Ca khúc Thà Như Giọt Mưa của nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ mang tên Khúc Tình Buồn của Nguyễn Tất Nhiên từ đầu thập niên 1970 và hầu như ngày nào cũng được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn trong một thời gian dài, được giới học sinh – sinh viên đặc biệt yêu thích vì rất phù hợp với giới trẻ.
Bài thơ Khúc Tình Buồn đã được Nguyễn Tất Nhiên viết từ năm 14 tuổi để tặng cho cô bạn học tên là Duyên khi cả hai theo học tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa, và tình cảm của Nguyễn Tất Nhiên đối với Duyên chính là nguồn cảm hứng để ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô.
Theo Nguyễn Tất Nhiên kể lại: “Thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài”
Click để nghe Elvis Phương hát Thà Như Giọt Mưa
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không
Những cơn mưa thường đem đến cho người ta tâm trạng buồn mênh mang khơi nguồn niềm nhớ, và những giọt mưa khơi gợi cảm xúc cho những người mang tâm hồn đa sầu đa cảm. Nhưng để ước làm mưa “vỡ”, mưa “khô” rồi mưa “ôm” tượng đá thì không phải ai cũng có lần ước, vì đó là tâm tư của người đang mang “nỗi sầu vạn kiếp” thất tình, mới có lúc bi ai vì tình yêu không như mong muốn, bỗng thèm làm giọt mưa, nhìn mưa mà tưởng mình là từng giọt vỡ buồn trăm năm trên mặt tượng đá cô đơn.
Người từ trăm năm về qua sông rộng
Người từ trăm năm về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập trùng.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không…
Khi đứng trước cơn mưa (mưa ngoài đời hay mưa trong lòng?), tưởng như người trong mộng như ở đâu từ hằng trăm năm trước trở về ngang qua dòng sông rộng. Câu “người từ trăm năm về ngang sông rộng” được lặp lại đem đến cho người nghe tâm trạng của một người lẻ loi, buồn bã đứng chờ người mình yêu về ngang qua dòng sông rộng của cuộc đời đầy sóng gió của tình trường vốn buồn nhiều hơn vui.
“Ta ngoắc mòn tay” để vẫy gọi em, ta ngoắc mòn tay là biểu lộ của tấm lòng đương tha thiết yêu thương mòn mỏi trông chờ. Nhưng có kêu khản giọng, ngoắc mòn tay vẫn “chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập chùng”. Một tâm tình chất ngất cho đi muốn cạn kiệt mà lại nhận về chập chùng sóng nước và miên man một dòng chảy vô tình.
Người từ trăm năm về khơi tình động
Người từ trăm năm về khơi tình động
Ta chạy vòng vòng ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không…
Người từ trăm năm về “khơi tình động”. Chỉ ba từ “khơi tình động” thôi mà người nghe thấm thía nỗi tình bi thương từ khi em về khơi bão táp phong ba cho ta. Người về âm thầm mà mãnh liệt đánh động tình yêu trong lòng, và bắt đầu khơi một cuộc tình trong mộng nhưng không được êm đềm hạnh phúc cho một kẻ cuồng si.
Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân quanh cuộc tình đơn phương. Em thì mãi vô tâm cho ta mãi ôm “nỗi sầu khổ dịu dàng” qua năm tháng. Thời gian thì mãi vô tình cũng như em, đâu biết đời cạn, tình cạn sạch theo những dấu chân từng ngày đeo đuổi bóng hình.
Người từ trăm năm về như dao nhọn
Người từ trăm năm về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm, ta chếƭ trầm ngâm
Dòng māu chưa kịp tràn, dòng māu chưa chẩy đầm.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không.
“Người từ trăm năm về như dao nhọn”. Câu hát được lặp lại khiến người nghe tê buốt lòng và cảm thông được với trái tim khổ đau của người trong cuộc bị “dao vết ngọt đâm”. Em đã từ trăm năm về như đâm vào ta vết dao nửa đau đớn, nửa êm ái, là vết thương tình ái ngọt ngào và đau đớn khôn nguôi.
Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi
Quỵ té trên đường rồi, sợi tóc vướng chân người.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không
“Ta xin chịu mù đui để sáng suốt. Ta đui mù cho thỏa dạ yêu em”. Ta chạy cho tàn hơi thở, chạy cho mù đời để sáng suốt thỏa dạ lòng yêu. Sợi tóc người đã vướng để ta quỵ té trên đường đời, hình ảnh yêu thương thật học trò dễ thương, bên cạnh dự cảm đến cuộc tình buồn sớm tàn phai từ “người về phai tóc nhuộm”.
Người từ trăm năm về ngang trường Luật
Người từ trăm năm về ngang trường Luật
Ta hỏng Tú Tài, ta đợi ngày đi
Ðau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc.
Thà là giọt mưa vỡ trên mặt em
Thà là giọt mưa khô trên mặt Duyên
Ðể ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
Những giọt run run, ướt ngọn lông măng
Những giọt run run, ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên
Duyên chính là “người từ trăm năm” trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Bài thơ Khúc Tình Buồn đã được Nguyễn Tất Nhiên viết từ năm 14 tuổi, nên không có những câu như “ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu”. Những câu này, cùng với các câu hát nhắc tới đích danh tên Duyên được nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào dựa theo lời kể của chính Nguyễn Tất Nhiên vào năm 1970. Khi đó Nguyễn Tất Nhiên thi rớt tú tài, còn nàng vào trường Luật, điều này càng làm xa cách thêm mối tình buồn. Đã 4 năm trôi qua nhưng Duyên vẫn thờ ơ không đoái hoài đến mối tình si của thi sĩ si cuồng, cứ hát hoài điệp khúc “đau lòng ta muốn khóc” dưới trời mưa…
Đoạn cuối không còn là giọt mưa vỡ trên tượng đá nữa mà là giọt mưa vỡ trên mặt Duyên. Dù thất tình đến quay cuồng nhưng thi sĩ vẫn mong một ngày nào đó người trong mộng của mình sẽ “đau khổ ăn năn” và “đau khổ muôn niên” khi Duyên không đáp trả lại tình yêu của Nhiên. Giới trẻ Sài Gòn thời xưa cảm thấy thích thú trước những câu thơ dỗi hờn rất trẻ con như vậy của chàng thi sĩ. (thực ra là do nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào chứ không có trong bài thơ gốc).
Về cơ duyên gặp gỡ giữa nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên dẫn đến sự ra đời của Thà Như Giọt Mưa và một loạt ca khúc nhạc phổ thơ được giới trẻ yêu thích: Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời… cố thi sĩ Du Tử Lê kể lại, một hôm nhà thơ học trò Nguyễn Tất Nhiên có một đề nghị rất táo bạo: Nhờ Du Tử Lê ngỏ lời giúp để Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên – là một tên tuổi vô danh – đang tạm trú tại nhà Du Tử Lê mỗi khi từ Biên Hòa lên Sài Gòn.
Còn nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó đã ngự trên đỉnh cao trong giới nhạc sĩ miền Nam được vài chục năm. Đặc biệt, ông không chỉ nổi tiếng như là một người sáng tác thông thường, mà còn là một chuyên gia phổ nhạc cho thơ. Bằng những nốt nhạc được ví như là “phù thủy”, ông có thể “hóa phép” để những bài thơ và những thi sĩ tương đối lạ lẫm được cả nước biết tới cho đến tận ngày nay. Đó là Phạm Thiên Thư với Ngày Xưa Hoàng Thị, Huyền Chi với Thuyền Viễn Xứ, Vũ Hữu Định với Còn Chút Gì Để Nhớ, hay là Phạm Văn Bình với Chuyện Tình Buồn…
Vì cùng ở trong làng văn nghệ, Du Tử Lê có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc chung với nhạc sĩ Phạm Duy, nên ông nhận lời.
Sau khi nhận tập thơ Thiên Thai của Nguyễn Tất Nhiên, chỉ 3 ngày sau, Phạm Duy thông báo với Du Tử Lê là sắp hoàn thành xong ca khúc Thà Như Giọt Mưa được phổ từ bài thơ Khúc Tình Buồn trong tập Thiên Tai, và nhắn Nguyễn Tất Nhiên đến gặp ông. Phạm Duy còn nói rằng với kinh nghiệm nhiều năm viết nhạc, thì đó sẽ là một ca khúc “ăn khách”, vì mang những triết lý phù hợp với giới trẻ đương đại, như là: có còn hơn không…
Ngay hôm sau, Nguyễn Tất Nhiên gần như là bay thẳng từ Biên Hoà đến nhà của Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh, kể lại cho nhạc sĩ nghe chuyện tình với nàng thiếu nữ tên Duyên trong bài thơ Khúc Tình Buồn. Bài hát được hoàn thành với những chi tiết không có trong bài thơ, như là câu “Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên”, cùng nhiều câu khác là phần lời thêm vào do nhạc sĩ tự viết dựa theo lời kể của Nguyễn Tất Nhiên.
Click để nghe Duy Quang hát Thà Như Giọt Mưa
Đúng như nhạc sĩ Phạm Duy tiên đoán, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bản nhạc đã trở thành “top hit” với giọng hát Duy Quang. Được đà tấn tới, ông phổ thơ thêm một loạt bài Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Masoeur, Anh Vái Trời, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ… Với những ca khúc này, Phạm Duy vừa lăng xê được giọng hát của con trai đầu là ca sĩ Duy Quang, vừa giúp cho Nguyễn Tất Nhiên từ một tên tuổi vô danh trở thành thi sĩ trẻ sáng giá nhất thời đó.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn