Nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc hay tờ nhạc đều được dùng để nói về một tờ giấy khổ lớn gấp lại thành tương đương khổ A4, có bốn trang. Trang đầu là bức tranh vẽ hoặc hình chụp ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, in tựa đề và tác giả sáng tác bài hát. Hai trang giữa là bản nhạc, ký âm với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung. Thậm chí sau này, trên mỗi khuông nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn ghita hoặc piano…
Nói về việc sản xuất và tiêu thụ âm nhạc cách đây 50-60 năm khác xa với hiện nay. Ở miền nam thời đó, máy hát dĩa và dĩa nhựa, băng nhạc còn khá mắc tiền, nên việc bán những dĩa nhựa hoặc băng cối còn hạn chế. Đa số dân chúng khắp nước từ thị thành tới thôn quê yêu thích tân nhạc đều nghe nhạc từ đài phát thanh và tìm mua những bản nhạc (nhạc tờ) về tập hát, tập đàn. Vì vậy có thể nói nguồn thu lớn nhất của các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc thời đó đến từ việc bán nhạc tờ bài hát.
Những bản nhạc tờ này (music sheet) được in trên giấy cứng xếp lại làm đôi, kích thước bề dài là 30 phân, bề ngang là 22 phân (tức là khổ giấy A3 hiện nay). Nhạc và lời được chép vào 2 trang trong (trang ruột), còn trang 1 tức là bìa bản nhạc thì được vẽ hình, hoặc chụp hình ca sĩ và viết tựa bài nhạc, tên tác giả. Trang bìa sau (tức trang 4) là để in mục lục các bài nhạc cùng tên tác giả hoặc cùng nhà xuất bản, hoặc giới thiệu về nhạc sĩ của bài hát, đôi khi ghi cả hoàn cảnh sáng tác của bài hát đó.
Những nhà xuất bản nổi tiếng thời đó là Minh Phát, Tinh Hoa Miền Nam, Sống Chung, Á Châu, An Phú… Nếu ai không có tiền mua ấn bản của các nhạc phẩm thì họ mua tập vở học trò có kẻ hàng sẵn, kẽ thêm nét mực đậm lên các hàng là có được những khuôn nhạc để tìm mượn các bài hát và chép lại để dành cho việc tập đàn, tập hát.
Dưới đây là tuyển chọn 60 tờ nhạc có thiết kế hình bìa đẹp và nhìn hiện đại nhất do nhacxua.vn tuyển chọn từ hàng ngàn tờ nhạc đã phát hành trước năm 1975.
nhacxua.vn biên soạn