Bài viết này, xin góp nhặt những thông tin và hình ảnh về các loại nước giải khát ở Miền Nam năm xưa, đó là các loại nước ngọt, nước cam, xá xị, nước mía, và cả bia 33, La-de trái thơm trứ danh một thời.
Đối với nước ngọt, có các nhãn hiệu nổi tiếng là xá xị hiệu Con Cọp của BGI, nước cam Bireley’s của CocaCola, nước cam Con Nai của Phương Toàn…
Riêng loại nước ngọt xá xị hiệu Con Cọp (BGI) nổi tiếng với hai câu quảng cáo:
“Nước ngọt con cọp ở đâu
Đó là khỏe mạnh sống lâu yêu đời”
Xá xị Con Cọp thuộc tập đoàn BGI, đã được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1875 bởi một sĩ quan hàng hải người Pháp đã giải ngũ tên là Victor Larue. Ông đặt tên công ty BGI, là chữ viết tắt của Brasseries Glacières d’Indochine (nghĩa là Hãng bia và nước đá Đông Dương), ban đầu chủ yếu là làm nước đá, sau đó mới bắt đầu sản xuất nước giải khát.
Năm 1952, BGI xây dựng nhà máy USINE BELGIQUE, là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam thời đó, với các sản phẩm chính là nước ngọt Con Cọp, bia 33 Export và bia La-de trái thơm.
Nếu như nước ngọt con cọp BGI dành cho giới bình dân thì Cocacola là nhãn hiệu nước ngọt cao cấp dành cho giới trung và thượng lưu ở miền nam trước 1975. Loại nước ngọt truyền thống lâu đời của Cocacola là Bireley’s. Đây là loại nước ngọt mầu vàng, vị nước cam vàng không ga.
Ngoài sản phẩm mang nhãn hiệu Bireley’s xuất hiện nhiều trên các bảng quảng cáo trên đường phố Sài Gòn, Cocacola còn có nhãn hiệu Sprite và nước ngọt FANTA có nhiều mùi vị đặc trưng của trái cây.
Có một thương hiệu nước ngọt nổi tiếng khác nữa là nước ngọt Con Nai của công ty quốc nội là Phương Toàn sản xuất ở Chợ Lớn, có chủ là người Hoa.
Sau này, hãng nước ngọt cũng Pepsi vào Miền Nam một thời gian, nhưng cạnh tranh không lại với Phương Toàn và BGI, vì bị hãng Phương Toàn chơi xấu, trả giá cao cho mấy người mua bán ve chai để mua vỏ chai Pepsi về đập bỏ. Hàng năm Pepsi chỉ được nhập cảng vào Việt Nam một số vỏ chai có giới hạn, chai rỗng các hãng phải mua về để đong lại (refill). Nhưng vì đã bị đập bỏ hết, Pepsi không mua lại đủ số vỏ chai của mình nên không thể sản xuất được.
Về các loại bia năm xưa ở Miền Nam, có thể nói BGI thống lĩnh thị trường này trong nhiều năm với 2 nhãn hiệu 33 Export và Biere Larue (La-de trái thơm). Cái tên 33 đơn giản là nó được đựng trong cái chai có dung tích 0.33 lít.
Nhãn hiệu 33 Export nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu bia được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, không chỉ người Việt mà người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng rất ưa chuộng.
Ngoài 33 Export thì BGI còn có nhãn hiệu bia La De trái thơm rất được yêu thích. Bia này có tên chính thức là Biere Larue (đặt theo tên người sáng lập BGI là Victor Larue), tuy nhiên người Việt quen gọi bia này là “La De trái thơm”. La De có lẽ là phiên âm từ Larue, còn Trái Thơm là vì trên nhãn hiệu, ngoài hình con cọp vàng ở giữa – hai bên có tràng hoa houblon (là loại hoa tạo nên vị bia), và tràng hoa có hình như trái thơm nên gọi là La De trái thơm.
Đến năm 1975 thì nhà máy đóng cửa vì không còn nhiên liệu, đến năm 1977, nhà máy bị quốc hữu hóa, cũng từ đó thì thương hiệu 33 Export biến mất. Sau đó, Sabeco tiếp quản và đặt lại tên thành bia 333 vì không thể sử dụng được cái tên bia 33 là thương hiệu đã được đăng ký toàn cầu.
Sau khi đóng cửa tại Việt Nam, BGI sang Pháp và “hồi sinh” dòng bia 33 Export. Thương hiệu này vẫn được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt ở Châu Âu vì có hương vị khá đặc biệt.
Đến năm 1991, BGI mới quay lại Việt Nam nhưng không trở lại thời huy hoàng được nữa, phải bán lại cho hãng Foster của Úc.
Một số hình ảnh khác về các quầy giải khát trên đường phố Sài Gòn:
Xe chè của người Hoa bên góc đường, bên trên chưng nhiều chai nước ngọt. Trên xe có rất nhiều các họa tiết truyền thần như thường thấy ở các xe mì, hủ tiếu.
Tổng hợp