Trong các lý do làm ngăn cách tình yêu, sự ngăn cách về sang hèn là một trong những lý do phổ biến nhất. Thật thương cảm vì tình yêu không thành không phải do lòng mình, mà là do quan niệm môn đăng hộ đối, vì gia đình không bằng lòng, hoặc là vì tự thấy tủi phận cho mình mà thậm chí lời cũng không dám ngỏ cùng. Vì vậy nên câu hát “Ngày xưa tiếc sao mình không ngỏ” trong bài hát nổi tiếng Yêu Một Mình (Trịnh Lâm Ngân) đã trở thành lời thầm nhủ của rất nhiều chàng trai đồng cảm vời bài hát này khi hoài nhớ tiếc về chuyện tình năm cũ…
Nhà em có hoa vàng trước ngõ
Tường thật là cao, có cây leo cây kín ngoài
Nhà anh cuối con đường ngoại ô
Vách thưa đèn dầu thắp, gió lùa vào từng đêm
Click để nghe Dạ Hương hát trước 1975
Khúc nhạc đầu bài hát như lời tự sự nêu lên sự cách biệt “giàu nghèo” giữa hai nhà lối xóm, như mở đầu cho một câu chuyện về mối tình ngang trái vì sự mặc cảm chàng trai đối với gia thế sang giàu của người mình yêu. Nhà em “tường thật là cao” và nhà anh “vách thưa đèn dầu thắp” là nguyên nhân chính để anh e ngại không thể bày tỏ được lòng yêu của mình.
Nhà em cổng kín tường cao, “có cây leo kín ngoài”, và nhà anh thì “gió lùa vào từng đêm” Người nghe nhạc khi nghe đến đây, thấy thương cảm cho hoàn cảnh nghèo khó của chàng trai nên khó mở được lời tỏ tình với người mình yêu. Trong tình yêu thì không phân biệt sang hèn, nhưng đối với thập niên 70 khi có bài hát này, thì đa số các chàng trai vào thời đều có tính tự trọng rất cao, họ đều ngại ngần, trăn trở khi thấy gia cảnh của nhà mình thấp kém, không tương xứng với nhà người mình yêu.
Tuổi em cũng như hoa mới nở
Vạn người thầm mong được đưa đón chân em
Xót xa anh còn trắng tay hoài
Sách đèn nợ chưa dứt, nên lận đận truân chuyên
Tuổi em đang như hoa mới nở và nhà em sang giàu nên có “vạn người thầm mong được đưa đón chân em”. Chúng ta nghe trong “vạn người thầm mong” như có gì ray rứt, vì trong “trăm vạn” đó, có cả anh chàng thư sinh ôm mối tình câm lặng, yêu chỉ biết mơ mộng thôi chứ không dám gặp mặt một lần, nói gì đến ngỏ lời tỏ tình với người đẹp sống trong nhung lụa gác tía lầu son.
Đêm đêm dưới ánh đèn dầu leo lét, anh xót xa khi so sánh thân phận nghèo hèn của mình với em đài các cao sang. Người nghe nhạc cũng xa xót khi nghe câu “xót xa anh còn trắng tay hoài”. Đã “trắng tay” rồi còn lại “trắng tay hoài” nghe như tiếng thở dài, tiếng buồn dài băn khoăn không biết kiếp nghèo này còn nặng mang đến bao giờ cho dứt…
Nợ sách đèn, nợ cơm áo, nợ công danh, nhiều thứ phải lo toan cho tương lai cho kẻ trắng tay chuẩn bị bước vào đời, nên tình duyên vì vậy phải lận đận truân chuyên. “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn” – nỗi buồn lớn nhất cho người con trai là gia cảnh mình nghèo, quá chênh lệch với gia cảnh của nhà nàng. Tâm sự như gửi gắm hết vào những nốt nhạc thương cảm buồn trong câu “sách đèn nợ chưa dứt, nên lận đận truân chuyên”.
Đôi ta đứa đầu sông cuối sông
Bao nhiêu cách trở mình em ơi
Đôi khi thấy lòng mình bâng khuâng
Biết ngỏ lời cùng ai, nghĩ rồi câm nín hoài
Và cung bậc xót xa được dâng cao lên như cảm xúc dâng tràn: ”Đôi ta đứa đầu sông cuối sông” nghe thật buồn. Bao nhiêu cách trở khiến hai ta ở hai đầu con sông. Như theo tích cũ là “Quân tại tương giang đầu. Thiếp tại tương giang Vỹ“ – Anh ở đầu sông Tương, em ở cuối sông Tương. Chuyện tình của người xưa thì người đầu sông kẻ cuối sông nhưng cùng chung một mối tương tư để cùng uống chung một dòng nước đồng tâm thương nhớ. Còn anh và em bây giờ không được như vậy, vì có bao giờ ngỏ lời yêu đâu mà em hay em biết!
Tình yêu không ngỏ nên là tình yêu câm nín hoài và riêng mang tâm sự một mình hoài. Hai câu hát đầy tâm trạng lẻ loi buồn: “Đôi khi thấy lòng mình bâng khuâng. Biết ngỏ lời cùng ai, để rồi câm nín hoài” đã được biết bao người đồng cảm khi có cùng chung hoàn cảnh với chàng trai trong bài hát, để cất tiếng hát lên như cất tiếng lòng mình cho với bớt nỗi lòng của người “Yêu một mình”.
Chiều nao pháo bay đầy trước ngõ
Tạ từ thơ ngây, Giáng Hoa đi lấy chồng
Đường quen bỗng bây giờ buồn tênh
Mỗi khi chiều gần xuống, thấy lòng mình ngẩn ngơ
Rồi chiều nao “tạ từ thơ ngây, Giáng Hoa đi lấy chồng”. Giáng Hoa là tên của cô gái, nếu không đọc bản gốc của bài hát, chỉ nghe lời ca thôi thì nhiều người nhầm hiểu ở đây là “dáng hoa”. Giáng Hoa đi lấy chồng trong buổi “chiều nao pháo bay đầy trước ngõ”. Hình ảnh như quặn thắt con tim của người đứng trông theo, có mảnh lòng ai tan nát theo xác bay đầy lối vu qui, có khối tình ai bị nghiến nát theo dấu xe hoa qua mịt mờ bụi đỏ…
Yêu một mình cho đến khi người ta đi lấy chồng rồi càng buồn thêm khi một mình nhìn cảnh cũ nhớ người xưa. Con đường quen thuộc đó bây giờ như dài thênh thang và hoang vắng tiêu điều. Nhất là mỗi buổi chiều, buổi chiều thường gây hoài cảm nhớ nhung những yêu thương đã mất, thấy lòng mình thương nhớ ngẩn ngơ.
Ngày xưa tiếc sao mình không ngỏ
Để rồi chiều nay mình đâu thấy cô đơn
Ván kia bây giờ đóng thuyền rồi
Có còn gì đâu nữa, thôi đành hẹn trong mơ.
Chàng trai yêu một mình, để khi em đi lấy chồng rồi mới thấy lòng mình trống vắng những khi chiều xuống, buồn thương nhung nhớ rồi tiếc nuối, rồi tự trách mình “Ngày xưa tiếc sao mình không ngỏ”. Chỉ một lời tỏ tình thôi cũng ngại ngần không dám nói để khi mất em rồi rồi mới thấy “tìm em như thể tìm chim”.
Bây giờ mới tiếc nuối: “Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh không hỏi những ngày em còn không”, để thấy cô đơn buồn trong những ngày xa vắng tưởng như cuộc đời này là hoang mạc khi không còn có em.
Em sang ngang rồi, như “ván kia bây giờ đóng thuyền rồi” người nghe nhạc cảm xúc theo chuỗi cung buồn điệu thương của nỗi lòng người ở lại gửi theo lời ca. Nỗi lòng của một người yêu mà không dám ngỏ, ôm mãi mối tình câm, để khi mất em rồi mới thảng thốt: bây giờ”có còn gì đâu nữa” Tình duyên kia “thôi đành hẹn trong mơ”
Thôi đành hẹn trong mơ! Tình yêu đơn phương chỉ mình mình biết sao diết da đến như vậy!
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn