Nhạc sĩ Doãn Mẫn là một trong những nhạc sĩ đầu tiên sáng tác tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1930. Ông có nhiều sáng tác từ thời tiền chiến như Một Buổi Chiều Mơ, Cô Lái Thuyền, Nhạc Chiều, Tiếng Hát Đêm Thu, Hương Cố Nhân… nhưng nổi tiếng nhất là ca khúc Biệt Ly, gắn liền với giọng hát Thái Thanh. Những người yêu nhạc vàng hầu như ai cũng biết 1 câu hát của nhạc sĩ Anh Bằng trong bài Giọt Buồn Không Tên: “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly…”
Mời các bạn nghe lại Biệt Ly với tiếng hát Thái Thanh:
Click để nghe Thái Thanh ca Biệt Ly trước 1975
Nhạc sĩ Doãn Mẫn sinh ngày 15 tháng 10 năm 1919 tại Hà Nội. Cha của ông là Doãn Tính, một viên chức ở ga Hàng Cỏ (xếp ga vào những năm 1930-1940), nhưng mê âm nhạc dân tộc và chơi đàn bầu rất hay. Được cha hướng dẫn, từ nhỏ Doãn Mẫn đã biết chơi đàn tứ và một vài nhạc cụ truyền thống khác. Sau khi tốt nghiệp Trường nam Sư phạm, ông vào làm thư ký tại bệnh viện Bạch Mai.
Mê nhạc Pháp, Doãn Mẫn mày mò tự học, rồi bắt đầu soạn lời nhạc Việt theo điệu tây. Trong những ngày đầu, hầu hết các ca khúc của ông và các nhạc sĩ khác cùng thời đều chỉ ở trình độ nhạc lý căn bản.
Thời gian này, Doãn Mẫn cùng với 2 nhạc sĩ Văn Chung và Lê Yên đã thành lập nhóm nhạc Tricéa để gặp gỡ và trao đổi về nhạc. Tên nhóm Tricéa có nghĩa: 3 chữ C và 3 chữ A, được viết tắt từ tiếng Pháp: Collection Des Chants Composés Par Des Artistes Annamites Associés: “Tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc Annam”. Họ cùng nhau nghe những đĩa nhạc của Tino Rossi, Josephine Baker, rồi cùng nhau sáng tác những bài hát của riêng mình.
Khi chưa đến tuổi 20, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã lần lượt cho ra đời Gió Thu (1937), Tiếng Hát Đêm Thu (1938), Một Buổi Chiều Thu (1939), và Biệt Ly (1939), đều là những tình khúc buồn, lãng mạn, cũng giống như hầu hết các tình ca thời tiền chiến của thập niên 1930 và 1940.
Theo đánh giá của nhạc sĩ Phạm Duy, Doãn Mẫn là người thành công nhất trong 3 thành viên nhóm nhạc Tricéa. Nhạc của Doãn Mẫn thường dành riêng cho Guitar Hawaii, loại nhạc cụ sở trường của ông, và thuần túy soạn trên âm giai thất cung (heptatonic, bảy nốt) của phương Tây, mà không dùng âm giai ngũ cung của nhạc dân tộc.
Ca khúc nổi tiếng nhất của Doãn Mẫn là Biệt Ly, đã có tuổi đời hơn 80 năm và cho đến này vẫn rất được yêu thích. Bài hát này cũng đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam khi thường được nhắc đến như là 1 trong những ca khúc đầu tiên của tân nhạc.
Click vào hình để nghe chính nhạc sĩ Doãn Mẫn kể về hoàn cảnh sáng tác Biệt Ly, và nghe các ca sĩ thế hệ ngày xưa hát
Nhạc sĩ Doãn Mẫn kể lại rằng vào những năm cuối thập kỷ 1930, ga Hàng Cỏ ở Hà Nội là nơi chia ly của nhiều đôi tình nhân, lúc đó có nhiều thanh niên gia nhập lính lê dương cho quân đội Pháp. Chứng kiến nhiều cuộc chia tay trên sân ga buồn của những đôi tình nhân, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã sáng tác Biệt Ly:
Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên giòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi…
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến khi bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.
Sau đây là nguyên văn lời kể của nhạc sĩ Doãn Mẫn về hoàn cảnh sáng tác Biệt Ly:
“Tôi viết Biệt Ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi. Chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt Ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động.
Tôi đã dự kiến làm bài Biệt Ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 1939, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại cái đề tài này. Có những buổi biểu diễn ở các rạp, một phần nữa do các anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên cái bài đó mới được phổ biến.”
Từ đó đến nay, đã có rất nhiều ca sĩ hát Biệt Ly, nhưng ca khúc này vẫn thường gắn liền với giọng ca Thái Thanh, được bà hát ở phòng trà từ những năm thập niên 1950. Những người yêu nhạc vàng hầu như ai cũng biết 1 câu hát của nhạc sĩ Anh Bằng trong bài Giọt Buồn Không Tên: “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly…”
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn