20 tấm ảnh màu đẹp và sắc nét nhất của đường phố Saigon trước 1975 (phần 7)

Phần 7 của tuyển chọn những tấm hình đẹp, sắc nét nhất của Sài Gòn nửa thể kỷ trước. Trong loạt bài này, bạn đọc không chỉ được xem hình ngày xưa, mà còn có thể hồi tưởng lại một thời của Sài Gòn qua phần thuyết minh chi tiết liên quan đến địa điểm, tên đường ở dưới mỗi tấm hình.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ngã 6 Phù Đổng là nơi gặp nhau của 6 con đường khác nhau mang tên: Gia Long, Phạm Hồng Thái, Phan Văn Hùm, Ngô Tùng Châu, Lê Văn Duyệt và Võ Tánh. Trong 6 tên đường này thì có tới 4 người liên quan đến triều Nguyễn, ngoài vua Gia Long còn có 3 vị khai quốc công thần: Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt.

Sau năm 1975, đường Gia Long đổi tên thành đường Lý Tự Trọng, đường Ngô Tùng Châu đổi thành đường Lê Thị Riêng, đường Võ Tánh thành đường Nguyễn Trãi, và đường Lê Văn Duyệt thành đường CMT8. Ngoài ra đường Phan Văn Hùm cũng đổi thành Nguyễn Thị Nghĩa, chỉ có nhà hoạt động trong phong trào Đông Du là Phạm Hồng Thái được giữ nguyên.

Trong hình này, người chụp hình ngồi trên xe đi từ đường Gia Long ra, bên trái hình là đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), bên tay phải hình là đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng).

Trước năm 1966, ngã 6 này thường được gọi là Ngã 6 Sài Gòn, đến năm 1966 thì tượng đài Phù Đổng được xây dựng chính giữa bùng binh, từ đó nơi này được gọi là Ngã 6 Phù Đổng cho đến nay.

Tượng này được Binh chủng Thiết giáp dựng lên, vì Thánh Gióng là thánh tổ của lực lượng này. Một điều đặc biệt là trong truyền thuyết, Thánh Gióng chỉ cưỡi ngựa khi đã thành người lớn, nhưng tượng này vẫn thể hiện Thánh Gióng là một trẻ em.

__

Một góc đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng) ở gần Ngã 6 Phù Đổng

__

Góc ngã 4 đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi. Tại 4 góc ngã tư này có 4 địa điểm: Quán cafe Imperial (bên trái hình), khách sạn Astor (bên phải hình). 2 góc còn lại có tiệm thực phẩm Thái Thạch và nhà may Lương Tân.

Người chụp hình đang đứng ở tiệm Thái Thạch chụp đường Tự Do hướng về phía trong trung tâm.

__

Nhà hàng Kim Sơn ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực. Hầu hết ca sĩ – nhạc sĩ xưa đã từng ngồi ngồi ở nhà hàng Kim Sơn, bởi vì có nhiều phòng trà ở khu này. Ngay bên trên tầng lầu của nhà hàng Kim Sơn này chính là phòng trà Bồng Lai nổi tiếng, nơi cố danh ca Lệ Thu có lần hát trên sân khấu đầu tiên năm 1960. Sát bên Kim Sơn, chỉ cách con đường Nguyễn Trung Trực là phòng trà Quốc Tế.

__

Góc hình nhìn từ Tòa Đô Chánh về công viên Đống Đa, đầu đại lộ Lê Lợi, là bãi đậu xe lúc nào cũng tấp nập. Bên phải hình là REX Hotel, rồi đến Thương Xá TAX. Bên trái hình là thương xá EDEN.

__

Công viên xanh mát dọc đại lộ Thống Nhứt, khuất sau hàng cây là Dinh Độc Lập.

__

Có lẽ là nếu không có hình bóng tà áo dài và nón lá, thì hình ảnh này không khác gì ở phương Tây. Tòa nhà màu trắng là REX Hotel nổi tiếng ở đại lộ Nguyễn Huệ. Từ thập niên 1920, nơi này dã là khu phức hợp thương mại, trưng bày ô tô của hãng Citroën và một số hãng khác.

Từ năm 1959, ông Ưng Thi đã cải tạo lại để trở thành REX Hotel như trong hình. Trong REX Hotel thời đó có rạp chớp bóng hiện đại nhất Đông Nam Á thời đó, là rạp duy nhất của Sài Gòn có màn ảnh đại vĩ tuyến để chiếu những cuốn phim có kỹ thuật tân tiến nhất với dàn máy chiếu đặc biệt chỉ có ở REX.

Nốii liền bên cạnh REX từng là Thư Viện Abraham Lincoln (ở góc của tòa nhà). Thư viện này được thành lập năm 1956 có trụ sở ở góc Gia Long – Hai Bà Trưng. Năm 1962 thư viện dời về REX Hotel, được 2 năm thì dời về số 8 Lê Quý Đôn cho đến năm 1973.

___

Từ quán cafe tầng trệt của khách sạn Majestic nhìn ra đường Bến Bạch Đằng, người Sài Gòn xưa sẽ nhìn thấy cảnh này. Đường dọc bến sống được trang bị những hàng ghế đá để người dân ngồi hóng gió mát, và nhìn ra những tàu thuyền tấp nập qua lại.

___

Khách sạn The Palace Hotel nẳm ở góc Nguyễn Huệ – Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi). Khách sạn này cao 15 tầng, từng là tòa nhà cao nhất Sài Gòn, đến nay vẫn còn giữ nguyên kiến trúc.

___

Tòa Đô Chánh Sài Gòn hiện lên đầy lạ lẫm với góc ảnh này, nhìn từ góc đường Lê Thánh Tôn, là đường đi qua trước mặt Tòa Đô Chánh. Đây một trong những công trình kiến trúc cổ điển mang tính biểu tượng của Sài Gòn hơn 100 năm qua, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 theo phong cách Rococo, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp, người Việt gọi là Dinh Xã Tây. Từ sau năm 1955, chính quyền đổi tên lại thành Tòa Đô Chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô.

___

Khi thành đô lên đèn. Thương xá TAX trong một buổi chiều muộn, ảnh chụp từ phía công trường Lam Sơn. Phía bên phải là tấm bảng lớn để yết thị thông tin quan trọng của đô thành được đặt chính giữa Bồn Binh Bồn Kèn.

___

Đường Công Lý xưa, là con đường thẳng tắp nối từ rạch Bến Nghé ra tận sân bay Tân Sơn Nhứt. Nối qua bên kia cầu Công Lý sẽ là đường Ngô Đình Khôi (sau năm 1963 đổi tên thành đại lộ Cách Mạng 1/11).

Từ sau năm 1975, đường Công Lý đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Cách Mạng 1/11 đổi tên thành Nguyễn Văn Trỗi.

___

Hình ảnh ấn tượng của bùng binh Bồn Kèn được chụp từ REX Hotel. Hình ảnh của trung úy Donald Pickett chụp năm 1963.

___

Một hình ảnh ấn tượng khác của trung úy Donald Pickett chụp Nhà Thờ nhìn từ đường Hàn Thuyên năm 1963.

___

Hình ảnh ấn tượng của Nhà Thờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh chụp trên một khách sạn ở đường Tự Do.

___

Đại lộ Lê Lợi nhìn từ bùng binh chợ Bến Thành (quảng trường Quách Thị Trang), phía đầu đường ở xa có thể thấy được Opera House.

___

Đường Hồng Bàng, ngay góc đường Nguyễn Duy Dương. Cách vị trí này 50m, bên trái là chợ An Đông. Sau năm 1975, đoạn đường Hồng Bàng này được nối với đường Thành Thái để thành đường An Dương Vương.

Lịch sử tên đường An Dương Vương hiện nay (đoạn đi qua trước chợ An Đông) khá phức tạp. Trước năm 1946, đường An Dương Vương (tương ứng với đoạn từ Trần Phú – Nguyễn Văn Cừ hiện nay) chỉ là con đường nhỏ không tên, đến năm 1946 thì đoạn này được nối dài vào đường boulevard Charles-Thomson (nay là đường Hồng Bàng).

Năm 1955, boulevard Charles-Thomson được tách thành 2 đường Hồng Bàng và Thành Thái, ranh giới của 2 đường này là đoạn ngã tư cắt ngang đại lộ Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú). Sau năm 1975, chính quyền mới đã đổi tên đường Thành Thái thành An Dương Vương, đồng thời một đoạn của đường Hồng Bàng (đoạn từ Nguyễn Hoàng tới công viên Văn Lang, đi qua chợ An Đông) cũng được nhập chung vô đường An Dương Vương. Có nghĩa là đường An Dương Vương (tên đường mới) = đường Thành Thái (tên đường cũ) cộng với 1 đoạn của đường Hồng Bàng.

___

Góc đường Lê Lợi và Pasteur, bên trái là Bưu Điện Quận 1, trụ sở được xây từ đầu thế kỷ 20. Ngày nay, vị trí này là tòa nhà Saigon Centre. Cận cảnh là một chiếc xe Peugeot 203.

___

Đường Hai Bà Trưng nhìn từ Brinks Hotel. Tòa nhà màu trắng là trụ sở của Sở Điện Lực, nay là trụ sở của tổng công ty điện lực Miền Nam. Hai bên tòa nhà này là 2 đường một chiều Nguyễn Siêu và Cao Bá Quát (ngược chiều nhau), nối đường Hai Bà Trưng và đường Thi Sách. Tên đường này được đặt từ năm 1955 và giữ nguyên cho đến nay. Cách đặt tên đường cũng có dụng ý thú vị, vì đây là 2 văn nhân nổi tiếng của triều Nguyễn, cũng là bạn thân của nhau, từng được vua Tự Đức ca tụng: Văn như Siêu – Quát vô tiền Hán.

Tuy nhiên, cách đặt tên đường này cũng gây bối rối, nhầm lẫn, vì trong lịch sử Việt Nam có đến 2 Nguyễn Siêu. Một người từ thế kỷ thứ 10, thời loạn 12 sứ quân, còn một người là Nguyễn Văn Siêu (cũng được gọi tắt là Nguyễn Siêu), là bạn thân của Cao Bá Quát (dù họ cách nhau đến 10 tuổi), làm quan thời Minh Mạng, Tự Đức. Theo dụng ý đặt tên đường này, thì đường Nguyễn Siêu đặt bên cạnh đường Cao Bá Quát chính là Nguyễn Văn Siêu, chứ không phải là sứ tướng Nguyễn Siêu thời loạn 12 sứ quân.

Đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8) được chụp từ phía sau một xe quân sự. Góc trên bên trái là cổng trại Lê Văn Duyệt, nay là CLB Lan Anh.

Đông Kha (nhacxua.vn) 
Nguồn ảnh của manhhai flickr

Exit mobile version