽ xa nhau mỗi người mỗi nơi: “Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta”. Dù cho đường đời có làm ngăn cách, nhưng “phút giây ban đầu mãi không phai nhòa” là tâm tư và nỗi lòng của nhạc sĩ gửi vào trong bài hát, đã cho người nghe cảm xúc trước mối tình dù có xa cách nhưng lòng vẫn luôn hoài nhớ đến thuở ban đầu đẹp nhất khi mới bước vào đường yêu…
Ban đầu, nhạc sĩ Lam Phương sáng tác Duyên Kiếp là dành cho biểu diễn trên sân khấu kịch, trong vở Duyên Kiếp Lỡ Làng của Hoàng Dũng, và người trình bày đầu tiên là nghệ sĩ Kim Cương năm 1960. Tuy nhiên suốt 60 năm qua, Duyên Kiếp đã vượt thoát khỏi vai trò đơn thuần là bài nhạc trong vở thoại kịch để trở thành một trong những ca khúc “kinh điển” của dòng nhạc vàng.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn