Có những công trình có tuổi đời hơn 100 năm đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn ngày nay, như là Chợ Bến Thành, Tòa Đô Chánh, Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Trung Tâm…
Đó là những di sản kiến trúc đã có từ thời thuộc địa, ngoài ra hiện nay Sài Gòn vẫn còn một số công trình khác cũng đã tồn tại trên dưới 100 năm, đó là Continental Hotel, Majestic Hotel, Hội Trường Diên Hồng (nay là sở chứng khoán), Trụ sở công ty Shell Việt Nam (nay là Tổng Công ty Xăng Dầu), Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn…
Trong bài này, xin đăng lại những hình ảnh và sơ lược thông tin của các công trình kiến trúc có từ thời Pháp và vẫn còn lại đến ngày nay.
Trụ sở SHELL Việt Nam
Thời Pháp, đây là trụ sở của Compagnie Franco-Asiatique des Pétroles. Công ty lĩnh vực xăng dầu này đã hoạt động ở Sài Gòn từ năm 1911, nhưng ban đầu là ở số 4 rue d’Adran (sau 1955 là Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu), năm 1923 chuyển đến số 100 đại lộ de la Somme (sau này là Hàm Nghi). Trong thời gian này, các văn phòng chi nhánh cũng đã được thành lập tại Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng) Trong năm 1930 công ty xây dựng một trụ sở hoành tráng hơn tại 15 đại lộ Norodom.
Năm 1952, Compagnie Franco-Asiatique des Pétroles rút khỏi Đông Dương và trụ sở này đã trở thành trụ sở chính của Shell Việt Nam, với biểu tượng hình con sò trên đỉnh. Sau năm 1955, góc đường này đổi tên thành ngã ba Thống Nhứt – Cường Để. Trước năm 1975, Shell chiếm hơn 60% thị phần xăng dầu miền Nam.
Ngày nay, tòa nhà trở thành trụ sở của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), biểu tượng con sò của Shell được thay bằng chữ P.
—
Ngân hàng Đông Dương – Ngân hàng Quốc gia Việt Nam – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thời Pháp, đây là là trụ sở của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam, là một phần của Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, viết tắt là BIC) được thành lập ngày 21 tháng 1 năm 1875 ở Paris để phát hành tiền mặt cho các xứ thuộc địa của Pháp ở Châu Á, cũng như điều hành quyền lợi kinh tế của Pháp ở Viễn Đông. Hai chi nhánh đầu tiên của BIC được đặt tại Sài Gòn và Hải Phòng.
Ngân hàng Đông Dương ra đời với nhiệm vụ phát hành đồng bạc Đông Dương để thay thế các loại tiền cũ cùng để người Pháp điều khiển kinh tế xứ thuộc địa mới này.
Sau năm 1953, các chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam đều bị giải thể. Nhiệm vụ phát hành giấy bạc được chuyển cho Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào (Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) kể từ năm 1951.
Từ năm 1955, tòa nhà trở thành trụ sở của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tức ngân hàng trung ương của VNCH, nhận bàn giao lại các nhiệm vụ cũ của Ngân Hàng Đông Dương.
Sau năm 1975, nơi đây trở thành trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kiến trúc của tòa nhà này đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
—
Kho Bạc Sài Gòn – Tổng Nha Ngân Khố – Kho Bạc Nhà Nước
Thời pháp, tòa nhà này là Kho bạc Sài Gòn, sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn, nằm trên đường Nguyễn Huệ. Ngày nay là Kho Bạc Nhà Nước.
Vì trí này được xây dựng ngay trên nền chợ Cũ trên đường Kinh Lớn. Sau đó con đường này đổi tên thành Charner, chợ cũng bị dẹp sau khi chợ Bến Thành ra đời. Ngày nay tòa nhà này nằm trên đường Nguyễn Huệ, đoạn giữa Ngô Đức Kế và Hải Triều, ngay sau lưng tòa Bitexco.
—
Dinh Xã Tây – Tòa Đô Chánh
Dinh Xã Tây được xây dựng trong vòng 11 năm và hoàn thành vào năm 1909, tại vị trí đắc địa và nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, ở phia cuối đường Charner (Nguyễn Huệ) nhìn ra sông Sài Gòn.
Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Có thể thấy trước tòa nhà ghi chữ Hotel de Ville, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là City Hall, trong tiếng Việt gọi là Tòa Thị Chính.
Thời VNCH thì dinh này được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô.
Hiện nay, đây là trụ sở UBND thành phố.
—
Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành hiện nay đã được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với sự bỏ vốn của đại phú gia Hứa Bổn Hòa (chú Hỏa).
Trước đó, Chú Hỏa cũng đã mua hết các khu đất xung quanh nơi dự định xây chợ, vốn chỉ là một vùng đầm lầy. Sau khi chợ mới được xây xong, khu chợ trở thành nơi sầm uất bậc nhất, và tài sản của Chú Hỏa tăng lên đáng kể.
Trước đó, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp chiếm được thành Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Năm 1912, người Pháp xây lại khu chợ mới như ngày nay, và kiến trúc vẫn giữ nguyên sau hơn 100 năm qua.
Trong nhiều trường hợp, hình ảnh đồng hồ ở cửa nam của ngôi chợ này được xem là biểu tượng không chính thức của Sài Gòn.
—
Nhà Thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tên tiếng Anh là Immaculate Conception Cathedral Basilica, tên tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Saigon. Đây được xem là một “phiên bản kiến trúc” của Nhà Thờ Đức Bà Paris.
Nhà Thờ Đức Bà được xây dựng ở vị trí gần như là ở trái tim của Sài Gòn, giao lộ của nhiều con đường, trong đó có 2 đường nổi tiếng là Catinat và Norodom (Tự Do – Thống Nhứt),
Công trình được hoàn thành năm 1880 chỉ sau 2 năm rưỡi xây dựng, tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp cung cấp với số tiền 2,5 triệu francs Pháp theo thời giá lúc bấy giờ.
Phần cao nhất của nhà thờ là hai tháp chuông. Khi mới hoàn thành công trình vào năm 1880, hai tháp chuông cao khoảng 37m. Năm 1895, theo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fernand Gardes, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên tháp chuông, làm cho tháp chuông nhà thờ vươn cao trên bầu trời với chiều cao mỗi tháp khoảng 60m. Để đỡ bộ chuông nặng gần 30 tấn với 6 quả chuông, tường nhà thờ được xây rất dày, khoảng 1,4m.
—
Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn
Bưu điện trung tâm Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, nằm ngay bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà, là địa điểm tham quan quen thuộc của các du khách khi đến Sài Gòn.
Tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886–1891 với phong cách châu Âu theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông.
Bên ngoài, phía trước tòa nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế, trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn.
—
Continental Palace
Continental Palace là khách sạn sang trọng đầu tiên ở Nam Kỳ được hoàn thành năm 1880, gần như cùng thời điểm với Nhà Thờ Đức Bà.
Thời điểm đó nhu cầu du lịch và khám phá Đông Dương của giới nhà giàu Pháp rất cao, nên ông Pierre Cazeau, là một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, quyết định xây một khách sạn thật sang trọng tại Sài Gòn để đón giới thượng lưu Pháp. Họ cần có nơi dừng chân sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ Pháp, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm Đông Dương.
Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong của Continental đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ.
Năm 1911, khách sạn được bán cho Công tước De Montpensier (người xây Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết). Năm 1930, khách sạn được bán cho một tay trùm tên là Mathieu Francini. Francini quản trị khách sạn cho tới năm 1975. Trong những thập niên 1960-1970, chánh phủ Sài Gòn bắt các cơ sở thương mại phải dùng bảng hiệu tiếng Việt, vì thế khách sạn từng có tên là “Đại Lục Lữ Quán”.
Continental đã tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene (tác giả chuyện Người Mỹ trầm lặng). Trong thời Chiến tranh Việt Nam, khách sạn cũng là nơi tụ họp của các ký giả, nhà báo, chánh khách, và thương gia ngoại quốc hoạt động tại Sài Gòn.
—
Majestic Hotel
Khách sạn Majestic được xây dựng cuối thập niên 1920 với 3 tầng lầu, chủ đầu tư thương gia Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất xứ Sài Gòn – Gia Định lúc bấy giờ là Hui Bon Hoa (Chú Hỏa). Năm 1965, khách sạn được cải tạo, nâng cấp theo bản vẽ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và được nâng thêm 2 tầng nữa.
Năm 1994, khách sạn được sửa chữa lại, mang kiến trúc Châu Âu thời Phục hưng. Năm 2003, tiếp tục được nâng cấp và thêm 3 tầng lầu nữa thành 8 tầng, mở rộng thêm về đường Tôn Đức Thắng như ngày nay. Đến năm 2007, khách sạn này được Tổng cục Du lịch công nhận đạt chuẩn 5 sao, là khách sạn 5 sao đầu tiên do người Việt tự đầu tư, quản lý, điều hành.
—
Opera House – Nhà Hát Thành Phố
Nhà Hát (Opera House) là Nhà Hát Lâu đời nhất ở Sài Gòn, được chính quyền Pháp xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1900 ở vị trí trung tâm thành phố, có mặt tiền hướng ra đường Catinat/Tự Do (nay là Đồng Khởi) và đường Bonnard/Lê Lợi. Từ năm 1955 đến nay, quảng trường trước Nhà Hát được gọi là công trường Lam Sơn.
Nơi này cũng từng là Trụ Sở Quốc Hội (1955-1963) và Trụ sở Hạ Nghị Viện (1967-1975).
Mặc dù đây là một công trình để phục vụ cho nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người Pháp ở Đông Dương, nhưng nhà hát này lại không được người Pháp ở Sài Gòn ủng hộ vì chi phí bỏ ra quá lớn (2.5 triệu francs). Cuối cùng dự án này vẫn được tiến hành vì ông thị trưởng người Pháp muốn một thành phố lớn như Sài Gòn phải có nhà hát lớn, xứng tầm với vị thế vốn có.
Đến năm 1955, khi Ngô Đình Diệm nắm quyền ở Việt Nam, ông chuyển Nhà Hát thành trụ sở của Quốc Hội thời đệ nhất cộng hoà. Khi đó mặt tiền của trụ sở này được thay đổi cho phù hợp với chức năng mới. Các hoạ tiết, hoa văn trang trí được dỡ bỏ. Lối kiến trúc chuyển thành đường nét vuông vức, phù hợp với một trụ sở mang tính chính trị.
Sau khi nền đệ nhất cộng hoà kết thúc năm 1963, từ đó cho đến năm 1966, miền Nam được điều hành bởi một chính quyền quân sự, không còn quốc hội nữa. Qua năm 1964, toà nhà này lại được đổi lại thành nhà hát như cũ với tên gọi là Nhà Văn Hoá.
Sau hơn 2 năm, đến năm 1966, chính quyền mới đã thành lập Quốc Hội lập hiến. Sau đó cuộc Tuyển cử năm 1967 đã bầu lên Quốc Hội chính quy, và Quốc Hội này chia thành 2 viện giống như nhiều nước phương Tây khác là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Chính quyền chọn Trụ sở Quốc Hội cũ (tức Nhà hát) để làm Trụ sở Hạ Nghị Viện, và chọn Hội Trường Diên Hồng làm trụ sở Thượng Nghị Viện.
Sau 1975, nhà hát được trả lại công năng cũ là biểu diễn các chương trình nghệ thuật sân khấu, hòa nhạc, thậm chí cả biểu diễn xiếc… nhưng lại vẫn tiếp tục bị kèm thêm công năng phụ để phục vụ chính trị, đó là dùng để làm các cuộc hội họp, mít-tinh chính trị thường xuyên.
Đến khi hoàn thành việc phục chế nhà hát năm 1998, các cuộc hội họp chính trị đã không còn được tổ chức tại đây nữa. Các hoa văn trước mặt của Nhà Hát cũng được phục chế lại cho giống như nguyên thủy thời Pháp.
—
Hội Trường Diên Hồng
Hội Trường Diên Hồng là tên gọi của tòa nhà từng là Trụ sở Thượng Nghị Viện của Đệ nhị Cộng Hòa. Thời Pháp, đây là toà nhà mang tên Chambre de Commerce được Pháp xây năm 1928 trên đường Quai de Belgique, góc ngã 3 với đường Mac Mahon. Góc đường này sau năm 1955 đổi tên thành Bến Chương Dương – Công Lý. Hiện nay đổi thành Võ Văn Kiệt – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Chambre de Commerce nghĩa là Phòng Thương Mại. Đây là toà nhà thương mại thứ 2 của Pháp xây ở Sài Gòn. Toà nhứ nhất đã được xây dựng năm 1867 tại số 11 Rigault de Genouilly, nay là Công Trường Mê Linh. Đến nay, toà nhà này vẫn còn và đã trở thành một quán bar.
Năm 1927, chính quyền Pháp quyết định xây 1 trụ sở phòng thương mại lớn hơn, hoành tráng hơn ở ngay bên rạch Bến Nghé và khánh thành năm 1928 với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ. Toà nhà này được thiết kể phong cách tân cổ điển, có chút ảnh hưởng từ cả kiến trúc Chăm và Khơ Me.
Năm 1945, khi quân Nhật nắm quyền ở Đông Dương, quân đội đã sử dụng toà nhà này như là một trung tâm thẩm vấn. Sau đó Pháp tái chiếm Đông Dương rồi dùng toà nhà này để làm trụ sở quân đội.
Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng, gợi nhớ đến hội nghị nổi tiếng nhất trong lịch sử là Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Có lẽ vì vậy mà con đường phía trước Hội nghị Diên Hồng cũng được đặt tên lại là đường Bến Chương Dương, nhắc lại trận đánh thắng quân Mông năm xưa. Hội trường Diên Hồng đã trở thành nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.
Thời đệ nhị cộng hoà, sau sự thay đổi hiến pháp năm 1967, Quốc Hội chia làm 2 viện, khi Hạ Nghị Viện được đặt ở trụ sở Quốc Hội cũ thì Hội trường Diên Hồng đã trở thành trụ sở Thượng Nghị Viện cho đến năm 1975.
Sau 1975, có một thời gian nơi này trở thành trụ sở của công ty thương mại Imexco. Đến năm 1996, toà nhà được Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp quản.
Năm 2000, toà nhà được tân trang lại để trở thành Trung tâm giao dịch chứng khoán TpHCM (HoSTC), là nơi đầu tiên có các hoạt động giao dịch chứng khoán một cách đầy đủ tại Việt Nam. Năm 2007 cho đến nay, nơi này được đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
—
Tòa Án Sài Gòn
Palais de justice de Saigon, tức tòa án Sài Gòn thời Pháp. Sau năm 1955 thường được gọi là tòa pháp đình. Từ năm 1975 đến nay là Tòa Án Nhân Dân.
Thực hiện: Đông Kha (nhacxua.vn)
Hình ảnh: manhhai flickr