Dải đất hẹp của miền Trung đất Việt vốn là vùng khô cằn sỏi đá. Đã trải qua hằng bao thế kỷ, những người Việt ở vùng đất này, đa số là nông dân, vẫn lam lũ bám vào hoa màu để mưu sinh. Mỗi năm người quê dành dụm không được bao nhiêu tiền, tài sản cùng lắm cũng chỉ là ngôi nhà, thửa ruộng, nhưng mỗi mùa lũ đến thì hầu như tất cả đều bị cuốn trôi, hoa màu bị hủy hoại, và tính mạng của người dân quê hiền lành cũng trở nên quá mong manh trước sự cuồng nộ của thiên tai.
Nhạc sĩ Châu Kỳ người ở vùng Phú Vang, Thừa Thiên, và một cơn lũ oái ăm của 80 năm trước đã cướp đi người mẹ dấu yêu của ông. Bao nhiêu đau thương biết nói sao cho hết, ông dồn tất cả nỗi niềm của mình vào trong ca khúc đầu tay mang tên: Trở Về.
Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
Mong tìm thấy người xưa.
Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây.
Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan
Đò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn
Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn
Nghe suối reo bên ngàn
Dường như oán như than!
Chiều nay buồn trông cánh chim bay
Chiều nay buồn nghe gió heo may
Chiều nay đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây.
Click để nghe ca sĩ Quỳnh Giao hát Trở Về
Trước khi Châu Kỳ trở thành một trong những nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc vàng từ sau thập niên 1950, ông đã theo nghiệp ca hát ở độ tuổi 18-19. Ở thời điểm thập niên 1940 chưa có nhiều bài nhạc Việt nên ông hát chủ yếu là nhạc nước ngoài, đặc biệt những ca khúc mà ca sĩ nổi danh thế giới lúc đó là Tino Rossi hát, được người Pháp mang theo vào Việt Nam.
Năm 1942, Châu Kỳ tham gia đoàn hát Hồng Thu của người chị ruột là Châu Thị Minh (một trong ngũ nữ minh tinh của Việt Nam thời kỳ đầu) để sang lưu diễn ở Lào. Tại đây Châu Kỳ có tham gia vở kịch mang tên Hồn Lao Động của soạn giả Văn Lang, mang nội dung về tinh thần bất khuất chống áp bức của người lao động dưới thời thực dân. Cũng vì vậy mà ngay khi đang diễn, Châu Kỳ đã bị mật thám Pháp bắt đưa về Ba Vì để giam giữ.
Trong trại giam, nhờ hát nhạc Pháp rất hay nên Châu Kỳ được lòng viên trung úy trưởng trại, và được người này vận động để ông được tự do vào năm 1943. Không lâu sau đó, Châu Kỳ về lại Huế thăm gia đình thì bàng hoàng biết được tin mẹ của mình đã bị nước lũ cuốn trôi. Ông về đến bến đò quê xưa, nhưng không còn đò để qua nữa, phải tự lội về nhà khi nước lũ còn chưa rút hết. Bao nhiêu người thân yêu cũng đã rời đi mất, chỉ còn nỗi buồn là ở lại bủa vây, nhìn đâu cũng thấy con nước mênh mông, cây lá xác xơ và quê nhà đã nát tan điêu tàn:
Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan
Đò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn…
Click để nghe danh ca Minh Diệu hát Trở Về năm 1957
Bài hát được sáng tác năm 1944, đến năm 1946 được phát hành ở Hà Nội, sau đó được Tinh Hoa – Huế tái bản nhiều lần và được hầu hết các danh ca thập niên 1940-1950 thể hiện, trở thành ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác lừng lẫy của nhạc sĩ Châu Kỳ.
Trong những ngày đau thương của dải đất miền Trung vào mùa lũ năm nay, mời bạn nghe lại ca khúc viết về mùa lũ của gần 80 năm trước. Thời gian đã trôi qua lâu, nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn.
Click để nghe Lệ Thu hát Trở Về trước 1975
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn