22 sự thật về xứ Huế ít người biết

1. Huế là tên một thành phố nằm trong tỉnh Thừa Thiên Huế, không phải tỉnh Huế

2. Huế là nơi bảo tồn các di tích cung đình toàn vẹn nhất Việt Nam, tuy đã bị tàn phá ít nhiều bởi thiên tai và chiến tranh. Đặc biệt, sau chiến dịch Tiêu thổ kháng chiến 1947 và Xuân Mậu Thân 1968, cố đô Huế đã mất phân nửa các kiến trúc, gần như tất cả cung điện chính trong Tử Cấm Thành bị xoá sổ đến 90%.

3. Hiện nay Huế còn bảo tồn được 7 lăng vua và 9 lăng chúa Nguyễn, trong đó lăng Dục Đức là nơi an nghỉ của 3 vị vua: Thành Thái, Dục Đức và Duy Tân.

4. Ngoài Đại Nội, 3 lăng Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định là các khu di sản được bảo tồn tốt nhất và cũng hút khách nhiều nhất. Quần thể di tích cố đô Huế đã được đưa ra khỏi danh sách di sản cần được theo dõi, khuyến cáo của UNESCO vào năm 2013.

5. Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 5 di sản văn hoá được UNESCO công nhận: gồm Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

6. Huế nổi tiếng với 2 Festival được tổ chức xen kẽ: Festival Huế vào các năm chẵn và Festival nghề truyền thống Huế vào các năm lẻ. Trong đó Festival Huế được tổ chức từ năm 2000 là Festival đương đại lớn nhất Việt Nam, cũng là khởi xướng cho nhiều Festival khác trên khắp cả nước.

7. Tổng thể thành phố Huế được chia làm hai phần rõ rệt: bờ Nam và bờ Bắc, ngăn cách bởi dòng sông Hương. Trong khi bờ Nam là nơi đặt các công trình hiện đại, sầm uất thì bờ Bắc là nơi đặt toàn bộ Kinh Thành Huế và nhiều di sản lâu đời nên rất tĩnh lặng, cổ kính.

8. Mọi công trình bên trong kinh thành Huế như nhà dân, trường học,… đều được giới hạn về chiều cao và quy định phải thấp hơn chiều cao Hiển Lâm Các trong Đại Nội Huế (17m).

9. Đây là đô thị loại I không TTTW đầu tiên của Việt Nam, được công nhận ngày 24/8/2005.

10. Tuy diện tích của thành phố Huế nhỏ (72 km2) nhưng lại có đến 455.230 dân với 27 phường, khá đông đúc.

11. Ở Huế, bước ra đường là chùa. Nơi đây được mệnh danh là kinh đô Phật giáo Việt Nam, với hơn 300 ngôi chùa và niệm Phật đường lớn nhỏ. Do đó, mỗi mùa Phật Đản đường phố Huế được trang trí lộng lẫy với những lễ rước hoành tráng bậc nhất.

12. Trong một hội nghị về ẩm thực Huế đã ước tính được: trong 1700 món ăn Việt Nam thì cố đô Huế chiếm tới 1300 món, bao gồm 3 loại chính: ẩm thực cung đình, dân dã và chay. Đặc biệt món ăn ở đây ngoài ngon ra thì rất rẻ và khá cay (trung bình cơm Hến 7k, bún bò 25k, bánh Huế 10k 1 dĩa, chè 10k 1 cốc,…)

13. Cây cầu nổi tiếng bậc nhất xứ Huế tên chính thức là cầu Trường Tiền, không phải Tràng Tiền như nhiều người đề cập, vì trước đây cây cầu nằm gần một công xưởng đúc tiền.

14. Cầu Trường Tiền được thiết kế bởi Gustave Eiffel – kiến trúc sư của công trình tháp Eiffel biểu tượng của Paris. Trong suốt hơn 120 năm tồn tại, cầu đã được đổi tên 5 lần và giật sập 3 lần bởi chiến tranh và thiên tai.

15. Chợ Đông Ba là một trong những khu chợ nổi tiếng và lâu đời nhất cả nước với 120 năm tuổi đời. Nơi đây không chỉ bán những món đặc sản xứ Huế với giá đắt gấp 3 bình thường mà còn cho du khách cơ hội được chiêm ngưỡng lối sống bình dân xứ Huế qua cảnh tượng mấy bà bán hàng chửi nhau bằng giọng Huế, mùi của Huế qua hàng mắm tôm mắm ruốc,… và thỉnh thoảng còn có cướp giật.

16. Xích lô là phương tiện du lịch phổ biến nhất của Huế với ước tính hơn 5000 chiếc, rất được du khách ưa chuộng. Nếu loại đi yếu tố hay đi sai luật và chèo kéo khách, xích lô Huế nhìn chung khá thân thiện, đáng để trải nghiệm.

17. Huế là thành phố xanh quốc gia đầu tiên của Việt Nam được quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới bầu chọn, với hơn 67000 cây xanh đường phố. Nhiều con đường đã đi vào huyền thoại cùng với loài cây trồng trên nó, như đường Phượng bay trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

18. Ngoài mè xửng, nón lá, áo dài thì mưa dầm xứ Huế cũng là một thương hiệu nổi tiếng đất cố đô. Mưa không ào ạt, xối xả mà dầm dề, kéo dài từ tháng này sang tháng kia, có khi 43 ngày không dứt (2007). Kết hợp với khí lạnh phương Bắc, mùa đông ở Huế lạnh, rét buốt dù nhiệt độ không thấp như ở Hà Nội. Khung cảnh mưa buồn trứ danh của Huế từ lâu đã được đề cập rất nhiều trong thi ca, văn học.

19. Giọng Huế từ lâu được xem là nét đặc biệt bậc nhất của người Huế với các từ ngữ rất xưa, cổ và âm điệu trầm. Người Huế thường hay đọc âm cuối n, t thành ng, c; đọc oi thành oai (muôn màu = muông màu, coi mắt = coai mắc), ong thành oong (con voi =coong voai),… và còn rất nhiều nữa. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng giọng Huế không phải lúc nào cũng thêm dấu nặng vào mỗi từ như nhiều người lầm tưởng.

20. “Mô, tê, răng, rứa” là 4 từ phổ biến nhất trong cuộc sống thường ngày ở Huế, nghĩa là “đâu, kia, gì vậy, thế”.

21. Thiên hạ đồn rằng Gái Huế xinh đẹp nết na, công dung ngôn hạnh (giờ là của hiếm) còn Trai Huế thường ” Huế mộng Huế mơ, ai ngờ Huế đểu” và có cái tôi khá lớn.

22. Người Huế chính gốc nổi tiếng với tính cách MỆ. Mệ là một từ cổ dùng để chỉ những ông hoàng bà chúa thời xưa, những người quyền quý xưng mệ khi chuyện trò để chứng minh mình thuộc dòng dõi quý tộc. Tính cách mệ cho thấy một lối hành xử vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho kẻ dưới, dẫu cho có lúc kẻ ấy là người giàu có của cải, tiền bạc hơn so với mệ.

Nguồn: Nghiên Cứu Lịch Sử fanpage

Exit mobile version