Trong nhạc vàng, trường hợp 2 bài hát trùng tên rất hiếm, và trường hợp bài hát trùng cả tên tựa đề lẫn tên nhạc sĩ thì càng hiếm hơn. Đó là trường hợp mà bài viết này muốn nhắc đến, đó là ca khúc Đêm Buồn Phố Thị của nhạc sĩ Ngọc Sơn.
2 ca khúc mang tên Đêm Buồn Phố Thị này trùng cả tiêu đề lẫn tên nhạc sĩ sáng tác nên sau này đã có nhiều sự nhầm lẫn trong giới ca sĩ, giới nghe nhạc, cũng như cơ quan văn hóa đã lúng túng trong việc cấp phép phổ biến. Thực tế, có 2 nhạc sĩ Ngọc Sơn khác nhau (trước và sau năm 75), và 2 nhạc sĩ này đã sáng tác ra 2 bài hát có cùng tên Đêm Buồn Phố Thị, và cả 2 bài hát này đều nổi tiếng. Đó là nhạc sĩ Ngọc Sơn (sinh năm 1934) với ca khúc Đêm Buồn Phố Thị có lời nhạc như sau:
Trăng đêm đã lên rồi, phố buồn buồn ngủ yên
Bọn tôi từ lâu phiêu lưu khắp sơn hà
Nay mới về thành đô…
Ngoài ra, sau năm 1975 có xuất hiện 1 ca sĩ – nhạc sĩ Ngọc Sơn (sinh năm 1970), sáng tác một ca khúc Đêm Buồn Phố Thị khác:
Khi phố nhỏ lên đèn, chìm dần trong đêm,
lạnh bước chân đơn bóng đường trần.
Mà lòng tái tê, xa vắng vọng về
men đắng nào, cho vơi những thương đau.
Ca khúc Đêm Buồn Phố Thị sau năm 75 là một trong những ca khúc nổi bật của ca sĩ Ngọc Sơn được chính anh sáng tác và thể hiện trong 1 CD hồi thập niên 1990.
Ca sĩ Ngọc Sơn tên thật là Phạm Ngọc Sơn, lấy nghệ danh là Ngọc Sơn, và trùng tên với nhạc sĩ thế hệ trước 75 rất nổi tiếng có tên thật là Thái Ngọc Sơn, tác giả của các ca khúc 100 Phần Trăm, Đêm Buồn Phố Thị, Nét Son Buồn…
Trong làng nhạc vàng trước 75, rất hiếm có trường hợp ca sĩ có nghệ danh trùng nhau. Thông thường ca sĩ thế hệ sau luôn cố gắng tránh việc dùng nghệ danh trùng với thế hệ đi trước để thể hiện sự tôn trọng. Có một luật bất thành văn trong giới nghệ sĩ xưa, đó là ca sĩ vào nghề sau phải gọi ca sĩ vào nghề trước là anh/chị dù mình có lớn tuổi hơn.
Có một trường hợp ca sĩ có tên thật là Trương Thị Mỹ Dung phải lấy nghệ danh là Trang Mỹ Dung để không bị trùng nghệ danh với ca sĩ Mỹ Dung đã đi hát trước đó.
Tuy nhiên sau năm 1975, có rất nhiều ca sĩ lấy nghệ danh trùng với thế hệ đi trước. Ngoài Ngọc Sơn, còn có Mạnh Quỳnh, Thanh Thúy, Phương Dung…
Nói về ca khúc Đêm Buồn Phố Thị sáng tác trước năm 1975, nổi tiếng qua giọng hát Chế Linh, mời bạn nghe lại sau đây.
Click để nghe Chế Linh hát Đêm Buồn Phố Thị trước 1975
Ca khúc này nhiều người lầm tưởng là của ca sĩ Ngọc Sơn sau 75 sáng tác. Khi người viết gặp trực tiếp nhạc sĩ Ngọc Sơn trước 75 (Thái Ngọc Sơn), ông xác nhận ca khúc này là của ông sáng tác:
Trăng đêm đã lên rồi phố buồn buồn ngủ yên
Bọn tôi từ lâu phiêu lưu khắp sơn hà nay mới về thành đô
Ngõ gầy lạnh lùng đón bước chân mỏi mắt sầu buồn gọi tên
Gió lại về thấm lạnh lòng người trai
Đã bao mùa xuân đơn côi kiếp không nhà đi gần trọn quê hương
Đêm này chợt mùi hương tóc ai ru tôi về giấc mộng đầu
Từ ngày đi trấn phương xa
Mấy khi được về phố thị được vui với người yêu
Đường dài quân hành tôi bôn ba khắp nẻo quên nhọc nhằn gian nan
Nhưng tôi vẫn tin rằng có người hiểu lòng tôi
Dù cách biệt xa tôi luôn nhắc tên người cho ngọt vành môi khô
Dẫu rằng chỉ là dăm phút mơ giữa đêm dài vắng người tình
—
Trăng khuya cũng khuya rồi phố thị càng nồng say
Mình tôi ngồi đây rung rung mấy cung đàn gửi về người tôi yêu
Để đợi một ngày tan ᴄhιến chinh mảnh trăng thề nối tình mình…
Sau năm 1975, ca sĩ Ngọc Sơn có lẽ vì mến mộ ca khúc này nên viết một ca khúc khác, lấy cùng tên, nội dung viết về tâm trạng thất tình khi người yêu bỏ ra đi:
Click để nghe Ngọc Sơn hát Đêm Buồn Phố Thị
Khi phố nhỏ lên đèn chìm dần trong đêm
lạnh bước chân đơn bóng đường trần.
Mà lòng tái tê, xa vắng vọng về
men đắng nào, cho vơi những thương đau.
Em đã bỏ ta rồi,
từ ngày em đi,
thành phố xưa như quên mất nụ cười
Từ ngày em đi, mây gió gọi về
những đêm trường như tang tóc đìu hiu
Em còn nhớ những ngày xưa, ngày xưa đó em
ta cùng chung đường về,
mình cầm tay nhau
Trời khuya, gió mưa, trăng tàn trên lối nhỏ
mình vui suốt đêm thâu.
Nay dáng nhỏ xa rồi, chỉ còn ta thôi
về với ta trên suốt nẻo trần
Mà đường trần ai hay, cay đắng đọa đày
kỷ niệm này, đã xa vút tầm tay…
Ngoài ra, trước năm 1975 cũng có 1 ca khúc về “phố thị” khác, tên là Những Con Đường Phố Thị, có lời như sau:
Khắp quê hương anh đã từng đi vạn nẻo đường
Đường anh đi vẫn nhọc nhằn và nhiều gian nan…
Bài này trước năm 1975 được Chế Linh trình bày với tên gọi là Những Con Đường Tình Sử:
Click để nghe Chế Linh hát Những Con Đường Phố Thị trước 1975
bài: Đông Kha (nhacxua.vn)