Sau phần 1 giới thiệu những ngôi trường nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975, trong phần này xin gửi đến các bạn thông tin và hình ảnh của 3 ngôi trường nữ sinh trung học (hoặc có thời gian từng là trường nữ sinh), đó là Nguyễn Bá Tòng, Gia Long và Marie Curie.
Trường Nguyễn Bá Tòng
Trường Nguyễn Bá Tòng được thành lập vào năm 1955 với sự hỗ trợ của cơ quan Caritas Germanica (Đức) và cơ quan NCWC của hội Công giáo Hoa Kỳ.
Trường lấy tên Đức Giám Mục tiên khởi của Công Giáo Việt Nam là Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), và tọa lạc tại địa chỉ số 73-75 đường Bùi Thị Xuân, ngay giao lộ với đường Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng).
Dãy nhà đầu tiên của trường là nhà 3 tầng dài 80m, rộng 10m, gồm 25 phòng học, 2 phòng giáo sư, 1 thư viện và 1 số phòng nhỏ dành cho Ban Giám Thị.
Năm 1966 và năm 1968, trường xây thêm 2 dãy nhà 4 tầng dài 50m, rộng 10m như trong hình bên dưới.
Trường có nhiều cấp lớp, từ đệ Thất đến đệ Nhất đủ các ban A, B, C. Thông tin được ghi nhận trong Kỷ Yếu năm 1963 thì năm này trường do 8 vị Linh mục cùng quản lý, cùng với 160 vị giáo sư, 30 nhân viên văn phòng.
Là một Trường Trung học Tư thục, nhưng trường được đánh gíá cao trong việc giáo dục, uy tín nhất Sài Gòn.
Nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng đã từng theo học ở trường Nguyễn Bá Tòng là Mai Hương, Khánh Ly, Ý Lan. Nhạc sĩ Thu Hồ (cha của ca sĩ Mỹ Huyền) cũng từng dạy nhạc ở trường này.
Mặc dù là trường của giáo hội công giáo thành lập, được linh mục quản lý, nhưng trường cũng nhận học sinh ngoài công giáo. Cũng theo Kỷ Yếu Nguyễn Bá Tòng vào năm 1963, trường có 6000 học sinh, trong đó có khoảng 2000 học sinh là con em gia đình công giáo.
– Từ năm 1956-1971, trường Nguyễn Bá Tòng cơ sở Bùi Thị Xuân chia làm 2, một nửa là nam sinh, một nửa là nữ sinh, chung trường nhưng lớp chia riêng nam, nữ
– Từ năm 1971, trường mở thêm một phân nhánh ở số 4 Hoàng Hoa Thám – Gia Định dành cho cả nam và nữ sinh (thường đọc gọi là Nguyễn Bá Tòng – Gia Định), còn trường Nguyễn Bá Tòng ở Bùi Thị Xuân trở thành trường dành riêng cho nữ sinh.
– Từ năm 1975: trường trở thành trường THPT công lập và mang tên Bùi Thị Xuân (kể từ niên khóa 1977 – 1978) do nhà nước quản lý, được đặt theo tên đường Bùi Thị Xuân, thu nhận cả học sinh nam và nữ. Những năm sau này, khuôn viên của trường Nguyễn Bá Tòng bị cắt một phần để làm trụ sở Vietcombank, và cả bệnh viện phụ sản. Trụ sở trường Nguyễn Bá Tòng ở Hoàng Hoa Thám – Gia Định được sáp nhập với trường trung học Hồ Ngọc Cẩn để trở thành trường trung học Hoàng Hoa Thám.
Mời các bạn xem một số hình ảnh của trường Nguyễn Bá Tòng xưa:
—
Trường nữ sinh Gia Long
Trường trung học Gia Long là trường nữ sinh nổi tiếng nhất của Sài Gòn, đã đi vào trong nhiều áng thơ và âm nhạc năm xưa, là ngôi trường mà nữ ca sĩ Hoàng Oanh và Phương Dung đã từng theo học.
Cho đến nay, trong tâm tưởng của nhiều người Sài Gòn xưa vẫn còn thấp thoáng những thiên thần áo trắng tà áo tung bay trước cổng trường Gia Long trên con đường Phan Thanh Giản trước 1975.
Đây cũng là ngôi trường dành cho nữ giới đầu tiên được thành lập ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20, khi mà xã hội vẫn chưa xóa bỏ được tính “trọng nam khinh nữ”. Vào năm 1908, một số một số trí thức Việt Nam ở Sài Gòn đề nghị chính quyền Pháp thành lập một ngôi trường dành cho nữ giới. Một trong những người này là ông Bùi Quang Chiêu.
Năm 1909, Hội Ðồng Quản Hạt chấp thuận đề nghị của Bùi Quang Chiêu và các trí thức, về việc xây một ngôi trường dành riêng cho nữ giới tại Sài Gòn. Do chưa có kinh phí nên ông Bùi Quang Chiêu là người tích cực đóng góp tài chính và tổ chức lạc quyên gây quỹ xây trường.
Bốn năm sau, khi cuộc lạc quyên gom đủ tiền, một buổi lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức ngày 6/11/1913 với sự chủ tọa của Toàn Quyền Pháp tại Ðông Dương là Albert Sarraut.
Một dãy nhà đầu tiên của trường được xây trên khu đất rộng ở đại lộ Legrand de la Liraye, sau 1955 trở thành đường Phan Thanh Giản, và sau 1975 là đường Ðiện Biên Phủ. Nhiều vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang, trong đó có ngói nung màu đỏ phía dưới có khắc chữ “Marseille”.
Năm 1915, trường xây dựng xong và khai giảng năm đầu tiên với 42 nữ sinh cấp tiểu học. Lúc này đồng phục của nữ sinh là màu tím, tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam. Từ đó trường có tên là Trường Áo Tím.
Thời gian đầu trường chỉ có 3 cấp của Tiểu học, đó là Ðồng Ấu (Enfantin), Cao Đẳng (Supérieur), năm cuối Sơ Học.
Năm 1918, vì số lượng học sinh gia tăng, trường xây dựng thêm một tòa nhà thứ hai song song với tòa nhà cũ.
Năm 1922, trường nâng lên thành trường Trung Học Ðệ Nhứt Cấp, đổi tên là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường Con Gái Bản Xứ), nhưng người Sài Gòn vẫn quen gọi cái tên Trường Áo Tím.
Năm 1940, vì quân Nhật chiếm đóng cơ sở của trường, rồi sau đó đến quân đội Anh, nên trường dời về trường Tiểu Học Ðồ Chiểu Tân Ðịnh. Cũng trong năm nầy, vì muốn xóa tàn tích Pháp nên trường đổi tên là Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long, đặt theo tên của vua Gia Long.
Năm 1949, trường lại được mở rộng: một tòa nhà hai tầng được xây mới ở đường Bà Huyện Thanh Quan để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng.
Từ lúc khởi đầu, nữ sinh chỉ dùng tiếng Pháp để giao tiếp trong trường, và tiếng Pháp được dạy từ cấp lớp căn bản đến Trung Học Đệ Nhất Cấp, còn Tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần 2 tiếng trong giờ Việt Văn.
Đến năm 1952 chương trình giáo dục Việt Nam dần thay thế chương trình giáo dục Pháp. Học sinh phải học cả hai ngoại ngữ là Anh-Pháp song song.
Năm 1953, đồng phục trường đổi từ áo dài tím sang áo dài trắng với phù hiệu là Bông Mai Vàng được may lên trên áo, đồng thời sau đó chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp của trường cũng được đổi sang tiếng Việt hoàn toàn.
Trường mang tên Gia Long suốt 35 năm, cho đến năm 1975 thì bị đổi thành tên trường Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay. Cũng từ năm 1975, trường nhận cả nam sinh, không còn là nữ sinh Gia Long nữa.
Mời các bạn xem thêm một số hình ảnh của trường Gia Long ngày cũ:
—
Trường Marie Curie
Trường Trung Học Marie Curie là một trong những trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn, cũng là trường duy nhất không thay đổi tên ban đầu do người Pháp đặt, dù có một khoảng thời gian mang những tên khác nhưng cái tên Marie Curie được giữ nguyên trong suốt hơn 70 năm qua.
– Năm 1915: một giáo sư người Pháp tìm mặt bằng và khởi công xây dựng trường.
– Năm 1918: Hoàn tất việc xây trường. Đây là ngôi trường dành riêng cho nữ sinh, với tên gọi ban đầu là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp (Ecole Primaire Supérieure des Jeunes Filles Françaises) Lycée Marie Curie. Ban đầu trường dành cho các nữ sinh người Pháp và một số ít người Việt trong các gia đình có thế lực.
Tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Trường có một ban giám hiệu Pháp quản lý. Trường được đặt tên theo nhà nữ bác học người Ba Lan – Pháp 2 lần đoạt giải Nobel tên Marie Curie.
Sau khi Nhật tiến vào Đông Dương năm 1941, trường bị trưng dụng làm bệnh viện nên phải chuyển địa điểm sang một trường mẫu giáo ở đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay. Một năm sau, trường được trả lại và dời về địa điểm cũ với tên gọi mới là Trung học cơ sở Calmette.
Sau khi quân Pháp trở lại chiếm Sài Gòn vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, trường được đổi tên thành Trung học Lucien Mossard. Đầu năm 1948, trường trở lại với tên gọi cũ là Trung học Marie Curie (hay Lycée Marie Curie).
Sau năm 1955, thời VNCH, trường trở thành trường trung học tư thục dành riêng cho nữ sinh.
Từ năm 1970, trường mới tiếp nhận thêm nam sinh của trường trung học Lê Quý Đôn (tên cũ là trường Jean Jacques Rousseau). Từ đó trường Marie Curie có cả nam và nữ học sinh.
Sau 1975, trường Marie Curie được giao lại cho Sở Giáo dục và chính thức trở thành trường công lập.
Năm 1997, trường trở thành trường trung học bán công với tên Trường THPT Bán Công Marie Curie.
Năm 2006, trường chuyển trở lại thành trường công lập với tên Trường THPT Marie Curie.
Năm 2015, trường được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh của Sài Gòn.
Hiện nay, cùng với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trường Marie Curie là một trong 3 trường THPT có dạy Pháp văn.
Mời các bạn xem một số hình ảnh khác của trường Marie Curie xưa:
Bài: Đông Kha (biên soạn)
Nguồn hình ảnh: manhhai flickr